Chủ nhật, 22/12/2024,


Mẹ ơi, theo gió con về cố hương (16/12/2010) 

TẦNG SÂU GỬI MẸ NỖI NIỀM

Mẹ ơi, đồng đội lặng im

Phát rừng rẽ lối kiếm tìm chúng con

Thêm lần “Xẻ dọc Trường Sơn”

Lại dầm mưa nắng đường trơn gió Lào.

Lội thác xiết, vượt đèo cao

Bỏng tay cuốc đá, bới đào tìm nhau.

Khác gì đãi ngọc biển sâu

Tại con… thưa chẳng thành câu rõ lời.
'Nhắn tìm' thăm thẳm khôn nguôi

Xót thương người sống suốt đời băn khoăn.

 

Khó về xếp trắng hàng 'quân'

Thôi... coi như mới một lần con xa

Mẹ ơi, an ủi cha già

Mồ con núi ấp, mây qua bốn mùa

Quanh con biếc tím hoa mua

Nguyên thời trai tráng vẫn chưa nét già.

 

Gắng nguôi ngoai, hỡi mẹ cha

Nhớ con, giống lúc vắng nhà vài hôm

Mai ngày… thắp nén nhang thơm

Thay con… là cả xóm thôn, bạn bè

Khi chim ríu rít bốn bề

Mẹ ơi, theo gió con về cố hương.

 

Nguyễn Thanh Tuyên

 


 

Với tứ thơ độc đáo, bút pháp sáng tạo và đặc biệt là những tình cảm chân thành, nồng hậu, bài thơ' Tầng sâu gửi mẹ nỗi niềm' của tác giả Nguyễn Thanh Tuyên đã gây cho người đọc niềm xúc động mãnh liệt, khơi dậy nơi cõi mênh mang sâu thẳm trong lòng người những ấn tượng sâu đậm về tình người, tình đời, về những luân thường đạo lý ở cõi người mà  ngàn vạn đời sau, những tình cảm ấy, đạo lý ấy mãi còn roi rói trong mỗi trái tim.

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã lặng rồi tiếng súng, mà sao trong lòng ta - những người có mặt trên cõi đời này, trái tim vẫn cồn cào, rát bỏng một niềm đau? Niềm đau sau chiến tranh khi người còn, người mất. Niềm đau khi trong cuộc đoàn viên ấy, những người ruột thịt, những đồng đội thân yêu đã không có mặt bao giờ. Đặc biệt là niềm đau khi trên nấm mồ các anh hùng liệt sĩ vô danh, sau chiến tranh, nén nhang thơm chưa một lần đỏ lửa. Niềm đau ấy luôn âm ỉ và nhức nhối trong lòng mỗi chúng ta.  Giữa những ngày tháng Bẩy đầy vơi thương nhớ này, niềm đau như vết thương lòng lại tấy buốt và ứ tràn trong huyết mạch của người chiến sĩ năm xưa- người đã từng vào sinh ra tử, từng nếm trải sự ác liệt và tàn khốc của chiến tranh, và anh bỗng nghe thấy lời thì thầm của những anh hồn đồng đội vọng về từ những tầng hầm nằm sâu trong lòng đất.

Mọi sự hóa thân đều kỳ diệu, song có sự hóa thân nào kỳ diệu thế này chăng? Bài thơ như một truyện cổ tích vừa thực, vừa mộng giữa đời thường. Ở đó, tác giả đã hóa thân vào anh linh các anh hùng liệt sĩ dẫn hồn ta vào một huyền thoại lung linh đầy an ủi, vỗ về. Chính ở đó, niềm xót xa, niềm ngóng trông trong vô vọng của ta như phần nào được sẻ san, bù đắp.

Chúng ta từng cảm phục bao nhiêu, trân trọng bao nhiêu những tấm gương chiến đấu anh dũng và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Các chiến sĩ ngã xuống nhưng máu thịt của họ đã hòa vào từng nắm đất, linh hồn họ quyện vào hồn sông núi và sống mãi ngàn năm. Họ luôn sống mãi trong lòng Tổ quốc thiêng liêng, trong lòng quê hương yêu dấu và trong lòng những người con đất Việt. Chiều nay, theo tiếng gọi của trái tim, của lương tri, của đạo lý, của tình đồng đội thiêng liêng như máu thịt, những người chiến sĩ anh dũng năm xưa lại thêm một lần' Xẻ dọc Trường Sơn' để đi tìm đồng đội cũ của mình. Họ 'Lại dầm mưa nắng Trường Sơn, gió Lào'. Tình đồng đội thiêng liêng thôi thúc khiến họ đêm ngày 'Lội thác xiết, vượt đèo cao' mà không hề quản ngại khó khăn, gian khổ. Họ khát khao cháy bỏng tìm được hình hài những đồng đội thân yêu của mình từ những di vật để lại vội vàng có khi vào thời điểm 'giao thừa giữa hai trận đánh' hay lúc hối hả trên đường hành quân. Mặc dù giờ đây bom đạn quân thù đã cày xới, chiến tranh tàn khốc và thời gian vô cảm đã xóa sạch mất rồi, song trong lòng họ vẫn nhen nhóm niềm tin không hề tắt. Giữa đất trời mênh mông, vô định, niềm đau đớn, xót xa, day dứt lại bật òa trong mỗi câu thơ đầm đìa nước mắt, hỏi có ai không thấy buốt lòng?


Ta đào bới nét chữ mình thời trẻ
Trong vỏ kháng sinh chôn theo bạn cuối đồi
Làn hương mỏng bồi hồi gọi hộ
Sao chữ mình và bạn mãi không 'ơi'...!
(Tìm Lại Chữ Mình - Nguyễn Thanh Tuyên)

 

Như thấu hiểu tấm lòng của bạn mình, của những người đang 'Bỏng tay cuốc đá bới đào tìm nhau', những anh linh liệt sĩ ấy, trong miền giao cảm của cõi tâm linh còn cảm hết được những trở trăn, day dứt của đồng đội khi niềm hy vọng ở cuộc kiếm tìm vẫn mong manh như sương khói, sự mất mát kia vẫn là chốn không cùng. Rừng xanh, núi thẳm vẫn dang tay ôm chặt hình hài các liệt sĩ một cách vô tình. Các anh linh ấy cũng khát khao lắm chứ được trở về trong vòng tay yêu thương của mẹ, của người thân và của xóm làng, quê hương yêu dấu- nơi mà họ đã oa oa cất tiếng khóc chào đời. Tiếng gọi 'Mẹ' bật ra từ nỗi niềm khát khao cháy bỏng được trở về của các anh linh ấy cho dù chỉ còn là nắm đất khiến lòng ta xa xót biết chừng nào! Cặp từ xưng hô' Mẹ - Con' sao mà gần gũi, thân thương và ấm lòng đến vậy! Mẹ của họ chính là Tổ quốc, là quê hương, là người mẹ mà họ hằng yêu kính và vẫn đang từng giờ mòn mỏi ngóng trông. Trong lòng họ, những tình cảm ấy luôn vẹn nguyên và trong sáng vô ngần. Họ biết lắm những gian lao, vất vả, những mong manh trong cuộc kiếm tìm của những người đang 'đãi ngọc biển sâu'. Những hương hồn ấy cũng nhìn thấy, nghe thấy, cảm nhận được những luồng thông tin khắp đó đây đang thiết tha nóng lòng tìm kiếm họ, mong mỏi được đưa họ về nơi họ đã ra đi. Họ 'Xót thương người sống suốt đời băn khoăn' để rồi họ tự day dứt, tự nhận thấy có gì như không phải với những người đang đi tìm kiếm họ. Cảm động biết bao khi từ tầng hầm sâu kia, ta nghe thấy lời các anh linh tự nhận lỗi về mình 'Tại con... thưa chẳng thành câu rõ lời'. Ôi, cao thượng quá, thánh thiện quá là tâm hồn người lính! Phẩm chất cao đẹp của những người chiến sĩ cách mạng trung kiên năm xưa lại một lần nữa lung linh tỏa sáng. Trong chiến đấu, họ sẵn sàng nhận hiểm nguy, xông lên hứng lấy luồng bom, sẵn sàng hứng chịu làn mưa bom bão đạn của địch để cứu nguy cho đồng đội, họ từng lấy thân mình chắn cửa hầm, chấp nhận hy sinh để đồng đội được bình yên... Họ nhường nhau từng mẩu lương khô, từng chiếc kẹo, từng quả bồ kết để gội đầu, từng chiếc tem thư hay từng viên thuốc đắng... khi mà chiến tranh, đói rét, vết thương rồi những trận sốt rét rừng đang tàn phá cơ thể họ đến kiệt cùng... Họ đã chiến đấu với tinh thần 'Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh', họ là những cảm tử quân anh dũng. Giờ đây họ vẫn vẹn nguyên tinh thần ấy. Mặc dù, trở về quê hương hay những nơi quy tập mộ liệt sĩ để :xếp trắng hàng 'quân' với các anh là điều vô cùng khó và chưa thể thực hiện một sớm, một chiều. Song, các anh luôn ước ao được chỉnh tề, ngay ngắn trong hàng “quân' như những ngày nào hành quân ra tiền tuyến, hay những lúc luyện rèn quân ngũ, dẫu giờ đây  các anh chỉ còn chút xương mòn! Một ngày chưa về được là một ngày các anh linh ấy day dứt như chưa làm tròn quân lệnh. Điều này khiến mỗi chúng ta- những người đang sống hôm nay nghĩ suy gì về kỷ cương và nguyên tắc sống của bản thân mình? Mỗi dòng thơ đọc lên lòng ta lại rưng rưng, nhói buốt. Nhà thơ đã lắng nghe bằng trái tim để thấy được lời tâm tình của những liệt sĩ vô danh ấy. Họ xót xa cho đồng đội đang kiếm tìm mình. Họ còn xót xa, day dứt đối với cha mẹ khi đã đến tuổi mãn chiều, xế bóng mà phận làm con họ chưa kịp đáp đền. Ai sẽ chăm lo cha mẹ mỗi chiều khuya, ban sớm? Ai sẽ phụng thờ, nhang khói lúc cha mẹ lâm trung? Ta không khỏi nghẹn ngào trước những nỗi niềm day dứt của những anh linh liệt sĩ ấy. Phải có sự đồng cảm tuyệt đỉnh mới thấu đáo tới ngạch nguồn tình cảm tâm linh đến vậy. Hồn người thấm đẫm nhân nghĩa và luôn tỏa sáng chữ tâm mới có nổi những dòng thơ ân tình sâu nặng thế!

Các liệt sĩ ấy luôn lạc quan, tin tưởng vào tình người, vào cuộc đời này như đã từng lạc quan, tin yêu cách mạng. Họ an ủi mẹ cha hãy cố nguôi ngoai nỗi buồn đau và coi như 'mới một lần con xa' rồi hãy 'Nhớ con, giống lúc vắng nhà vài hôm'... Họ vẽ lên khung cảnh mình đang “sống” nơi chiến địa xưa để cha mẹ an lòng: 'mồ con trái núi' có 'mây qua bốn mùa', xung quanh con là rừng hoa mua tím biếc... Thi vị quá!  Hùng vĩ quá! Lãng mạn quá! Núi rừng, Tổ quốc mãi ôm các anh vào lòng. Tâm hồn các anh hùng liệt sĩ ấy mãi trẻ trung, trong sáng như ngày nào, bởi họ còn' Nguyên thời trai tráng vẫn chưa nét già' mà! Dẫu chỉ là là những bông hoa dại thôi, loài hoa mãi chung thủy với núi đồi hoang dã ấy  thể hiện sức sống mãnh liệt, sự trường tôn vĩnh cửu của mình hay chính sự bất diệt của những anh hồn đang  nằm sâu dưới lòng đất Mẹ.Giữa cảnh núi rừng đơn côi, hoang lạnh, màu tím của những bông mua rừng mới ấm áp làm sao! Sự điểm xuyết kì diệu cho lòng người ấm lại, niềm tri ân mà tác giả muốn gửi tới sưởi ấm vong hồn của những liệt sĩ vô danh.

Hồn thơ tài hoa đã nhập vào hồn các anh linh như một phép thần kỳ diệu. Một bài thơ xứng đáng là 'Tiếng nói của một người mà làm rung động trái tim biết bao người'. Sức mạnh của thơ ca đích thực là vậy, chân chất, bình dị mà lay động đến từng ngõ ngách của tâm hồn', gợi cho ta nhiều liên tưởng thấm thía về đạo nghĩa, về tình người, về lẽ sống ở đời. Những câu thơ đã khảng định một tâm thế cao quý của những người chiến sĩ cách mạng năm xưa trên mọi chặng đường lịch sử của đất nước. Nỗi xúc động như lắng đọng trong từng câu chữ khiến chúng ta không khỏi bồi hồi, cảm phục khi ngược dòng lịch sử trở về những ngày tháng đã qua. Ta càng thấm thía cái đạo lý tươi đẹp truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam: Người còn sống thì luôn nhớ thương, day dứt và mãi nâng niu nét đẹp đạo lý tâm hồn 'uống nước nhớ nguồn' và phấn đấu sống thật tốt, mong 'đền ơn, đáp nghĩa' với người đã khuất. Người đã mất thì lo phù hộ độ trì cho những người đang sống theo cái nghĩa chở che(!)

Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Thanh Tuyên đã nói hộ chúng ta tình cảm trân trọng, biết ơn và tự hào đối với những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc. Bài thơ là nén tâm nhang mà nhà thơ đã thay mặt muôn triệu người con đất Việt gửi tới các anh hùng liệt sĩ. 

Xin chia sẻ sâu sắc cùng gia đình các thân nhân liệt sĩ, những người chiến sĩ năm xưa đã, đang tâm huyết đi tìm đồng đội. Xin thành tâm thắp nén nhang lòng trước vong linh các anh hùng liệt sĩ năm xưa. Cầu mong cho phần mộ các anh sẽ mãi mãi không bị thiên tai hay bom đạn quân thù cày xới thêm một lần nào nữa. Mộ các anh, dẫu đang còn đơn côi hoang lạnh nơi vách núi, bìa rừng và nén nhang chưa một lần đỏ lửa thì các anh hãy tin rằng, những người sống luôn nhớ tới các anh, luôn tự hào về các anh và luôn tự hứa với lòng mình sẽ sống xứng đáng với các anh!


Đặng Diệu Thoa

Điện thoại: 0942987979

Email: dangdieuthoa@yahoo.com.vn

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: