“Như một sự cộng hưởng với những âm thanh cuộc sống đa dạng từ địa hạt văn xuôi, ngôn ngữ thơ cho thiếu nhi hôm nay cũng có những sắc diện, những biến điệu, dư vị riêng. Sự trở về sáng tạo và độc đáo của thể thơ ngắn, tiết tấu, nhịp điệu nhẹ nhàng đã mang lại cho thơ thiếu nhi từ 1986 đến nay một sự mới mẻ, hấp dẫn riêng trong khi vẫn không ngừng bám sát những sinh hoạt gần gũi của trẻ thơ”.
Là bộ phận quan trọng của văn học thiếu nhi, thơ cho tuổi thơ hơn hai mươi năm đổi mới đất nước cũng mang tính lịch sử - xã hội rất rõ. Sự cộng hướng với những thay đổi trong quản lí văn hóa, kinh tế, tâm lí, thị hiếu độc giả… đã mang đến cho mảng sáng tác này những chuyển biến đáng kể trên cả hai mặt nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Nếu chia văn học thiếu nhi từ 1986 đến nay thành ba giai đoạn: 1986-1995, 1995-2005 và từ 2005 đến nay thì ở mỗi chặng đường, thơ cho các em cũng có những vận động để kiếm tìm những phương thức phản ánh mới, trong đó có sự trở trăn đi tìm hình ảnh con người mới - những mẫu phác thảo in đậm dấu ấn của “lắng đọng suy tư và cảm xúc”, của khát khao “vượt ra biển lớn” mà vẫn “hết sức thủy chung với phong cách nghệ thuật viết cho thiếu nhi là sáng về nhận thức và trong về nghệ thuật”(1). Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi chú trọng nhận diện những thay đổi về mặt thi pháp của thơ thiếu nhi đương đại qua 4 đặc trưng chủ yếu sau đây:
1. Đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người
Trong hành trình tìm về với miền ấu thơ, tìm lại một ánh mắt “trong veo”, khoảnh khắc đất trời và nỗi nhớ cũng “trong veo”, cùng với đội ngũ viết văn xuôi, các nhà thơ đã xây dựng nên một thế giới nhân vật lung linh sắc màu cuộc sống. Những “con người của hôm nay”, “cái hôm nay” sống dậy trong những trang thơ, mang theo khát vọng, ước mơ và cũng phản chiếu rõ nét một góc nhìn tinh tế về thời kì Đổi mới. Thơ ca cho các em là sự tiếp nối những quan niệm nghệ thuật sâu sắc của giai đoạn trước theo một phương thức phản ánh sáng tạo trong cái nhìn ấm áp, nhân hậu và đầy tinh thần trách nhiệm về một thế hệ trẻ thơ của thời đại mới.
Thơ mang dáng vóc của những nét chạm khắc tinh tế, những ấn tượng sâu sắc về hình tượng nhân vật thiếu nhi - những con người mới, những mầm non mới. Từ một “thằng Nhóc phố tôi” đến một “em bé bán vé số”, từ góc quay cận cảnh nét bối rối của cậu bé trước giờ thi đến nỗi lo sợ vu vơ của cô con gái rằng đọc sách nhiều sẽ... cận thị, văn học hướng tới sự cắt nghĩa, lí giải cuộc sống trong sự xoay chiều, cộng hưởng âm thanh đời thường với mạch nguồn xúc cảm trong trẻo về trẻ thơ.
Không ít nhân vật trữ tình trong thơ gắn với từng mảnh hiện thực cuộc sống lem luốc, không tên. Trong Chia chữ (Trần Hoàng Vy), người viết lặng lẽ dõi theo số phận một thằng bé bán vé số được người ta nhặt về nhân “một lần cầu thực” và “lớn lên suốt tháng năm cơ cực”. Những câu hỏi như vọng về, như níu kéo, có chút đắng đót pha lẫn niềm thương cảm: “Em bán may mắn cho người - còn may mắn em đâu?” để rồi cứ bám riết, dằn níu người ta đến “bạc nửa mái đầu”...
Sự đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ thời kì này thể hiện rõ ở những trở trăn về thân phận, những câu hỏi lớn mà cả một thời đại đang hối hả đi tìm lời giải đáp. Sự xâm nhập của chất văn xuôi mang đến một không khí phảng phất tự sự. Lối “kể” ở những bài thơ này đã tái hiện bức chân dung khá trọn vẹn của những em bé “mẹ cha không, áo không lành áo”, “nhiều hôm nắng lụi, chiều tàn - Rã tay. Mỏi cẳng. Túi hoàn rỗng không”. Con người đóng đinh trên phông nền hiện thực ấy cũng đa diện, nhiều sắc màu.
Song đi hết mọi nẻo đường thơ, người đọc vẫn luôn tìm thấy một thế giới ắp đầy khát vọng. Những ước mơ chưa bao giờ tắt, những ngọn lửa yêu thương vẫn hoài nóng ấm níu giữ không gian thơ. Độc giả của thời kì này thường nghĩ đến sự “đối lập” của hai mảng màu cuộc sống được thể hiện qua thế giới nhân vật, qua tâm điểm “con người”. Đó là sự côi cút, lạc lõng của những thân phận hẩm hiu và sự ấm áp, hạnh phúc của những em bé sống trong vòng tay yêu thương gia đình. Nhưng có lẽ nên nhìn nhận sự tái hiện này trong trường “đối thoại”. Những lát cắt cuộc sống, dù ở góc độ nào, cũng đều chan chứa yêu thương và chia sẻ, gọi dậy một cảm nhận trong trẻo, ngọt lành về tuổi thơ, về những điều riêng - chung trong số phận và tính cách. Trong yêu thương của bố, trong sự vỗ về của mẹ hay lời ru ấm áp của bà, trẻ thơ lớn lên với trọn vẹn ước mơ (Với con – Nguyễn Công Dương, Chuyện về năm quả cam – Phạm Đình Ân, Bà nội bà ngoại – Nguyễn Hoàng Sơn, Con đi, ba mẹ dắt hai tay – Đặng Hấn,…). Nhưng, ở một góc nào đó, của thơ, của đời, những “thằng Nhóc phố tôi” vẫn tràn ngập trong hồn một khát khao thầm vụng: “Có chăng Tiên, Bụt trên trời? - Biết không, thằng Nhóc phố tôi mơ gì? - Một lần Nhóc kể tôi nghe - Nó mơ Tiên, Bụt kêu về... đấm lưng”.
Giống như truyện, con người trong thơ thiếu nhi 1986 đến nay cũng được phản ánh qua cái nhìn đa chiều, trong sự đa dạng các mối quan hệ của nhân vật trữ tình. Con người hiện diện trong tâm cảnh của những bộn bề, những cơn sóng cuộc đời xô đẩy, lấm láp với áo cơm, với nỗi đau tinh thần - hệ quả của một xã hội hiện đại. Đời sống nội tâm của trẻ thơ cũng được khắc họa, khám phá bằng những nét vẽ tinh tế. Nhà thơ lắng nghe và đón bắt từng cung bậc tình cảm, đọc thấy ở tuổi thơ những giai điệu đẹp của tâm hồn. Có cánh diều bay lên mang theo “nỗi khát khao” của một thời mới lớn, nhưng có cánh diều lại chở theo những lời tha thiết, những ray rứt khôn nguôi: “Cho em bay với... diều ơi! / Bố em bỏ mẹ em rồi... còn đâu! / Lớp chín, càng chín nỗi đau / Bữa cơm nhai đắng ngọn rau mẹ trồng / Niềm thương, nỗi nhớ bềnh bồng / Diều như con mắt mẹ trông, mẹ chờ... (Tuổi thơ - cánh diều - Trần Hồng).
Mỗi thời đại sẽ đổ bóng vào thơ những dấu ấn riêng. Thơ thiếu nhi thời kì này cũng phản chiếu những phức hợp của thời đại, những vận động và đổi thay để hòa nhập và phát triển. Song, “viết cho thiếu nhi là viết cho thế hệ công dân tương lai”, và “viết cho thiếu nhi hiện nay không chỉ đòi hỏi người viết vượt qua lũy tre làng, ra đến Biển Đông mà còn phải bay vượt ra ngoài sức hút của trái đất để nhìn thấy rõ lỗ thủng tầng ôzôn ở bầu khí quyển và băng đang tan ra ở hai cực. Viết cho thiếu nhi hiện nay lại là nghe thấy tiếng khóc của con giun đang không còn đất để mà đào...”(2). Con người trong thơ, chính vì vậy, cũng được khám phá và thể nghiệm qua một lăng kính thẩm mĩ, một nhãn quan mới, trong những triết lí và suy nghiệm giàu tính thời sự, thực tiễn.
2. Sự mới mẻ về đề tài
Nếu truyện viết cho thiếu nhi thời Đổi mới chủ yếu thành công ở mảng đề tài sinh hoạt – thế sự - đời tư thì thơ giai đoạn này ghi dấu ấn qua mảng đề tài loài vật – một lăng kính phản chiếu tâm hồn trẻ thơ hôm nay một cách hữu hiệu.
Thoát ra khỏi trường ảnh hưởng của các bậc tiền bối như Phạm Hổ, Võ Quảng, Trần Đăng Khoa..., thơ thiếu nhi thời kì này tìm những lối đi riêng từ một đề tài khá quen thuộc. Hơn bao giờ hết, cuộc sống con người đang đối diện với những cảnh báo về sự suy thoái của môi trường sống, những dải rừng bị bào mòn, hủy hoại, loài vật lên tiếng kêu cứu... Song, chính tại thời điểm đó, thơ bừng lên sức sống mạnh mẽ với tiếng nói của vạn vật, của những người “bạn trong nhà”, của muông thú tâm tình, thương mến. Những người bạn trong thơ thiếu nhi là những con vật ngộ nghĩnh, đáng yêu như chính thế giới tâm hồn của các em, hồn nhiên, bao dung và gần gũi (Chim đánh thức - Nguyễn Công Kiệt, Bác trâu – Phi Tuyết Ba, Cái sân chơi biết đi – Hoàng Tá, Con vện – Nguyễn Hoàng Sơn, Mèo đi câu – Vương Trọng, Cào cào giã gạo – Xuân Nùng, Xem mèo – Nguyễn Thị Mai,…).
Sâu sắc và thấm đẫm tính nhân văn, những trang viết về đề tài loài vật luôn phảng phất bóng dáng trẻ thơ với những suy ghĩ trong trẻo và thánh thiện, với cái nhìn bao dung và nhân hậu trước cuộc đời. Nhìn chú chim khướu nhảy nhót trong lồng chật hẹp, phải sống xa bố mẹ, em bé thấy thương nó vô cùng (Con chim khướu - Nguyễn Ngọc Hưng). Đám rước sâu (Nguyễn Ngọc Sinh) lại mang đến bài học về tinh thần đoàn kết. Nhái bén ra biển (Nguyễn Châu) là khám phá không mấy bất ngờ với người lớn nhưng là sự vỡ òa trong nhận thức của trẻ thơ lần đầu đến với chân trời mới:
Nhái Bén vừa tới biển xa
Tợp một ngụm nước vội phà ra ngay:
- Trời ơi! Thật quá là gay
Ai mà đổ muối xuống đây mất rồi?
Ở một đề tài “cũ mèm” nhưng đánh thức được những cảm nhận mới, những hình dung mới về loài vật, các nhà thơ đã mang đến một sự đa diện trong thế giới nhân vật thơ thiếu nhi. Đằng sau đó là sợi dây kết nối những tâm hồn đồng điệu, những tấm lòng trẻ thơ yêu loài vật, khát khao khám phá thế giới xung quanh mình. Đôi khi, bên cạnh những phác thảo về loài vật và ngay trong dáng vóc của các nhân vật - loài vật, ta bắt gặp chính hình ảnh của các em (Chó mèo kết bạn – Trần Ngọc Tảo, Con lật đật – Đặng Hấn, Con sâu đo đi tết – Trần Mạnh Hảo, Cuốc con học bài – Nguyễn Văn Chương, Mèo con - Lưu Thị Bạch Liễu, Con chuồn chuồn ớt - Xuân Nùng,…). Hơn bất kì không gian nào, với những người bạn nhỏ đáng yêu xung quanh mình như chú cún, vịt con, gà mái mơ..., trẻ sống thật với những xúc cảm hồn nhiên, biết yêu thương và chia sẻ.
Cùng với những sáng tác về thế giới loài vật, một mảng đề tài thu hút nhiều sự quan tâm của đội ngũ làm thơ cho các em lúc này và cũng có được những thành tựu đáng ghi nhận: Đề tài đạo đức với những định hướng giáo dục giàu tính thẩm mĩ.
Theo đánh giá của nhà thơ Hoài Khánh, “tư duy của người làm thơ hôm nay chuyên nghiệp hơn, vì có học vấn hơn nên cách viết khôn ngoan hơn. Đề tài cũng mở mang hơn nếu trước đây ta chỉ có thơ gieo vần hay nội dung thường là các bài học luân lí... Thơ bên cạnh tiếng nói tình cảm còn là vẻ đẹp được khúc chiết trong một tứ nhất định. Các bài học trước đây còn nặng về tính giáo dục, áp đặt thì nay đã ẩn đi, tính tư tưởng rõ nét hơn, vượt qua tính giáo dục”. Người được gọi là “ông hộ pháp” của thơ thiếu nhi - nhà thơ Cao Xuân Sơn - thì tự bạch: “Mấy chục năm “dan díu” với thơ, tôi thấy mỗi khi viết xong một bài thơ đắc ý cho thiếu nhi là những phút giây mình gần với... thần thánh nhất”. Cái tứ thơ trong bài Mở sách ra là thấy in trong tập mới nhất - Mèo khóc chuột cười - được gợi ý từ một nỗi lo sợ vu vơ của con gái tác giả. Trong bài này, người viết tìm cách “dụ dỗ” cháu bé đọc sách bằng cách kích thích trí tò mò vốn có của trẻ con: Đôi khi kẻ độc ác - Lại không là cọp beo - Cũng đôi khi đói nghèo - Chưa hẳn người tốt bụng...
Có lẽ vì thơ khởi đi từ những điều bình dị như thế nên những lí lẽ trong thơ cũng được gieo trên mảnh đất tâm hồn trẻ thơ một cách tự nhiên. Từ triết lí hiện đại, không tiếp tục đồng nhất với mô típ cổ tích xa xưa kẻ độc ác - cọp beo, người đói nghèo - tốt bụng, nhà thơ đi đến kết thúc bằng cách “chữa” lại quan niệm sai lầm “đọc sách nhiều thì cận thị” của cô con gái nhỏ:
Ta “đi” khắp thế gian
Chỉ bằng hai con mắt
Sẽ “cận thị” suốt đời
Những ai không đọc sách!
Trong sự xâm thực ồ ạt của vô tuyến truyền hình, internet và các trò chơi điện tử, của các hình thức truyền thông đa phương tiện phát triển mạnh mẽ và rộng khắp, hơn lúc nào hết, văn học cho thiếu nhi lúc này càng phải có sứ mệnh chuyển tải những thông điệp về giáo dục, về lòng yêu thương con người và cả những định hướng lĩnh hội giá trị văn hóa của xã hội. Đề tài đạo đức vốn sống bền bỉ trong thơ nay càng được khai thác nhiều hơn, đi vào chiều sâu hơn; ở đó có những bài học vỡ lòng về giao tiếp (Lời chào - Nguyễn Tiến Bình), sự chia sẻ và tri ân (Với con về cô mẫu giáo – Đặng Nguyệt Anh), về tinh thần, thái độ mỗi khi mắc lỗi lầm (Xin lỗi - Nguyễn Thị Chung),…
Đất đi chơi biển (Phạm Đình Ân) là tập thơ có nhiều sáng tạo trong việc khẳng định chức năng giáo dục của thơ cho trẻ em hôm nay: Viết cho các em để giáo dục lòng yêu đất, yêu quê bằng một cái nhìn ngộ nghĩnh trẻ thơ là chuyến “du lịch” kì thú của một… nắm đất. Bài học về tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước được người viết gửi đến các em một cách tự nhiên, sinh động, không khô cứng, áp đặt vì thế dễ nhận được sự đồng cảm, chấp nhận ở trẻ, làm giàu tâm hồn và nhân cách trẻ thơ. Đây cũng là nhân tố quan trọng tạo ra những tứ thơ, hình ảnh thơ rất độc đáo, bắt mắt trong thơ Lê Hồng Thiện: Bé khép cửa lại/ Nhốt nắng trong nhà/ Nắng lại trốn ra/ Dịu dàng nắng nói/ Ở trong bóng tối/ Tôi chẳng ưa đâu (Bé và nắng). Không ngây thơ, hồn nhiên một cách giả dối, sống sượng, người viết đã nhìn cuộc sống bằng chính đôi mắt trẻ thơ để nói tiếng nói của chính tâm hồn và trí tuệ các em. Bài học đạo đức trong thơ đã có sự kết hợp giữa sự thơ ngây, hồn nhiên với những ý tứ sâu sắc của bài học làm người. Có cảm giác mối quan hệ giữa văn học thiếu nhi với trẻ em hôm nay vừa là thầy vừa là bạn. Là bạn để biết được sở thích, tâm lí, nhận thức và bao mặt đời thường của các em để từ đó nói lên được những điều mà các em quan tâm, trăn trở. Là thầy để giúp đỡ, hướng đạo cho các em đi tới. Theo đó, mỗi nhà văn viết cho lứa tuổi thơ đồng thời là một nhà sư phạm.
Với đề tài đạo đức, có cảm giác người viết lặng lẽ như một người giữ lửa cho nhiều thế hệ trẻ thơ. Ngọn lửa ấy vẫn thắp lên những khát vọng, những kinh nghiệm sống một cách giản dị, tự nhiên. Thơ hướng các em đến những bài học giao tiếp mà cao hơn là kĩ năng giao tiếp - một kĩ năng rất quan trọng cho trẻ trong thời đại mới. Bên cạnh đó, thơ còn bắc cầu cho trẻ đến với ánh sáng của niềm tin, của những tình cảm đẹp, những nét trong trẻo, hồn nhiên trong tâm hồn và đến với thế giới xung quanh ngập tràn hương sắc. Các tác giả chú ý quan tâm tới trẻ em trong nhiều mối quan hệ, nhiều môi trường và nhiều bình diện, thể hiện những vấn đề nóng bỏng, cấp thiết, mang tính thời sự, cập nhật của đời sống hôm nay. Nhà thơ viết cho trẻ em đã bám sát hiện thực không chỉ ở đề tài mà còn ở cả chiều sâu khai thác. Điều đó cho thấy thơ cho trẻ em đã hòa nhập được với không khí chung của văn học giai đoạn mới. Cái xấu, cái ác trong thơ như là chút đắng chát để nỗi ngọt bùi được cảm nhận một cách lắng đọng hơn. Tác phẩm đã giúp trẻ hiểu rằng, cuộc đời là người thầy lớn nhất dạy con người trưởng thành, nhưng chính tình yêu thương mới là điều quan trọng nhất giúp tâm hồn trẻ thơ có được sự phát triển bền vững, đúng hướng.
3. Ngôn từ và nhịp điệu thơ - sự cộng hưởng âm thanh cuộc sống
Như một sự cộng hưởng với những âm thanh cuộc sống đa dạng từ địa hạt văn xuôi, ngôn ngữ thơ cho thiếu nhi hôm nay cũng có những sắc diện, những biến điệu, dư vị riêng. Sự trở về sáng tạo và độc đáo của thể thơ ngắn, tiết tấu, nhịp điệu nhẹ nhàng đã mang lại cho thơ thiếu nhi từ 1986 đến nay một sự mới mẻ, hấp dẫn riêng trong khi vẫn không ngừng bám sát những sinh hoạt gần gũi của trẻ thơ (Lời chào đi trước, Bố cũng từng đi thi – Nguyễn Hoàng Sơn, Lời cô, Trống trường, Chuyện bà, Đỏ chon chót… – Đặng Hấn, Lớp ba – Trần Đắc Trung, Trâu kềnh – Mai Văn Hai, Chuồn chuồn kim – Xuân Hoài, Con cóc, Bé nhìn biển – Trần Mạnh Hảo,…).
Chọn những câu thơ 3, 4 chữ để kiến tạo bài thơ, để chuyển tải những gam màu cuộc sống là điểm dễ nhận thấy trong thơ thiếu nhi đương đại. Trong tuyển tập Thơ, truyện dành cho bé tập hợp những tác phẩm tham gia cuộc thi sáng tác thơ, truyện cho lứa tuổi Mầm non (do Vụ Giáo dục Mầm non và Nhà xuất bản Giáo dục phối hợp tổ chức)(3), số lượng các tác phẩm thơ 2, 3 chữ chiếm 11,8%; thơ 4 chữ chiếm 54,8%; thơ 5 chữ chiếm 15,1%. Những tác phẩm còn lại là thơ 6 chữ và lục bát. Kinh nghiệm cho thấy, thơ dành cho lứa tuổi càng bé thì càng phải ít về số tiếng trong câu và số câu trong bài. Cuộc sống hiện nay nhanh và gấp gáp nên sáng tác cho các em cũng cần nhanh, gọn, ngắn. Ngôn ngữ, văn phong cũng phải hiện đại như chính cuộc sống của các em.
Như một cuộc chạy tiếp sức, sự trở lại của thể thơ 3, 4 hay 5 chữ vẫn tiếp tục tạo nên một sức sống trong thơ thiếu nhi đương đại bởi sự tươi mới của cuộc đời, của thời đại và bởi cái đẹp trong tâm hồn trẻ thơ: Chú mèo hoang - Đi lang thang - Kêu thảm thiết - Đêm gió rét - Không ai thương - Đêm mưa rơi - Trời buốt giá - Bé thương quá - Gọi: “Meo meo”... (Mèo hoang - Cái Thị Nhuận).
Thơ tự do được xem như một sự cách tân, đột phá của thơ ca những năm ba mươi của thế kỉ trước nhưng trong địa hạt thơ thiếu nhi, thể loại này không nhiều. Mặc dù vậy, những tác phẩm kiểu này cũng đã tạo được một sự ngân hưởng kì diệu, mang đến nhịp điệu mới mẻ và tươi sáng (Nghệ sĩ, Tiếng gọi vịt - Nguyễn Văn Chương, Cuộc hành quân của thời gian – Phi Tuyết Ba, Bé và trăng, Chuyện gà chuyện trứng – Đặng Hấn, Cưỡi ngựa – Dương Thuấn…). Với sự liên tưởng kì tài của thơ, tác giả đã dìu các em “về tận xứ tuổi thơ” - xứ thần tiên giàu xúc cảm: “Răng khểnh ơi – Cắn chắt hạt mưa nào?” (Tí tách mưa rơi – Nguyễn Ngọc Quế).
Vẫn thứ chất liệu ngôn từ giản dị, sáng và trong, vẫn nhịp điệu của trò chơi đánh chuyền, đánh chắt hay “thả đỉa ba ba”, “ù à ù ập”, nhưng thơ thiếu nhi thời kì này chuyển tải những thông điệp sâu sắc của thời đại mới, của bước chuyển giao thế kỉ. Nhiều vấn đề xã hội được đặt ra trong cuộc sống, đi vào thơ qua cách nhìn, cách cảm lấy điểm xuất phát là lăng kính tuổi thơ bỗng trở nên nhẹ nhàng, thân thương (Tết nhà có khách – Phạm Đình Ân, Cây đa quê – Ngô Viết Dinh, Sài Gòn và bé – Đặng Hấn, Thành phố mười mùa hoa – Lệ Bình,…).
Một điều dễ thấy trong ngôn ngữ thơ thiếu nhi hôm nay là sự học tập và làm mới đồng dao. Về điểm này, Hoài Khánh đã không quá khi cho rằng: “Thơ mang hình thức giống đồng dao càng tốt”. Nhịp thơ đều, câu thơ ba, bốn chữ với cấu trúc lặp lại, xoay vòng... là những đặc trưng của thơ đương đại, in đậm dấu ấn đồng dao. Thậm chí ở nhiều bài, tác giả đã không hề giấu diếm ý định “theo gót dân gian” ngay từ tên tác phẩm: “Đồng dao” của Lê Thị Năm, “Đồng dao” của Đặng Huy Giang... Trẻ cùng với thơ học đếm, cùng với thơ chơi trò ú tim, cùng với thơ làm việc giúp bố mẹ. Và cũng như các bài đồng dao, thơ mang dấu ấn đồng dao chứa đựng trong nó những tư duy ngộ nghĩnh và trí tuệ trẻ thơ. Chất liệu đồng dao được Đặng Huy Giang sử dụng một cách khéo léo, mang lại hiệu quả thẩm mĩ và ấn tượng đặc biệt đối với trẻ: “Dung dăng dung dẻ / Dắt trẻ đi chơi / Mở cửa tìm người / Thuở nao thuở nảo / Hỏi thăm cây gáo / Cây gáo rắc hoa / Hỏi thăm tre ngà / Tre ngà đỏ lá / Tháng ba mưa gió / Trận rét nàng Bân…”. Kết cấu “vòng tròn” tạo cảm tưởng mọi vật trên thế giới này đều có quan hệ chặt chẽ, nối kết nhau vòng quanh nét cười hồn nhiên của trẻ. Bé học toán của Thu Huyền được dệt nên từ những vần điệu nhịp nhàng để trẻ vừa có thể nô đùa cùng những con số. Với trò chơi “kết vòng”, trẻ lại xúm xít đùa vui trong nhịp điệu rộn ràng của Hay thật hay (Lê Bính). Ở Con chim chích chòe (Phan Trung Hiếu), người đọc có dịp thả hồn say sưa trong một khu vườn tuổi thơ đáng yêu, ngộ nghĩnh, v.v… Mỗi bài thơ như một trò đồng dao “để các em chơi với nó mà không chán, không sợ nó” (Trần Quốc Toàn).
Dù chưa nhiều như trong văn xuôi, nhưng tính giả tưởng cũng mang lại những dư vị riêng của các sáng tác thơ cho thiếu nhi thời kì này. Đây là một đặc trưng tuy không xa lạ nhưng luôn mang lại những cảm nhận mới mẻ. Nhà thơ Trương Hữu Lợi từng trả lời câu hỏi về quan niệm sáng tác văn thơ cho các em: “Phải bay bổng, không nệ thực, có tính ước lệ cao, dí dỏm và có trí tuệ”. Tính giả tưởng không ít lần được các nhà phê bình đặt ra như là một tiêu chí đánh giá thơ thiếu nhi đương đại. Tại diễn đàn “Sáng tác văn học thiếu nhi”, ý tưởng này một lần nữa được khẳng định: “Văn học giả tưởng nuôi dưỡng trí tưởng tượng phong phú của các em, mở ra một chân trời mới hấp dẫn, rất cần được chú ý”. Mặc dù vậy, tính kì ảo trong thơ thời kì này không phải là yếu tố chủ đạo. Thơ nghiêng về xu hướng mô tả những biến điệu tinh tế trong đời thường, những góc đời, những mảnh hiện thực cuộc sống lấm láp và bụi bặm... Thảng hoặc người đọc mới bắt gặp những vần điệu mang bóng dáng truyện cổ tích ngày xửa ngày xưa:
Mèo con sắm tết chợ xa
Đêm nằm thấp thỏm, canh ba dậy rồi
Mèo đi, sương lộp độp rơi
Nghêu ngao hát gọi mặt trời thức mau
Mèo mua tặng mẹ vải màu
Mèo mua một rổ trầu cau tặng bà...
(Niềm vui của mèo con - Lê Mạnh Tiến)
Hơi thở cuộc sống đương đại cũng đã làm biến đổi hình tượng, ngôn ngữ thơ thiếu nhi hôm nay. Trong Làng em có điện, Lê Bính mang đến một lớp từ ngữ lấp láy, rúng động như cái nhịp đập rộn rã của cuộc sống mới, của làng quê thay da đổi thịt khi có ánh sáng điện tràn về. Chú cún con thì “loăng quăng”, đuôi “ngoe nguẩy” múa, đàn gà mới nở trông như nắm bông “xinh xinh” cứ “lích tích”, “động đà động đậy”, quạt rủ nhau “xoay tít”, còn chú chích chòe thì dậy sớm, ngẩng cổ lên trời, “dập dình” cái đuôi... Có thể nói, người làm thơ cho thiếu nhi rất say sưa với lớp từ tượng hình, tượng thanh và phép so sánh, nhân hóa. Từ láy là lớp từ ngữ tạo nên điểm nhấn và sức cuốn hút mạnh mẽ cho thơ. Từ Phạm Đình Ân với Đất đi chơi biển, Nguyễn Văn Chương với Hoa cúc quỳ đến Nguyễn Đức Hậu trong Làng em buổi sáng, Mèo con chơi bóng rổ, Cao Thúy Hưng trong Bé tập đi xe đạp... đều thấy sự xuất hiện với mật độ khá dày các từ láy, tạo dáng cho thơ và làm nên một nét đặc trưng của ngôn từ thi ca cho thiếu nhi hôm nay. Trẻ rất hứng thú và dễ bị hấp dẫn bởi màu sắc, hình tượng và cũng đặc biệt thích tìm tòi, khám phá. Văn học viết cho thiếu nhi đã lấp đầy những “cơn khát huyền diệu” đó bằng những từ ngữ giàu hình ảnh, màu sắc, lấp láy, tươi vui...
Ngôn ngữ thơ luôn căng tràn sức sống. Sau lớp vỏ ngôn từ là những hình tượng, những thông điệp nghệ thuật lạ lẫm, độc đáo khẳng định sự sáng tạo, nghiêm túc của những người – phu – chữ: “Tim lồng như chợ vỡ - Ve vào tai thổi kèn” (Bố cũng đi thi - Nguyễn Hoàng Sơn), “Sẽ “cận thị” suốt đời - Những ai không đọc sách!” (Mở mắt ra là thấy - Cao Xuân Sơn), “Trăng non đầu tháng - Chiếc thuyền câu bơi - Bố đi quăng lưới - Kéo đàn sao trôi” (Trăng non đầu tháng - Minh Nguyệt), “Thương mẹ con bận rộn - Chưa kịp giật đường kim - Bố vá màn lúng túng - Khâu luồn vào bóng đêm” (Với con - Nguyễn Công Dương)... Lời thơ trong trẻo. Ý thơ cũng tràn ngập yêu thương. Và ngôn từ nghệ thuật, với “sứ mệnh” của nó đã chuyển tải những giai điệu đẹp từ cuộc sống vào tác phẩm.
Giọng điệu trong ngôn ngữ thơ hôm nay cũng có sự khu biệt đáng kể so với trước 1986. Ngoài chất giọng hồn nhiên, trong trẻo rất trẻ thơ vẫn thường thấy trong giai đoạn trước, nét mới của thơ cho thiếu nhi hôm nay là sự gia tăng của giọng kể chuyện – tâm tình. Điều này làm cho thơ bớt tính chất “véo von”, “ca hát” mà gân guốc hơn, áp sát cuộc sống hơn. Đây là một trong những lí do kéo thơ lại gần với văn xuôi, thể hiện rất rõ nhãn quan đời thường, thời sự của văn học thiếu nhi thời Đổi mới.
Việc đi vào mảng đề tài về những số phận hẩm hiu, những mảnh vỡ không hàn gắn được mà hậu quả là những đứa bé lang thang như những con mèo hoang đói lạnh bị nắng mưa, bão gió làm tê buốt cả thể xác lẫn tâm hồn đã làm xuất hiện những tác phẩm in đậm dấu ấn tự sự. Không xâm lấn về thể loại từ câu chữ bởi thơ thiếu nhi thường gọn ghẽ, cô đọng, chất tự sự bồi đắp cho thơ những khoảng trống về chiều dài hành trình số phận con người. Thơ bắt đầu pha lối kể nhưng là lối kể rất “thơ”, rất đời. Chia chữ là một ví dụ điển hình cho sự đổi mới này của thơ:
Lần theo em bé bán vé số
Tôi đi tìm số may đời em
Hẻm chéo chồng nhau, số đè lên số
Cái vỏ hộp cuối cùng sao gọi đấy nhà em?
... Tôi nát lòng, nước mắt trào rơi
Em nụ búp sao đời nhiều giông bão...
... Lớp học ban đêm, tôi là thầy giáo
Chia chữ cho người không chia được áo cơm...
Chất tự sự thể hiện rõ trong cách kể, giọng điệu kể. Nó cho phép nhà văn có thể “thơ hóa” những gì gần gụi, quen thuộc với trẻ em để đưa họ vào cuộc hành trình khám phá thú vị những bài học cuộc đời bình dị khuất sau con chữ. Chỉ với một buổi chiều “cháu dắt tay ông dạo chơi” cũng làm nên một bài học nhẹ nhàng về “luật giao thông” trong thơ Nguyễn Phan Khuê, nét phác thảo về thằng nhóc lang thang không cửa nhà cũng mang đến một không khí “tiểu thuyết” trong trang viết của Cao Xuân Sơn, hay với Hổ con trong vườn thú, Nguyễn Văn Chương đã tô đậm tâm trạng của nhân vật trữ tình “hổ con” trong cái nhìn về tự do và nỗi nhớ ngàn già...
4. Kết cấu đối thoại và con đường khám phá thế giới trẻ thơ
Là những tác phẩm thuộc thể loại trữ tình, thơ cho các em ít có sự chuyển biến mạnh mẽ về mặt kết cấu như truyện. Mặc dù vậy, quan sát những sáng tác thơ cho thiếu nhi những năm qua, có thể thấy hai đặc điểm nổi bật về kĩ thuật tổ chức tác phẩm như là sự tiếp nối và bổ sung thành tựu thơ giai đoạn trước: Sự trùng điệp và tính chất đối thoại trong kết cấu của văn bản thơ.
Kết cấu trùng điệp được sử dụng khá nhiều như chính một đặc điểm tâm lí của trẻ: thích nghe mãi một câu chuyện mà không biết chán, đố nhau một câu dù ai cũng biết tỏng đáp án là gì... Sự lặp lại, điệp trùng trong việc tổ chức từ và cụm từ giúp trẻ khắc sâu những ấn tượng thẩm mĩ về nhân vật trữ tình, về lời thơ, ý thơ... Trong thơ thiếu nhi hôm nay, ta bắt gặp rất nhiều những phương thức vận hành ngôn từ như thế (Cùng đi, Cầu vồng - Phạm Thanh Quang, Cuộc hành quân của thời gian – Phi Tuyết Ba, Chim gõ kiến – Nguyễn Như Mai,…).
Đối với trẻ, hình thức đối thoại hình thành sớm hơn độc thoại. Trong thơ thiếu nhi thời kì trước 1986, ta bắt gặp một Xuân Quỳnh dịu dàng, đằm thắm trong từng lời ru, từng lời kể, từng nhịp điệu tâm tình, một Trần Đăng Khoa với tiếng gọi của trẻ thơ đáng yêu, một Phạm Hổ với lối đối - đáp nũng nịu và ngộ nghĩnh... Từ 1986 đến nay, thơ vẫn tiếp tục cuộc hành trình với những câu chuyện rất thú vị “mẹ kể con nghe” về cuộc sống, với những câu hỏi líu lo luôn chứa đựng những điều bất ngờ và không bao giờ vơi cạn của trẻ thơ. Trong hai tuyển tập Tắc kè hoa và Đất đi chơi biển của Phạm Đình Ân, có 13 bài sử dụng kết cấu đối đáp. Những câu chuyện như bung nở, mở ra một thế giới thần tiên trước mắt bé thơ với bao điều cần khám phá và lí giải (Qủa chín và thơm, Tết nhà có khách, Người đi đường, Nhờ chú, Có kẻ lách vào vườn,…). Lắng tai nghe âm thanh rộn rã của vạn vật cũng là dịp để nhà thơ khắc chạm trong tác phẩm bức tranh sinh động về cuộc sống của trẻ thơ (Trung thu của trống Choai – Nguyễn Văn Chương). Với Cột mốc (Nguyễn Châu), kiểu kết cấu này lại nêu bật sự trân trọng những người lặng thầm làm việc. Ở Niềm vui (Đặng Hấn), sự đối đáp giữa các sự vật trước những câu hỏi ngây thơ của bé là cơ sở để người viết nêu bật triết lí sống rất cần cho trẻ thơ: Hạnh phúc của mỗi người chỉ có được nhờ ở sự lao động chân chính, ở những thành công bằng chính nỗ lực của mình.
Trẻ rất thích được vỗ về, được trò chuyện (và thậm chí được nghe chính tiếng nói của riêng mình). Luôn luôn gặp trong thế giới của bé những khát khao giãi bày, tìm tòi, khám phá những chân trời mới lạ. Bé “hỏi mẹ” xem “ai quạt thành gió - Thổi mây ngang trời?”, muốn tìm hiểu bầu trời “ai nhuộm” mà xanh đến thế... Với bé, bầu trời với muôn ngàn vì sao lấp lánh, với ông trăng rằm và chú Cuội... là cả một khoảng không bao la, kì bí: “Mẹ ơi, có phải - Cuội buồn lắm không - Nên chú phi công - Bay lên thăm Cuội?” (Hỏi mẹ - Nguyễn Xuân Bồi). Kết cấu đối - đáp hình thành xuất phát từ chính những câu hỏi hồn nhiên, trong trẻo ấy. Và bởi, viết cho thiếu nhi cũng là viết cho chính tuổi thơ của mình, viết cho những đứa con yêu thương, cho những đứa trẻ thánh thiện xung quanh mình... nên các nhà thơ đã sử dụng kết cấu này như một gợi dẫn để đi dần vào thế giới tâm hồn trẻ thơ. Mỗi tác phẩm, hơn thế, còn là tấm vé về lại tuổi ấu thơ trên con tàu mang tên nỗi nhớ. Kí ức và tình yêu, quá khứ và những câu hỏi ngây thơ, khát vọng sống và sự sẻ chia của tấm lòng người sáng tạo đã đẩy nhà thơ vào cuộc hành trình đi tìm những câu trả lời để từ đó mở ra cho con trẻ những chân trời mới lạ. Thi sĩ dành một quãng thơ của mình để ngân nga khúc nhạc yêu thương, và trong đó, người đọc bắt gặp những cuộc trò chuyện tâm tình giữa người hỏi - người đang “sở hữu” một tuổi thơ thánh thiện và người trả lời - người đang nhìn ngày hôm qua bằng đôi mắt rất đỗi nhớ thương và đang dang rộng vòng tay ấp ủ những bé thơ. Bỏ qua cách cắt nghĩa mang những “triết lí hồn nhiên của sự sống, thứ triết lí mà ở mỗi lứa tuổi có thể hấp thụ một cách riêng”, những câu hỏi và trả lời bình dị như được lẩy ra từ những cung bậc dịu dàng trong cuộc đời này là lấp lánh sắc màu của sự đồng điệu hai thế giới: thế giới trẻ thơ - thế giới của những con người đã bước qua thời vụng dại.
*
Nếu trong văn học 30 năm chiến tranh, thơ thiếu nhi đã lên đến đỉnh gắn liền với tên tuổi của thần đồng thơ Trần Đăng Khoa, những năm gần đây, do nhiều lí do, cả chủ quan lẫn khách quan, mảng sáng tác này chững lại, nhường chỗ cho sự lên ngôi của các thể loại văn xuôi.
Trong nhiều sản phẩm văn học cho trẻ em hôm nay, thơ xem ra có lẽ là bộ phận bị tác động theo chiều hướng tiêu cực của cơ chế thị trường nhiều hơn cả. Đây là hệ quả, mặt trái của thời kinh tế thị trường: Thơ in cho các em không bán được, các nhà thơ viết cho các em không còn khí thế như giai đoạn trước, ít làm thơ hơn. Thế hệ trẻ bây giờ quá bận học, lại bị cuốn hút vào nhiều hoạt động khác trong một xã hội đang phát triển mạnh mẽ, với nhịp sống ồn ã và gấp gáp. Nhưng không phải vì thế mà thiếu vắng những tác giả, tập thơ tạo được ấn tượng. Từ những năm 90 trở lại đây, vẫn có những tác giả, tập thơ tạo được phong cách riêng trong sân chơi kém phần sôi động này như Cưỡi ngựa đi săn của Dương Thuấn (Giải thưởng Văn học thiếu nhi 1990), May áo cho mèo của Phùng Ngọc Hùng (1991), Bờ ve ran của Mai Văn Hai (Giải thưởng Văn học thiếu nhi 1992), Dắt mùa thu vào phố của Nguyễn Hoàng Sơn (Giải thưởng Văn học thiếu nhi 1993), Cái sân chơi biết đi của Hoàng Tá (Giải thưởng văn học thiếu nhi 1994), Trứng treo trứng nằm của Lê Hồng Thiện (1994), Tắc kè hoa (1996) và Đất đi chơi biển (2007) của Phạm Đình Ân, Tí tách mưa rơi (2009) của Nguyễn Ngọc Quế, Bữa tiệc của loài vật (2009) của Trần Quốc Toàn, v.v…
Thơ cho thiếu nhi hôm nay đã có những chuyển biến đáng kể, cả ở phương diện tiếp cận cuộc sống mới sôi động từ nhiều hướng, quan tâm một cách toàn diện mọi mặt của cuộc sống trẻ em đến một quan niệm mới mẻ về đối tượng tiếp nhận chủ yếu của bộ phận văn học này, về các phương thức biểu đạt của thơ: Ngắn gọn về dung lượng, gần gũi với đời sống trẻ em, mang nhiều âm hưởng của đồng dao, sử dụng nhiều chi tiết kì ảo, hoang đường, tăng cường tính chất đối thoại, giảm rõ rệt sự phán xét và dạy bảo khô cứng... Tất cả những phương diện đó là nỗ lực lớn của đội ngũ tác giả trên con đường đưa thơ đến gần hơn với tuổi thơ. Bên cạnh những đặc điểm kế thừa truyền thống, thơ thiếu nhi hơn hai mươi năm qua đã có những bước chạy vượt rào ngoạn mục. Người viết đã cho thấy sự mới mẻ, hiện đại trong quan niệm, cách nhìn, cách tái hiện hình tượng trẻ em - trung tâm của văn học thiếu nhi, thể hiện sự trăn trở đầy tâm huyết và tinh thần trách nhiệm với độc giả nhỏ tuổi. Ở đó, nhà thơ vừa là người bạn, người anh, người đồng hành với trẻ em để thấu hiểu những nỗi ấm ức và tâm sự thầm kín của trẻ. Rõ ràng, bước ngoặt chuyển mình của lịch sử – xã hội đã cung cấp cho thơ thiếu nhi nguồn năng lượng mới để vận động theo một quy luật khá thuận chiều, thể hiện rõ đặc trưng của văn học Đổi mới nói chung. Thơ thiếu nhi sau 1986 đã kinh qua nhiều cái “trở về”: Trở về với văn học, trở về với cá tính nghệ thuật của nhà văn và sự trở trăn tìm con đường ngắn nhất để đến với trẻ em, làm sao để văn học thâm nhập thế giới tinh thần của thiếu niên nhi đồng hôm nay một cách hiệu quả. Nhìn chung, dẫu chưa có một địa vị tương xứng với thơ cho người lớn, nhưng quá trình đổi mới cũng đã đem đến cho các em không ít những sáng tác giàu tính nhân văn và giá trị thẩm mĩ1
TS. Bùi Thanh Truyền - ThS. Trần Quỳnh Nga
(Đại học sư phạm Huế)
______________
(1), (2) Lê Phương Liên: Viết cho thiếu nhi viết cho tương lai, Văn nghệ, số 40-2009, tr.2.
(3) Bộ Giáo dục và Đào tạo: 35 tác phẩm được giải (Cuộc vận động sáng tác truyện ngắn giáo dục đạo đức cho thiếu niên, nhi đồng), Nxb.Giáo dục, H, 2002.
VŨ XUÂN QUẢN - vuxuanquan4820@gmail.com - 0987368446 - Hội nhà văn Hà Nội
(Ngày 28/03/2020 21:45:29)
Thơ dẫn để minh họa chưa phải là những bài thơ điển hình. |