Thứ năm, 16/05/2024,


Ta gom nỗi nhớ… sớm trưa tối chiều! (09/02/2011) 

GOM NỖI NHỚ

 

Gần bên thoáng chút lo xa…

Đầy vơi nỗi nhớ biết là làm sao?

Yêu thêm một chút nữa nào,

Xa rồi chẳng nuối tiếc… trao chưa nhiều!

 

Gom từng mảnh vấn vương yêu,

Trăng rơi mặt sóng cuối chiều soi nhau

Một vòng nhớ chẳng kín đâu,

Đổi lời hẹn lấy đêm sâu ngát tình.

 

Duyên ai hút lệch vía mình,

Dõi theo ánh mắt bóng hình thoáng qua

Đất trời còn choáng nữa là!

Làn mi nghiêng... cửa mở va hồn người.

 

Gom thêm mảnh nhớ bên đời,

Trèo đèo lội suối như lời nói xưa.

Vẫn còn lắm nắng nhiều mưa,

Ta gom nỗi nhớ… sớm trưa tối chiều!

 

Trần Mạnh Tuân

 

 

Tôi đã từng gom nỗi nhớ để hoài niệm và không đánh mất mình với quá khứ nghĩa tình và giờ đây lại gặp người tri âm cùng gom nỗi nhớ như mình. Có điều cách thể hiện của mỗi người mỗi khác.  Với Trần Mạnh Tuân, bài thơ “Gom nỗi nhớ” đã làm anh xích lại gần với tôi hơn, nghĩ nhiều hơn về thơ về người ấy- người đã gắn bó với mình, để lại nhưng kỷ niệm khó phai mờ trong ký ức!

 

“Gom nỗi nhớ” là bài thơ được viết theo thể lục bát, 16 câu chia làm 4 khổ. Mỗi khổ thơ là một lát cắt cảm xúc nhưng xâu chuỗi lại thì cả một tấm lòng nhớ thương đeo bám trong trái tim đa mang của người thơ.

 

Mở đầu bài thơ: “Gần bên thoáng chút lo xa…/ Đầy vơi nỗi nhớ biết là làm sao?/ Yêu thêm một chút nữa nào,/ Xa rồi chẳng nuối tiếc… trao chưa nhiều!...”

 

Khi người ta yêu nhau thường có tâm trạng như thế: lo lắng, hồi hộp hay sợ hãi… Đó cũng là lẽ thường quy luật tâm lý con người. Phải là người yêu quý và trân trọng thời gian mới có những câu trần tình đến nao lòng. Trải nghiệmtrong tình yêu cho ta những bài học quý trọng những gì đã có.

 

Cứ thế, tác giả lặng lẽ “gom nỗi nhớ”. Từng mảnh vấn vương ấy ghép lại giúp cho con người ta biết suy tư nhiều hơn, và rồi từ những mảnh ghép ấy, vòng tròn thương nhớ thành hình, “đêm sâu ngát tình” hiện lên có vầng trăng nhân chứng làm đẹp thêm ký ức. Nỗi nhớ có hình và gợi cảm nhiều hơn.

 

Tôi thích khổ thơ hai và ba, nhất là: “Duyên ai hút lệch vía mình/ Dõi theo ánh mắt bóng hình thoáng qua/ Đất trời còn choáng nữa là/ Làn mi nghiêng… cửa mở va hồn người…”

 

Người làm thơ thường có cách tạo riêng những khoảng lặng cho thơ, có người sử dụng trường liên tưởng; có người xâu chuỗi những mảnh ký ức để tạo ra những khoảng lặng và đó cũng có thể là khoảng lặng của tâm hồn nhân vật trữ tình. Từ “vía” đặt vào đây thật đúng chỗ.  Cái duyên “hút lệch vía mình”, “ánh mắt” “thoáng qua” khiến trời đất choáng váng như thế “cửa mở va hồn người” thì thật là thú vị!

 

Gom thêm mảnh nhớ bên đời,

Trèo đèo lội suối như lời nói xưa.

Vẫn còn lắm nắng nhiều mưa,

Ta gom nỗi nhớ… sớm trưa tối chiều!

 

Kết thúc bài thơ là gom nỗi nhớ “sớm trưa tối chiều”. Hoá ra nỗi nhớ đó theo anh song hành với thời gian. Nhớ như thế quả thật sâu sắc. Tôi tin những ai biết trân trọng ký ức, trân trọng cái đẹp sẽ gặt hái hạnh phúc, dù sớm hay muộn, dù ít hay nhiều!

 

Ngôn ngữ của bài thơ bình dị, chắt lọc nhưng cái tình, ngọn lửa yêu thương cháy bỏng mãnh liệt của nhân vật trữ tình trong thơ đã làm người đọc – tôi – bâng khuâng, xao xuyến, khắc khoải và đau đáu…

 

Cảm ơn tác giả bài thơ đã có cho tôi có những phút giây lặng lẽ tri âm cùng người!

 

Đêm 5/1/2011

 

Lê Bá Duy

Điện thoại: 01696506939

Email: duy@vanthoviet.com

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: