Thứ năm, 16/05/2024,


Em về cho phố dâng đầy mùa thu (12/05/2011) 

NGẪU CẢM

Gió chiều nâng áo em bay
Em về cho phố dâng đầy mùa thu
Để màu nắng nhuốm tương tư
Chín mùa mộng ước...
quên mùa bão giông...

Anh tìm nghe gió trên sông
Chênh chao lắm những dặm lòng khê nhiêu
Treo nghiêng một ánh trăng chiều
Như quen như lạ... đìu hiu bước buồn!...

Vũ Hoàng Linh


 


 

Hôm nay đọc thơ Vũ Hoàng Linh giữa cái nắng như thiêu đốt bất chợt thèm muốn cái gai gai lạnh của cơn may mùa thu, dẫu biết đôi chân đang đứng giữa mùa hè. Những câu thơ như mang mùa Thu về sớm hơn, để chút man mác buồn len lỏi xâm chiếm bờ hồn, gọi nỗi nhớ xa xăm:


Gió chiều nâng áo em bay
Em về cho phố dâng đầy mùa thu


Con gió mùa thu thổi vạt áo người con gái, một hình ảnh có thể thật cũng có thể ẩn dụ tùy theo xúc cảm của mỗi người. Với tôi làn gió ấy dường như thổi về chút dư âm của ký ức. Từ 'nâng' nhẹ nhàng, êm đềm dường vậy. Nó không gào gọi như mùa Đông, không khát cháy như mùa hạ, không cuồng say như mùa xuân mà chỉ dịu dàng, mỏng manh như mùa thu, chút mùa thu vương buồn nơi ký ức: 'Em về cho phố dâng đầy mùa thu'. Một câu thơ sử dụng tới ba hình ảnh 'em', 'phố' và 'thu'. Ba hình ảnh tách rời nhau để rồi nhập lại làm một . Câu thơ ấy dường như đã biến người con gái ấy trở thành linh hồn của mùa thu. Ta có thể nghe từng bước chân trở về ấy là hình ảnh bóng dáng mùa thu.

Mùa thu về! Có thể là hơi quá khi so sánh hình ảnh thu ấy với thu của Tế Hanh:

'Mùa thu đã đi qua còn để lại
Một ít vàng trên lá trên cây
Một ít buồn trong gió trong mây...'

Cái thu của Tế Hanh được rải trải lên mọi vật, lên không gian và thời gian. Cái thu trong thơ Vũ Hoàng Linh lại cô đọng vào mỗi bước chân của người con gái ấy trở về nơi phố cũ:


Để màu nắng nhuốm tương tư
Chín mùa mộng ước...
quên mùa bão giông...

 

Cái màu nắng dưới cái nhìn đơn thuần chỉ mang đến cho ta sự định nghĩa giản đơn nhất. Dưới con mắt của người nghệ sĩ thì màu nắng ấy nhuốm đầy nỗi tương tư. Thu là vậy, có ai đó khi đứng trước thu mà lòng không chợt dâng lên một nỗi niềm nào đó. Khi tâm hồn bỗng dưng bắt gặp một điều gì đó thân quen thì 'màu nắng nhuốm tương tư' cũng là điều dễ hiểu. Khi trong mỗi người ai không thổn thức nơi ký ức thời gian gọi tìm: 'Chín mùa mộng ước... quên mùa bão giông ... '

Với Thu dường như người ta luôn gắn liền với một định nghĩa buồn, nhưng có thể không hoàn toàn như vậy. Ý niệm là một điều không phải là bất khả. Mùa thu cũng có thể là nơi bắt đầu cho một hạnh phúc, một mùa dấu yêu. Bão giông không thể làm thay đổi khi ý niệm khởi nguồn. Tình yêu là vậy. Thu là vậy. Hồn người là vậy. Sự thay đổi để tốt đẹp hơn khi nảy nở giữa bão giông là quả ước mơ đã chín. Cũng như cổ nhân đã nói: 'Đông phong vô lực bách hoa tàn” (Gió đông không thể làm trăm hoa tàn tạ), thế thì có gì lạ khi mùa thu kia cũng là lúc quả niềm tin đã chín rộ cây cành:

Anh tìm nghe gió trên sông
Chênh chao lắm những dặm lòng khê nhiêu

Khổ thơ trước mang người con gái, mang mùa thu về với chốn cũ. Khổ thơ sau lại cho ta thấy sự khắc khoải đi tìm của người con trai: 'Anh tìm nghe gió trên sông'. Gió mùa thu thì có dành riêng ở một khoảng nhất định nào đâu . Sao người ấy phải đi tìm? Có lẽ cơn gió ấy là cơn gió chở nỗi riêng tư mà người con trai đã để quên hoặc đánh mất ở khung trời quá khứ cũng nên: 'Chênh chao lắm những dặm lòng khê nhiêu'. Có những quá khứ mà ta đi tìm lại chẳng chút dễ dàng gì. Khi mà lòng người là những 'dặm lòng' hun hút xa . Khi mà cuộc sống còn nhuộm đầy những 'khê nhiêu'. Thì nỗi nhớ ơi! Cuộc hành trình tìm mi còn 'chênh chao' nhiều lắm:

Treo nghiêng một ánh trăng chiều
Như quen như lạ... đìu hiu bước buồn

Trong cái ngày người con gái và thu trở về ấy, người con trai đã đi tìm để rồi chẳng thấy. Để rồi mảnh trăng đã treo nghiêng nơi thềm chiều, để rồi những cảm giác quen... lạ ẩn hiện và để rồi những bước chân nặng trĩu nỗi đìu hiu.

Thu đã về nhưng không còn hình dáng thu xưa. Bỗng thấy buồn khi bước về chợt lạ. Vũ Hoàng Linh đã vẽ lên một mùa thu khác. Mùa thu của những quen lạ chập chờn…

 

 

Nguồn: vietnamcayda.com

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: