Bờm là một anh nông dân, cái “quạt mo” là vật chứng chỉ rõ điều đó. Do vậy khi Phú Ông đem trâu, bò (con trâu là đầu cơ nghiệp), ao sâu (ruộng cả, ao sâu), gỗ lim (vật liệu quý để làm nhà)... ra đổi chác là ông ta biết đem cái cần lớn trao đổi rất đúng đối tượng. Vậy điều khó hiểu: Phú Ông, hơn ai hết là người hiểu rõ giá trị hàng hóa trong trao đổi và là loại người thường chỉ trao đổi khi có lợi, vậy cái quạt mo của Bờm là cái gì, một vật thực (hiểu theo nghĩa đen) hay chỉ là một vật biểu tượng?
Cuộc trao đổi diễn ra năm lần. Tuần tự các lần được cài đặt đan xen giữa thực và ảo, âm dương, ngũ hành.
Nếu thấy lần đầu Phú Ông đặt giá ba bò chín trâu là số hàng hóa thực và lớn thì đến lần thứ hai, thứ hàng hóa đưa ra là ảo, khó định lượng: ao sâu cá mè. Mè là loại cá ăn ở tầng nổi nên cái “ao sâu” ở đây không có giá trị nhiều. Vả lại, cá còn ở dưới ao thì biết nhiều ít ra sao. Tiếp tới lần trao đổi thứ ba lại thấy xuất hiện con số hàng hóa thực: ba bè gỗ lim. Và sang lần thứ tư lại là thứ hàng ảo: con chim đồi mồi. Thật là chim trời cá nước!
Về tính âm – dương. Trong cuộc trao đổi này Phú Ông không chỉ đưa ra một cách chơi “thực ảo” mà ông ta cũn đưa ra những con số lẻ - số thuần dương: 3 bò, 9 trâu, ao sâu cá mè (cách nói về “ao” này cũng tương ứng với số 1) đến 3 bè gỗ lim và con chim đồi mồi ( là số 1 và 3). Cuối cùng, lần thứ năm, con số đưa ra vẫn chỉ tương ứng với số 1: hòn xôi. Vậy quá trình trao đổi cho thấy toàn các số dương: 3, 9, 1 và “năm lần” là số 5 (chỉ thiếu số 7). Theo sách Dịch, nhất âm nhất dương thành đạo. âm - dương giao hòa vạn vật mới sinh sôi nảy nở. Từ cổ xưa con người đó hiểu điều này. Ngay đến vật dụng như đồng tiền cổ cũng có hai mặt âm - dương. Vậy sao trước đối tác trong cuộc trao đổi hàng hóa Phú Ông chỉ đưa ra trao đổi các con số một bề - thuần dương? Những con số đơn độc này không thể tạo nên sự sinh trưởng. Những con số của sự chết! Do đó, phải chăng đây chính là chính sách “ác hiểm” của tầng lớp địa chủ thống trị, của đế quốc – Nền văn hóa - văn minh khác, qua bài thơ đó được nhân dân lao động, nền văn minh - văn hóa nước nhà thể hiện tinh vi nhằm diễu cợt và vạch trần?
Về số Ngũ hành. Ngay từ câu mở đầu - vật chủ của cuộc trao đổi, cái “quạt mo” (lấy từ cây cau) đã đưa hành Mộc xuất hiện. Sau đó, “ba bò chín trâu” chỉ về hành Thổ (trâu, bò được nhà nông gọi là ông Địa), “ao sâu cá mè” (không phải một xâu cá mè như một số bản có chép) chỉ hành Thủy, “ba bè gỗ lim” – lim là loại gỗ trong nhóm “tứ thiết”, “thiết” là sắt - chỉ hành Kim. “Con chim đồi mồi” có thể xem như tượng trưng cho hành Hỏa. Chim đồi mồi có hình dạng giống rùa, ba ba, có màu huyết dụ hoặc vàng - đen. Trong Kinh Dịch, tám đơn quái (cũn gọi là bát quái) chỉ có quái Ly có tượng động vật là rùa, ba ba. Ly vi hỏa. Ly là Hỏa vậy. Thứ hàng hóa cuối cùng được Phú Ông đưa ra là “hòn xôi” - thứ cơm ăn có nguồn gốc từ cây lúa nếp, cây thuộc Mộc, khi nấu thành xôi thì hòn xôi đó chuyển thành hành Thổ. Và để từ nguyên liệu mộc – cây lúa, nấu thành xôi thì tất nhiên phải qua nước – thủy và lửa – hỏa, phải có không khí – phong thì lửa mới cháy được, và như vậy, đồng thời tính âm – dương cũng đã xuất hiện, nước thuộc âm, lửa thuộc dương, thổ thuộc âm, mộc thuộc dương, khi nước được đun sôi là âm dương giao hòa; Vì những lẽ vậy, hòn xôi ở trường hợp này mang đủ các phẩm chất âm – dương, ngũ hành trong nó. Và phải tới kết cục “hòn xôi”, lần trao đổi thứ 5, số “5” ứng với vị trí trung cung trong đồ Hậu thiên bát quái, và chỉ có vị trí trung cung, “thuộc tượng số 5 và 10” này mới hội đủ trong nó đủ ngũ chất, nhị tính - âm dương ngũ hành, các yếu tố của bản chất - bản thể thế gian này xuất hiện thì Bờm mới cười - đồng ý, là bởi vậy chăng? Quả đúng là một “cái cười bí ẩn – trong cuộc chơi âm dương, ngũ hành” đầy ý niệm triết học, triết lý nhân sinh sâu sắc. (Kinh Dịch là sách xưa nay được xem là của nền văn hóa Hoa Hạ - Hán, nay đang có nghiên cứu cho rằng cuốn sách này vốn thuộc về nền văn hóa Văn Lang – Việt đã bị người Hán đô hộ và chiếm đoạt... Vậy trong bài ca dao Thằng Bờm của văn chương người Việt đưa đồ Hậu Thiên với âm dương, ngũ hành, với nghĩa chữ Nôm, Hán vào có mang một ý nghĩa triết học, xã hội học sâu xa gì chăng?)
