Thứ ba, 14/01/2025,


LỤC BÁT LÀ MẸ CỦA THI CA TRONG TÂM HỒN NGƯỜI VIỆT (12/04/2011) 

Lục bát có từ bao giờ. Dân tộc nào trên thế giới có thể thơ 6/8 này.

Theo huyền sử thì người Chăm - Pa; người Thái Lan cũng có thơ lục bát. (Vũ Lang Nguyễn Khắc Ngữ. Văn hoá nguyệt san SG 2/10/1957. Nghiêm Thẩm nguyệt san Quê Hương, nguyệt san Sài Gòn 1972) (N.Trọng Tạo - Văn chương và cảm luận). Nhưng lục bát ở hai dân tộc này không phát triển, dần dần mai một đi. Trong dòng chảy của văn hoá Phù Nam xuyên suốt văn hoá phương Nam, miền Nam nước Việt. Cổ sử có sách nói về chủng tộc và địa lý thì dân tộc Chăm, Lào và một phần diện tích phía đông nước Thái Lan bây giờ thuộc nước Việt. Bộ tộc Lạc Việt thuộc nền văn hoá lúa nước. Cuộc sống gắn liền với sông nước, đồng bằng, cày cấy hái lượm thuận tiện. Mùa màng theo sự tuần hoàn của mặt trăng mà chia thành mùa và làm ra lịch. Phương đông lấy lịch âm làm chuẩn, nặng về thuyết âm dương ngũ hành, xuất phát từ kinh dịch. Kỳ thư đang có nhiều ý kiến. Kinh dịch là do người Việt làm ra (cũng như Cố Cung của người Trung Quốc là Nguyễn An người Việt thiết kế xây dựng lên) kinh dịch bị người Trung Quốc chiếm dụng. Theo kinh dịch các số lẻ (1.3.5.7) thuộc dương các số (2, 4, 6, 8) thuộc âm. Hai số 6 và 8 là số sinh, còn số 10; 2, 4 là số thành. Nên thơ lục bát theo số 6 và 8 là số sinh (Đỗ Trọng Khơi gmail.com). Mà sinh chỉ có ở đàn bà. Vậy nên ta có tục thơ Mẫu. Đồ dùng hầu hết được gọi bằng cái: cái mâm, cái bát, cái đĩa... duy có dao dựa được gọi là đực dựa (nhưng không phổ biến lắm).

Trong dòng chảy hàng nghìn năm và quá trình vận động. Lục bát đã ngấm ngầm sinh sôi và tồn tại. Lục bát uyển chuyển, giãi bày tâm tư, tình cảm, có hồn, có nhịp, có vần, có điệu. Có thể nói lục bát là mẹ của thi ca. Là máu chảy trong huyết quản để nuôi sống tâm hồn người Việt. Không một người Việt Nam nào dù là thảo dân (chỉ biết điểm chỉ) cho đến các bậc công hầu lại không thuộc vài câu ca dao, vài câu trong Phạm Công Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Chinh Phụ Ngâm, Kiều... ngày nay là Tản Đà và Nguyễn Bính, Xuân Diệu...

Có thể nói lục bát là khối nam châm với từ trường cực rộng và lớn. Bất kể người làm thơ ở mọi trình độ khác nhau đều làm được thơ lục bát. Còn hay hay dở tuỳ thuộc vào độc giả và thời gian. Lục bát có thể chết khi đang sống và vẫn sống tưởng như đã chết. Vì bài thơ ấy sinh ra ở quan điểm chính trị của từng thời. Lục bát dung nạp tất cả những vận động thường nhật, hàng ngày, hàng giờ. Thành câu nói có vần, có nhịp để di dưỡng tâm hồn. Cho nên lục bát đã nâng lên thành ca từ của các làn điệu trong cuộc sống. Vì vậy ngày nay người ta tổ chức thi hát các làn điệu dân ca hàng năm và UNEPSCO công nhận Ca trù, Quan họ là di sản phi vật thể của thế giới. Cụ Nguyễn Du được công nhận là danh nhân văn hoá thế giới bởi truyện Kiều. Cũng xem công nhận thơ lục bát một cách chưa trực tiếp là di sản của nhân loại.

Lục bát gắn liền với con người Việt như khí trời, cơm ăn, nước uống. Người ta có thể nhịn ăn, nhịn uống hàng tuần, nhưng không thể nhịn thở trong vài phút. Dẫu rằng dân tộc Việt trải qua nghìn năm Bắc thuộc, vài trăm năm thực dân đô hộ, ảnh hưởng văn hoá là có. Nhưng lục bát là “đặc sản” của người Việt Nam. Trưa hè oi ả, bà ôm cháu nằm trên võng à ơi bằng câu lục bát, mẹ hát dạy con cũng bằng câu lục bát “Con ơi nhớ lấy câu này/ Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan” (Cao dao) (không thể ru con bằng thơ Đường luật, thơ tự do bao giờ). Bây giờ thời hiện đại người ta có thể mở cát-set ru con bằng nhạc. Điệu hồn của người Việt và chỉ có người Việt mới sinh ra các làn điệu Ca trù, Trống quân, Cò lả, Chèo, Xẩm, hát Đúm, Ru con, Phường vải, Nam ai, Nam Bình. Cội nguồn lục bát được sinh ra từ các làn điệu dân ca ấy. Trong quá trình lao động, gọt rũa kỳ khu, lược bỏ chữ nghĩa ghép vần để rồi thành thơ lục bát. Đỉnh cao nghệ thuật là truyện Kiều của cụ Nguyễn Du. Mở đầu truyện Kiều.

“Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài, chữ mệnh ấy là ghét nhau”

Thật dân dã, gần gũi, cứ như câu nói thông thường. Nhưng nội hàm như chân lý. Như tổng kết và khẳng định thói đời vốn là như thế. Không một người VN nào không may bị va đập mà không thốt lên câu lục bát sấm truyền này. Ai cũng hiểu và sẽ thuộc. Còn những câu ca dao đầy tình tứ của trai gái trêu gẹo nhau: “Hỡi cô tát nước bên đàng/Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”. Cách gieo vần dung dị, hình ảnh thật động và thật đẹp, ý tứ làm sao. Nếu như lệ thuộc vào thơ Đường luật với cặp lục bát nói trên sẽ chết. Nếu như đưa vào thể tự do chắc sẽ thô thiển. Có thể ngoa ngôn, nhưng ngôn ngữ của người VN là vô cùng phong phú, nếu như các nước trên thế giới gọi người sinh ra mình bố là: pa pa, mẹ là má ma. Thì VN có không biết bao nhiêu danh từ thay thế, mà khi đưa vào thơ đọc lên ai cũng hiểu, ví như: Bọ, mạ, bầm, bủ, mế, mệ, cha, mẹ, bố, bu, thầy, u, ba, má. Một số trưởng giả ở thành thị ngày xưa con cái gọi bố mẹ là cậu mợ. Vì vậy Tố Hữu đã viết: “Bầm ơi có rét không Bầm”. Ai cũng hiểu Bầm là người mẹ. Hoặc như Nguyễn Bính trong bài “Chân quê”.“Hoa chanh nở giữa vườn chanh/ Thầy u mình với chúng mình chân quê”. Dù bị cưỡng bức ảnh hưởng văn hoá phương Bắc hàng nghìn năm, ảnh hưởng văn hoá phương Tây vài trăm năm. Ông cha ta vẫn có thứ ngôn ngữ của riêng mình. Các cụ lập ngôn để giữ gìn bản sắc của dòng văn hoá Việt. Nếu như thay câu thơ: “Bầm ơi có rét không bầm” bằng câu “Má ma ơi có rét không má ma” và “Thầy u mình với chúng mình chân quê” bằng câu “pá pa, má ma mình với chúng mình chân quê” thì thật ngớ ngẩn, nói như thế không phải là phủ nhận tất cả. Người VN vừa chấp nhận vừa lược bỏ, đấy là cái hay của chữ Việt. Ví như phụ tùng chiếc xe đạp ở thế kỷ XXI này chúng ta không thể có danh từ nào thay thế được, tỷ như: xích, líp, cồn, phốt, ghi đông, gác đờ bu, gác đờ xen, poóc pa ga, moay ơ... mà bất kể người VN nào ra cửa hàng muốn mua mà gọi tên khác được. Chính vì thế mà chúng ta còn có thơ lục bát đến hôm nay. Không giống bất kỳ thứ thơ nào trên thế giới dù bị nô lệ lâu nhất trên thế giới.

Cái hay, cái đẹp của thơ lục  bát là tính phổ quát rộng, sức truyền cảm sâu. Ngôn ngữ dìu dặt có vần luật, trầm bổng có tính nhạc và rất du dương. Nếu như tiếng Hán có 4 thanh (Bình, Thượng, Khứ, Nhập) thì tiếng Hán - Việt có 8 thanh (ngang, huyền, hỏi, ngã, sắc khứ, sắc nhập, nặng khứ, nặng nhập) (Thơ, thi pháp và chân dung của Đặng Tiến - NXB PN - 2009) dẫn chứng ra đây không phải lệ thuộc hẳn vào sách vở. Bởi trong quá trình giao lưu tiếp cận với nhiều nền văn hoá trên thế giới. Ảnh hưởng văn minh của văn hoá nhân loại. Lục bát không ngừng đổi mới và làm mới mình. Rất hãn hữu chúng ta đọc thơ lục bát hôm nay có từ “chàng” và “nàng” như Nguyễn Bính ngày xưa “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi”. Thơ nói chung và lục bát nói riêng phải thật giầu hình ảnh, tài ví von. Dù là giận hờn hay oán trách song thơ vẫn mềm mại như câu ca dao: “Công anh bắt tép nuôi cò/Đến khi cò lớn cò dò lên cây”. Hay nói đến cảnh gian nan vất vả của người vợ: “Cái cò lặn lội bờ sông/Gánh gạo đưa chồng, nước mắt nỉ non”. Để nói lên cảnh lam lũ, ca dao dùng hình ảnh con cò để nói về thân phận con người. Lục bát đã vô tình trở thành lời hát ru. Người ta hát bằng thơ lục bát, tỏ tình bằng thơ lục bát, đối đáp bằng thơ lục bát và cả khóc bằng thơ lục bát (thuê thợ kèn khóc ở đám ma). Tám thanh tiếng Hán - Việt làm câu lục bát giàu có lên, ngọt ngào dân dã và gần gũi xiết bao. Sức mạnh của thơ lục bát truyền khẩu trong kháng chiến chống Pháp là những bài hò vè, diễn ca, cổ động phong trào toàn dân đánh giặc. Trong bình dân học vụ, lục bát làm chức năng ấy mà thơ khác không đủ sức mạnh làm lan toả và sâu rộng trong mọi tầng lớp từ quần chúng không biết chữ đến trí thức. Ai đó đã nói: Văn xuôi là gạo nấu thành cơm, còn thơ là cơm chưng cất thành rượu. Còn thơ hàn lâm là rượu chưng cất thành cồn. Nếu như thơ Đường luật bắt buộc tuân thủ niêm luật: Nhất, tam, ngũ, bất luận. Nhị, tứ, lục, phân minh. Đề, thực, luận, kết. Thơ Sonnê của Pháp quy định 8 dòng, mỗi dòng chỉ có 14 từ. Thơ Hai - Kư của Nhật được cấu tạo 17 âm tiết (5-7-5) chia làm 3 dòng. VD: Bài thơ của Bashô (1694) “Thu thăm thẳm/ Người hàng xóm của tôi/ Ông sống ra sao - Tôi tự hỏi”. Và dứt khoát phải nói đến một mùa trong 4 mùa của một năm. Thơ lục bát của VN cũng tuân thủ rất nghiêm nhịp đôi 2-2-2 và sự phân phối bằng trắc. Câu lục được cấu tạo B+B/T+T/B+B và câu bát T+B/T+T/ T+B/B+B (Thơ thi pháp và chân dung của Đặng Tiến - NXBPN 2009). Lục bát chuẩn thì chữ thứ 2 câu lục với chữ thứ 2 câu bát phải là thanh bằng. Chữ thứ 4 mỗi câu là thanh trắc. Ngoài nhịp đôi truyện Kiều của cụ Nguyễn Du đã phá cách theo nhịp 3-3 mà dùng thanh trắc ở chữ thứ 2 và chữ thứ 4 ngay trong câu lục mà nghe vẫn chuẩn. “Mai cốt cách, tuyết tinh thần. Đau đớn thay, phận đàn bà. Nước vỏ lựu, máu mào gà”. Các chữ thứ 2, thứ 4 ở câu lục này đều thanh trắc mà vẫn chuẩn (Vương Trọng. Lục bát.com) ngày nay đọc thơ Nguyễn Duy. Anh cũng phá cách theo nhịp 3-3. “Bao triều vua phế đi rồi/Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ”. Nếu câu thơ ngắt nhịp đôi thì khó lọt tai, vô hồn, vô nghĩa “Bao triều/ vua phế/ đi rồi. Người yêu/ nước chẳng/ mất ngôi/ bao giờ”. Vậy bằng cảm quan đọc ở nhịp 3-3 câu thơ sẽ rung động, thanh thoát, thuận tai. “Bao triều vua, phế  đi rồi/ Người yêu nước, chẳng mất ngôi bao giờ”.

Thơ lục bát dễ làm nhưng khó hay. Vì kết cấu vần, thanh điệu bằng trắc. Ví dụ: Cũng viết về đôi mắt: Thanh Tùng có 2 câu thơ tự do “Quán ngợp lá, mắt em thì đen thế/ Rượu không say chỉ đủ để buồn thôi”. Còn Đồng Đức Bốn thì viết: “Đừng buông giọt mắt xuống sông/ Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm”, cả hai câu thơ đều hay. Nhưng với tôi thơ Đồng Đức Bốn dễ thuộc, dễ thấm. Có thể ví thơ lục bát như diễn viên xiếc đi trên giây thép. Nghiêng bên này là văn vần, nghiêng bên kia là diễn ca, hò, vè. Dù vần thật chuẩn nhưng là ghép thì câu thơ thiếu sức sống, không làm lay động hồn người đọc. Một câu thơ lục bát là hai dòng, câu thơ mới đủ ý và nghĩa. Không như thơ Đường luật hoặc tự do. Một câu thơ có thể nói được hết một ý. Vì chạy theo vần nên có thể ví thơ lục bát như con ngựa bất kham. Nếu thiếu hình ảnh, ít ví von thiếu ngôn ngữ đồng nghĩa, đồng âm thì câu thơ rất chênh vênh. Bài thơ sẽ rất dài và loãng, vì vậy có thể nói thơ lục bát. Chữ như con ngựa bất kham. Nó sẽ lôi mình đi chỉ vì chạy theo vần. Thơ lục bát dễ bị quẩn vần, kể cả nhà thơ chuyên nghiệp đọc lên thấy đồng âm: Ví dụ bài thơ: “Phiêu du qua thế gian này/ Đồng tiền của mẹ lại bay về trời/ Tôi tiêu pha hết một đời/ Bằng niềm tin - phúc lộc thời bé thơ”. Để đạt được ý, nhưng chữ của 3 dòng với phụ âm Ời. Đọc lên thấy đơn điệu, tẻ nhạt, dễ dãi, đều đều. Giữa xô bồ phồn tạp của cuộc sống. Người thơ vẫn tìm thấy khoảng tĩnh lặng trong tâm hồn. Dồn nén vào thơ, chỉ với 14 từ để nói lên thân phận “Ở rừng tự hát ru nhau/ Lá trầu chị héo, Quả cau em già” (Lê Đình Cánh) “Cha ngồi chẻ lạt bên thềm/ Chẻ đôi cả những muộn phiền đầy vơi/ Mẹ đi nhổ mạ tháng 10/ Lạt mềm trói mấy kiếp người vào nhau” (Thuý Ngoan). “Trang đời xanh thẳm phấn bay/ Phấn xưa đã kết thành mây trắng đầu” (Phi Tuyết Ba) “Cũng đành phận kiến mà thôi/ Còng lưng cõng hạt cỏ rồi gió bay/ Trót không biết hát kiếp này/ Kiếp sau hoá bụi lau gầy bên sông” (Nguyễn Đình Di). “Giật mình nghĩ dại mà đau/ Điều không có, cái không màu lại yêu” (Thanh Tuyên) “Vẫn là đá đấy viên bi/ Em tròn xoe thế còn gì cho nhau/ Mà nào tôi có trốn đâu/ Tôi đang đứng ở phía sau nụ cười” (N.Đ.Kiên) “Nhọc nhằn mẹ đội âu lo/ Để lời ru cũng lặn mò bến sông/ Ru hời mãi cái long đong/ Mẹ ơi mẹ, cả đời còng tiếng ru” (N.Đ.Kiên). “Cỏ gừng lay nắng nghĩa trang/ Nén nhang rướm đỏ lá vàng rơi rơi” (Đ.Tử Vấn). Trong thơ trữ tình còn lùa được hồn vía thơ trào phúng vào bài thơ của mình. Cười cợt đấy mà đau đớn nỗi niềm nhân thế “Vừa một xuân lại một xuân/ Vợ ơi đại hạn đã gần một năm/ Một nhà là sáu mồm ăn/ Một thi nhân hoá phăm phăm ngựa thồ... việc thiên, việc địa, việc nhà/ Một mình anh vãi cả ba linh hồn” (Nguyễn Duy). “Áo em ngực trễ như mời/ Tràn bia Thuỷ Tạ lắm lời giả say” (Lê Đình Cánh). “Cho kỳ tốc váy em lên/ ném đời anh xuống cho quên ngọn ngày/ Anh còn lưng lửng chiều nay/ Và còn lưng lửng chén này, nào em (Bùi Hoàng Tám). “Vợ tôi đi cấy lấy công/ Tôi làm thơ mãi mà không có gì... Đêm trăng trải chiếu ngoài hè/ Thị ngồi thư giãn đọc vè cũng say/ Đàn bà biết sắm dao xây/ Ti vi nội địa biết xoay cái cần/ Vợ quê công nợ trả dần/ Đọc thơ cứ thấy câu vần là khen” (Xuân Đam). Lục bát đùa giễu một cách tài hoa của một vài tác giả trích dẫn ra đây rất hiếm. Đấy là sở trường của các nhà thơ mà không phải ai cũng có thể có giọng tưng tửng, chua chát, hóm hỉnh ấy trong bạt ngàn thơ lục bát của thời hiện đại. Có thể nói đó là môn phái của người thầy là cụ Tú Xương.

Trong thế giới phẳng “toàn cầu hoá hôm nay có 2 thái độ trái ngược đối với thơ lục bát. Lắm kẻ thờ ơ, hoài nghi khả năng của thơ lục bát. Họ thành kiến rằng lục bát là thể thơ quá gò bó về vần luật, về thanh luật, về tiết tấu, nó đơn điệu, bằng phẳng, quê mùa. Họ vội cho rằng lục bát chỉ biểu hiện được những cảm xúc quen thuộc của người Việt truyền thống. Còn tâm sự đầy những suy cảm, tinh vi phức tạp của người hiện đại thì lục bát khó chuyền tải. Họ lầm tưởng rằng lục bát sẽ khó theo kịp nhịp biến hoá đầy bấn loạn của tư duy thời hiện đại. Thậm chí có người còn coi lục bát như một rào cản đối với những lối tư duy nghệ thuật tân kỳ. Và họ từ chối lục bát, để một mực chạy theo những thể khác. Thực ra mọi vẻ đẹp cùng biến thái mơ hồ nhất của thiên nhiên, mọi biến động khôn lường của đời sống, mọi tầng sống sâu xa huyền diệu nhất của tinh thần cá thể, mọi khuynh hướng tư duy của nghệ thuật, dù truyền thống hay tối tân, đều không xa lạ với lục bát. Vấn đề là người viết có đủ tài để làm được chủ của lục bát hay không... sự gò bó có thể là một khó khăn bất khả vượt đối với ai đó, nhưng lại là một thách thức đầy hấp dẫn đối với những tài năng thơ thiết tha với tiếng Việt... Họ làm mới, cách tân để gửi gắm tấc lòng của con người hôm nay vào thể thơ hương hoả của cha ông. Sẽ là không quá lời khi bảo rằng: trân trọng thơ lục bát cũng là thước đo về văn hoá với một người thơ Việt (Ts. Chu Văn Sơn).  

- Lục bát trào phúng “Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh/ Anh về phân bắc phân xanh đầy chuồng” (Cao dao mới) “Hoan hô đại tướng Võ Nguyên/ Giáp ta thắng trận Điện Biên lẫy lừng” (Ca dao mới). “Hoan hô đồng chí Hà Đăng/ Ấn vào tàu chạy băng băng như rùa” (Ca dao mới).

- Lục bát lấp lửng: ... “Ngã ba sông một cái cồn/ Cỏ cây lún phún như là Nữ-Oa”“Anh đi công tác Plây/ Ku dài dằng dặc biết ngày nào ra” (Cao dao mới).

- Lục bát sai dấu: “Chung nhau ăn một quả chuồi/ Ra về nhớ mãi cái buổi hôm nay” (Cao dao mới).

- Lục bát từ láy “Này em, phận mỏng duyên dày/ Lưa thưa mộng mị mưa đầy hư không/ Đền đài tỉnh giấc rêu phong/ Nhong nhong thiên hạ lên đồng sướng chưa” (Nguyễn Duy), “Xanh xanh, đỏ đỏ, phừng phừng/ Tứng từng tưng tửng từng tưng đã đời” (Nguyễn Duy).

Thoạt kỳ thuỷ của lục bát có từ bao giờ người ta vẫn tồn nghi và đi tìm. Người để lại cho hậu thế đến nay là truyện Kiều. Hãy xem như lục bát có từ thời cụ Nguyễn Du. Lục bát có 2 phong cách: Dân gian và cổ điển, cả hai đều song hành.

- Lục bát dân gian theo điệu nói.

- Lục bát cổ điển theo điệu ngâm.

Nếu tính từ cụ Nguyễn Du đến thời thơ mới. Hậu duệ của cụ có Tản Đà (thơ nghiêng về cổ điển). Á nam Trần Tuấn Khải (nghiêng về dân ca). Đến giữa thời thơ mới có Nguyễn Bính (dân gian) Huy Cận (cổ điển). Thời hiện tại có Vương Trọng, Bùi Giáng, Phạm Công Trứ, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Thanh Mừng, Đỗ Hoàng, Đồng Đức Bốn. Đặc biệt chất bi hài trong lục bát hoà quyện vào nhau là vô cùng khó. Thường là theo một giọng, giọng trữ tình, phê phán, hay ngợi ca hoặc trào phúng. (Những cây bút có tài ấy đến hôm nay phải kể đến Nguyễn Duy, Bùi Hoàng Tán, Xuân Đam và Lê Đình Cánh...).

Thường là giọng trữ tình, day dứt “Nỗi đau như đá hoá mềm/ Bao nhiêu cái ác còn trên đường đời/ Bao nhiêu cái thiện chơi vơi/ May còn ánh mắt cuối trời mùa thu” (Minh Trí). “Khói hương quyện đến trời xanh/ Tiếng kêu hạ giới mỏng manh bọt bèo/ Mất chồng xuân cũng sạch veo/ Gương soi nửa mặt, đá đeo nửa đời” (Trần Đức Lộc). “Một thời chập chững nắng mưa/ Đến khi gió tạnh cũng vừa mất nhau/ Lòng không sát muối mà đau/ Chợ đông thăm thẳm một màu hoàng hôn” (Hoàng Khôi). “Câu thơ nấp ở sau đình/ Nhuộm trăng trăng sáng, nhuộm tình tình đau” (Đồng Đức Bốn).

- Ý tại ngôn ngoại. Lục bát làm mềm những trăn trở, suy tư, tài hoa mà rất trữ tình “Cuối đường tôi gặp được em/ Con đường dài để em quên tôi rồi/ Bơ vơ đứng giữa chân trời/ Muốn quay lại/ Trắng mây phơi mái đầu” (Hồ Anh Tuấn). “Cái đã thì cũng qua rồi/ Cái chưa óng ánh nửa đời vẫn chưa... Tiếng chuông con thỉnh vỡ đôi/ Nửa dâng hồn mẹ/ Nửa nhồi tim con” (Hoàng Thanh Tâm). “Cho đi nhận cái nợ nần/ Không vay cũng trả cái phần chẳng vay... Những ai xác tím bầy tôi/ Một thời lầm lỡ/ Một thời u mê... Nghĩa nhân rút ván qua cầu/ Tình yêu liệu có nhuốm màu đổi trao... Ta về chẳng đánh mất mình/ Vẫn tâm can, vẫn vóc hình thủa xưa/ Mặc ai tráo trở nắng mưa” (Phạm Ngà) “Giàn trầu không, gió bấc hong/ Lá vàng rụng héo cong cong nỗi niềm” (Minh Luyện).

- Lục bát đầy tính triết luận không thua kém bất cứ thể loại nào:

“Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần” (Nguyễn Du).

“Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru” (Nguyễn Duy). “Trước sau một kiếp luân hồi/ Đinh ninh thề thốt cũng rồi chia xa/ Những gì ngụy tạo phồn hoa/ Mây mưa thoáng chốc bỗng là khói sương (Phạm Ngà). “Cuộc đời sớm nắng chiều mưa/ Ai chưa tay trắng thì chưa biết mình” (Hoàng Thanh Tâm)...

- Lục bát làm mới mình bằng cách xuống dòng nhịp đôi, nhịp ba. Nhưng xét cho cùng nội lực của câu thơ ấy có đủ sức nặng để truyền tải đến cho độc giả mới là điều quan trọng. Ví dụ: “Đồi chè/ Trên đỉnh/ Trèo lên. Đâu đây quan họ/ Làng bên/ Xóm đồi” (Lâm Cẩn). “Quê xưa cơm ít khoai nhiều/ Rau rừng thấm mặt/ Chung chiều vị khoai” (Đào Tử Vấn). “Tre xanh/ xanh tự bao giờ... Mai sau/ Mai sau/ Mai sau. Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh” (Nguyễn Duy). Tìm tòi, cách tân cũng chỉ nhằm biểu đạt tính tư tưởng của tác giả. Hồn vía bài thơ vẫn là quan trọng.

- Lục bát có thể đăng đối “Ông lão ngày nay đi bừa/ Là con ông lão ngày xưa đi cày” (Trần Ngọc Thụ). “Thôi đừng hát nữa hỡi ông/ Cứ chìa tay đủ đau lòng thế gian” (Nguyễn  Đình Kiên). “Chị ngồi giặt áo cầu ao/ Sóng dìm ngạt thở ngôi sao trên trời/ Chị ngồi giặt áo kiếp người/ Hai tay vò nát nụ cười gái trinh” (Lâm Cẩn). “Vấn vương với sợi tơ trời/ Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan” (Đoàn Thị Tảo).

