Trường thiên “GIÓ” là một bài thơ được viết bằng thể thơ Lục Bát Việt Nam của nhà thơ Đức _Việt, mà nữ thi sĩ nổi tiếng người Tây Ban Nha Clara Janes khi được một người bạn gái của mình tên là Menchu Gutierrez trao tặng lại một tập thơ được viết bằng tiếng Đức mà nhà thơ Menchu Gutierrez đã được chính tác giả Nguyễn Chí Trung ký tặng trong một đại hội Thi ca quốc tế được tổ chức ở Thụy Điển.Từ đó đến nay Clara Janes đã rất thích bài thơ này và trong quá trình dịch để giới thiệu cho thế giới văn học nghệ thuật Tây Ban Nha thì nữ thi sĩ này đã xác nhận lại một lần nữa: “Đây là một bài thơ của thế kỷ”.
Khi tôi được tiếp xúc với bản Việt ngữ được nhà thơ viết theo thể thơ Lục Bát của dân tộc Việt, tôi vô cùng xúc động trước vẻ đẹp của một tác phẩm nghệ thuật mà ở đó tôi tìm thấy những suy nghiệm về thân phận con người và dòng chảy của cuộc đời.
Vẻ đẹp của bài thơ đã đem đến cho tôi một sự suy nghĩ triền miên về kiếp người và cuộc đời. Sau một thời gian tôi bị cuốn vào vẻ đẹp của bài thơ, trong tôi có một mong muốn luôn thôi thúc đó là cần phải giới thiệu đến tất cả những người đã bị mất niềm tin vào Cái Đẹp đặc biệt là cái đẹp trong Thi Ca, thí dụ được biểu hiện qua ngôn ngữ và thể thơ Lục Bát Việt Nam và đây chỉ là một biểu hiện cụ thể mà tôi được biết.
Bài thơ này được tác giả viết trước nhất là bằng Việt ngữ, sau đó tác giả đã viết lại bằng Đức ngữ. Từ bản Đức ngữ đã được dịch ra tiếng Anh với sự cộng tác của chính tác giả. Từ đó bài thơ này được dịch ra nhiều thứ tiếng như: Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Thụy Điển, Ả Rập, Serbia…
Bài thơ: Trường thiên Gió gồm có bốn mươi tám từ khúc, mỗi từ khúc gồm có bốn câu, được viết bằng thể thơ Lục Bát là thể thơ xuyên suốt hầu như là toàn bộ sự nghiệp thơ của ông gồm có khoảng bốn mươi tập thơ cho đến nay.
Để mở đầu cho dòng chảy siêu nghiệm của nhà thơ nổi tiếng thế giới Nguyễn Chí Trung, người viết xin giới thiệu đến các bạn đọc trong nước gần xa về tập thơ gồm bốn mươi tám từ khúc mà tác giả đã làm cho thi đàn trên thế giới không thể nào 'ngoảnh mặt làm ngơ' trước những vần thơ tuyệt đẹp được viết bằng thể thơ của dân tộc Việt. Thông qua tập thơ này tác giả đã làm cho các thi sĩ trên thế giới nhìn thấy được cái hồn thơ của dân tộc Việt đẹp lung linh biết bao...
PanTan
GIÓ
Nguyễn Chí Trung
Đêm nay gió rút ngang trời
Đã là mất hẳn những đời rã riêng?
Bây giờ bạc bẽo cõi miền
Hẳn là xứ sở ưu phiền lắm ru?
Đêm nay gió rút âm u
Lại thêm tầm tã mưa mù lòng ai
Bây giờ giọt ngắn giọt dài
Rồi trong chốc lát nhớ ngày chia ly
Đêm nay gió rút thầm thì
Hình như còn những điều gì chưa xong?
Bây giờ vật vã cõi lòng
Liệu sau này nữa sẽ không bao giờ?
Đêm nay gió rút cơn mơ
Mưa như mưa đã đợi chờ từ lâu
Chẳng là tháng bảy mưa ngâu
Mà trong tâm tưởng cơ hầu chưa quên
Đêm nay gió rút dưới mền
Giọt sầu đã vỡ bên trên vỉa hè?
Mà sao tâm não còn nghe
Gót chân xưa vẫn còn đè trên tim
Gió đưa dẫn dắt đi tìm
Biết đâu sẽ đến cõi miền hoang liêu
Bây giờ đồ vật quá nhiều
Chừng linh hồn hẳn có điều phôi pha?
Gió đưa đám lá sau nhà
Rủ nhau trốn chạy bỏ xa sân sầu
Bây giờ đâu đã là đâu?
Cho nhau một chút có hầu là bao?
Gió đưa thân thể lao đao
Nhớ người biết đến khi nào mới thôi
Nhớ người như gió từng hồi
Rút qua thê thảm trên lời còn đây
Gió đưa không chóng thì chày
Lấy gì đây để đắp đầy hiện sinh?
Lấy gì trả nợ thông minh
Mà cho tim não tan tành tro than
Gió đưa chữ nghĩa về ngàn
Một lời Thơ gửi, không màng là không!
Đã đành không cũng là không
Mà ra chờ đợi trông mong hàng giờ
Gió đưa đến cõi không ngờ
Tim này rạn vỡ, hững hờ lòng ai
Nữa đêm phố vắng đường dài
Còn lang thang kiếm những ngày đã xa
Gió đưa Sa Mạc về qua
Gieo sầu cát bụi còn là đâu đây
Tưởng là rồi sẽ giao tay
Ngờ đâu sầu ấy mang thay cho người
Gió đưa hồn rã về trời
Ở trong cố quận có lời gửi ra?
Nhớ người lệ chảy không ra
Nhớ người ràn rụa trôi qua trong hồn
Gió mang ròng rã nỗi buồn
Về qua thân thể trần truồng trong đêm
Sống là cũng để mang thêm
Vào trong chữ nghĩa nỗi niềm nhân sinh
Gió mang đi mất mối tình
Người đà mất hẳn giữ hình làm chi
Bên bờ cửa sổ ôm ghì
Bên bờ cuộc sống còn ghi vài điều
Gió mang về cõi quạnh hiu
Khởi từ cuộc sống cô liêu là còn
Quả tim là vật hao mòn
Nói chi vàng đá sắt son là lời
Gió mang Sầu Não vào đời
Cho trầm luân những cuộc đời trầm luân
Đủ chưa là những gian truân
Mà còn đày đọa xác thân chừng nào?
Gió mang cuộc sống Chiêm Bao
Trở thành Cuộc Chết lúc nào không hay
Mới đây rạng rỡ trong ngày
Mới đây còn đó mà nay mất rồi
Gió mang chuyện cũ bồi hồi
Đã xa xôi vẫn còn dôi dăm điều
Bây giờ còn chẳng bao nhiêu
Vài ly cơ sự vẫn thiu mốc hồn
Gió mang tất cả đem chôn
Vài ba thước đất sâu hơn đáy lòng?
Có chôn được nỗi sầu không?
Hay là mượn áo nâu sồng mà che?
Gió mang đi hết, còn nghe
Qua mành run rẫy lá tre xạc xào
Quả tim rạn nứt dâng trào
Một đường máu chảy kêu gào gọi ai
Gió mang khỏi cõi trần ai
Mà sao vẫn để lại đày đọa kia?
Mở trang chữ nghĩa đầm đìa
Sống là mang nỗi chia lìa trong thân
Gió về từ những miền gần
Càng tim não lắm, bội phần đớn đau
Sống đây, mà nói về sau
Chuyện là đã hết, mà sao vẫn còn!
Gió về từ cõi chon von
Kéo qua những cánh đồng non mạ vàng
Cõi lòng còn có thênh thang?
Mà mong đón nhận muôn vàn trống trơn
Gió qua trang giấy đã sờn
Đây mùi mực cũ gây cơn nhớ người
Nhớ người, nào thấy tăm hơi
Quên người, có sống qua đời được chăng?
Gió qua mặt nước sông Hằng
Những trầm luân cũng cầm bằng là không
Đấy là thân xác trên sông
Đâu là vui thú trong giòng vô lưu?
Gió làm sao có đền bù
Vì chưng chữ nghĩa thêm mù sa bay
Tự tâm đem xác đi đày
Đã vào hỏa ngục, có hay được hồn?
Gió sao tát cạn ngữ ngôn ?
Lời là hố thẳm không mòn không tan
Đi về hình thể điêu tàn
Ấy là để lại một trang cuối cùng
Gió về từ cõi mênh mông
Ghé chơi đôi chút rồi xong tạ từ
Nhìn nhau thoi thóp, ngần ngừ
Một lời chưa nói, đã từ giã nhau
Gió qua hồn đã nát nhàu
Vẫn còn gắng gượng viết câu cho người
Trên tờ giấy mỏng tả tơi
Làm sao bày tỏ nỗi đời đau thương?
Gió tru qua cột đèn đường
Đem mưa lê lết phố phường vắng tanh
Giữa đường đi quẩn đi quanh
Một hình bóng cũ vẫn hành hạ tim
Gió đưa giọt nổi giọt chìm
Giọt đi lạc lõng còn tìm kiếm ai
Giọt xưa tưởng ngắn mà dài
Giọt nay tan vỡ trong bài thơ ngây
Gió qua bụi cỏ bờ cây
Kéo về qua những tờ nay vẫn còn
Một tờ than khóc nỉ non
Một tờ lạc điệu, hao mòn thì chưa!
Gió sao cho đủ cho vừa
Cho nồng ấm phút Giao Thừa nhớ nhung
Hay gieo tàn lạnh tận cùng
Vào tim vào não vào lòng vào xương
Gió sao tạt mất yêu thương
Để lòng khỏi nghĩ người dường như ta
Quả tim là chuyện phôi pha
Lời là để lại, người là mất đi
Gió ru như muốn đền nghì
Có khi còn kịp, có khi trễ rồi
Ăn năn khi đứng khi ngồi
Xưa ôm giữ mộng nay hồi tro than
Gió ru như muốn kêu than
Thay người từ cõi lầm than gọi về
Đâu là tuyệt vọng ê chề?
Lòng ai mà chẳng não nề như nhau?
Gió qua cơn trước cơn sau
Cơn buồn bã dứt cơn đau khổ dài
Sống là chờ đến ngày mai
Dù chưa viết hết được bài hôm nay ?
Gió qua không chóng thì chày
Xưa xum vầy lắm thì nay quan hà
Không người, nào có không ta?
Không Trần Gian nữa, có là bài Thơ?
Gió qua lòng đã hững hờ
Ấy là nhan sắc, chẳng chờ tài nhân
Sao là ngần ngại ngại ngần
Mà không tiếp nhận căn phần cho nhau
Gió qua cơn chậm cơn mau
Lá me đường cũ rụng bao nhiêu lần
Một lần hay biết bao lần
Đầu thai trở lại hồng trần nào quên
Gió mang từ dưới lên trên
Những là Không Sự trên nền Thời Gian
Có chăng cứ mãi hoang mang?
Đã là Không Sự sao than thở hoài?
Gió là một nỗi thở dài?
Một lời ngành ngọn trình bày đầu đuôi?
Những gì cuộc sống chôn vùi?
Những gì hôi thối át mùi hương xưa?
Gió là nghĩa thải tình thừa ?
Quên nhau là đã, mà chưa tận lòng ?
Nhìn nhau lần đó cuối cùng
Dễ dàng là thế, sao không quên người ?
Gió là một, dù đôi nơi
Vì Thi Ca, lẽ đem đời bỏ đi?
Sống là chỉ có một khi?
Mà sao bỏ mất, cứ ghi mãi Lời?
Gió là hơi thở của trời ?
Để mang đi mất nỗi đời khổ đau ?
Thế mà chẳng rõ vì sao ?
Trong linh hồn tụ biết bao là sầu ?
Gió là chữ nghĩa nông sâu?
Linh hồn không, thật, biết đâu mà tường?
Có khi chỉ một mùi hương?
Thoảng qua rồi hết, đừng mường tượng chi?
Gió là một nỗi hồ nghi?
Thì cho viết nốt lời bi thiết này
Gió qua đời ngắn đời dài
Đem đêm miên viễn vào ngày thiên thu.
26/11/1992 – 01/01/1993
(PanTan tuyển chọn và giới thiệu)