Lời ru đồng đội
Ngủ đi bạn, ngủ đi anh
cánh tay mình ngả ra thành gối êm
ngủ đi bạn, ngủ đi em
ngủ ngon giấc ngủ gối lên tay mình
Hiếm hoi cái giấc yên lành
hành quân xa lại tiếp hành quân xa
bao anh lính trẻ đã già
chưa sang hết suối chưa qua hết rừng
Ngủ hầm, ngủ võng, ngủ bưng
gối đầu tay ngủ cầm chừng mỗi đêm
có người ngủ thế thành quen
đã nghe sợi tóc bạc trên tay mình
Trong hầm biên giới Tây Ninh
lặng yên mình ngắm lính mình ngủ yên
bụi đường trắng tóc thanh niên
má này thì lại áp trên tay này
Trái tim đập ở cổ tay
tim ta ru giấc ngủ đầy cho ta
cánh tay cặp khẩu AK
ngày là bệ súng đêm là gối êm
Ngủ đi anh, ngủ đi em
ngủ ngon giấc ngủ gối lên tay mình.
(Mặt trận biên giới phía Nam, 1978)
Nguyễn Duy
Được viết sau ngày giải phóng, ở mặt trận biên giới phía
Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã cho chúng ta một khúc hát ru: “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” - một sáng tạo nghệ thuật hết sức độc đáo - Giờ Nguyễn Duy lại cho ta một lời ru: “Lời ru đồng đội”. Nếu khúc ru của Nguyễn Khoa Điềm là khúc tâm tình của người mẹ Tà Ôi đối với đứa con bé bỏng đang tròn giấc trên lưng mẹ, thì lời ru của Nguyễn Duy lại là những lời vỗ về, cảm thông chia sẻ của người lính đối với đồng đội của mình. Cũng là lời của “con tim đang hát” nhưng đối tượng được ru không là những bé con mà là những người con trai, những người con gái; là anh, là em, là bạn... là những người “ngủ ôm súng suốt một thời trai trẻ”.
Với năm khúc đoạn và lời kết, ”Lời ru đồng đội” dìu dặt ru những nhọc nhằn, vất vả ngủ yên; dỗ cho tròn giấc đồng đội trong cái khoảnh khắc “hiếm hoi” của cuộc chiến thế nhưng lời ru vẫn đầy nỗi niềm, vẫn gợi trong ta về hình ảnh người lính “ngủ ôm súng”.
Chuyện của người lính “ngủ hầm, ngủ võng, ngủ bưng” không phải là chuyện lạ. Chiến tranh mà! Làm gì có được cái hạnh phúc vùi mình trong chăn chiếu ấm để ngủ. Sau những trận đánh, những cuộc hành quân người lính “lại về với mái tăng - bầu trời vuông” hay về “ngủ với ánh trăng đầm đìa”. Hiểu và cảm thông trước những thiếu thốn của đồng đội, lời ru như vỗ về trong cái điệp khúc: “ngủ đi bạn, ngủ đi anh”, “ngủ đi anh, ngủ đi em/ ngủ ngon giấc ngủ gối lên tay mình”. Thật khó hình dung những người lính ấy đã trải qua bao đêm ngủ như thế, chỉ biết “có người ngủ thế thành quen/ đã nghe sợi tóc bạc trên tay mình”.
Đi qua chiến tranh, sự thật đã có người hy sinh cả một thời trai trẻ. Cuộc đời lính đã hơn một lần ý thức được bước đi của thời gian trên sợi tóc ngả màu. Câu thơ “gói” một sự thật, một xúc cảm mà lại “mở” được cánh cửa suy tưởng trong lòng người đọc. Cứ ngỡ hát ru đồng đội nào ngờ... con tim thức ấy còn hát ru mình:
Trái tim đập ở cổ tay
Tim ta ru giấc ngủ đầy cho ta.
Vẫn biết đây không là khúc ru cắt ruột, cắt gan như trong bài ”Lại về trong tiếng hát ru” của anh thế nhưng ”Lời ru đồng đội” là lời của con tim đôn hậu. Con tim ấy đã biết hát ru đồng đội, ru mình và biết đập một cách thiết tha theo vận mệnh của đất nước.
Chiến tranh đã đi qua, chúng ta có thể ngủ một giấc đầy trong chăn chiếu đẹp. Người lính của thời bình, có lẽ không phải “ngủ hầm, ngủ võng, ngủ bưng”, thôi gối đầu trên “cánh tay cặp khẩu A.K/ ngày là bệ súng đêm là gối êm”. Nhưng chúng ta chớ vội quên về một thời như thế.
Nguyễn Mậu Hùng Kiệt
Phòng GD&ĐT Quế Sơn - Quảng
ĐT: 0905078457 - Email: maukiet@gmail.com
Nguyễn Văn Thái - Nguyễn Văn Thái_THĐ@yahoo.com - 0904800649 - Phô bến - Mỹ tân - Nam định
(Ngày 28/10/2010 08:22:20 AM)
Thật cảm động khi dọc bài thơ"Lời ru đồng đội" của anh Nguyễn Duy. Lời thơ giản dị gần gũi mà đằm thắm quá chừng. Nước mắt tôi rưng rưng khoé mắt khi đọc những lời:"bao anh lính trẻ đã già/chưa sang hết suối chưa qua hết rừng" rồi đọng thành giọt rơi khi đọc tới:"Trong hầm biên giới Tây Ninh/lặng yên mình ngắm lính mình ngủ yên/bụi đường trắng tóc thanh niên/má này thì lại áp trên tay này". Ôi những tuổi hồn nhiên ấy cái còn cái mất!
RƯNG RƯNG Mở ra nghe tiếng lòng anh Rưng rưng khoé mắt rồi thành giọt rơi. Tôi về với tuổi đôi mươi Thương cho đồng đội, thương tôi một thời... Hồn nhiên sống giữa núi đồi Tuổi thơ đã cháy...rạng ngời nước non. Giờ nghe lại tiếng ru anh Rưng rưng.... Lâu lắm đã ngừng rưng rưng... Tôi xin trân trọng cám ơn nhà thơ Nguyễn Duy! |