“Thơ lục bát qua một thế kỷ về sau càng hiện đại so với hồi đầu. Chứng tỏ thơ lục bát vẫn trường tồn gắn bó máu thịt với tâm hồn Việt trên con đường hiện đại. Lục bát là tài sản thiêng liêng của nền văn hoá Việt. Chừng nào thế giới còn chưa thấu hiểu vẻ đẹp của lục bát. Chừng ấy họ chưa hiểu vẻ đẹp của thơ Việt Nam. Và chừng nào ta còn chưa làm cho thế giới tiếp nhận được vẻ đẹp của lục bát. Chừng ấy nền thơ Việt vẫn còn chưa thực sự làm tròn sứ mạng của mình” (Ts. Chu Văn Sơn).  Vậy thơ Việt Nam bao giờ có tên trên bản đồ thơ thế giới.

Nếu như năm 1972. Phạm Thiên Thư (sinh tại Hải Phòng) đã vào Nam đã viết 3.000 câu “Đoạn trường vô thanh” để nối tiếp đời Kiều sau này. Tác phẩm đoạt giải nhất do Á nam Trần Tuấn Khải làm chủ khảo. Thì tháng 12 năm 2010 nhà thơ Đỗ Hoàng đã xuất bản: “Kiều Thơ” (NXB Hội nhà văn 2010) dịch từ nguyên tác truyện Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân với 6.122 câu thơ. (gấp đôi truyện Kiều cụ Nguyễn Du). Thuộc thơ và hiểu thơ là hai phạm trù khác nhau.

Phải chăng sức sống mãnh liệt của thơ lục bát như sông Hồng Hà cuồn cuộn phù sa, bồi đắp cho thi ca hương hoả tổ tiên. Dẫu rằng giữa thời bùng nổ thông tin. Cái gọi là thơ hiện đại, hậu hiện đại xô đẩy, lấn át, dè bỉu. Lục bát vẫn dồi dào sức sống, cuồn cuộn trong máu huyết của người Việt Nam.

Dù cách tân, không vần, thơ văn xuôi, thơ hiện đại đến hậu hiện đại của thơ nói chung và lục bát nói riêng. Tạm gọi là gạo, Từ khi loài người tìm ra lửa, khởi thuỷ loài người nặn ra nồi đất để nấu cơm, rồi đến nồi đồng, nồi gang, nồi nhôm rồi đến nồi cơm điện. Mục đích cuối cùng là nấu cơm chín. Độc giả ăn bát cơm tinh thần và sống được.

Người Trung Hoa tự hào về thơ Đường luật, người Pháp tự hào về thơ Sonnê, người Nhật tự hào về thơ Hai - Kư. Thì người Việt Nam có quyền tự hào về thơ lục bát. Nếu nói Hoa sen là quốc hoa. Áo dài là quốc y, Rượu nếp cái hoa vàng là quốc tửu. Đàn bầu là quốc khí. Thì lục bát là Quốc thi của người Việt Nam.

Lục bát là mẹ của thi ca trong tâm hồn người Việt.

 

Hải Phòng, ngày 22 tháng  3 năm 2011

 

Phạm Xuân Trường

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Trường Thọ - thuytho66thaiphien@gmail.com - 0904258465 - khối 11 Bến Thủy vinh NA  (Ngày 21/04/2011 08:58:08 AM)
Đúng như đề tựa bài viết của nhà thơ Phạm xuân Trường : Lục Bát là mẹ của thi ca trong tâm hồn người Việt . NTT rất đòng cảm cùng anh ở bài viết này .
LỤC BÁT
Trước đêm tựa bóng ai thiền
Thỉnh cùng ngọn gió Tiên Điền hồi chuông
Trước sông tựa những bóng buồm
Gió phù sa uống tận nguồn mà say ..
Nguyễn Trường Thọ
  Thành Huân - nguyenhuan@rocketmail.com - 0979813822. - Văn bàn-Lào cai  (Ngày 18/04/2011 09:40:04 AM)
Đúng như Phạm Xuân Trường đã kết luận:
"Nếu nói Hoa sen là quốc hoa. Áo dài là quốc y, Rượu nếp cái hoa vàng là quốc tửu. Đàn bầu là quốc khí. Thì lục bát là Quốc thi của người Việt Nam.

Lục bát là mẹ của thi ca trong tâm hồn người Việt."
T/H.

Các bài khác: