Thứ sáu, 27/12/2024,


Vẫn thơm hương ổi, nhớ câu hẹn hò… (11/03/2011) 

NHỚ MÙA ỔI

 

Quên đi cái tuổi sáu mươi
Để tôi về sống lại thời ngày xưa

Cái thời đánh đáo chơi ô
Con trai con gái nô đùa dưới trăng.

 

Đêm nao dưới lũy tre làng
Tò mò trộm trái “địa đàng”… ổi xanh
Thẹn thùng em nắm tay anh
Đừng, đừng thế… hãy để dành, nghe anh.

 

Mười năm đất nước chiến tranh
Tôi đi theo bước quân hành nơi xa
Quê nhà ổi vẫn ra hoa
Chờ anh về hái vườn nhà quả thơm.
 

Mười năm chờ đợi mỏi mòn

Bóng chim tăm cá tủi hờn cố nhân!
Ổi mùa chín mọng vàng sân
Mẹ buồn thúc giục mấy lần bán đi

Kẻo mai quá lứa lỡ thì
Của hàng hoa - đợi chờ gì nữa con!
Sông chiều đỏ ánh hoàng hôn
Em ôm theo mối tình son qua đò

Thương ai đã chót hẹn hò
Biết người xưa ấy bây giờ nơi đâu?

Chiều nay tháng bảy mưa ngâu
Tôi tìm lối cũ vườn sau “địa đàng”

Nào đâu ổi đã chín vàng
Một con chim nhỏ lạc đàn ngẩn ngơ

Bồi hồi nhớ tuổi ấu thơ
Chăn trâu, đuổi bướm bây giờ còn đâu!

Thời gian nhuộm bạc mái đầu
Vẫn thơm hương ổi, nhớ câu hẹn hò…


Ước gì trở lại tuổi thơ
Một lần thôi, ngắm trái tơ “địa đàng”…

Lương Mai Hồng

 

 

 

Đời người ai cũng có một tuổi thơ để nhớ. Dù ra đi góc biển chân trời, dù biến đổi nương dâu bãi biển cũng không quên được những kỷ niệm êm đềm dịu ngọt của tuổi hoa niên, cái tuổi hồn nhiên khôn ít dại nhiều…

Ở đây tác giả nhớ về “địa đàng”- vườn cấm… trái ổi xanh mà suýt nữa chạm vào. Vẻ đẹp dịu hiền thẹn thùng của người con gái mến thương, không cấm người con trai, mà chỉ nhẹ nhàng “đừng, đừng thế… hãy để dành… nghe anh” là một cử chỉ đẹp, đoan trang đầy nữ tính, hứa hẹn một mối tình chung thủy mai sau.

Đất nước có chiến tranh, người con trai “theo bước quân hành” đi giết giặc. Người con gái đảm đang lo liệu việc nhà, “ổi vẫn sai hoa” chờ anh “về hái vườn nhà”. Chờ mãi… “mười năm chờ đợi mỏi mòn”, đến lúc mẹ già giục giã sợ “của hàng hoa… quá lứa nhỡ thì…” Đến đây người đọc hiểu: thì ra ổi và vườn ổi chính là thân phận người con gái! Em buồn phải “ôm mối tình son qua đò” lỡ hẹn cùng anh. Chiến tranh tàn khốc không chỉ tàn phá bằng bom đạn mà hủy hoại cả mơ ước của một đời người. Dù người ấy có sang sông (lấy chồng) gặp may mắn đến mấy thì vết sẹo trong lòng cũng không xóa được.

Người con trai sau khi thắng giặc trở về, tìm lại cảnh cũ người xưa thì ngỡ ngàng, “nào đâu ổi đã chín vàng/ một con chim nhỏ lạc đàn ngẩn ngơ”. Chẳng khác nào tâm trạng của Chàng Kim khi ở Liêu Dương về tìm lại Nàng Kiều: “trước sau nào thấy bóng người-hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”. Sự việc đã qua đi thì không bao giờ trở lại.

Tiếc nhớ những kỷ niệm của thời thơ ấu, người trai làng tuổi đã sáu mươi - “mái đầu nhuộm bạc”, tuổi lão rồi “vẫn thấy thơm hương ổi” ngày nào, thèm trở lại tuổi thơ dù chỉ “một lần thôi” để lại được “ngắm trái tơ địa đàng”.

Bài thơ khép lại nỗi buồn mênh mang luyến tiếc một thờì xuân sắc đã qua, một thời thơ mộng đáng nhớ của một đời người. Giọng thơ trầm ấm, ngân nga, lời thơ mộc mạc nặng chất quê khiến người đọc suy nghĩ bần thần.

Hạnh phúc biết thế nào cho đủ, trừ khi ta chịu đựng hy sinh cho những mục đích lớn lao… Có thể xem “nhớ mùa ổi” là bài thơ hay, chân tình, lắng đượm.

 

Trần Quang

ĐT: 0943 457 201 – 04.33924889
Email: vquang81304@gmail.com

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Trần Hoàng Vy - tranthinh@hannom.vnn.vn - 0985785286 - Hội Nhà văn Hà Nội  (Ngày 12/03/2011 06:46:56 PM)

Quê mình có gì lạ?


Ấy là quê cũ anh xưa

Mãi mù mây hóa ra mưa giang hồ

Quen chân mỏi vó ngựa thồ

Còng lưng nỗi nhớ sóng xô nửa hồn!

Cổng làng còn vết môi hôn

Cỏ lau bạc gió có dồn chân đê?

Ngóng trông mùa tết theo về

Tàu xe khó vấp bộn bề lại thôi



Từng năm lũ cuốn cát bồi

Người thân trôi dạt hợp rồi lại tan

Bao nhiêu cô chú bỏ làng

Người đi hợp tác, người làm công nhân?



Mái tranh vách đất thưa dần

Nhà xây lên để tiễn chân người… về

Có gì lạ? Mảnh trăng quê

Sông làng còn giữ lời thề hoa niên?



Ngụ cư mãi dáng đi nghiêng

Nửa neo cơm áo nửa miền quê xa

Chiều nay nhận bức thư nhà

Đất quê đang sốt, mộ cha di dời



Quê mình lên phố anh ơi!...

Các bài khác: