Thứ sáu, 27/12/2024,


Diêu bông ngày ấy hỏi ai có còn? (16/05/2011) 

KHẼ KHÀNG DIÊU BÔNG

 

Diêu bông là lá của thơ

Mà sao lắm kẻ đợi chờ người dưng?

Tặng em lá thắm đã từng

Trách ai buông gió bay vần thơ say!

Chiều vun vén nắng sao đầy

Diêu bông ngày ấy hỏi ai có còn?

Giật mình: môi chạm thỏi son

Tưởng hơi rượu phả thuở còn vòng tay!

Xin đừng cản gió ngăn mây

Diêu bông hay chén rượu đầy, người ơi!

Lá bay theo gió xa khơi

Để hương ở lại say hơi nồng nàn

Buồn vui có thiếp có chàng

Nhạt phai rớt lại

Khẽ khàng

Diêu bông...

 

28 / 01 / 2011

 

Lâm Thị Thanh Trúc

 

 

Bài thơ “Khẽ khàng Diêu bông” là một bài thơ tình của nữ tác giả Lâm Thị Thanh Trúc gợi lên những cảm xúc diệu kỳ của tình yêu. Chủ thể trữ tình là cô gái trăn trở thao thức nỗi niềm riêng.

Ngay lời mở đầu, hai câu thơ nêu lên  một câu hỏi sự phi lý nhưng lại rất đáng yêu:

 

Diêu bông là lá của thơ

Mà sao lắm kẻ đợi chờ người dưng?

 

Nếu ai đã từng đọc bài thơ “Lá Diêu bông” ra đời từ năm 1959 của nhà thơ Hoàng Cầm sẽ cảm nhận được  hình ảnh Lá Diêu Bông với tơ lòng nhà thơ đắm say trong trường tình:

……

Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể.
Gió quê vi vút gọị
Diêu bông hời… ới Diêu Bông!”.

(Lá Diêu bông- Hoàng Cầm)

 

Lá Diêu Bông là lá tưởng tượng để bày tỏ ẩn tình bi thương, chất ngất. Ân tình đó được Hoàng Cầm gửi gắm qua bài thơ. Nay được tác giả Lâm Trúc trở lại trong trường tình thật tế nhị mà sâu sắc.

Đúng là không có lá Diêu bông ngoài đời nhưng có trong thơ và tình yêu say đắm mới có lá Diêu bông. Lá diêu bông không có nhưng tình yêu là có thật. Cái hay là ở đây, lá Diêu bông là lá của thơ, nhưng ngày lại qua ngày… Nguyễn Bính đã từng “Tương tư” với một người không hy vọng để cho ra đời cặp câu thơ lục bát nổi tiếng:

 

Gió mưa là bệnh của giời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

(Tương tư- Nguyễn Bính)

 

Trở lại hai câu thơ của Lâm Thị Thanh Trúc, ta thấy có câu hỏi chứa đựng những trăn trở rất thực và cũng rất hồn nhiên. Sự bí ẩn của tình yêu. Tình yêu bao giờ cũng vẫn khát khao, đợi chờ cho dù người ấy là “ Người dưng”. Khi lá Diêu bông vẫn xanh, lá của thơ Tình yêu không có tuổi. Sự khao khát vẫn đợi chờ. Thế mới biết hai câu thơ mở đầu chứa nhiều ý vị.

Sang đến bốn câu tiếp theo, dường như có giọng hờn trách:

 

Tặng em lá thắm đã từng

Trách ai buông gió bay vần thơ say!

Chiều vun vén nắng sao đầy

Diêu bông ngày ấy hỏi ai có còn?

 

Trách “Ai” phũ phàng mới tặng em lá thắm đã “Buông vần thơ say”, trách ai hững hờ “Diêu bông ngày ấy hỏi ai có còn?”. Một câu hỏi như có tiếng nấc nghẹn. Câu thơ có giọng hờn dỗi nhưng trong lòng đắm say tình yêu của người con gái vẫn vẹn thủy chung. Đọc lại hai câu, ta mới thấy sự vun vén cho tình yêu đẹp của người con gái ấy:

 

Chiều vun vén nắng sao đầy

Diêu bông ngày ấy hỏi ai có còn?

 

Câu thơ vẫn vẹn toàn tình nghĩa chỉ trách ai say đắm rồi lại hững hờ để em một phía vẫn chờ vẫn trông.

Những câu thơ tiếp theo là sự giật mình nuối tiếc những ngày qua:

 

Giật mình: môi chạm thỏi son

Tưởng hơi rượu phả thuở còn vòng tay!

Xin đừng cản gió ngăn mây

Diêu bông hay chén rượu đầy, người ơi!

 

Nuối tiếc những kỷ niệm chăng? Hay nuối tiếc tuổi xuân? Chỉ còn là dấu kỷ niệm thôi. Bao cuộc tình vẫn thế, làm sao biết trước được điều gì chắc chắn. Thôi thì đành để gió mây bay, lá Diêu bông cũng sẽ chỉ còn trong mộng tưởng. Những câu thơ trên đã nói hộ bao nhiêu cuộc tình dâu bể.

Những câu thơ kết nói đến sự khát khao hòa hợp nồng thắm:

 

Lá bay theo gió xa khơi

Để hương ở lại say hơi nồng nàn

Buồn vui có thiếp có chàng

Nhạt phai rớt lại

Khẽ khàng

Diêu bông...

 

Chủ thể trữ tình mong muốn dẫu lá Diêu bông kia có bay đi nhưng hãy để lại hương say nồng nàn. Dẫu có hơi khách sáo “Buồn vui có thiếp có chàng” nhưng lại là sự trân trọng một tình yêu đẹp vẫn thường có trong ca dao: “Đói no có thiếp có chàng”. Nhân vật trữ tình rất tinh tế và nhạy cảm trong câu thơ cuối cùng. Điều không mong muốn “nhạt phai rớt lại” của mối tình, chỉ mong sự nồng thắm ngọt ngào.

Vẫn là thể lục bát quen thuộc, cách tâm tình nhẹ nhàng, nhịp thơ chầm chậm, xen những câu hỏi tu từ. Có những câu thơ có hờn giận, có trách móc nhưng thật  hồn nhiên đáng yêu. Toàn bài thơ vừa khẳng định một tình yêu sâu sắc của người con gái vừa nuối tiếc cuộc tình trong mong đợi, nữ tác giả Lâm Thị Thanh Trúc đóng góp vào thơ ca một bài thơ tình đằm thắm. Với “Khẽ khàng Diêu bông”, Lâm Thị Thanh Trúc đã đem đến một bài thơ tình lãng mạn mà đắm say, chứa chất những định mệnh của trường tình/.

 

 

Trần Đức Thủy

GV Trường THPT Long Thạnh

Huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: