Chủ nhật, 22/12/2024,


Trăng lẻ bóng bên hồ tắm sương (06/11/2010) 

Đồng Mô chiều

 

Mênh mang gợn sóng mặt hồ

Lô nhô là đảo lô xô là rừng

Ráng chiều nhuộm đỏ lòng thung

Thuyền về đâu đó mông lung mái chèo

Ai về cho bạn về theo

Về trong câu hát trong chiều Đồng Mô

Đắng cay gửi trọn cuộc cờ

Chén say nhận đáy câu thơ cát lầm

Chẳng đàn cũng thấy tri âm

Vỗ thuyền khe khẽ hoà thầm lời ca

Nước bao la, trời bao la

Người ơi! Đâu cứ phải là duyên tơ!

Nửa đêm thức giấc sững sờ

Thấy trăng lẻ bóng bên hồ tắm sương...

 

Hồ Phong Tư

(Rút từ tập thơ “Vẹt mòn bậc đá” - NXB Hội Nhà văn 2010)

 

 

Chúng ta vừa được nghe một bài thơ hay và buồn của Hồ Phong Tư, sau phút nao lòng được chia sẻ với nhà thơ một buổi chiều đẹp đến thế trên hồ Đồng Mô!

 

Ráng chiều nhuộm đỏ lòng thung
Thuyền về đâu đó mông lung mái chèo...

 

Sau phút nhẹ buồn, tôi lại thấy vui. Có lẽ tôi vui vì các nhà thơ đã có quyền buồn trên những trang thơ in. Trước đổi mới, thơ buồn xin hãy cất vào ngăn kéo riêng, vào sổ tay riêng... Nay ta đã thấy cái buồn đôi lúc giúp ta nhận ra chân lý cuộc đời:

 

Đắng cay gửi trọn cuộc cờ

Chén say nhận đáy câu thơ cát lầm

 

Hai câu thơ này hé lộ chiều sâu tâm trạng của tác giả, nhưng câu thứ nhất chỉ là cái buồn nhẹ thoáng qua, bởi ta biết tác giả có nỗi đắng cay nhưng đã gửi trọn vào cuộc cờ đời, không còn lưu luyến gì, chỉ nhớ đến như là một trải nghiệm. 'Chén say nhận đáy câu thơ cát lầm'. Chén say trong tâm trạng buồn có khi còn giúp ta tỉnh táo cảm sâu câu thơ cần lao lam lũ của bạn, của mình. Cái khoảnh khắc buồn này của nhà thơ giúp Hồ Phong Tư sâu sắc hơn, không phải cái buồn chán đời, chán người. Bởi nhà thơ đã tìm ra tri âm của mình chính là thiên nhiên bao dung, buổi hoàng hôn buồn đến… lộng lẫy. Cái đẹp đã cứu chuộc thế giới, nâng đỡ tâm hồn nhà thơ để có giây phút buồn cao thượng:

 

'Nửa đêm thức giấc sững sờ

Thấy trăng lẻ bóng bên hồ tắm sương'

 

Trăng lẻ bóng thì từ khai thiên đã vậy, người bình thường ngắm trăng có gì mà phải sững sờ? (!) Chỉ có người đang cô đơn và phải là nhà thơ mới sững sờ nhận ra điều ấy: Thì ra trăng cũng cô đơn như mình! Nhà thơ đã tự bộc lộ mình một cách tinh tế, một lữ khách tột cùng cô đơn nhưng cũng thật hạnh phúc trong sự cô đơn ấy!

 

Nhà thơ Vân Long

 

***

 

Hồ Phong Tư ngay từ tập “Dã Hương”, tập thơ đầu tiên được tập hợp, lựa chọn đã có không ít câu thơ phát lộ từ con tim dễ run rảy, yêu say. Người đọc từng dừng lại cùng anh, cùng cảm với cái 'hồn', cái phút giây thần diệu nhập hòa ngỡ không còn gianh giới giữa 'Cái Tôi nghệ sĩ ' trước vũ trụ không cùng. Câu thơ như cuộc hôn phối giữa 'Người - Thơ ' trước bao la ngoại giới.

 

Nửa đêm thức giâc sững sờ

Thấy trăng lẻ bóng bên hồ tắm sương

 

Vâng, Người thơ là thế! Hồn thơ trong giây phút thăng hoa chứa chan, mơ hồ là thế.  Ai dám ngờ thơ cố ý viết ra?

Thơ ở đây tự nó đã hát lên!

 

Nhà thơ Kim Chuông

 

***

 

Bài thơ nhịp chẵn chảy nhẹ nhàng, không xao động những cảnh vật trong nó. Một buổi chiều ở địa danh của Xứ Đoài nổi tiếng. Khung cảnh đẹp buồn mà gợi, sau chén cuối của tuần tam bôi, tác giả bật thốt chén say nhận đáy câu thơ cát lầm. Đồng Mô chiều là không gian và thời gian để Hồ Phong Tư giãi cái riêng tư của mình trong những khoảnh khắc hiếm hoi nhàn hạ bỗng dưng có được trong cuộc sống thật bận rộn thường nhật.

 

“Đồng Mô chiều” là khúc tự sự. Bài thơ không nhắc tới nhân vật thứ hai nào, chỉ một mình nhà thơ với con thuyền. Xa là lô nhô đảo, lô xô rừng. Chiều buông chầm chậm. Ráng đỏ. Mái chiều nghiêng mông lung, mặt nước vẳng lại những âm thanh cô lẻ... tịnh không. Trong khung cảnh ấy, nhà thơ chợt như thấy tri âm đang ngồi đối tửu. Nhấp một chén với hư không, cái đắng cay gửi trọn cuộc cờ, dẫn cái cô đơn ở đâu xồng xộc ùa về. Trong tâm trạng ấy nhà thơ nghĩ về đời và thầm hát một mình, chợt nhiên âm thanh gió làm vỡ cái cô lẻ bằng nhịp vỗ mạn thuyền:

 

Chẳng đàn cũng thấy tri âm

Vỗ thuyền khe khẽ hòa thầm lời ca

 

Nhấp thêm chén say nhận đáy câu thơ cát lầm để tỉnh như cái sự tỉnh của người thơ cô đơn. Người xưa có câu nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm. Đó là cái bế tắc của thi nhân xưa chìm trong mộng mị. Làm bạn với rượu thì đời nào, thời nào cũng vậy. Chỉ có điều ở Đồng Mô chiều, không gian thơ chỉ ảo mờ thôi, người thơ không mộng mị. Người thơ cần đối thoại, cần giãi bày. Chọn ai?... Thật khó tìm trong khung cảnh này.

 

Lẽ thường thì thi nhân hay nghĩ đến giai nhân. Trong nước bao la, trời bao la, Hồ tiên sinh chắc cũng có nghĩ tới, nhưng dằn lòng xuống, cầm lòng vậy, tự nhủ: người ơi! Đâu cứ phải là duyên tơ. Hay tơ duyên non bấn mới đâm chồi chăng? Không. Đâu cứ phải như thế. Vậy thì vì gì. Nỗi đời. Có lẽ vậy. Nỗi đời giăng giăng choán hết cả không gian u tịch ảo mờ. Nỗi đời gập ghềnh có đủ vị ngọt bùi đắng cay.

 

Nhâm nhi với hoàng hôn, miên man trong một quãng ngắn mộng mị. Trời thương và ban cho người thơ cô đơn kia một khắc bàng hoàng:

 

Nửa đêm thức giấc sững sờ

Thấy trăng lẻ bóng bên hồ tắm sương...

 

Đây là câu thơ hội đủ ý-cảnh-thần! Tứ thơ vụt bay. Và trong không gian ảo mờ của Xứ Đoài mây trắng, người thơ vừa chợt tìm được nhân ảnh tri âm trong veo như thủy tinh vậy. Trăng lẻ bóng bên hồ tắm sương. Câu thơ đã gác bút những lời bình. Và ngón tay để nhẹ lên môi, mắt cũng chỉ dám nhướn lên khe khẽ, đánh rất khẽ về hướng người đọc tìm sự đồng cảm, sợ tri âm ảo mờ vụt mất.

 

Bài thơ “Đồng Mô chiều” của Hồ Phong Tư cho ta một ưu tư nhẹ và mảnh như tơ sương, lụa trăng. Một khoảnh khắc vi diệu hiếm hoi để cả người viết lẫn người đọc siêu thoát.

 

Cuối thu Canh Dần

 

Nhà thơ Vân Đình Hùng

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: