Thứ sáu, 03/01/2025,


Hồn em đã chín mấy mùa thương đau? (17/11/2010) 

NGẬM NGÙI

 

Nắng chia nửa bãi, chiều rồi…

Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu,

Sợi buồn con nhện giăng mau,

Em ơi! Hãy ngủ anh hầu quạt đây

Lòng anh mở với quạt này;

Trăm con chim mộng về bay đầu giường

Ngủ đi em, mộng bình thường!

Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ…

Cây dài xế bóng ngẩn ngơ…

Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?

Tay anh em hãy tựa đầu

Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi…

 

1939

 

Huy Cận

(Lửa thiêng – 1940)

 

 

“Ngậm ngùi” được sáng tác vào năm 1939, có mặt trong “Lửa Thiêng”, tập thơ đầu của nhà thơ Huy Cận (1919- 2005), xuất bản năm 1940. Phải đặt vào hoàn cảnh nỗi buồn thế hệ, ta mới cảm thông và cảm nhận được chất thơ cùng với quan điểm nhân sinh, quan điểm thẩm mỹ mà tác giả đã gửi gắm trong thi phẩm này..

Một chiều mùa thu, nắng đã “chia nửa bãi”, tơ nhện đã “giăng mau”! Cảm đoán vậy, bởi chỉ có chiều thu mới đẹp, buồn và tàn mau đến thế... Làng quê ven sông, trong ngôi nhà nhỏ giữa mảnh vườn hoang sơ mọc đầy những lùm cây trinh nữ, một đôi trai gái đang được yêu nhau, được ngủ bên nhau và được mộng mơ trong lời ru nhẹ nhàng, êm ái của “tiếng thùy dương mấy bờ”. Tình yêu sâu đậm, trong trẻo và cũng thật là lãng mạn, nên thơ. Họ yêu chiều nhau hết mực. Chàng vỗ về: Em ơi, hãy ngủ anh hầu quạt đây. Và nàng ngoan ngoãn ngủ êm say trong vòng tay, trong lời dục giã âu yếm “Ngủ  đi em…” của chàng… Thế rồi, “giấc mộng lớn” đã đến với đôi bạn tình: Trăm con chim mộng về bay đầu giường. Mà xem ra, mộng của tuổi trẻ và tình yêu dù là “mộng bình thường”, bao giờ cũng là mộng đẹp, hé mở cả chân trời hy vọng về hạnh phúc tương lai.

Nhận ra điều này, nếu như bài thơ dừng lại ở câu thứ tám sau dấu chấm lửng hoặc dẫn cảm xúc theo một chiều hướng khác. Bởi vì ngoại cảnh dù có hiu hắt, buồn vắng mà lúc này đây “Trên trời, dưới đất, giữa hai ta”(VT), thì tình yêu vẫn xua át đi tất cả. Nhưng không, khúc ru buồn sầu não đã cất lên từ bốn câu cuối bài. Thời gian buông mau, khi mà những hàng thùy dương đổ dài “bóng xế ngẩn ngơ”, không còn reo hát vi vu, xạc xào nữa thì lời thơ thật não lòng: Hồn em đã chín mấy mùa thương đau? Nghe như “mùa thương khó” trong dân gian cúng những âm hồn vậy! Hỏi “hồn em” nhưng cũng là để nói cho hồn anh, hồn chúng ta đấy. Tuổi xuân đôi mươi mà cõi hồn trải lắm nỗi thương đau đến nhường ấy thì hỏi còn gì là hương hoa, là ý nghĩa cuộc đời. Câu thơ kết bài cứ trĩu nặng mãi lòng người: Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi…

Ý tưởng vả triết lý thơ đã dồn nén tất cả vào đây. Thì ra, ở cái chốn trần gian này chỉ có buồn rầu và đau khổ! Nhà thơ đã khéo xếp đặt vào không gian nghệ thuật và câu chuyện tình cả ba dạng thức tồn tại của mỗi sinh thể người: tỉnh thức, ngủ, và mộng mơ. Một sự kết hợp thật hoàn hảo trong tính chỉnh thể hình tượng. Đó là luận chứng và luận cứ để bác lại người đời nông cạn, cứ ảo tưởng cho rằng: tình yêu và tuôi trẻ là điều huyền diệu nhất, hạnh phúc nhất; tình yêu là vĩnh hằng và bất tử… Thì đây, người ta tỉnh và yêu: sầu; ngủ và yêu: cung sầu; đến mộng và yêu: lai cũng sầu!... Tất cả đều không thoát ra khỏi cái “vòng kim cô” của một chữ “Sầu”. Rồi những trái sầu tinh kết mọng chín kia lại cứ rụng rơi… rụng rơi… Rồi sẽ lại mọc lên những “cây đời” tiếp nối với khúc ca “ngậm ngùi” và mối “sầu vạn kỷ”: Một chiếc linh hồn nhỏ/ Mang mang thiên cổ sầu. (Linh hồn nhỏ)

Nỗi đau tinh thần là nỗi đau lớn của muôn đời. Bài thơ đã dùng giọng điệu lời ru êm đềm để tỏ nỗi buồn thương, nhớ tiếc cho cả một kiếp người. Câu thơ lục bát truyền thống ở đây điêu luyện, uyển chuyển, tinh tế và đầy nhạc tính. Thuật dùng chữ của tác giả cũng thật tuyệt vời trong cách trau chuốt những từ ngữ thuần Việt đi cùmg từ Hán Việt, trong cách cấu âm, phối thanh để tạo từ ngữ mới có điệu tính cao, mang màu sắc quý phái cao sang, giàu tính biểu cảm. Các biện pháp tu từ thậm xưng, nhân hoá, hình tượng hoá… dùng đắc địa đã làm cho cảnh và tình như cùng hoà điệu trong nỗi “sầu ngẩn ngơ”…

Trong Lửa thiêng, Huy Cận luôn tìm tứ thơ và đặt cảm hứng vào mối tương quan giữa cái hữu hạn của cuộc đời với cái vô cùng vô tận, cái mênh mông rợn ngợp của không gian và thời gian. Cảm thức về nỗi buồn nhân thế bao la, nỗi khổ đau muôn vàn của con người đã tạo cho tập thơ luôn thấm đượm chất sầu, đúc nên cả nguyên khối “ngọc đau buồn” dâng tặng nhân gian. Ở đó, thi nhân đã gửi gắm cái tình sâu đậm đối với đời, đối với người. Ở đó, thi nhân đã có một vùng thẩm mỹ riêng, không ai có được. Và “Ngậm ngùi” đã thẩm mỹ hoá nỗi sầu đau ấy đến độ toàn bích, luôn gợi cho ta thấm thía về nỗi buồn man mác, mông lung trầm tích trong cõi lòng người, để xứng tầm tiêu biểu cho mảng thơ này.

“Ngậm ngùi” luôn được đưa vào các tuyển tập thơ, nhất là thơ tình. Từ 1961, Phạm Duy, một nhạc sĩ trứ danh thời tiền chiến, ở miền Nam, đã phổ nhạc “Ngậm ngùi” thành bài hát nổi tiếng. Nhạc phẩm là một bản tình ca buồn, được bà công chúng rất yêu thích, càng chứng tỏ giá trị nhân bản của thi phẩm.

Có thể nói, “Ngậm ngùi” là một bài thơ sầu, một bài thơ tình bất hủ. Trong sự nghiệp thơ của Huy Cận, nếu “Tràng giang” là kiệt tác đứng ở vị trí thứ nhất thì “Ngậm ngùi” xứng đáng đứng ở vị trí thứ hai, liền ngay sau đó.

 

 

Phạm Văn Chữ

Địa chỉ: 11, Nguyễn Khắc Viện, Tp Hà Tĩnh

ĐT: 0915.807028 - Email: phamvanchu@gmail.com

 

Mời nhấn vào đây để nghe bài hát "Ngậm Ngùi" của Phạm Duy phổ thơ Huy Cận

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Phạm Đình Nhựt - nhuthoangdinh@gmail.com - 0933476523 - Duy Tân Duy Xuyên Quảng Nam  (Ngày 18/11/2010 06:21:11 AM)

Bài thơ này là bài thơ tôi thích nhất.Nó càng hay hơn khi nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và được một trong những ca sĩ hàng đầu của làng nhạc thính phòng là ca si Tuấn Ngọc thể hiện
Nắng chia nửa bãi, chiều rồi…
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu,
Sợi buồn con nhện giăng mau,
Em ơi! Hãy ngủ anh hầu quạt đây
Lòng anh mở với quạt này;
Trăm con chim mộng về bay đầu giường
Ngủ đi em, mộng bình thường!
Ngủ đi em, mộng bình thường!
Ru em sẵn tiếng thùy dương đôi bờ
Ngủ đi em ngủ đi em
Ngủ đi... mộng vẫn bình thường
À ơi có tiếng thùy dương mấy bờ
Cây dài xế bóng ngẩn ngơ…
Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?
Tay anh em hãy tựa đầu
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi…
Là bài hát mỗi khi lan man tôi hay ca ngẩn.Nắng chia nửa bãi chiều rồi.Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.Sợi buồn con nhện giăng mau.Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây.Lời thơ ngọt ngào mùi mẫn với cung sầu ngây ngất của âm nhạc Phạm Duy một nhạc sĩ tôi rất thích.Một nhạc sĩ rất có duyên với thơ.Nhạc sĩ Phạm Duy ngoài ra còn phổ thơ của các thi sĩ Phạm Thiên Thư cũng không khá nổi tiếng đó là bài <Ngày Xưa Hoàng Thị>hay <Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng> Hay hơn nữa là bài <Áo anh sứt chỉ đường tà> lời thơ của Hữu Loan một cách khác nói về chuyện hoa sim cực hay qua giọng ca của Trần Thái Hòa.Tôi đã thích các bài hát phổ thơ này lắm có lẽ đó là lý do đưa tôi đến việc thích viết thơ dù không biết luật vần gì cả.Cảm ơn Phạm Văn Chữ đã cho tôi thấy được cái hay toàn mỹ trong bài thơ cũng như câu hát tôi hay vu vơ ngân ngẫm

Các bài khác: