Chủ nhật, 22/12/2024,


Lời thưa (03/10/2008) 

Con cùng tên với dòng Hương

Thơ con trắc ẩn cánh buồm, cha ơi!

 

Lời thưa

(Dâng cha) 

Trong cha có một câu hò

Trong câu hò có con đò sông Hương

Trong sông Hương có nỗi buồn

Trong thăm thẳm có vô thường thi ca

 

Con từ xa Huế sinh ra

Nắng mưa thấm tiếng oa oa đầu đời

Cha - dòng sông nhớ - con bơi

Đắng cay vào giọt mồ hôi bến bờ

 

Nổi nênh quá tuổi dại khờ

Con thương với Huế câu thơ lụy tình

Chênh vênh quá nửa Ngự Bình

Huế thương cho cả cung đình rêu phong

 

Thăng trầm dạ có, thưa không

Thời gian mái đẩy long đong điệu hò

Hồn cha giờ hóa con đò

Mang mang đầy cả giấc mơ-suối nguồn

 

Con cùng tên với dòng Hương

Thơ con trắc ẩn cánh buồm, cha ơi!

Trương Nam Hương 

     Có thể nói trong thơ ca Việt Nam xưa nay có rất nhiều bài thơ hay về mẹ. Hình tượng mẹ được nhiều thi sĩ khắc họa đẹp như những tượng đài bất hủ. Lòng mẹ vốn bao la, mênh mông nên thơ về mẹ cũng mênh mông bao la. Thơ viết về cha viết ít hơn dù công cha cũng lớn lao như Thái Sơn hùng vĩ. Vì vậy, nên bắt gặp bài thơ “Lời thưa”  viết dâng cha của nhà thơ Trương Nam Hương, tôi đọc say sưa… Từng lời, từng ý cứ nhỏ nhẹ, cứ róc rách chảy như suối nguồn tưới mát… thấm đẫm tình cha con, đẹp lạ lùng.

 

     Người cha trong thơ anh kết gắn với quê hương xứ Huế mộng mơ, sâu lắng, mang phong cách riêng, không lẫn vào đâu được, mở đầu cho ngẫu hứng tự nhiên, bất chợt:

 

Trong cha có một câu hò

Trong câu hò có con đò sông Hương

 

     Câu thơ giản dị nhưng chở được suy tư đẹp như chân lý cuộc đời. Cha gắn với câu hò xứ Huế. Hò Huế là linh hồn của xứ sở thơ mộng này. Ý thơ phát triển, mở dần tác giả như muốn giới thiệu, muốn dắt ta đi về với sông Hương huyền thoại. “Trong câu hò có con đò sông Hương”. Ra thế, bến nước, dòng sông, con đò chở đầy kỷ niệm đặc trưng của quê hương. Ta chạnh lòng nhớ, nghe đâu đó vẳng lên câu hò mái nhì, mái đẩy đang ngâm nga tỏa giữa không gian. Sông Hương đã tạo chiếc nôi đẩy đưa con đò xuôi bến. Con đò tạo ra câu hò như người cha tạo ra tác giả. Bốn từ “trong” mở đầu bốn câu thơ đã khẳng định ý tưởng sâu sắc:

 

Trong sông Hương có nỗi buồn

Trong thăm thẳm có vô thường thi ca

 

     Con người, ai chẳng có nỗi buồn riêng nhưng điều đáng nói là “sông Hương” cũng có một nỗi buồn. Nỗi buồn con người gửi gắm, để lại, cất giấu trong dòng sông, khiến sông như cũng có nỗi buồn. Sông chia sẻ mọi suy tư của người, cao đẹp như tình mẹ cha. Sông Hương trở thành bạn và là linh hồn của nhiều thế hệ người Huế. Câu thơ kết, tác giả gửi gắm, khẳng định một triết lý nhà phật nhẹ nhàng mà sâu sắc, “vô thường thi ca”, thì ra tác giả muốn nói là đây. Thơ ca bắt đầu từ cội nguồn, từ văn hoá quê hương, từ tinh hoa sông núi, từ sâu thẳm trong tâm thức, tiềm thức và ý thức của triết lý sống - (A di đà phật). Thơ chuyển tải tinh hoa cuộc đời, gắn kết với cha mẹ, dòng sông, con đò quê hương và nảy sinh phát triển từ cõi tâm linh…

 

     Khổ thơ thứ hai, vẫn lời thơ giản dị, nhẹ nhàng như hơi thở mà thiết tha sâu lắng…

Cha - dòng sông nhớ - con bơi.

