EM NƠI XỨ LẠ
Em về giọt nắng chia hai
Tháng năm ghềnh gập gót hài chông chênh
Tình ơi sao mãi lênh đênh
Em nơi xứ lạ bấp bênh phận người
Giơ tay hái nhánh sương trời
Biển tình dậy sóng không lời ái ân
Trang thơ tiếng nhạc vô ngần
Xé tờ lịch cũ phân vân thở dài...
Dung Thị Vân
“Em nơi xứ lạ”, nghe thật lạ, mặc dù tứ thơ không lạ. “Em về…” – không rõ là về đâu (tác giả không nói ra), nhưng lại cho ta thấy một tâm trạng bơ vơ, trống vắng và ta hiểu được nội dung bài thơ là nỗi niềm cô đơn, nghiệt ngã, héo hon, sầu tủi của một cô gái ( có lẽ theo chồng) về một nơi xa lạ với cái nơi đã từng gắn bó thân quen với cô, nơi cô đã từng sống với biết bao thương mến, gần gũi với những người thân, với những kỷ niệm thiết tha , ngọt ngào.
Người ta lấy chồng là niềm vui, là hạnh phúc, mãn nguyện. Cô cũng vậy chứ, lấy chồng thì hẳn nhiên cô phải về, phải đến nơi người chồng an sinh lạc nghiệp thì có gì lạ đâu. Cái lạ là: cô theo chồng, về ở với chồng, thế mà vẫn cô đơn, ghềnh gập, phận gái vẫn chống chếnh, chông chênh:
Em về giọt nắng chia hai
Tháng năm ghềnh gập gót hài chông chênh
Có lẽ đây là một cuộc tình sắp đặt, nên không có tình yêu chăng, hay là vì một lý do nào đó mà người chồng có vẻ không mặn mà với cô gái, có vẻ thờ ơ, lạnh nhạt lắm nên cô gái mới có cái cảm giác rằng: “Em về giọt nắng chia hai”. Câu thơ nghe xót xa, buồn tủi. Giọt nắng là biểu tượng của sự sống, của sự chan hòa khí tiết âm dương, “giọt nắng” nào ai có thể chia hai được không? Tất nhiên là không thể, nhưng với cách ngoa dụ, phóng ngôn này đã cho người đọc cái cảm nhận rằng cuộc sống, tình cảm vợ chồng của cô gái nó buồn tẻ đến nhường nào, người ta thì như “đũa có đôi’, như “chim có tổ”, còn cô thì “giọt nắng chia hai”, “gót hài chông chênh”, nào có khác chi đâu thân phận của “Thúy Kiều” vậy.
Sự cay cực, tủi phận cho cuộc tình của mình không ra sao, chẳng có phút giây nào được ngọt ngào, hạnh phúc, mãi mãi vẫn chỉ vật vờ như bèo bọt khiến cô gái phải bật lên tiếng than thở não nùng, tuyệt vọng:
Tình ơi sao mãi lênh đênh
Em nơi xứ lạ bấp bênh phận người
Người ta có câu: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, còn cô sao cứ mãi “lênh đênh”, “bấp bênh” thế này. Thật thương tâm quá, có ai hiểu được cho cô không, cô phải làm sao đây? Một gia đình mà vợ chồng không thương yêu nhau, không cùng chí hướng thì sẽ sống ra sao, mục đích cuộc sống sẽ đi đâu, về đâu.
Trước thực tại của cuộc sống, của cuộc tình không mặn mà, không nồng ấm, không thương yêu, mà chỉ là sống ghép, sống nhờ mà thôi, tình cảm vợ chồng tuy gần mà xa, mà cách mặt cách lòng, chưa thể hóa giải, cô gái chỉ còn biết kêu trời, nhưng trời cũng đâu có thấu hiểu lòng cô:
Giơ tay hái nhánh sương trời
Biển tình dậy sóng không lời ái ân.
Cô cũng là con người , cũng có những nhu cầu nhất định về tâm sinh lý chứ, có những lúc sự sống mãnh liệt bùng dậy trong cô nhưng tất cả đều vô vọng, là hư ảo, không được đền đáp xứng đáng. Những lúc “biển tình dậy sóng không lời ái ân”, cô phải âm thầm chịu đựng, phải mượn đến ngoại cảnh thiên nhiên để tự xoa dịu bớt nỗi đau thầm kín của mình. Hình ảnh “giơ tay hái nhánh sương trời” thể hiện sự khát khao của cô gái trong sự bất lực tột cùng của tâm trạng trống trải dồn nén nỗi buồn.
Sương trời – một hiện tượng tự nhiên, nhưng người ta chỉ có thể hứng được, chứ làm sao mà hái được. Bằng lối nói phi logic này, tác giả đã làm tăng thêm nỗi đớn đau, éo le của cái nghịch cảnh trớ trêu của cô gái “có chồng mà cũng như không” vậy. Và đây chính là nhát dao cứa nát trái tim của người con gái khi chẳng được chồng thương, chồng nâng niu, chiều chuộng.
Trước nghịch cảnh chua xót của mình, dù xung quanh có nhiều điều khác để làm vui, để say mê, nhưng người con gái vẫn không thể nào quên được số phận hẩm hiu, bạc bẽo của mình:
Trang thơ tiếng nhạc vô ngần
Xé tờ lịch cũ phân vân thở dài...
Thân phận của cô gái nào có khác chi nàng Thúy Kiều của cụ Nguyễn Du, dù có ngàn vạn trang thơ, triệu triệu điệu nhạc, lời ca thì cũng không thể nào xoa dịu nỗi niềm lạc lõng, đơn côi, u sầu kia. Cuộc sống của cô nào có khác chi chốn tù ngục, đọa đày, mỗi giờ khắc, ngày tháng qua đi sao mà mòn mỏi, não nề, ủ ê đến thế, nó cứ bám riết, đeo đẳng bên cô không biết đến khi nào mới được giải thoát đây.
Hàng ngày, cô xé lịch, đếm thời gian, nhìn những ngày tháng đã qua mà thở dài ngao ngán cho thân phận của mình. Những ngày sắp tới rồi sẽ ra sao? Cô mong có một phép nhiệm màu để xua tan tất cả, nhưng than ôi, tất cả chỉ có thể là ảo vọng và cô vẫn phải chấp nhận sự thật phũ phàng của sự lạnh lùng, đơn côi ấy.
Nhân xưng “Em” (Em về; Em nơi xứ lạ) phải chăng là lời tự vấn của tâm trạng cô đơn không lối thoát, không biết bày tỏ cùng ai. “Em về” là về nơi em đang sống, vậy mà em chẳng được vui, bởi vì sao? Có phải tại vì cái nơi “xứ lạ” ấy đã làm cho cuộc đời em “bấp bênh”, “ghềnh gập”, “chông chênh” và nguyên chính là cuộc tình của em nó “lênh đênh” lắm, em không có nơi để mà nương tựa, bấu víu, người đi chung cuộc đời với em lại chính là người hắt hủi em, xa lánh em, bỏ rơi em, bởi thế em mới thốt lên “Tình ơi sao mãi lênh đênh”.
Người con gái trong bài thơ, có thể cũng đã trải qua một vài cuộc tình rồi, nhưng cuộc tình nào chắc cũng chẳng ra sao, đến cuộc tình cuối này những tưởng sẽ an bài, là nơi để mà dừng bước xây nên tổ ấm, thế mà cũng chẳng tới đâu và xem ra còn bi đát hơn, bấp bênh hơn, chông chênh hơn và không hy vọng gì cho một tương lai hạnh phúc.
Nếu hai câu thơ đầu: “Em về giọt nắng chia hai/ Tháng năm ghềnh gập gót hài chông chênh” nêu lên hoàn cảnh sống thực tại của cô gái không được thuận lợi, bình thường, thì hai câu thơ tiếp theo: “Tình ơi sao mãi lênh đênh/ Em nơi xứ lạ bấp bênh phận người” chính là tiêng kêu thảng thốt gói trọn tâm hồn của cô gái có thân phận buồn tủi kia. Và hai câu thơ ở khổ thứ 3: “Giơ tay hái nhánh sương trời/ Biển tình dậy sóng không lời ái ân” là minh chứng sống động nhất cho sự đổ vỡ, cho sự bấp bênh của cô gái. Và hai câu kết thúc: “Trang thơ tiếng nhạc vô ngần/ Xé tờ lịch cũ phân vân thở dài” thể hiện sự bất lực của bản thân cô gái trước thực tại cuộc sống của mình.
Cả bài thơ là tiếng lòng trắc ẩn, u hoài, là tâm trạng bẽ bàng, buồn tủi, khổ đau, bấp bênh của một cô gái lấy chồng mà chẳng được chồng thương yêu, chẳng được hưởng hạnh phúc ái ân ngọt ngào, say đắm, nhưng cô gái vẫn âm thầm chịu đựng chứ không tìm cách bứt phá, thoát ly theo bản năng lý tính của mình. Điều đó, trong xã hội hiện nay quả là hiếm, nhưng chắc chắn cô gái phải có lý do gì đó rất riêng mà vì nó cô âm thầm chấp nhận để rồi tự trang trải lòng mình với những câu thơ thấm đậm tình người và xót xa thân phận làm cho người đọc phải day dứt, ngậm ngùi.
Tác giả đã thật khéo trong cách sử dụng từ ngữ rất gợi cảm, gợi hình và có sức biểu trưng cao, gợi nhiều liên tưởng cùng nghệ thuật hoán dụ, ẩn dụ tài tình, một lối nói phi logic, phóng ngôn ý vị để làm toát lên toàn bộ ý tứ của bài thơ. Mỗi ý thơ viết ra đều được lập ngôn rất hàm súc, thể hiện nội cảm sâu sắc: “giọt nắng chia hai”, “ tháng năm ghềnh gập”, “gót hài chông chênh”, “ tình… mãi lênh đênh”, “bấp bênh phận người”, “hái nhánh sương trời”, “biển tình dậy sóng”, “phân vân thở dài”… làm cho câu thơ bỗng trở nên mơ hồ, mông lung, mềm mại nhưng sắc lạnh, giọng điệu thơ buồn mà không sáo, không nhạt và người đọc vẫn cảm thụ được sự day dứt, chua xót trong từng câu chữ.
“Em nơi xứ lạ” – liệu có phải là hoàn cảnh của các cô gái người Việt bị lấy chồng giả để chỉ làm ô sin nơi xứ người hay không, hay chính là những tình cảnh của một số chị em phụ nữ hiện nay “có chồng mà cũng như không”. Điều đó chưa thể khẳng định nhưng ít nhiều cũng là bóng dáng của cuộc sống quanh ta và người đọc rất dễ lan tỏa một nỗi niềm đồng cảm cùng tác giả.
Nha trang 04.02.2011
Lương Bá Hòa
ĐT: 01682553228
Email: luongbahoa@gmail.com