NGHÌN NĂM GƯƠNG HỒ
Hồ Gươm gió bấc chiều đông
Chuông chùa vọng giữa thinh không yên bình
Tháp Rùa soi bóng lung linh
Đâu là con sóng dấy binh thuở nào?
Kim Quy ẩn hiện nơi đâu
Kiếm thần xưa dưới hồ sâu có còn?
Thuyền rồng Lê Lợi khao quân
Mây xưa in bóng Long Vân mặt hồ
Gương hồ mộng, sắc hồ mơ
Trống rung mở trận bây giờ còn vang
Bao đời lịch sử sang trang
Bên hồ Lục Thủy vẫn hàng phượng xưa
Gió vờn liễu biếc đung đưa
Cây đa đền Ngọc, Tháp Rùa, Đài Nghiên
Trời xanh một cõi Thuận Thiên
Vẹn nguyên Tháp Bút uy nghiêm vươn trời…
Thăng trầm thời cuộc bao đời
Vẫn một Hoàn Kiếm rạng soi Hà thành
Nước hồ vẫn đậm sắc xanh
Gái trai sóng bước dạo quanh gương hồ
Một viên ngọc giữa Thủ đô
Kim Quy hỡi, có nhởn nhơ đáy hồ
Ánh vàng lưỡi kiếm năm xưa
Giữ cho Thê Húc, Tháp Rùa vẹn nguyên
Kiếm thần xưa có linh thiêng
Giúp cho bờ cõi bình yên nghìn đời.
Bùi Văn Bồng
Ai đã đến Hà Nội cũng ít nhất một lần thăm Hồ Gươm, vừa nằm ở trung tâm Thủ đô tráng lệ, vừa là nơi không gian thoáng đãng, hữu tình và cảnh sắc nổi tiếng thơ mộng của Hà Nội 36 phố phường. Nhiều hoạt động lễ hội lớn của Thủ đô Hà Nội cũng được tổ chức hoành tráng bên Hồ Gươm. Hồ Gươm - lá phổi xanh của Thủ đô; Hồ Gươm - nơi hộ tụ hồn thiêng đất nước; Hồ Gươm - “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm” (Nguyễn Đình Thi); và Hồ Gươm với xanh xanh liễu rủ, với Tháp Rùa uy nghiêm soi bóng nước, với cầu Thê Húc sơn son, Tháp Bút “viết thơ lên trời cao” (Trần Đăng Khoa), cùng Đài Nghiên trầm mặc, đền Ngọc Sơn cổ kính… đã ghi bao dấu ấn biến thiên thế sự, vật đổi sao dời của Thủ đô nghìn năm văn hiến: Thăng Long- Đông Đô- Hà Nội. Xưa, cảm tác trước cảnh đẹp của Hồ Gươm, Á Nam Trần Tuấn Khải đã viết:
Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ,
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn.
Đài nghiên, tháp bút chưa mòn,
Hỏi ai gây dựng nên non nước này?
Mãi mãi Hồ Gươm là niềm tự hào, kiêu hãnh của người Việt
Đã có biết bao bản nhạc, tranh ảnh, thơ văn ngợi ca vẻ đẹp của Hồ Gươm ở những khía cạnh, thời điểm lịch sử, tâm trạng khác nhau, nhưng vẫn không thể nào diễn tả hết tầm vóc, cốt cách, dáng vẻ văn hóa lâu đời của nó. Cũng như bao người con của đất Việt yêu quý, trong dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội không có điều kiện về với Thủ đô yêu quý, đại tá, nhà thơ Bùi Văn Bồng từ vùng đất phương Nam xa xôi gửi lòng mình về với Hồ Gươm qua bài thơ “Nghìn năm gương hồ”.
Xuyên suốt bài thơ là dòng hồi tưởng và hoài niệm về quá khứ xa xăm của Hồ Gươm với bao thăng trầm qua các triều đại. Không gian và thời gian nghệ thuật ở đây là một buổi chiều mùa đông có gió bấc bao phủ quanh hồ, có tiếng chuông chùa văng vẳng trong thinh không với tất cả những gì mà nhân vật trữ tình đã chiêm nghiệm.
Hồ Gươm gió bấc chiều đông
Chuông chùa vọng giữa thinh không yên bình
Tháp Rùa soi bóng lung linh
Đâu là con sóng dấy binh thuở nào?
Một câu hỏi tu từ đặt ra “Đâu là con sóng dấy binh thuở nào?”. Hỏi con sóng “dấy binh” cũng chính là hỏi về điểm mốc lịch sử của Hồ Gươm khoảng 600 năm trước, đổi tên hồ Lục Thủy, hồ Tả Vọng thành hồ Hoàn Kiếm, gắn liền với truyền thuyết trả gươm thần cho Rùa Vàng. Hồ Gươm ghi lại sự tích thắng lợi của cuộc chiến đấu 10 năm của quân dân Đại Việt chống lại quân Minh (1417-1427) dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi. Truyền thuyết kể rằng khi Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thanh Hóa) có mò được một lưỡi gươm, sau đó lại nhặt được một cái chuôi ở ruộng cày, ghép lại thành thanh gươm, đặt tên là Thuận Thiên. Gươm báu này đã theo Lê Lợi trong suốt 10 năm kháng chiến chống giặc Minh. Khi lên ngôi về đóng đô ở Thăng Long, trong một lần nhà vua đi chơi thuyền trên hồ Lục Thủy, bỗng một con rùa xuất hiện. Vua Lê Thái Tổ rút gươm khỏi vỏ, giơ gươm ra thì gươm bay về phía con rùa. Rùa ngậm gươm, lặn xuống đáy hồ, và từ đó hồ Lục Thủy có tên gọi mới là hồ Hoàn Kiếm (trả gươm) hay hồ Gươm.
Từ góc nhìn của cảm quan nghệ thuật đó, nhà thơ tái hiện một loạt hình ảnh đặc trưng nhất của Hồ Gươm: thần Kim Quy, kiếm Thần, thuyền Rồng, đền Ngọc, tháp Rùa, đài Nghiên, tháp Bút, Thuận Thiên, Long Vân… Ta như nghe đâu đây có tiếng “trống rung mở trận” vang rền sông núi, tiếng vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) sang sảng trong buổi khao quân mừng chiến thắng, và tiếng chuông chùa ngân nga báo hiệu cảnh đất nước thanh bình thịnh trị. Giai thoại về vua Lê Lợi trả lại kiếm cho thần Kim Quy đã đi vào lịch sử, đi vào lòng bao thế hệ với niềm biết ơn “uống nước nhớ nguồn”. Biết thế, nhưng nhà thơ vẫn hỏi như đó là một chứng nhân lịch sử:
Kim Quy ẩn hiện nơi đâu
Kiếm thần xưa dưới hồ sâu có còn?
Truyền thống là sức mạnh trường tồn, nhưng tác giả vẫn đặt câu hỏi: “Kiếm thần xưa dưới hồ sâu có còn?” Đây không phải là câu nghi vấn, mà là lời nhắc nhở ý thức cảnh giác cả khi đất nước đã thanh bình. Người đọc như bị cuốn theo dòng cảm hứng của tác giả từ cảnh thực hôm nay với hồi tưởng theo những cứ liệu lịch sử xa xưa, lúc ẩn lúc hiện, cảnh vật thiên nhiên chập chờn, lay động: “Gương hồ mộng, sắc hồ mơ” với “Gió vờn liễu biếc đung đưa” và “Nước hồ vẫn đậm sắc xanh”… Giữa hai bờ hư thực của quá khứ và hiện tại đan xen trong cảm xúc thơ, Hồ Gươm hiện lên lung linh, mờ ảo, uy nghi, mộng đó mà thực đó. Ở đây có bút pháp lạng mạn trữ tình đan xen hiện thực, có quá khứ xen lẫn hiện tại và tương lai. Và từ đó tác giả khẳng định với độc giả một điều: Hồ Gươm là vĩnh hằng, là mãi mãi trường tồn cùng dân tộc, và sự tích về Hồ Gươm cũng là niềm tự hào của dân tộc, của hồn thiêng sông núi:
Trời xanh một cõi Thuận Thiên
Vẹn nguyên Tháp Bút uy nghiêm vươn trời
Thăng trầm thời cuộc bao đời
Vẫn một Hoàn Kiếm rạng soi Hà thành.
Cũng là hoài niệm, hoài cổ nhưng Bùi Văn Bồng không buông lời nuối tiếc như bà Huyện Thanh Quan xưa, với “Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” hay “Cảnh đấy người đây luống đợi chờ”, mà nhà thơ đưa hơi thở cuộc sống đương đại phảng phất ở toàn bài:
Nước hồ vẫn đậm sắc xanh
Gái trai sóng bước dạo quanh gương hồ.
Quá khứ tôn vẻ đẹp của hiện tại và hiện tại luôn giữ gìn nâng niu quá khứ. Đó cũng là tiếng gọi của cha ông thuở trước hiện về nhắc nhở cháu con giữ lấy vẻ đẹp của Hồ Gươm, giữ lấy truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc:
Một viên ngọc giữa Thủ đô
Kim Quy hỡi, có nhởn nhơ đáy hồ
Ánh vàng lưỡi kiếm năm xưa
Giữ cho Thê Húc, Tháp Rùa vẹn nguyên.
Giành được Độc lập dân tộc đã khó, nhưng gìn giữ nền độc lập dân tộc vĩnh hằng còn khó hơn nhiều. Lịch sử đã cho chúng ta nhiều bài học để luôn luôn cảnh giác trước họa đất nước bị xâm lăng. Thật tự hào, muôn đời nay cháu con chúng ta luôn tôn thờ những gì là tốt đẹp, cao quý của quá khứ dân tộc mà cha ông đã gìn giữ suốt chiều dài lịch sử và chiều sâu trí tuệ. Vì thế, Hồ Gươm nói riêng và bao di tích văn hóa phi vật thể nói chung vẫn tươi xanh cùng năm tháng.
Kết thúc bài thơ là lời nguyện cầu của tác giả đã nói hộ tất cả chúng ta:
Kiếm thần xưa có linh thiêng
Giúp cho bờ cõi bình yên ngàn đời.
Mọi người dân yêu nước đều mong ước như vậy. Và Hồ Gươm bao giờ cũng là hình ảnh không thể nào quên được với những ai đã đến với Thủ đô. Nhìn cảnh sắc Hồ Gươm cho dù trên phim ảnh, trên tranh hoặc trong thơ ca, “dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội. Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu…”.
Lê Xuân
Địa chỉ: 55/5 - đường CMT8 - TP. Cần Thơ
ĐT: 0947615119 - Email: xuanbot@gmail.com