HOA LAN
“Người ta bảo hoa lan là vương hậu của các loài hoa'
Thôi đừng gọi hậu, phong vương
Cỏ hoa xin mãi bình thường cỏ hoa
Lá xanh một sắc xanh già
Tơ hương như níu rừng xa lại gần
Phải qua bao nấc phong trần?
Mới hay danh lợi phù vân nhạt nhàu
Âm thầm cho đến mai sau
Dâng màu hoa trả nỗi đau nhân tình
Thị phi đời vẫn lặng thinh
Ai thương đến được với mình, thì thương!
Gửi thân gió bụi phố phường
Lòng mơ núi nắng, rừng sương cuối trời…
Chiều nay
vườn vắng
Lá rơi...
Ngắm nhành lan
Bỗng gặp người
đã xa ...
Hồ Phong Tư
Lời đề từ “Người ta bảo hoa Lan là vương hậu của các loài hoa” làm ta phải chú ý. Câu nói này ẩn dụ điều gì? Tác giả đang dẫn dắt chúng ta đi về đâu của miền suy tư, trăn trở? Chỉ bấy nhiêu thôi - chỉ là một lời đề từ rất hững hờ đã biến chúng ta trở thành những người leo núi muốn chinh phục tất cả miền thẳm cao. Nào, hãy cùng nhau khám phá.
Mở đầu bằng hai câu thơ vô cùng giản dị và khiêm nhường, “Hoa Lan” của chúng ta cứ như thủ thỉ tâm tình, gần gũi tới mức không còn cảm giác cách vời ngôi vị:
“Thôi đừng gọi hậu, phong vương
Cỏ hoa xin mãi bình thường cỏ hoa”
Biết đâu đấy, “cỏ hoa xin mãi bình thường cỏ hoa’ sẽ là một câu thơ cho người đời mượn làm câu trả lời khiêm tốn cho riêng mình? Thôi, hãy tạm gác thì tương lai, ta quay trở lại với thì hiện tại:
Lá xanh. Một saắc xanh già
Tơ hương như níu rừng xa lại gần.
Ừ, nếu ai đã trót phong hậu cho Lan thì Lan cũng chỉ biết nhận thế, nhưng tận sâu trong lòng Lan hiểu rằng Lan cũng như bất cứ loài hoa nào khác, cũng hoa, cũng lá, cũng hương… nhưng chỉ khác là Tơ hương như níu rừng xa lại gần…
Còn đối với chúng ta, dù Lan có khiêm tốn chừng nào thì Lan vẫn khác người vì “Lá xanh một sắc xanh già”, dù Lan ở đâu hay “gửi thân cát bụi phố phường” thì Lan vẫn hướng về nơi gốc gác của mình ở núi xa, rừng thẳm kia. Bởi thế hương Lan mới tỏa như tơ giăng. Ở câu thơ này, Nhà thơ Hồ Phong Tư đã rất tinh tế khi sử dụng phép tu từ Tơ hương/níu rừng. Chợt liên hệ đến một ý thơ của một nhà thơ nổi tiếng: “Sen thơm không phải vì muốn thơm”.
Nhưng vốn đời là thế, ai nên vương mà chẳng chịu nỗi niềm? Làm sao Lan có thể quên được những sương gió, gian khó một thời để được người đời nâng niu, phong vương, phong hậu như bây giờ? Đọc đến đây, ta phân vân không biết Tác giả nói về Lan hay nói về chính mình?
Phải qua bao nấc phong trần
Mới hay danh lợi phù vân nhạt nhàu
Nhân tình thế thái chỉ bằng 14 chữ mà gói gọn được tất cả. Sự sâu sắc, thâm thúy ẩn hiện sau từng con chữ qua ngòi bút của Hồ Phong Tư. Một sự cảm thông cái đẹp bị người đời lợi dụng phủ che bằng tấm màn danh lợi khiến cho cuộc đời Lan phải chịu sống trong tù túng số phận.
Đọc hết nửa bài thơ, coi như ta đã chinh phục được lưng chừng núi. Nhà thơ đang giúp chúng ta vượt qua từng chặng độ cao. Phía trên kia đang đợi chúng ta là một nấc thang mới. Chúng ta sẽ chạm vào một hiện hữu - không phải là nấc thang danh vọng mà chính là nấc thang dâng hiến trong sáng đến tận cùng!
Âm thầm cho đến mai sau
Dâng màu hoa trả nỗi đau nhân tình.
Mặc cho người đời muốn nói gì thì nói, đã trót sinh ra kiếp Lan thì Lan sẽ dâng hiến hết những gì mình có cho đời, cho người… Đây chính là câu thơ mang tư tưởng nhân văn rất có giá trị. Cũng như thể ta sinh ra đời, mẹ cha ta dưỡng dục, đời dạy ta khôn lớn - cái ân nghĩa ấy, ta phải lấy chính những gì ta có để tri ân. Lan cũng vậy, Lan “dâng màu hoa trả nỗi đau nhân tình”. Nhưng Lan không cần gì cả, đơn giản như chính Lan chỉ biết dâng hiến thầm lặng mà có đòi hỏi gì đâu…
Thị phi đời vẫn lặng thinh
Ai thương đến được với mình thì thương
Lan khó tính? Lan kiêu kỳ? Lan cao ngạo? Lan chấp nhận, bởi đúng là Lan không hề dễ chút nào. Lan mở lòng mình, không chối từ những gì mà cuộc đời bon chen vô tình đem lại, chỉ với một khát khao:
Gửi thân gió bụi phố phường
Lòng mơ núi nắng, rừng sương cuối trời…
Như con người qua thăng trầm của bước thời gian, Lan vẫn mơ về nơi bình yên ấy, nơi núi nắng, rừng sương… nơi Lan được tự do, tự tại như tự nhiên đã ban tặng cho Lan… Lan mơ hay người mơ? Có cần thiết phải rạch ròi như thế hay không? Chỉ biết rằng khi càng lên cao ta càng cảm thấy gần sự cao thượng, của tứ thơ đau đáu nhân tình.
Hãy hít thật sâu vào lồng ngực để đón nhận một thứ không khí tinh khôi trên đỉnh núi mà chúng ta đang chinh phục, lẫn trong đó có một hoài niệm, một nỗi buồn nuối tiếc những gì đã qua không thể phai nhòa. Ta bắt gặp Nhà thơ chạm tới miền khát khao được trở về với chính mình qua câu thơ kết:
Chiều nay
vườn vắng
Lá rơi...
Ngắm nhành lan
Bỗng gặp người
đã xa ...
Ta đọc nhiều lần những câu thơ xếp theo hình bậc thang và cứ tưởng tượng ra rằng có giọt buồn đang thánh thót rơi xuống thinh không. Hoa lan hay người thơ đã làm ta phải rung lên từng phím tơ lòng?
Thì thôi, cỏ hoa xin mãi bình thường cỏ hoa! Xin được lấy câu thơ trong bài Hoa Lan để làm câu kết cho bài cảm nhận nhỏ nhoi này. Cảm ơn Tác giả đã hiến dâng một sắc hương Hoa Lan ngan ngát cho đời.
Thủy Hướng Dương