Anh về thăm lại hoàng cung
thành cao đã phế, sân rồng đã hoang
đoái nhìn mấy dặm quan san
áo anh bay lẫn ráng vàng uy nghiêm
Giang hồ dừng bước một đêm
trúc sen là lính, cỏ bìm là ngai
kíp ban ngự tửu trong ngoài
mời sông mời núi mời ai tương phùng
Bóng em xa ngọn đèn chong
vai gầy tóc rối ẵm bồng con thơ
truyền quân mã rước một giờ
ngôi trời cô lẻ trẫm chờ ái khanh.
Nguyễn Thanh Mừng
Bài Đất Vua của Nguyễn Thanh Mừng có những cái hay dễ thấy: lối đối xứng rất chỉnh, rất tự nhiên của lục bát dân tộc (thành cao đã phế, sân rồng đã hoang; trúc sen là lính/cỏ bìm là ngai…); kể cả một đối xứng trong toàn bài: anh ở đây và em ở xa. Những từ ngữ Hán Việt nhằm phục hồi chính xác, khơi gợi dáng vẻ hoàng quyền: ngự tửu, quân mã, ngôi trời, trẫm, ái khanh, ban, rước… Nhưng tôi thích nhất thần thái bài thơ này chính ở mối ân tình rất sâu nặng của người chồng với người vợ. Có thể nói: cái người “vai gầy tóc rối ẵm bồng con thơ” ở bên “ngọn đèn chong” xa xa trong trí tưởng anh chồng giang hồ kia đã thắng cả một hoàng triều, đã ngự trị cả một đế đô xưa cũ!
Thì ra anh chàng thi sĩ giang hồ hiện đại kia chỉ mượn tất cả những “phế liệu” của cả một triều đại huy hoàng nào đấy để biểu diễn (vì nghệ thuật là phải biểu diễn) một cách chân thật nhất, cảm động nhất mà vui hóm nhất cái sự cô lẻ của “trẫm” không thể nào thiếu vắng ái khanh!
Nếu không có hai câu chạnh lòng đến ân hận, thương yêu đến xa xót “Bóng em xa… bồng con thơ”, thì những diễn tả ở hai khổ thơ đầu chỉ là của một tay khéo kỹ xảo, tài hoa ngôn ngữ. Cái hình ảnh khiêm nhường, tồi tội, rất phụ nữ Việt
TRÚC THÔNG