Điều cần bàn thêm. Ngoài các yếu tố âm - dương, ngũ hành đã trình bày thì cuộc trao đổi giữa Phú Ông và Bờm còn có phương thức ít nhiều mang yếu tố tâm lý. Lúc đầu giá hàng hoá lớn đi kèm giá trị nhỏ. Nhưng cho tới lần trao đổi thứ tư và thứ năm thì giá trị của hàng hóa đó được đặt tương đồng lại, không còn sự quá chênh lệch nữa, là “con chim đồi mồi” với “hòn xôi” đổi lấy cái quạt mo. Sự nhận thức nào đó xuất hiện trong Phú Ông - kẻ trả giá...? Việc Phú Ông đưa giá trị mua và bán xích lại gần nhau cùng với cái cười bí ẩn của Bờm chứng tỏ cuộc chơi thực - ảo, âm - dương, ngũ hành của Phú Ông đã bị phát giác. Sự phát giác không chỉ mang ý nghĩa triết học mà là cả về phương diện chính trị xã hội.
Về danh từ nhân xưng ở đây cũng ẩn chứa điều quan trọng. Chữ Thằng Bờm là chữ thuần Nôm, cách gọi nôm na có phần sàm sỡ quen thuộc của người nhà quê Việt; còn chữ Phú Ông - ông nhà giàu – là chữ Hán. Cách sử dụng ngôn ngữ đặt tên cho hai nhân vật này là rất khác nhau, hẳn phải mang ý nghĩa riêng của nó. Phải chăng, khúc ca dao này vừa mang thứ mật ngữ về thuyết âm dương – ngũ hành, về vị trí của các quái trông đồ Hậu Thiên; và nó vừa mang sức tố cáo xã hội về thời nền văn hóa Văn Lang – Việt tộc bị đô hộ, cưỡng đoạt dưới ách thống trị của văn hóa Hoa Hạ - Hán tộc?
Đây là cách hạ màn ác liệt cho cuộc chơi đầy trí tuệ giữa Phú Ông - đại diện cho tầng lớp địa chủ, thống trị với thằng Bờm - đại diện cho những người nông dân, quần chúng lao động từng làm nên nền văn hóa - văn minh lúa nước rực rỡ Văn Lang - Việt Nam!
***
THẰNG BỜM
Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú Ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng, Bờm chẳng lấy trâu
Phú Ông xin đổi ao sâu cá mè
Bờm rằng, Bờm chẳng lấy mè
Phú Ông xin đổi “bẩy” bè gỗ lim (*)
Bờm rằng, Bờm chẳng lấy lim
Phú Ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng, Bờm chẳng lấy mồi
Phú Ông xin đổi hòn xôi, Bờm cười.
***
(*) Chữ “bẩy” ở câu thơ thứ 6, là do tác giả bài bình thay.
____________________________________________________
ĐỖ TRỌNG KHƠI
LÊ XUÂN - xuanbot@gmail.com - 0947.615119 - 55/5 CMT8- TP Cần Thơ
(Ngày 27/05/2011 21:01:22)
Bác Đỗ Trọng Khơi bị ám ảnh của âm dương ngũ hành nên suy diễn hơi quá đà, làm mất vẻ hay của bài ca dao. Kiểu chẻ sợi tóc làm tư này quá lỗi thời khi bình giá văn chương, người ta gọi là "tán dóc", "tán vui" chứ đưa vào nghiên cứu văn học thì e khập khiễng, võ đoán. Mong bác xem lại nhé.
Lương Bá Hòa - Luongbahoa@gmail.com - 01682553228 - Nha trang
(Ngày 25/03/2011 09:17:02 PM)
Tôi thấy, các bác , các anh bây giờ cứ hay lấy sự hiện đại để diễn giải cho cái cũ là không tương xứng rồi. Xin lưu ý rằng: ca dao tục ngữ là của nhân dân lao động, từ nhân dân lao động mà ra, là lời ăn tiếng nói của họ và nhằm mục đích phục vụ đời sống cộng đồng. Họ là tầng lớp bần cùng của xã hội và văn hóa chữ nghĩa không thể bằng các bậc túc nho được, bởi vậy họ ăn nói hết sức giản đơn và dễ hiểu nhưng thâm thúy chứ không cao siêu ngữ nghĩa. |