Thứ bảy, 21/12/2024,


“Tiếng rao đêm” - Một nỗi lòng khắc khoải! (30/09/2010) 

Thơ cảm thương trong văn học xưa, nay luôn ám ảnh người đọc. 'Tỳ bà hành' của Bạch Cư Dị, 'Long thành cầm giả ca', “Thái Bình mại ca giả”, của Nguyễn Du, “Chạy giặc” của Nguyễn Đình Chiểu... mỗi lần đọc đều đọng lại nhiều cảm xúc. Trước những biến động xã hội, thế thời, cuộc mưu sinh, đắp đổi miếng cơm manh áo với những người lao động nghèo khổ là không hề đơn giản. 'Tiếng rao đêm' của Đậu Phi Hùng đã chạm đến cội rễ sâu kín trong lòng người đọc nỗi thương cảm sâu sắc.

 

TIẾNG RAO ĐÊM

 

Ngoài kia vọng tiếng rao đêm
Chao ôi! réo rắt những phiền những đau
Tiếng rao vọng buốt canh thâu
Đường xa não nuột nát nhàu mưa rây

 

Vạc kêu đêm mỏi cánh bay
Trần ai bao kẻ ăn mày thế gian?
Hình như chim lạc gọi đàn
Giữa chừng đêm ánh sao tàn tạ rơi

 

Rao chi thê thiết hỡi người
Ruổi rong hết cả cuộc đời vẫn rao?
Vào đây trò chuyện đã nào
Áo cơm nặng gánh cứ rao một đời?

 

Ước mong héo hắt nụ cười
Đắng cay cũng một kiếp người lao đao
Vào đây bán nỗi khát khao
Ta xin mua hết gửi vào giời xanh.

 

Đậu Phi Hùng

 

 

Tiếng rao? Khắp thành thị, nông thôn Việt Nam nơi nào chẳng có. Hầu hết những người buôn thúng, bán mẹt, lần hồi kiếm miếng cơm hàng ngày vẫn khao giọng gọi mời người mua. Rao ngày, rao đêm, từ mờ sáng cho đến tận canh khuya, trong đêm đông lạnh lẽo mòn mỏi một kiếp người. Tất cả niềm hy vọng, mong chờ đều gửi vào cái âm thanh quen thuộc đó một nỗi niềm đau đáu.

“Ngoài kia vọng tiếng rao đêm
Chao ôi, réo rắt những phiền những đau
Tiếng rao vọng buốt canh thâu
Đường xa não nuột nát nhàu mưa rây”

Sau một ngày lao động mệt nhọc được trở về sum họp cùng gia đình bên mâm cơm ấm áp thật hạnh phúc biết bao. Khoảnh khắc bình yên ấy mang lại cho ta sự thanh thản nhẹ nhõm, quên đi bao mệt nhọc đời thường. Bất chợt trong phút giây kỳ diệu ta đang có ấy, một ngày đông buốt giá, nhằm tiết mưa phùn từ sâu thẳm lòng ta chợt nghe tiếng rao khắc khoải vọng vào đêm vắng, tiếng gọi thiết tha của người bán rong trên phố. Tiếng rao lúc xa, lúc gần nghe như tiếng kêu của loài chim ăn đêm mò mẫm tội nghiệp.

“Vạc kêu đêm mỏi cánh bay
Trần ai bao kẻ ăn mày thế gian?
Hình như chim lạc gọi đàn
Giữa chừng đêm ánh sao tàn tạ rơi”

 

Tiếng rao kia, dường như găm vào lòng anh- người thơ Đậu Phi Hùng một nhát dao ngọt xớt. Tín hiệu ấy đánh thức nỗi lòng thương cảm trong anh. Phiền đau ư? Vì lẽ gì? Vì người hay vì nhân thế, vì mình? Có lẽ là tất cả! Tiếng “Vạc kêu đêm” hay tiếng “chim lạc gọi đàn” câu hỏi ấy như xoáy sâu vào tâm tưởng, vào lương tri tiếng kêu thương của đồng loại, trào dâng những xung động tình cảm vừa xót xa, vừa cay đắng.

Rao chi thê thiết hỡi người
Ruổi rong hết cả cuộc đời vẫn rao?

Không cần hoa mỹ về ngôn từ, hàng loạt câu hỏi cứ dồn dập, cắt cứa lòng người: “Trần ai bao kẻ ăn mày thế gian?”, “Hình như chim lạc gọi đàn?”, “Rao chi thê thiết hỡi người, Ruổi rong hết cả cuộc đời vẫn rao?”, “Áo cơm nặng gánh cứ rao một đời?”… Thật khó trả lời! Người trong cuộc không thể trả lời; biết khi nào lạc ra khỏi chốn mê khổ hệ luỵ của kiếp người mình đang nếm trải? Người ngoài cuộc dẫu có thương cảm cũng không đủ sức cứu vớt cái nổi nênh, trớ trêu của hoàn cảnh. Vẫn biết từ sâu thẳm tiếng rao ấy là cả sự chát chua chờ mong đến héo mòn gan ruột:

“Ước mong héo hắt nụ cười
Đắng cay cũng một kiếp người lao đao”

Cái cười dưới cõi trần ai này thật muôn hình muôn vẻ, lẽ thường cái cười mang lại cho con người niềm vui, niềm hạnh phúc, niềm hi vọng về một tương lai tốt đẹp, có những cái cười mãn nguyện, có cái cười đểu cáng, lại có cái cười mỉa mai cay đắng… Phải chăng trong chuỗi lời rao thê thiết ấy còn phảng phất cái cười “héo hắt” mỉa mai, của nỗi chờ mong khắc khoải rơi vào câm lặng và vô vọng? Rốt cuộc chỉ màn đêm và những hạt mưa đêm “lạnh cóng” là chứng nhân của nỗi “phiền” “đau” “réo rắt” với những “kiếp người lao đao” khốn khổ ấy?!

Từ tâm can, cảm thương và thấu hiểu cảnh ngộ, tác giả như bừng tỉnh -“giác ngộ” phút lương tri vụt sáng:

“Vào đây bán nỗi khát khao
Ta xin mua hết gửi vào giời xanh.”

“Gửi vào giời xanh” đã biết là bế tắc, không mảy may hy vọng phỏng có ích gì? Ít ra cũng phần nào xoa dịu nỗi lòng anh đang cuộn sóng. Bài thơ tưởng chừng kết thúc, nhưng lại mở ra nỗi day dứt khôn nguôi.

 

 

Song Nguyên

ĐT: 0983056799

Email: nckieu.su.c3thdao@gmail.com

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: