Thứ sáu, 01/11/2024,


Có người vẫn rét cả khi Xuân về… (05/02/2011) 

CUỐI ĐÔNG

Giời ơi thăm thẳm hoàng hôn

Thương ai vời vợi

Nỗi buồn chân mây

Mà sao khát vẫn dâng đầy

Mà sao thèm vẫn cứ gầy đêm hoang...

 

Giời ơi tình cứ bẽ bàng

Cháy miền tĩnh lặng

Tết càng không Xuân

Ừ thì mây cuốn mưa vần

Ừ thì khóc ướt cả trần gian đi!

 

Mặc ai nồng ấm đang thì

Có người vẫn rét cả khi Xuân về…

 

Đêm Đông cuối năm Canh Dần

Đặng Vương Hưng

 

 

“Cuối Đông”! Với thời gian, đó là thời điểm cuối cùng của một năm, trái đất hoàn thành một vòng quay quanh mặt trời. Với đời người, trong một năm từ Xuân, Hạ, Thu đến Đông với bao thăng trầm, bao kỷ niệm vui buồn, thì cuối Đông cũng là dịp mỗi người ngồi tĩnh lặng mà tổng kết những việc làm được, chưa làm đựơc, không khí Xuân mới cũng từ cái tĩnh lặng cuối Đông ấy mà ra. Trong năm ăn lên làm ra, mọi việc may mắn suôn sẻ thì Đông như bớt lạnh giá, cái Tết sẽ về gần hơn, sớm hơn, hỉ hả, sung túc sum vầy hơn. Bằng như ngược lại thì Tết như còn ở xa xôi lắm, còn mong manh, còn nặng trĩu lo lắng, nào nợ nần, nào trách nhiệm làm con, nào lễ lạt, quà cáp, biếu xén, nào trách nhiệm làm cha mẹ, nào sắm Tết trong nhà… thấy con trẻ ngây thơ đếm từng ngày mong Tết mà quặt thắt cả lòng. Đó chỉ là nói riêng về vật chất, đời sống còn bao lĩnh vực tình cảm và bao vấn đề khác thì cuối đông cũng là cái thắt gút cho mỗi người nhìn nhận lại chính mình, là thời điểm phân biệt rõ nhất cái thành công và thất bại trong một năm. Vì vậy, nhà thơ đã thật độc đáo khi chọn tứ và đặt tên của bài thơ là “Cuối Đông”.

 

Đọc bài thơ, thấy “Cuối Đông” đúng là một bài thơ tình. Tâm trạng, tâm sự của một người đang yêu, yêu với một tình cảm da diết mãnh liệt, trong ngày cuối cùng của mùa Đông, của một năm, bỗng thấy nỗi nhớ cháy bỏng hơn ngày thường:

 

Giời ơi thăm thẳm hoàng hôn

Thương ai vời vợi

Nỗi buồn chân mây

Mà sao khát vẫn dâng đầy

Mà sao thèm vẫn cứ gầy đêm hoang... 

Không hề nhắc đến chữ nhớ, nhưng câu thơ đầu vẫn hiện rõ sự đau đáu nhớ đến nỗi không kìm chế được phải kêu lên “Giời ơi!....” Ôi! Nỗi nhớ nhau của những người đang xa nhau có thể bày tỏ bằng những câu như: “Anh nhớ em quá đỗi! Em ơi!” Hoặc người con trai sẽ gọi tên người yêu của mình mà nhớ mà  thương. Nhưng ở đây tác giả đã phải thốt lên “Giời ơi thăm thẳm hoàng hôn”, mới thấy cái nhớ đã lên đến đỉnh điểm rồi. Sự bức bách của con người, chia sẻ với ai, nói thế nào cũng chưa đã, chưa thấu cái nhớ, nên mới than với trời, mới mượn cái không gian thăm thăm hoàng hôn để diễn tả cảm xúc. Tự sự của mỗi người theo câu nói “trời biết, đất biết, mình biết”, vì trời biết nên mới thảng thốt với trời, coi như một vị cứu tinh của cõi lòng nhung nhớ.

 

Bài thơ không chỉ dừng ở nỗi nhớ mà còn là niềm thương yêu, khát khao, thèm muốn vô vàn. “Thương ai vời vợi”, ắt hẳn là thương người đang ở xa rồi, vừa xa về không gian, và “ai” đã xa mặt cách lòng nên mới vời vợi như thế. Còn nỗi buồn. Sao lại là nỗi buồn chân mây nhỉ, thật lạ. Ngắm mây một lát mới chợt hiểu. Ừ! Đúng quá, thật đắt khi mô tả cái sự thay đổi của người yêu, nếu nói trạng thái của con người là “Sáng nắng chiều mưa”, sự thay đổi đã là nhanh lắm rồi, nhưng sự  thay đổi theo mây, tác giả đã cho mây như có chân biết đi, biết di chuyển, thực tế thì mây luôn chuyển động, biến hình, lúc thế này, lúc thế khác, vừa mới là hình ảnh diễm kiều của một nàng tiên nữ, một khắc sau đã tan loãng vào hư không, hoặc quái dị hơn là biến thành hình thù của mụ phù thủy…  Với một người yêu mau thay đổi như thế  hỏi sao không buồn được.

 

Dẫu biết em trái tính, trái nết như thế mà vẫn khát khao, vẫn thèm… mới hiểu tình yêu đã là một lực hút quyến rũ, hình ảnh em đã quyện chặt với hồn mình rồi, không thể dứt ra một khắc nào cả. Để cho nỗi thèm nhìn thấy em, hôn em, nắm tay em và thèm… càng nhiều thì càng làm gầy đêm hoang. Từ “hoang” dùng cũng đắc địa. Nếu nói ngày là phần người, nói đêm là phần con, thì vạn vật trở về với cái hoang dã, cái thèm khát tự nhiên, thế nên những đêm trằn trọc với sự khát thèm hết sức hoang dã đã làm gầy mòn từng đêm và cụ thể hơn là cái tinh thần và thể xác đã gầy mòn héo hắt theo thời gian. Có khát thèm nào được đặc tả hơn thế nữa đâu!

 

Giời ơi tình cứ bẽ bàng

Cháy miền tĩnh lặng

Tết càng không Xuân

Ừ thì mây cuốn mưa vần

Ừ thì khóc ướt cả trần gian đi!

  

            Đến khổ thứ hai lại một lần nữa tác giả kêu lên “Giời ơi…” , và nói thẳng không úp mở gì  nữa, tình cứ  bẽ  bàng, cho miền tĩnh lặng của lòng cháy khổ sở điên cuồng, tâm trạng thế sao mà đón Xuân được. Sự ngắt câu của câu bát hai lần như thể hiện tiếng khóc đến não nùng. Cái không gian của Xuân cũng không thể giúp cho cõi lòng tê tái ấy vui lên. Tận cùng của bẽ bàng, nhân vật chính của bài thơ đã thất tình rồi. Đã nhiều cách, đã năn nỉ, đã van lơn… đủ cả nhưng nàng vẫn cứ chỏng chảnh. Giá như nàng chỏng chảnh ngoa nguýt thì không nói, nhưng chắc hẳn người nữ ở đây là khua gió gieo giông, là ừng ựng sướt mướt… hỏi làm sao chịu nổi đây. Không chịu nổi mới “ừ thì…” đầu hàng em rồi, em cứ  làm những gì em muốn. Ghen rồi đây, tưởng tượng em cùng ai cũng “Mưa cuốn mây vần” như ngày nào mà nhớ mà hờn để quyết tâm trân mình, hứng chịu những gió dông và mưa nước mắt ấy. Mặc kệ em thôi!

           

Ôi! Giận thì nói thế nhưng liệu có mặc kệ, có quên em được không đây?

 

Mặc ai nồng ấm đang thì

Có người vẫn rét cả khi Xuân về…

 

            Cuối Đông rồi đến đầu Xuân, vạn vật thay đổi, lòng người có vì thế mà  hưng phấn mà quên đi sầu não để khao khát Xuân không? Ừ, thời gian thì vẫn thế, như dòng nước chảy xuôi mãi mãi. Nhưng với hai câu kết của bài thơ, đã  khẳng định tâm trạng anh lúc cuối Đông vẫn chắc nịch, lòng vẫn ôm trọn vẹn nỗi đông giá thôi, không quên được em, không có em, mùa Xuân không là gì cả, không xôn xao, dẫu từng cặp đôi xung quanh mình đang nồng ấm trong tiết Xuân.

 

Khi tình trắc trở, nếu muốn thì vẫn sẽ có niềm vui mới, có người mới. Nhưng nhân vật trữ tình ở đây đã nhớ, đã yêu cháy bỏng, đã vật vã, đã trân mình trong đau khổ… nhưng không nuôi thù hận, không thay dạ đổi lòng. Vẫn một lòng yêu em, vẫn mang giá đông trong lòng để chờ em về bên anh đấy! Xuân ơi! Một tình yêu son sắt và chung thủy đến tuyệt vời khiến người đọc rưng rưng, thầm mong ước trong đời có một lần, có người yêu mình như thế.

 

Đọc toàn bộ bài thơ ta sẽ thấy sự chắc chắn trong từng câu chữ và vần điệu. Dường như bài thơ toát lên bản lĩnh từng trải và gửi gắm bao nỗi buồn vui của người viết qua từng câu, từng chữ. Cách chọn chi tiết ẩn dụ, đa nghĩa và đắt, khiến người ta dễ đồng cảm và "động lòng trắc ẩn", bởi ai có hoàn cảnh tương tự cũng thấy hình như có mình trong đó. Nội dung tác phẩm có vẻ nói về một mối tình buồn, nhưng lại dễ thương, nam tính và không hề ủy mị.

           

Cảm ơn nhà thơ Đặng Vương Hưng đã có những câu thơ nồng nàn da diết, cách ngắt dòng gieo nhịp nhuần nhị điệu đà, chọn từ ngữ đắc địa, văng vẳng tiếng lòng thổn thức nhưng không bi lụy, vẫn ửng sáng một niềm tin, niềm hy vọng… Bài thơ đã gói trọn tâm trạng của bao người trong những ngày cuối Đông này. Hy vọng nhiều đôi lứa đang giận hờn, đang xa nhau… khi đọc bài thơ sẽ trở về bên nhau cùng đan xiết tay nhau dệt nên một tình yêu mịn nhung hương sắc hạnh phúc! Và kìa: Nàng Xuân đang gõ cửa muôn nhà!

 

Hòn Đất, mùng 02 Tết Tân Mão

Vũ Thiên Kiều

(ĐT: 0986585388 - Email: vuthienkieu@gmail.com)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: