Tôi đọc thơ Lê Quốc Sinh từ thời anh xuất hiện trên “Mực tím”, “Áo trắng”, “Văn nghệ trẻ”… thơ anh được viết ra từ sự nếm trải, chiêm nghiệm của bản thân trước những biến động đa chiều của cuộc sống. Điểm nổi bật của thơ Lê Quốc Sinh là nỗi niềm đau đáu trước số phận con người, của làng quê đang bắt nhịp cùng đời sống hiện đại. Sau một thời gian vắng bóng, gần đây Lê Quốc Sinh lại đem đến những bài thơ giàu suy tư trăn trở, anh đặt tên cho những bài thơ ấy bằng tựa đề lạ “Từ A tới Z”.
Bên cạnh những câu thơ có nhiều tìm tòi thể nghiệm, thỉnh thoảng anh cũng làm một số bài lục bát khá nhuyễn. Thú thực, tôi thích phong cách lục bát của Lê Quốc Sinh, đặc biệt là những bài anh viết về làng quê. Một trong những bài thơ tiêu biểu cho mạch cảm xúc ấy là bài thơ:
LỤC BÁT LÀNG NGHÈO
Làng nghèo hái củi trèo non
Cuối đời rừng đổi cha còn đốn than
Khói lên ngẩng mặt giữa ngàn
Bay qua một tiếng kêu khan chim trời
Làng nghèo khuya sớm ra khơi
Anh trai bỏ học ngang đời tay không
Mà theo biển nước long đong
Những người vợ trẻ lấy chồng ngoài xa
Làng nghèo rét lạnh luồn qua
Con trâu giẫm bước người ra ruộng cày
“Ai ơi bưng bát cơm đầy…”
Tiếng ông cha vọng về đây còn buồn
Mây đen kéo chạy trên nguồn
Người mong mây xuống trời tuôn mưa mù
Lẫn trong lời mẹ nghèo ru
Lưng non khắc khoải cu gù lùm cao
Người thân mặc áo bạc màu
Từng đêm nghe động chuyến tàu lăn qua
Rùng mình còi hụ sân ga
Từ lâu đã có kẻ tha hương rồi
Sông xưa cỏ lấn dòng trôi
Người đi ngày cũ chẳng phôi pha tình
Làng ơi con cứ hỏi mình
Anh trai còn mãi lênh đênh sóng dồi?
Cha còn ngửa mặt lên trời?
Mẹ còn gom rạ vàng phơi cuối đồng?
Bao giờ lúa cũng còn bông
Con bao giờ cũng thương mong tràn đầy
Dầu làng một buổi khói mây
Con về thăm mắt sao cay đường chiều.
Lê Quốc Sinh
Những ai từng xuất thân và gắn bó với làng quê hẳn sẽ rất xúc động khi đọc “Lục bát làng nghèo”. Có sống trong gian khó, trong cuộc mưu sinh cơm áo trĩu nặng mới thấy cuộc sống người dân nghèo nông thôn đáng thương đến mức nào và nghị lực sống của họ thật đáng khâm phục. Lê Quốc Sinh đã chuyển tải thông điệp cái nghèo đeo đẳng người dân quê anh và sức chịu đựng của họ thật thấm thía:
Làng nghèo hái củi trèo non
Cuối đời rừng đổi cha còn đốn than
Khói lên ngẩng mặt giữa ngàn
Bay qua một tiếng kêu khan chim trời
Cấu tứ xuyên suốt bài thơ là tình điệu của cái “nghèo”. Nghèo cả làng, cả nước, cả mẹ cha, bà con xóm làng. Ngay từ những dòng đầu tiên, cuộc sống gian lao vất vả của người dân quê hiện lên thật rõ nét:
Làng nghèo hái củi trèo non
Cuối đời rừng đổi cha còn đốn than
Trong tất cả những công việc thường nhật của người dân nông thôn, có lẽ việc “hái củi trèo non” , việc “đốn than” để đắp đổi miếng ăn hàng ngày là vất vả hơn bao giờ hết. Giữa thời buổi khoa học, kĩ thuật hiện đại phát triển, máy móc giải phóng sức lao động của con người, lao động trí óc thay thế lao động chân tay… thế mà người thân trong gia đình vẫn phải làm những công việc nặng nhọc, vất vả đời đời kiếp kiếp. Ngày ngày vẫn phải “ngẩng mặt giữa ngàn” nhìn đụn khói bay mà ngán ngẩm cho cảnh ngộ bần hàn. Thời nay “rừng đổi” khác xưa nhiều lắm! việc đốn củi đốt than đâu dễ dàng như trước. Giữa thăm thẳm của đại ngàn quạnh vắng, tiếng kêu gọi bạn của “chim trời” cũng trở nên lạc điệu và xao xác. Tiếng “kêu khan chim trời” ấy dễ làm ta liên tưởng đến tiếng gào thét của tâm can, tiếng thở dài cay đắng tủi hờn của một kiếp người cơ cực.
Làng nghèo khuya sớm ra khơi
Anh trai bỏ học ngang đời tay không
Mà theo biển nước long đong
Những người vợ trẻ lấy chồng ngoài xa
Thật vất vả xiết bao! Cuộc sống nghèo khổ vẫn không buông tha số kiếp người dân quê. Mạch cảm xúc tự sự được tiếp nối sang một giác độ mới của nỗi khổ. Đã có cha lặn lội lên rừng, giờ anh trai phải “bỏ học ngang đời tay không” lam lũ, lênh đênh cùng con nước chốn biển khơi đầy sóng gió. Lên non, xuống biển đã từng, có còn nỗi khổ nào hơn chăng? Hãy còn và nào đã hết! Còn đó những phận người giữa “ biển nước long đong”, còn đó “Những người vợ trẻ lấy chồng ngoài xa”. Phải chăng cũng vì cái nghèo mà có biết bao người phụ nữ chân quê tội nghiệp đánh liều nhắm mắt đưa chân, tha phương, cầu thực nơi đất lạ, xứ người mà chưa biết chắc “phận mình ra sao”, chưa kể đến những tai ương đổ ập xuống họ bất cứ lúc nào. Đã có không ít những chuyện thương tâm từ những người phụ nữ ấy. Thật đáng sợ khi đọc câu thơ nổi gai ốc “Mà theo biển nước long đong” ! Biển nước hay biển đời đẫm nước mắt? Câu thơ gợi hình gợi nét, gợi nỗi thương cảm sâu sắc cho người đọc. Trên mạch cảm xúc ấy là dòng suy ngẫm, là nỗi lo âu thường trực trước những biến động của đời sống đang bào mòn, xà xẻo, đày đọa người quê.
Làng nghèo rét lạnh luồn qua
Con trâu giẫm bước người ra ruộng cày
“Ai ơi bưng bát cơm đầy…”
Tiếng ông cha vọng về đây còn buồn
Mây đen kéo chạy trên nguồn
Người mong mây xuống trời tuôn mưa mù
Lẫn trong lời mẹ nghèo ru
Lưng non khắc khoải cu gù lùm cao
Người thân mặc áo bạc màu
Từng đêm nghe động chuyến tàu lăn qua
Rùng mình còi hụ sân ga
Từ lâu đã có kẻ tha hương rồi
Nghèo, đói, thiếu cơm ăn, áo mặc, mù mờ tương lai, phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt đầy bất trắc, phải đối diện với cuộc sống quẫn bách thì còn nỗi khổ nào bằng. Nếu làm một phép thống kê về nỗi cay cực người dân quê trong ba khổ thơ trên ta dễ nhận thấy mật độ dày đặc những chi tiết thương tâm: “Làng nghèo rét lạnh luồn qua, Con trâu dẫm bước người ra ruộng cày” “Mây đen kéo chạy trên nguồn, Người mong mây xuống trời tuôn mưa mù” “Người thân mặc áo bạc màu”, “Từ lâu đã có kẻ tha hương rồi”…Khổ về vật chất đã đành, lại thêm khổ về tinh thần người dân quê đều nếm đủ. Để có cái ăn, cái mặc quả là không đơn giản chút nào. Mỗi bát cơm “dẻo thơm”, mỗi hạt gạo trắng ngần đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt gian khó của người nông dân. Mượn ý thơ trong ca dao quen thuộc: “Ai ơi bưng bát cơm đầy Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần” tác giả khắc sâu cho người đọc thấy được giá trị của cuộc sống gian khó chắt chiu đã làm nên lối sống biết quý trọng công sức lao động của người dân quê. Dẫu biết “Tiếng ông cha vọng về đây còn buồn” vì cuộc sống nào đâu đã bớt phần gian khó? Thật bất công và phi lí! Người dân quê bao đời nay vốn cần cù chăm chỉ, vậy mà ông trời nào có đoái thương? “Người mong mây xuống trời tuôn mây mù” sao trời nỡ chẳng chiều lòng mong mỏi của con người? Sao trời nỡ để người dân nghèo ngày đêm ngay ngáy nỗi lo thiếu đói, đến ám ảnh cả vào lời ru“khắc khoải” của mẹ? Chất hiện thực cuộc sống được dồn nén, đẩy lên cao độ, chật căng tâm trí người đọc, tạo ra độ căng trữ tình làm cho ý thơ có sức ám ảnh vang ngân.
Trước thời gian năm tháng “ vật đổi sao dời”, sự đô thị hóa đang diễn ra từng ngày trên khắp các thôn cùng, ngõ hẻm. Tuy vậy vẫn còn không ít những làng quê heo hút tối tăm, chưa bắt nhịp với bước đi của thời đại, ở đó còn hiện hữu không biết bao nhiêu mảnh đời lam lũ cực nhọc.
Sông xưa cỏ lấn dòng trôi
Người đi ngày cũ chẳng phôi pha tình
Làng ơi con cứ hỏi mình
Anh trai còn mãi lênh đênh sóng dồi?
Cha còn ngửa mặt lên trời?
Mẹ còn gom rạ vàng phơi cuối đồng?
Bao giờ lúa cũng còn bông
Con bao giờ cũng thương mong tràn đầy
Cảnh vật quê hương đã ít nhiều đổi thay “ Sông xưa cỏ lẫn dòng trôi” nhưng tấm lòng, tình cảm của nhân vật trữ tình đối với quê, hãy còn vẹn nguyên “Người đi ngày cũ chẳng phôi pha tình”, còn nguyên nỗi “thương mong tràn đầy”. Không“thương mong” xót xa làm sao được? Tình cảnh người thân, gia đình, quê hương vẫn chưa thoát khỏi đói nghèo, cơ cực “Anh trai còn mãi lênh đênh sóng dồi”, cha, mẹ một đời đầu tắt mặt tối, cuối đời vẫn chẳng phút thảnh thơi “Cha còn ngửa mặt lên trời, Mẹ còn gom rạ vàng phơi cuối đồng”…Còn đó những thét gào của tâm can, còn đó những câu hỏi không dễ giải quyết trong một sớm, một chiều. Thương quê, yêu quê, thương mẹ, cha, người thân, xóm giềng lắm, cũng đành bất lực ngậm ngùi!
Dầu làng một buổi khói mây
Con về thăm mắt sao cay đường chiều
Đọc đến dòng cuối cùng của bài thơ, chợt thấy mắt mình đã cay cay không biết từ bao giờ! Phải yêu quê hương, đất nước lắm Lê quốc Sinh mới viết được những vần lục bát về làng hay đến thế! Một đồng nghiệp của tôi khi đọc lời bình và bài thơ này đã nói : Bài thơ và lời bình của cậu có cái nhìn hơi bi quan về cuộc sống. Đó là quan điểm và cách nhìn nhận riêng của mỗi người. Thiết nghĩ biết nhìn thẳng, nói thẳng, nói thật về hiện thực cuộc sống, để có trách nhiệm hơn với ngòi bút và hành động của mình là việc rất cần thiết. Lê Quốc Sinh đã làm rất tốt thiên chức của mình với mảnh đất quê hương, nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng anh nên người.
Cam Ranh, chiều cuối năm 28/12/ 2010
Đậu Phi Hùng
ĐT: 0905.524310
Email: khaiminhtt@gmail.com
ducvan - muathutoanang1992@yahoo.com - 09899286190 - kien xuong- thai binh
(Ngày 19/01/2011 10:54:42 PM)
ôi thơ việt sao mà thân thương thế. đọc lên thấy như mình trong đó thấy dáng mẹ gầy thấy hồn mình trải đâu đây..
xin cảm ơn tác giả
Minh Tuấn - minhtuan67@yahoo.com - - THPT Phan Bội Châu- Khánh Hòa
(Ngày 10/01/2011 11:58:35 AM)
Bài thơ hay, được bài bình nâng cánh, đọc thấy xúc động. Vỗ tay tán thưởng LQS và ĐPH.
|