Thứ sáu, 01/11/2024,


ĐẦU XUÂN MỘT NGƯỜI RUNG CÂY LỤC BÁT (Trịnh Sơn) (04/02/2011) 

“Bạn có thể bắt gặp mình ở đâu đó, ngày nào xưa cũ trong những xứ sở dung dị VĂN CÔNG HÙNG nhón gót vẽ trên tấm bản đồ tâm tư. Tọa độ trái tim không chỉ theo ba trục định vị, chúng ta vô cớ nhận ra những thông số vô cùng gần gũi trong từng nhịp bước đời. Đó là một chỗ ngồi cũ với người cũ, đây là nơi kiễng chân hái đóa quỳ vàng trên cao tặng người chiều ấy, kìa là đám mây bay đi từ độ mất người…”. (Trịnh Sơn)

 

 

 

          Khi Tập VĂN CÔNG HÙNG LỤC BÁT (NXB Hội Nhà văn – 2010) chưa ra đời, hơn năm năm trước tôi đã được ai đó đọc cho nghe bài SUỐI ĐÁ. Chỉ một lần thôi, nghe trong mấp mé cơn say, nhưng lại yêu ngay và nhớ ngay:

          “em về suối đá đường mưa

          áo trắng thế

          đến bao giờ cho khô”

 

          Nhớ rồi yêu hay yêu rồi nhớ? Biên phận cảm giác mơ hồ như chưa từng có. Lòng người đang ngắt lạnh giữa nhịp mưa gió, bỗng rưng rức nảy nở ấm nồng thương cảm. Thương gì cảm gì hỡi người thi sĩ cô đơn giữa đời chen chúc? Đọc mấy câu này của nhà thơ Tây Nguyên VĂN CÔNG HÙNG, không khỏi chạnh tâm nhớ HÀN MẶC TỬ PHONG TRẦN :

          “Mơ khách đường xa khách đường xa

          Áo em trắng quá nhìn không ra”

                   ( Đây thôn Vỹ Dạ )

 

          Nếu thi sĩ họ Hàn chỉ dừng lại ở cung bậc tô lông mày cho nhân vật trữ tình, thì VĂN CÔNG HÙNG đổ mồ hôi làm luôn các công đoạn make-up còn lại. Người nghệ sĩ nâng sắc màu lên thành một chất liệu sống, son không còn là son phấn không còn là phấn. Sắc tố cô đơn kiêu hãnh phơn phớt từng lớp từng lớp. Màu thoang thoảng màu. Hương phảng phất hương. Từ áo-trắng-Vỹ-Dạ cho đến áo-trắng-suối-đá là một con đường miên man bước người. Phong cách lục bát VĂN CÔNG HÙNG phát lộ trên nền tảng thiết thực nhất: Thân phận con người! Những dòng sáu tám chảy theo hồn người, thành khe thành suối, sắc góc nhọn cạnh. Đôi khi, tưởng như mình đang đi giữa triền đồi cỏ lau cỏ gai cỏ may, chẳng thể nào né tránh những vết cào vô tình mà hữu ý:

          “người đương ngơ ngẩn tóc thề

          thì tôi đã lại bốn bề Tam Giang”

          “liễu xanh giăng mắc điều gì

          mà rêu Thương Bạc phu thê giữa chiều”

          “đưa nhau về biển Lăng Cô

          về đèo Bạch Mã mà lo đoạn trường”

 

          Mấy khúc thơ trên cùng thuộc một bài MÙA THU NHƯ THỂ NẮNG VỪA TRÔI QUA, tôi lại không thể đặt chúng vào một cấu trúc hoàn chỉnh được. Sắp góc nào chiều nào cũng thấy chưa vừa ý. Đặt mặt trước lưng sau gì cũng chẳng thể hài lòng. Có phải vậy chăng, VĂN CÔNG HÙNG đã cắt bài thơ ra thành bốn trang. Mỗi trang là một mùa thương khó. Tâm hồn người ta giá mà cắt trang chia đoạn được thì sung sướng biết chừng nào.

          Mỗi đoạn mỗi trang chứa đựng cả hành trình phía trước: bốn bề Tam Giang – rêu Thương Bạc phu thê chiều – về biển Lăng Cô về đèo Bạch Mã lo đoạn trường… Tài hoa của người thơ là thước đo của nghệ thuật. Ngôn ngữ nhuyễn mềm qua tay VĂN CÔNG HÙNG. Những địa danh, xứ sở kia không còn gói gọn trong ý thức địa lý nữa, bấy giờ, chúng nghiễm nhiên có tâm có tính có tình. Tam Giang sóng động, Thương Bạc lận đận phồn, Lăng Cô Bạch Mã đắn đo day dứt. Gắn từng cái tên riêng với từng đặc trưng vùng miền là công việc của các nhà khoa học xã hội, nhà thơ đem những cái tên riêng ấy cấy ủ trong ký ức mình, để cho chúng tự do sinh sôi. Họa hoằn lắm, hai bàn tay đôi lần chăm nom thửa vườn hồn bằng vui buồn sướng khổ hận thương mờ tỏ:

 

          “ơ hờ gió ơ hờ mây

          ta xênh xang lướt trọn ngày Tam Giang”

          “ta về sen nở từ lâu

          tiếng ve rả rích trên cầu Thanh Hương”

                             (đò ngược phá Tam Giang)

          “bây giờ Đà Lạt mưa ơi

          mình tôi ngồi với xưa nơi người ngồi”

                             (ta về Đà Lạt)

          “ Krông Pa một lần say

          nhìn nhau thoáng ngỡ vạn ngày thu dâng”

                             (đêm Krông Pa)

          “đêm như Côn Đảo bùa mê

          em như lòng biển bốn bề trong veo”

                             (lục bát Côn Đảo)

          “gió chân dài te tái say

          cầu vồng cháy thác giữa ngày Chư Sê”

                             (bỗng thành vu vơ)

          Bạn có thể bắt gặp mình ở đâu đó, ngày nào xưa cũ trong những xứ sở dung dị VĂN CÔNG HÙNG nhón gót vẽ trên tấm bản đồ tâm tư. Tọa độ trái tim không chỉ theo ba trục định vị, chúng ta vô cớ nhận ra những thông số vô cùng gần gũi trong từng nhịp bước đời. Đó là một chỗ ngồi cũ với người cũ, đây là nơi kiễng chân hái đóa quỳ vàng trên cao tặng người chiều ấy, kìa là đám mây bay đi từ độ mất người… Người chắp nối người theo cách ngày kế tiếp ngày. Chỉ có kỷ niệm luôn đột ngột tươi mới, rẽ dòng chia nhánh:

          “có một mùa rét như vừa lướt qua

          có một câu hát xót xa

          có dăm cái lá như là chợt xanh

 

          chiều nay thác rất an lành

          có vài thắc thỏm bỗng thành bâng quơ…”

                             (bỗng thành vu vơ)

          “một vệt đường đỏ như son

          một con tuần lộc mỏi mòn dặm xa

          một ngu ngơ trẻ không nhà

          một cây nến thắp như là chiêm bao”

                             (nhẹ tênh đêm thánh an lành)

          “ta đong một chén bình minh

          một ly nghiêng ngửa một bình hoàng hôn

 

          em nâng một núi thẳm buồn

          một sông sung sướng một nguồn ngất ngây…”

                             (đêm Krông Pa)

 

          Chúng ta vẫn lầm tưởng kỷ niệm là ngày đã qua, nên một thuộc tính vẫn được gán cho kỷ niệm là sự nuối tiếc, hoài cảm. Trước kỷ niệm là kỷ niệm và gì nữa? Chưa đủ, thiếu sót lớn nhất của cuộc đời tôi là khoảng đời còn lại chứ không phải quãng ký ức đã qua. Chỉ cần lật ngược tấm gương xuống, người đã có một vết chân chim cuối mắt. Người thơ đong đếm cả ngày tháng chưa qua. Như là ích kỷ? Như là độ lượng? Có lẽ, cả ích kỷ và độ lượng chưa bao giờ nguôi cơn giật giành trong cõi vô bờ bến tâm hồn. VĂN CÔNG HÙNG không cố ý vẽ ra lằn ranh mong manh ấy, nhưng bằng sự trải nghiệm thực thể mình trên thực tại, người thơ có sẵn một đường zíc-zắc tuyệt diệu, nằm ngoài mọi biên độ định sẵn:

 

          “hoa tường vi nở lâu rồi

          lối mòn như cũng theo trời mà mưa…”

                             (ta về Đà Lạt)

          “gói chiều vào mảnh khăn tay

          em đem nhan sắc dãi bày mênh mông”

                             (đếm tuổi)

          “xòe tay thấy một đám mây

          thổi về xa lạ từng dây tơ hồng”

          “thì thôi bước xuống ruộng cà

          hái nhành sen trắng làm quà tiễn đưa”

                             (bây giờ đã cuối mùa mưa)

          Khi ích kỷ lên cao, chiều chỉ còn một mảnh, mây chỉ còn dăm phiến, trời chỉ còn một cơn. Lúc độ lượng dâng đầy, sen trắng nở trên nhành cỏ, mây bám ngón tay gầy, mưa dậy men trong mắt. Không ảo tưởng chút nào cả, người thơ sống và mặc nhiên sống bằng thân phận mình có, mộng trong thực, thức trong mơ, mớ khi mắt mở, lửa đỏ thắp mười đầu ngón tay. Chân dung anh như thế nào sau cơn tháng năm thổi dài?

 

          VĂN CÔNG HÙNG khiêm cung, đôi khi mềm yếu:

          “nghiêng vai gánh một hải hồ

          lưu ly nở trắng hai bờ giai nhân”

                             (bến mê)

          Tự hỏi, có con người nào không mềm yếu đôi ba lần trong đời? Người thơ có đặc quyền mềm yếu trong thế giới của mình như chim lồng cá chậu có quyền câm nín suốt chặng đời tù tội? Tôi cảm nhận được tôi nhỏ bé khi tôi đứng trước bao la vũ trụ, ngược lại, vũ trụ có soi hết nỗi hụt hẫng của tôi không? Người thơ – hoặc đa cảm sầu, hoặc cực đoan đến tận cùng có thể:

 

          “cúi xin mắt bão vô thường

          thổi về biên trấn nẻo đường mưa giăng…”

                             (đêm Krông Pa)

          Đôi câu này, làm mới lại một ý cũ của người khói sương VŨ HỮU ĐỊNH :

          “Mai xa lắc trên đồn biên giới

          Còn một chút gì để nhớ để thương”

                             (Còn chút gì để nhớ)

 

          Hai thân phận không trùng lắp nhau, ấy mẹ cha đặt để. Thơ kéo chúng ta lại gần bằng lối lạ đường quen ai xui ai khiến. VŨ HỮU ĐỊNH thiệt thà trong vô vọng, VĂN CÔNG HÙNG phập phồng niềm đợi chờ cùng cực tròng mắt. Anh vẽ mắt anh lên thâm quầng thời gian biến động để tận hưởng xót xa dung nhan kỷ niệm. Nghĩa “vô thường” của người thơ này không thừa hưởng những “vô thường” của Phật của Lão của Giáng của Trịnh. Vô thường của VĂN CÔNG HÙNG có lông mày lông mi, có mí trên mí dưới, có tròng đen tròng trắng. Cái chớp mắt của nàng tiểu thư lúc tay nâng chén trà gọt đẽo bằng thân phận kẻ si tình:

          “đã vắt đến kiệt bàn tay

          đã mưa mưa đến tận ngày nước rong

          đã từng khóc đỏ cơn mong

          đã thôi ngọn nến cháy trong đốt ngoài”

                             (những dòng nước mắt về đâu)

 

          Đã đã đã đã… Một phiến âm vụn dưới mọng môi nhan sắc cũng khiến kẻ đa mang mỏi lưỡi tặc đời. Nhan sắc cũng là đời, sao đời không tặc lưỡi thương đời? Đành vậy. Ở đâu đó trong đêm của tôi, có chỗ cho đời bày đời vẽ:

 

          “trăm ngàn vạn ước mơ nằm

          những ngôi sao đỏ cháy thầm bên nhau”

          “những người lính trẻ nằm chờ trăng lên…”

                             (những dòng nước mắt về đâu)

          Khát vọng thăm thẳm của người thơ, hẳn đâu là sao là trăng là trời? Chỉ cần một rạng ngời hót ngay giữa lồng ngực mình :

          “trái tim hát giữa bụi bờ mà đau…”

                             (và rồi mây gió với ta)

          Cuối cùng, tôi đã tìm thấy điều tôi muốn tìm. Áo trắng ấy vẫn chưa khô, và có lẽ không bao giờ khô được:

          “một mai một mốt một ngơ ngác người

 

          thôi xong, nhen lửa và cười

          hình như con mắt vừa rơi xuống hồ…”

                             (một ngơ ngác người)

 

          Những gì có thể đốt – đã đốt. Những gì có thể cháy – đã cháy. Những gì có thể sạch – đã sạch. Về đi thôi, hong thân trên mỏm đá trắng của HÀN, phơi phận trong “buổi chiều quanh năm mùa đông” của ĐỊNH:

          Áo trắng thế

          Đến bao giờ cho khô ?

 

TRỊNH SƠN

(Vũng Tàu)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: