THU ĐI
Hắt thêm chút lạnh vào sương
Nhặt thêm chút nắng giữa đường mang đi
Đuôi khăn bay, tóc xòa mi
Heo may cũng đã lỡ thì như em
Qua đêm lá lại vàng thêm
Phong phanh một nỗi niềm riêng bên trời!
Sông xanh không tát mà vơi
Lặng ôm chiếc bóng thu soi hôm nào!
Nguyễn Bích Lan
Ai cũng biết khi thu về như dân gian từng nói “Tháng tám nắng rám cành bưởi”, nhưng trong cái nắng óng vàng đó đã có mầm mống của cái gió lạnh heo may khi thu tàn, như nhà thơ Xuân Diệu từng viết “xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua/ xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già.”. Vì thế mà Nguyễn Bích Lan, một dịch giả và cũng là tác giả của không ít bài thơ đã để lại ấn tượng sâu sắc với bạn đọc báo Tuổi Trẻ vài năm trở lại đây, đã có bài lục bát “Thu đi”.
Mùa thu dễ động đến tâm can con người có tâm sự, nhất là những người đã nếm trải nhiều nỗi niềm chênh chao của cõi nhân sinh. Nhưng khi thu tàn, ấy mới là lúc lòng người và lòng trời chạm đến đáy nỗi niềm của nhau.
Hắt thêm chút lạnh vào sương
Nhặt thêm chút nắng giữa đường mang đi
Không còn là gió thu man mác nữa, đã là “lạnh” rồi, mà “lạnh” lại đi với động từ “hắt”, mà lại hắt vào sương, quả thật tác giả đã dùng ba từ đắc địa trong một câu thơ, nên các từ đó được nhân lên về mặt ngữ nghĩa nhiều lần, cùng cộng hưởng làm nên một câu thơ ấn tượng. Và đến hai câu:
Đuôi khăn bay, tóc xòa mi
Heo may cũng đã lỡ thì như em
Thì thu ở đây không còn là mùa thu nữa. Nó là thân phận con người, có nhan sắc, có tuổi xuân, có hạnh phúc, có khổ đau. Vì có tuổi xuân nên có tuổi lỡ thì. Hai câu thơ hiển hiện lên hình ảnh một cô gái có nhan sắc một thời, có sự làm duyên với đời, nhưng mùa xuân rực rỡ đã qua, hạnh phúc đã không đến được mà thoắt một cái tuổi lỡ thì đã đến. Vì thế mà:
Qua đêm lá lại vàng thêm
Phong phanh một nỗi niềm riêng bên trời!
Như câu hát của dân ca quan họ “tâm sự này biết ngỏ cùng ai”, chỉ có đất trời là có thể sẻ chia cùng nỗi chênh chao của lòng mình một cách có văn hóa nhất, tức là đồng cảm và im lặng.
Nhưng ai mà không hoài vọng về cái đẹp đã từng có, tức sống không quá khứ? Cái đẹp cứ theo tuổi trẻ và thời gian mà tàn phai trong một kiếp người cũng như trong sự hữu hạn của muôn loài trong một khoảnh khắc thời gian nào đó. Vì thế ta phải lưu giữ nó lại trong ký ức để tâm hồn ta mãi có cái đẹp hiện diện. Đó chính là ý tứ hai câu kết của bài “Thu đi”:
Sông xanh không tát mà vơi
Lặng ôm chiếc bóng thu soi hôm nào!
Cả bài thơ, từng câu thơ hiện lên trong trẻo như trời đất tiết trọng thu, dù nhịp đi của bài thơ là nói về thu tàn. Cái tài hoa của người viết cũng là ở chỗ đó.
Hà Nội, tiết thu -2010
Nguyễn Thị Hồng
(Hội viên Hội nhà văn Việt Nam)
Email: bachichbong58@yahoo.com.vn
Vân Đình Hùng - vandinhhung@gmail.com - 0988000816 - 11/116/443 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
(Ngày 18/10/2010 12:31:10 PM)
Xin góp một nốt THU ở bài viết dưới đây:
Lá thu Thảo Phương Bây giờ đang thu Tháng Mười Chơm chớm… Tiếng chuông vàng nhạt Khẽ buông Nhẹ như chiếc lá mặt đường đậu êm Thôi…! Đừng nhặt lên Để yên chiếc lá với niềm ưu tư Tiếng chuông tan tự bao giờ Bàn tay níu giữ sững sờ Bàn tay… Ta quỳ bên chiếc lá này Nghe trong run rẩy những ngày xa xưa Một giọt mưa… một giọt mưa…! Mưa Thu chợt rắc xanh bờ Thời gian Giã từ - ơi chiếc lá vàng Giã từ - ơi chiếc chuông tan mơ hồ… Đã trông trong bụi mưa mờ Ngẩn ngơ sắc biếc chồi tơ nõn nà… Lời bình: Chiếc lá ưu tư Lá thu mở ra ngập ngừng, Thảo Phương sợ mùa thu bay mất, cứ ấp úng như lời thơ giãi bày ở khổ mở bài. Lá thu đậu nhẹ chờ một tiếng xào xạc gió gọi, lá cuốn đi cùng sự bay bổng của mùa thu. Mùa này ở phương Nam xa xôi đầy nắng, gió, làm gì có mùa thu nào mà vọng. Vẫn là cách gieo vần sáu tám, chỉ khác ở cái sự ngắt dòng. Các chữ đứng cô đơn đầu dòng mang thêm một gợi mở cho người đọc, không gian được mở rộng ra cả 4 chiều. Có ông luật sư nói rằng: Lục bát là nhịp tim của người đi bộ, gánh lúa khoẻ khoắn bình yên, nhưng giá trị thông tin gợi mở độ nén không có (Chữ của Luật sư Ngô Tiến Nhân-trang 684, Cà phê mưa - Dương Thụ) Tôi cho rằng không phải vậy trong Lá Thu của Thảo Phương. Thông tin gợi mở và độ nén của cảm xúc trong bài thơ này khá chặt, chỉ chờ sự đồng cảm của người đọc là những gì chất chứa ấy sẽ bật tung. Cái gì vậy? Có phải là những ký ức thu thật đẹp, thật buồn đem rắc xuống bờ thời gian xanh, nay đã sắc biếc chồi tơ nõn nà. Hay tiếng chuông vọng ai làm hồn thơ một thời hóa đá nay đang run rẩy tan ra trước sắc thu nao lòng? Ta quì bên chiếc lá này Nghe trong run rẩy những ngày xa xưa Đúng là những kỷ niệm cũ. Rõ hơn là những mùa yêu cũ được gói trong sắc vàng lá thu. Đậu nhẹ, đậu êm giữa trời thu khi cố nhân trở về chốn cũ. Kỷ niệm buồn bật dậy ngẩn ngơ như sắc biếc của chồi tơ nõn nà. Hóa ra những kỷ niệm ấy được sinh sôi ngay cả trong mùa trút lá. Thật kỳ diệu. Ban đầu chỉ là một tiếng chuông màu nắng nhạt vẳng nhẹ như tiếng thu rơi. Rồi những giọt mưa thu trong mùa ngâu Chức nữ buông xuống từ sông Ngân. Chỉ có thế, mùa yêu lại đâm chồi lại được bắt đầu trong giã từ. Có lẽ đây là lần hành hương cuối về nơi sinh của nữ sỹ - đất quê bưởi nổi tiếng: Đoan Hùng, Phú Thọ. Nay thì nữ sỹ đã về vĩnh hằng, ở trên cao xanh mà hồn vẫn vọng về hai nơi: quê mình và nơi sinh ra mình (Thảo Phương tên khai sinh là Nguyễn Mai Hương, sinh ngày 28-10-1949 tại Đoan Hùng, Phú Thọ, quê Gia Viễn, Ninh Bình, từng sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Mất năm 2008) để nghe những chiếc lá kỷ niệm cuốn tròn trong gió thu trôi theo tiếng chuông vàng nhạt. Lá thu trong bài thơ Thảo Phương là chiếc lá ưu tư, u ẩn níu kéo người thơ và bạn đọc. Thu về trong cô đơn. Thu về từ dĩ vãng. Người thơ đón nó trang trọng bởi đó là những ước mơ chưa thành, là mầm hạnh phúc nõn nà vươn trong sớm thu tinh khôi sau cơn mưa vừa chợt đến. Đã trông trong bụi mưa mờ Ngẩn ngơ sắc biếc chồi tơ nõn nà… Nếu tuần tự theo dòng chảy thời gian thì Lá thu ra trước, rồi đến Nỗi nhớ mùa đông. Cả hai bài thơ của nữ sỹ đều gây cho bạn đọc sự ngạc nhiên trong tu từ và ý thơ buồn đẹp. Nỗi khắc khoải của người đi xa trở về những kỷ niệm xưa đậm sâu trong ký ức. Bài thơ Lá thu này có một sắc riêng Thảo Phương không lẫn bay cùng những chiếc lá khác trong mùa xào xạc gió gọi. Mùa Ngâu Canh Dần – Vân Đình Hùng |