 

     Chao ôi, dòng sông nhớ, xuất thần quá! Tài hoa quá! Người con cảm nhận mình đang bơi, vẫn bơi trong dòng sông nhớ của cõi đời này, có đắng cay vào giọt mồ hôi bến bờ. Nhà thơ đã bộc bạch lòng mình với Huế một cách chân thành:

 

Nổi nênh quá tuổi dại khờ

Con thương với Huế câu thơ luỵ tình

Chênh vênh quá nửa Ngự Bình

Huế thương cho cả cung đình rêu phong

 

     Tình yêu thương mở rộng, con tim nhà thơ suy tư về quê hương, qua bao thăng trầm của lịch sử… Anh chỉ điểm vài nét quen thuộc “Ngự Bình”, “Cung đình rêu phong” như nhớ về quá khứ vẻ vang một thời. Không đến mức buồn hoài cổ như Bà Huyện Thanh Quan, đến mức Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương… nhưng từ rêu phong cũng điểm xuyết được dấu ấn hoài niệm về thời cha đã sống trong quá khứ.

 

     Thời gian trôi qua, cuộc sống hiện đại ngày một phát triển theo quy luật “loại trừ”, có cả xô bồ. Đã đành lịch sử là thế nhưng có những dấu ấn văn hóa rất đẹp cũng bị thời gian cuốn trôi. May quá còn nhà thơ nhớ đến:

 

Thăng trầm dạ có, thưa không

Thời gian mái đẩy long đong điệu hò

 

     Nhớ về cha, nhớ cả những từ ngữ lễ nghĩa trong giao tiếp biến mất - Chỉ còn chữ “dạ” chữ “thưa” rất lễ phép, đáng yêu khi người dưới giao tiếp với người trên - biểu hiện thái độ kính trọng, lễ phép. Trong phim “Ngọn nến hoàng cung” còn lưu giữ điều này. Mỗi lần Nam Phương Hoàng Hậu nói với mẹ chồng đều “ thưa mẹ - dạ - thưa mẹ…” ngôn từ “thưa” bị mai một dần chỉ còn “dạ”, một phát hiện nhỏ khá tinh tế rất Huế. Trở lại cảm hứng chủ đạo của bài thơ:

 

Hồn cha giờ hóa con đò

Mang mang đầy cả giấc mơ - suối nguồn

 

     Cha vẫn còn đó. Cha vẫn hiện hữu trên con đò tên dòng sông, trong tâm tưởng của con. Cha là sợi dây thiêng liêng giúp con sống với thơ trên cõi đời này. Tình cha trong thơ anh đẹp như đóa hồng, sáng như pha lê lấp lánh…Câu thơ kết thật đắc địa:

 

Con cùng tên với dòng Hương

Thơ con trắc ẩn cánh buồm, cha ơi!

 

     Đọc và lắng sâu, ta có cảm giác anh như muốn khẳng định sự trưởng thành của mình hôm nay. Trở thành nhà thơ viết về đời, về quê hương, đất nước như là định mệnh.

 

     “Lời thưa” cũng là lời tự bộc bạch lòng mình - con sẽ chở, sẽ thả cánh buồm thơ xuôi theo dòng đời từ cội nguồn rồi ra sông lớn, dù biển đời có mênh mông vô tận, có bão táp mưa sa. Kết thúc câu thơ chỉ hai từ “cha ơi!” - một dấu cảm thán nhỏ nhẹ nhưng âm hưởng cứ lan tỏa mãi trong lòng người đọc.

 

     Hy vọng con thuyền thơ của thi sĩ Trương Nam Hương sẽ tiếp tục lướt trên dòng Hương và dòng đời bất tận.

Kim Thanh

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: