BỐI RỐI XUÂN
Sáng nay ưng ửng xuân hồng
Trời tưng tửng thế! nhốt lòng được sao?
Tiếc mình qua mất tuổi đào
Chẳng dám nhận những ngọt ngào đêm qua
Cứ đổ tại chén la đà
Vòng tay ghì chặt ấy là rượu thôi
Nồng nàn tựa cửa say rồi
Cỏ non biêng biếc dụ môi tự tình
Lộc bung con mắt rất xinh
Đa tình nhún nhảy rập rình trêu ngươi
Đam mê nhoẻn một nụ cười
Sao mình bối rối như thời ngày xưa
Chung chiêng quá! Giấc mơ trưa
Bỗng dưng lòng thấy dại khờ giữa Xuân…
Thủy Hướng Dương
Tôi bất ngờ trước ý thơ: “ưng ửng xuân hồng”. Trời ơi, sao không hồng tươi, hay tươi rói… mà lại: “ưng ửng” thôi, xuân chưa chín hay lòng người thơ cảm nhận như vậy vì một lý do tế nhị. Cái chính là nhà thơ tự bạch, không hề giấu diếm:
“Trời tưng tửng thế! Nhốt lòng được sao?”
Vâng! Có ai nỡ “cầm tù” lòng mình trước mùa xuân chớm nụ, hứa hẹn một mùa yêu tươi rói, rạo rực, bâng khuâng…
Bởi vậy dẫu nhà thơ có:
“Tiếc mình qua mất tuổi đào”.
Nói là “tiếc” nhưng: “Tuổi đào” có bao giờ già đâu. Cứ cho là những: “Ngọt ngào đêm qua” nhà thơ đổ thừa cho tại: “Vòng tay ghì chặt ấy là rượu thôi” thì đấy vẫn là cái tình, nỗi ước ao thật nhất của nhà thơ, hay đúng hơn là của mỗi người trong rất thật của khao khát tình người trong cuộc sống, dù trong cảnh ngộ nào trước sức mê hoặc của mùa xuân, của lòng người, của cuộc đời bể khổ, mà nhà thơ là giới nữ… Thật tinh tế và đáng trân trọng biết bao. Để rồi khổ thơ: “Nồng nàn tựa cửa say rồi/ Cỏ non biêng biếc dụ môi tự tình/ Lộc bung con mắt rất xinh/ Đa tình nhún nhảy rập rình trêu ngươi” như một sự khó kìm nén, cứ bung ra như hoa đào gặp gió xuân vậy, câu thơ: “Cỏ non biêng biếc dụ môi tự tình” ấy đã nói lên cảm nhận tinh tế và đa cảm của nhà thơ rồi.
Và khổ thơ cuối nhà thơ “tự thú” trước mùa xuân:
“Đam mê nhoẻn một nụ cười
Sao mình bối rối như thời ngày xưa
Chung chiêng quá giấc mơ trưa
Bỗng dưng lòng thấy dại khờ giữa Xuân…”
Cái từ “đam mê” ấy mới lột tả được tâm trạng của nhà thơ, làm duyên cho nụ cười khó kìm nén tự đáy lòng. Nhà thơ thấy: “bối rối như thời ngày xưa”, cái ngày xưa trong trắng, nguyên sơ với bao ước mơ hy vọng, dẫu nay có khác thì vẫn như một đốm lửa hồng trong những giá lạnh cuộc đời.
Cho nên dù trước thềm xuân mới, nhà thơ có thấy: “Bỗng dưng lòng thấy dại khờ giữa Xuân…”, thì đấy là cái “dại khờ” đáng yêu, mà nếu ai không biết “dại khờ” như thế, chắc gì đã cảm nhận được mùa xuân với bao cung bậc diệu kỳ, đánh thức những hạt mầm tốt đẹp trong ta và trong cuộc đời này!
Thủy Hướng Dương có tặng tôi một đĩa phổ nhạc thơ của em. Đêm rét ngọt, nghe nhạc và đọc bài thơ: “Bối rối” mới thấy mình suốt đời vẫn là con trẻ và luôn “bối rối” trước mỗi độ xuân về. Tôi chỉ dám ngẫu hứng đôi dòng cảm nhận mà chưa dám bình, bởi trong thơ Thủy Hướng Dương nhiều câu hay lắm, nhiều từ đắt lắm, chỉ đơn cử: “lộc bung/ đa tình/ nhún nhảy/ rập rình…”. Em rất giỏi trong sử dụng nhịp điệu tạo nên chất nhạc và không gian đa chiều trong thơ, vì vậy không có gì lạ khi thơ em được phổ nhạc nhiều, chưa nói rằng cái riêng cuộc đời em hòa trong cái chung làm cho bài thơ ý tại ngôn ngoại và làm cho người đọc chiêm nghiệm, suy tư trước mùa xuân, về con người và cuộc sống…
Mùa xuân đang đến. Xuân mới “ưng ửng” trong em hay chín trong anh có gì quá quan trọng đâu. Cái chính là xuân trong lòng người, xuân của tình đời!
Chiều 19.1.2011
Trần Vân Hạc
Địa chỉ: F.201 - Nhà.B4 - ngõ.189 - Thanh Nhàn
P. Quỳnh Lôi - Q. Hai Bà Trưng - Hà Nội
ĐT: 0917 331 683 - Email: vanhac.yenbai@gmail.com