NHỚ TẾT TUỔI THƠ
Tủi thân khói bếp ngày xưa
Mẹ nhen cho tối giao thừa bớt suông
Tiếng reo củi ướt đỡ buồn
Bánh chưng mỏng quá ngồi thương bánh dày
Đầu làng ghê đất ngây ngây
Tuổi thơ pháo chuột pháo dây tẹt đùng
Rạ rơm vây ấm một vùng
Bọc con vào giữa tận cùng hồn quê
Nén hương cắm gốc bồ đề
Mẹ xin bóng mát toả về cái no
Con xin chiếc lá làm trò
Lêu têu chân đất quạt mo thằng bờm...
Tết nghèo bánh lá thay cơm
Đồng xu mừng tuổi còn thơm mùi bùn
Con cầm thương khó run run
Muốn đem khoe cả mưa phùn, mẹ ơi!
Con lem lấm của một thời
Để khi khôn lớn nên người - lại xa
Mỗi lần nhìn khói bay qua
Mắt rưng rưng nhớ quê nhà... lại cay!
Trương
Tôi cũng có một tuổi thơ “lem lấm”. Và tôi cũng đã từng có niềm vui được đón tết trên quê nghèo. Một thời để thương, để nhớ và để tìm về hướng thiện. Như thuở thiếu thời, thích đi chân trần trên những cánh đồng rơm rạ, tôi muốn trải lòng mình một cách tự nhiên trên những câu thơ “xù xì rơm rạ”. Không biết có phải vì thế mà bài thơ “Nhớ tết tuổi thơ” của Trương Nam Hương đã chiếm được cảm tình của tôi ngay lần đầu được đọc.
Có thể nói bài thơ là những dòng hồi ức đẹp mà buồn. Hiện thực của một thời quá vãng cứ lần lượt hiện về trong nỗi nhớ thương day dứt. Dường như Trương Nam Hương không có ý định tạo ra một không gian nghệ thuật bàng bạc sương khói kỷ niệm, mà anh chỉ viết một cách tự nhiên và rất thật những ấn tượng còn đọng lại trong trí nhớ về một cái tết nghèo của thời thơ dại. Nhưng có lẽ, bài thơ đã được gợi tứ bằng một ngọn khói nào đó bay qua để rồi gợi về “khói bếp ngày xưa” cùng với bao kỷ niệm.
Bài thơ mở ra bằng nỗi buồn xa xót khi nghĩ về một thời khốn khó. Vâng, người viết đã không dối lòng khi nhớ lại những gì tuổi thơ có được khi đón một cái tết ngày xưa. Trong sự tự ý thức về thân phận của một đứa trẻ nghèo, Trương Nam Hương đã tái hiện lại sự thật ấy khá cảm động. Đó là ngọn khói bếp “mẹ nhen cho tối giao thừa bớt suông”, là “tiếng reo củi ướt đỡ buồn”, là tiếng “tẹt đùng” của “pháo chuột pháo dây”, là “nén hương cắm gốc bồ đề” của mẹ, là “chiếc lá” con xin để “làm trò”, là “đồng xu mừng tuổi còn thơm mùi bùn”,... Hình ảnh nào, âm thanh nào cũng làm ta nao lòng. Hơn thế nữa, theo về cùng với những kỷ niệm còn có cả những xúc cảm tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên và thật là tội nghiệp. Tôi thiết nghĩ những câu thơ khá ấn tượng như : “Bánh chưng mỏng quá ngồi thương bánh dày” hay “rạ rơm vây ấm một vùng/ bọc con vào giữa tận cùng hồn quê”,... phải được viết ra từ xúc cảm rưng rưng. Vẫn biết Trương Nam Hương là cây bút khá tài hoa, thế nhưng ở đây anh không hề làm “xiếc” chữ nghĩa. Những dòng thơ này là sự tiếp nối của mạch nguồn cảm xúc và ngôn từ chỉ là sự hiển lộ được sắp xếp hết sức tự nhiên theo lôgich tình cảm. Tôi nhớ không nhầm thì có một nhà thơ đã nói: “người làm xiếc đi trên dây rất khó; nhưng không khó bằng nhà văn; bởi nhà văn suốt đời đi trên con đường chân thật”. Vâng, quả là như thế!
Đọc những câu thơ của anh, tôi như tìm thấy tuổi thơ mình một thuở. Hình ảnh của người con được nói đến trong bài thơ có thể là anh, là tôi và cũng có thể là một ai khác nữa. Thời của chúng ta, ai mà chẳng đi qua những ngày khốn khó và làm sao không có những vui buồn thơ dại.
Và... người viết bài này sẽ thật thiếu sót nếu không nói về người mẹ chịu thương chịu khó trong những câu thơ của Trương Nam Hương. Người mẹ đã nhen lên ngọn lửa ấm áp “cho tối giao thừa bớt suông”, đã thắp nén hương dưới gốc bồ đề để “xin bóng mát toả về cái no”. Hình như đây cũng là tiếng lòng của đứa con xa dành cho mẹ nơi quê nhà nên tình cảm trong bài thơ không chỉ dừng lại ở sự “tủi thân” của đứa trẻ nghèo mà nặng trĩu một nỗi buồn thương, nhiều câu đọc lên như nghe nhưng nhức một nỗi niềm:
Con cầm thương khó run run
Muốn đem khoe cả mưa phùn, mẹ ơi!
Thì ra, kỷ niệm của một cái “tết nghèo bánh lá thay cơm” vẫn cứ là một kỷ niệm đẹp bởi nó ngập tràn niềm vui và hạnh phúc!
Đâu còn nữa cái thời “lem lấm”. Đâu còn nữa những “đồng xu mừng tuổi” ngày tết. Tuổi thơ một đi không trở lại. Như một nhà hiền triết đã nói: “Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông”. Nhưng vẫn còn đây những miền quê dân dã, còn đây những cánh đồng rơm rạ, còn đây ngọn lửa ấm nồng tình thương yêu của mẹ... “Khi khôn lớn nên người” cũng nên tìm về - hướng thiện.
Đọc khổ thơ khép lại của Trương Nam Hương, sao tôi thấy lòng mình chùng xuống. Hình như có sợi khói vừa mới bay qua gọi về những khát khao trẻ dại:
Con lem lấm của một thời
Để khi khôn lớn nên người - lại xa
Mỗi lần nhìn khói bay qua
Mắt rưng rưng nhớ quê nhà ... lại cay!
Nguyễn Mậu Hùng Kiệt
Hội Văn học – Nghệ thuật Quảng
ĐT: 0905078457 – Email: maukiet@gmail.com
Từ Văn Chiến - congminh06061951@yahoo.com - 0988539951 - 10/1, Phan Đình Giót, p2, TB, TP..HCM
(Ngày 27/01/2011 09:16:49 AM)
Đọc bài " Tết nhớ tuổi thơ" tôi thấy mình trong đó. Tuổi thơ của những chú bé: Lớn lên từ ruộng mồ hôi mùi bùn. Và lục bát bao giờ cũng là tiếng nói đằm thắm sâu láng nhất. Xin cảm ơn tác giả và hẹn gặp lại. Mời bạn thăm nhà và góp ý.
|