Lục bát là thể thơ truyền thống gắn với tâm hồn dân Việt. Mỗi người làm thơ dường như không ai không từng thử sức mình qua thể thơ này. Hỏi rằng lục bát dễ làm không? Thưa: Dễ ! Nhưng điểm từ xưa đến nay, mấy ai dám vỗ ngực xưng tên rằng ta có bài lục bát để đời. Nhìn về quá khứ xa xăm, bóng cụ Tiên Điền sừng sững. Thời Thơ Mới, mấy ai qua mặt nhà thơ Nguyễn Bính?
Kể cũng lạ, thi ca có muôn vàn cách diễn đạt, ấy vậy mà lục bát quê mùa lại uyên bác đến không ngờ, như một dung hoà của văn chương bình dân và văn chương bác học. Nói về đề tài, dường như thể thơ này thường khép mình trong những khoảnh khắc tâm tình riêng tư, những hình ảnh, những cảm xúc gắn với nền văn hoá ngàn đời dân Việt. Thử đọc vài câu Nguyễn Bính:
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn
Hay:
Nhà em có một giàn trầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?
Ai mà không xúc động, không rưng rưng vì không gian làng quê đậm đà tình nghĩa. Còn nhớ thương, giận hờn, luyến tiếc có mấy vần thơ lắng sâu bằng lục bát:
Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa như ngồi đống than
(Ca dao)
Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
(Tố Hữu)
Bao xúc động, bao tâm tình của con người đều có thể diễn tả qua vần điệu lục bát:
Làng ta ở tận làng ta
Mấy năm một bận con xa về làng
Gốc cây hòn đá cũ càng
Trâu bò đủng đỉnh như ngàn năm nay
(Nguyễn Duy)
Dường như giọng điệu lục bát thiên về thủ thỉ tâm tình, không thích hợp lắm với những vấn đề cần cao giọng, triết luận hùng hồn. Vì vậy, ta không lạ tại sao 'Tuyển tập thơ lục bát Việt
Con ong làm mật yêu hoa
Con cá bơi yêu nước, con chim ca yêu trời
Con người muốn sống con ơi
Phải yêu đồng chí, yêu người anh em...
Hay :
Bác về tóc có bạc thêm
Năm canh bốn biển có đêm nghĩ nhiều?
Trong nhịp sống hiện đại hôm nay khi những biến đổi diễn ra từng ngày từng giờ với tốc độ tên lửa, một âm vang lục bát có thể làm lòng ta lắng lại ,ngẫm sâu hơn về thế thái nhân tình. Và đó là sức sống trường tồn của thể thơ dân tộc, để ta sống sâu sắc hơn với cuộc đời:
Ta đi khắp bốn phương trời
Để cha cuốc đất một đời chưa xong
(Nguyễn Duy)
Thơ lục bát phải chăng chỉ thích hợp khi nhắc lại những hoài niệm, những giá trị truyền thống? Phải chăng, lục bát trên hành trình ký thác những tâm tình cũng đã giẫm lên lối mòn khuôn sáo, khi ta gặp nhan nhản trên báo chí những bài thơ na ná ý tưởng giống nhau? Quả thật, nếu làm thơ thiếu tỉnh táo, ăn sẵn trên vần điệu dễ gieo của lục bát, nếu tình chưa chín, bút chưa tinh, ta dễ gặp những hình ảnh, cảm xúc được diễn tả từa tựa như một bản sao có tân trang những hối lỗi, mặc cảm mắc nợ quá khứ, buồn vẩn vơ cùng cỏ may, hương đồng cỏ nội... Là thể thơ dễ làm, nhưng lục bát lại khó tính khi kén tìm độc giả. Nếu non tay. lục bát sẽ thành vè hay diễn ca, kiểu như:
Hôm nay ngày Tám tháng Ba
Chị em phụ nữ đi ra đi vào
Hay ép vần, thanh điệu theo trường phái ... Bút Tre:
Liên Xô rất đỗi tự hào
Lục bát có những biến cách, những đặc trưng mà vào tay những nghệ sĩ bậc thầy đã thành bất tử. Khi Nguyễn Du vận dụng phép tiểu đối:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường
thì ánh trăng bỗng đầy tâm trạng. Hay khi Nguyễn Bính sử dụng phép đảo nhịp chẵn thành nhịp lẻ:
Anh đi đấy, anh về đâu
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm...
thì âm điệu lục bát đã chở nặng biết bao buồn thương nhung nhớ. Rõ ràng thể lục bát đâu chỉ bó gọn trong phép phối thanh 'Bằng trắc bằng bằng trắc bằng bằng' đều đặn, hay ở lối gieo vần lưng vần chân cứng nhắc. Những biến thể linh hoạt của thể thơ này đã ký thác đầy đủ phong phú, sinh động bao tâm tình của kẻ làm thơ.
Biết rằng kiến văn có hạn, người viết chỉ mong được mạn đàm, phát biểu đôi dòng cảm tưởng , gọi là lời quê chấp nhặt dông dài... Mong được quí thi hữu, các bậc cao minh góp lời vàng ngọc để cùng được lắng hồn tìm chút hương xưa trong điệu vần sáu - tám.
(Theo tác giả Trần Hà Nam)