Thứ sáu, 27/12/2024,


Trắng như thấu trọn nỗi đau một thời! (30/04/2011) 

Hoa Bướm trắng

 

(Kính viếng hương hồn các nữ chiến sĩ TNXP

đã ngã xuống đường Trường Sơn cho ngày 30/4)

 

Như muôn cánh bướm trắng rừng

Đường qua Sơn Trạch* ngập ngừng nắng mưa

 

Còn đâu, đâu những ngày xưa

Rừng Trường Sơn đã mấy mùa lên xanh

 

Nơi em ngủ giấc yên lành

Có con suối nhỏ chảy quanh bạn bầu

 

Và hoa cứ kết trên đầu

Trắng như thấu trọn nỗi đau một thời!

 

Anh về có một mình thôi

Một anh với một phần đời như mơ

 

Xe đi trăng đỏ bụi mờ

Câu hò thấp thoáng ngẩn ngơ dặm dài…

 

Ai vừa gọi khẽ tên ai?

Chiều nghiêng bóng núi lặng cài lòng thung…

 

Như muôn cánh bướm trắng rừng

Đường qua Sơn Trạch  ngập ngừng nắng mưa…

 

Hồ Phong Tư

 

 

----------------------------------------------

*Làng Sơn Trạch điểm đầu tiên đi vào Đường mòn Hồ Chí Minh thuộc tỉnh Quảng Bình

 

 

 

Mối tình theo vầng trăng đỏ cuốn ra tiền tuyến. Ba mươi sáu năm sau ngày giải phóng, tình ấy vẫn khắc khoải trắng. Trắng như thấu trọn nỗi đau một thời.

Đọc lại bài thơ Hoa bướm trắng của Hồ Phong Tư, những âm giai hào hùng của mối tình anh lái xe với cô gái thanh niên xung phong ngày nào vẫn văng vẳng: 'gặp em trên cao lộng gió/ rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ... đoàn quân vẫn đi vội vã/ bụi trường sơn hòa trong trời lửa'. Câu hát ấy nay được cộng hưởng với hoa bướm trắng mà nhà thơ họ Hồ mới trình ra. Một khoảnh khắc đẹp buồn anh âm thầm giữ cho riêng mình suốt bao nhiêu năm qua sau ngày chiến tranh kết thúc.

Cứ tháng tư về, hoa bướm trắng bay về, những ngày như thế, sao mênh mang giữa chiều quê. Tháng tư về... hoa bướm trắng lại về... trong những đêm không ngủ, nằm nghiêng cũng nhớ, nằm ngửa cũng nhớ, ngồi dậy cũng vẫn nhớ. Nhớ cái màu hoa trắng đơn sơ tinh khiết như nước mưa đầu mùa ở Trường Sơn năm ấy.

Trở lại Sơn Trạch lần này đủ điều kiện để anh bạch thoại: “anh về có một mình thôi/ một anh với một phần đời như mơ”. Ước mơ ấy không bao giờ có cơ hội thành sự thật. Bởi người con gái ngày ấy trong lần thoáng gặp trên đường hành quân đã mãi mãi ở lại với Trường sơn với con suối nhỏ chảy quanh. Mùa khô con suối lặng tờ trong đến khôn cùng. Mùa mưa con suối hát ru, khúc ru bướm trắng tinh khôi.

Tôi đồ rằng, phía sau khóm hoa dại như đàn bướm trắng vỗ cánh nắng lấp loá có cây bồ kết mới mọc lớp gai non đang lên xanh màu xanh lá. Phải đông sang, những chùm bồ kết chín đen núc nỉu mới ngan ngát thơm. Hương thơm bồ kết chín, chải cho mái tóc suối như mái tóc cô thanh niên xung phong ngày nào.

Lần trở lại này anh đã tự bạch với hương hồn người đã bay cao, bay xa, lúc ẩn lúc hiển hiện. Tự bạch rằng:

 

Ai vừa gọi khẽ tên ai

Chiều nghiêng bóng núi lặng cài lòng thung

 

Câu thơ như chiếc lược chải mái tóc cho người yêu dấu, chải cho cái tình ngày ấy suôn mềm trong lời thú tội muộn mằn chân thật.

Bài thơ như một “nỗi buồn chiến tranh”. Tôi không thể dùng từ khác để nói về cái tứ của bài thơ, mặc dù từ này là tên của một tiểu thuyết rất nổi tiếng.

Theo thông lệ trước đó, Hồ Phong Tư từng viết: “nỗi buồn tôi gói vào trong nỗi buồn”. Nay anh lại cởi nỗi buồn từ trong nỗi buồn kia và tãi nó ra theo dòng suối nhỏ bạn bầu với nấm mồ cô đơn ngần ấy năm. Lời bạch thoại còn như một sẻ chia, một nghĩa vụ của một người đã đơn phương gìn giữ ngần ấy năm cái khắc khoải kia trong lần thoáng gặp duy nhất trên đường hành quân. Rồi ngập ngừng... Ngập ngừng bướm trắng khi mưa rừng bất chợt.

Ai có một thời Trường Sơn khi đọc những câu thơ hình hoa bướm trắng đều thấy lòng trĩu xuống, cố kìm tiếng rơi của những giọt nước mắt không bật thanh âm. Âm thanh ấy đã tan trong mùa mưa Trường Sơn, tan cùng dòng suối nhỏ chảy quanh bạn bầu, hát ru khóm hoa bướm trắng. Nơi có cây bồ kết vừa trổ những đám gai xanh màu xanh lá, cuối đông sẽ cho mùi thơm bồ kết tràn vào tóc suối chảy quanh nấm đất vô danh.

 

Ngày 18/4/2011

 

Vân Đình Hùng

Điện thoại: 0988000816

Email: vandinhhung@gmail.com

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: