Thứ ba, 14/01/2025,


Sắc hương ngày cũ có tàn phai đâu (20/04/2011) 

VỀ MỘT LOÀI HOA TRONG TRANG SÁCH

 

Ngậm ngùi hoa trắng chưa phai

Ngủ trong trang kỷ niệm dày thời gian

Ôi, trầm lặng mấy chia tan!

Sắc hương ngày cũ có tàn phai đâu.

 

Tôi nâng niu chút ban đầu

Nhìn hoa xưa thoáng gợn sầu mênh mang

Đời trôi nổi, kiếp hợp tan

Chén cơm, manh áo, bụi trần, cõi riêng...

 

Tình xưa thương nhớ, thưa em!

Ước mơ nay bóng mây chiều trên sông

Đã ôm dang dở vào lòng

Sao buồng tim cứ chất chồng nỗi đau.

 

Và người xưa biết tìm đâu

Bao thương tiếc chỉ gửi vào sắc hoa.

 

 

Nguyễn Văn Tài

(Hội VHNT Tây Ninh)

 

 

Có khi nào bạn giở lại trang sách và bắt gặp một đóa hoa đã ướp vào trong đó lâu ngày rồi không? Nếu cánh hoa đó là kỷ niệm cho một cuộc tình thì lòng bạn rung động biết bao nhiêu. Trước đóa hoa, không gian năm xưa của bạn sẽ quay lại, thời gian của bạn sẽ quay lại và tâm tư tình cảm của bạn ngày ấy cũng sẽ quay lại. Đóa hoa ép trong lòng trang sách được mở ra giống như nàng công chúa ngủ lâu ngày trong thạch động nay thức dậy với hoàng tử của mình.

Với bốn câu thơ khổ đầu của bài thơ “Về một loài hoa trong trang sách” nhà thơ Nguyễn Văn Tài đã đem đến cho tôi một cơn mơ dài về quá khứ của mình và một nỗi nhớ nhung rất khắc khoải nhưng cũng rất êm ái trong lòng. Khắc khoải mà êm ái, đó là tâm trạng chung với những ai nhớ về một mối tình tan vỡ trong quá khứ. Xin đọc bốn câu thơ sau đây rồi hãy dừng lại, đừng vội vã bước qua vế sau, hãy để lòng tưởng nhớ đến kỷ niệm một mối tình trong quá khứ, quý vị sẽ thấy những rung động của tác giả mà tôi đã đồng cảm:

 

Ngậm ngùi hoa trắng chưa phai

Ngủ trong trang kỷ niệm dày thời gian

Ôi, trầm lặng mấy chia tan!

Sắc hương ngày cũ có tàn phai đâu

 

“Ngủ trong kỷ niệm”, “Trầm lặng mấy chia tan”... Đọc mấy ý thơ này ta thấy giống như ngồi một mình mà uống ly chanh đường trong mùa hạ hay một ly rượu đậm trong mùa đông vậy. Phải ngồi một mình thì mới ngậm ngùi, ngậm ngùi mà thưởng thức vị ngọt vị nồng của tình yêu đã trầm lặng tan vào trong quá khứ.

Qua khổ thứ hai của bài thơ tác giả đã viết:

 

Tôi nâng niu chút ban đầu

Nhìn hoa xưa thoáng gợn sầu mênh mang

Đời trôi nổi kiếp hợp tan

Chén cơm, manh áo, bụi trần, cõi riêng…

 

Hãy tưởng tượng tác giả nhẹ tay cầm đóa hoa lên, và ngay lúc đó căn phòng trở nên rộng mênh mang như một bầu trời, nỗi buồn như ngọn gió se lạnh mùa thu ập đến, thời gian hiện tại dừng đi và quá khứ quay về hiển hiện trong tâm tưởng. Tác giả chỉ nói trong thơ “thoáng gợn sầu” nhưng thật ra ông chỉ thoáng gợn sầu lúc ban đầu khi vừa thấy hoa, và sau đó ông đã buồn da diết cho cuộc đời trôi nổi, cho kiếp hợp tan, cho cõi riêng cách biệt khi ông thốt ra hai câu thơ: “Đời trôi nổi kiếp hợp tan. Chén cơm, manh áo, bụi trần, cõi riêng…”

“Chén cơm, manh áo, bụi trần, cõi riêng…”. Tác giả gằn từng chữ trong câu thơ này chứng tỏ lòng ông chua chát biết bao nhiêu, và ông đã làm cho người đọc cũng thấy lòng mình se lại đồng cảm cùng ông.

Ở khổ thơ thứ ba tác giả đã “thưa em”, nhưng em đâu còn nữa mà thưa, chỉ thưa với đóa hoa ép cầm trên tay mà thôi:

 

Tình xưa thương nhớ, thưa em!

Ước mơ nay bóng mây chiều trên sông

Đã ôm dang dở vào lòng

Sao buồng tim cứ chất chồng nỗi đau.

 

Đau là phải rồi tác giả ơi! Vì ước mơ ngày xưa đâu tan trong ông, nó còn hiển hiện ra quá đẹp như “bóng mây chiều trên sông”. Cho nên, dẫu ông có tự dặn lòng bao nhiêu lần là sẽ quên đi, sẽ “ôm dang dở vào lòng” bao nhiêu thì “buồng tim cứ chất chồng nỗi đau”. Buồng tim của tác giả không chỉ ôm nỗi đau mà chất chồng nỗi đau có nghĩa tình dang dở theo năm tháng không phai mờ mà mỗi ngày lớn lên gấp nhiều lần, giống như nỗi đau chất chồng lên vậy.

Đọc hai câu cuối của bài thơ quả thật tim tôi như thắt lại khi hình dung tác giả ngồi một mình và than thở với hoa:

 

Và người xưa biết tìm đâu

Bao thương tiếc chỉ gửi vào sắc hoa.

 

Tim tôi như thắt lại vì tâm tình của tác giả cũng giống như tâm tình của tôi, và tôi đoán chắc nó cũng giống như tâm tình của bao bạn đọc khác. Chúng ta dẫu không có một đóa hoa ép vào trang sách nhưng chắc có một đóa hoa ép vào trang lòng, và cũng có khi mở đóa hoa ấy ra như tác giả Nguyễn văn Tài đã mở đóa hoa trong sách vậy.

Tôi không phải là nhà bình thơ. Tôi chỉ viết những gì mà tác giả làm cho tôi rung động. Tôi nghĩ rằng bài thơ “Về một loài hoa trong trang sách” chính nó là một loài hoa, một loài hoa đẹp kín đáo, càng ngắm lâu và càng ngắm kỹ thì sẽ khám phá ra rất nhiều hương và sắc./.

 

 

Châu Thạch

Điện thoại: 0511.3894610

Email: truongvantran@hotmail.com

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: