VỀ BẾN XƯA
Đôi khi tìm nắng trong mưa
Tìm dịu ngọt giữa cay chua giận hờn
Biển khơi sao cạn nỗi buồn
Nghìn trùng dáng núi mỏi mòn nỗi đau.
Lơ ngơ râu tóc ngã màu
Đã “tri thiên mệnh” còn câu mây trời
Vụng về đành vậy em ơi
Dẫu vô tích sự vẫn người yêu thương.
Tìm trong nắng gió tha hương
Một chiều bình lặng mảnh vườn chân quê
Cánh cò khẽ chạm bờ tre
Em ơi nỗi nhớ anh về bến xưa.
Phạm Ánh
Ở cái đoạn đời “Tri thiên mệnh”, tận nơi tha hương đất khách, từng trải biết bao “nắng gió” thăng trầm, thi nhân vẫn có những giây phút lắng lòng trở lại “Bến xưa”… mới thấy Tình Yêu khó phai và trường tồn trong cõi nhớ thẳm sâu của mỗi con người. Phạm Ánh đã thể hiện tâm trạng sâu kín đó giúp bao độc giả qua bài thơ lục bát của anh.
Từ cõi lặng của riêng mình tác giả lặn vào ý nghĩ, chiêm nghiệm, gắng tìm ra chút ít ấm áp, dịu ngọt - dư vị đã bị mất mát xưa. Nhưng quả là quá hiếm hoi:
“Đôi khi tìm nắng trong mưa.
Tìm dịu ngọt giữa cay chua giận hờn”
Điều không muốn đã lấn át điều mong mỏi: mưa làm phai nắng và cay chua át hẳn vị ngọt ngào! Sự không thành, giờ được người trong cuộc nhìn nhận bằng đôi mắt bình tĩnh khách quan hơn. Đứng xa nhìn về; đứng ngoài nhìn vào và anh đã tìm ra căn nguyên của nó từ một sự “giận hờn” như mưa bóng mây trôi của tuổi trẻ. Có khi chỉ vì một câu nói không vừa lòng, một sự hiểu lầm nho nhỏ nào đó… với một người có lòng tự trọng cao, không nhẫn nhịn… đã để cuộc đời thiệt thòi vĩnh viễn, không trọn vẹn có nhau. Đến giờ nỗi buồn đau ấy với cái giá phải trả tương quan với sự ví von:
“Biển khơi sao cạn nỗi buồn
Nghìn trùng dáng núi mỏi mòn nỗi đau”
Câu thơ không cầu kỳ, mà sao thấm thía. Nỗi buồn bao giờ cạn? Nỗi đau lớn đâu chỉ như dáng núi mà nhân lên tới nghìn lần… Chỉ mới một khổ thơ đầu tiên đã tải nặng tâm trạng như thế. Nếu đọc lướt hẳn khó thấu nỗi niềm!
Hoài niệm của thời trẻ trung được thể hiện bằng khúc thơ tình của một cõi lòng giầu cảm xúc, nhưng ở thời điểm hiện tại này liệu ai đọc có thể cảm thông? Tác giả tự thanh mình cho mình “Đã Tri thiên mệnh còn câu mây trời ”? Song biết nói thế nào, cho dễ lọt tai, dễ thấm vào lòng người xưa… mà từ lâu người ấy đã lệch theo lối khác… nên đành bám víu vào câu lục bát gần gũi xưa nay, may ra có thể trang trải được phần nào? Và anh đã dịu dàng tìm ra một cách khiêm tốn tự chê mình “Lơ ngơ ”, tiếp theo phải vịn vào “cây cọc” thơ sẵn có:
“Vụng về đành vậy em ơi
Dẫu vô tích sự vẫn ngời yêu thương”
Đọc đến đây nghĩ mà tiếc thay cho tác giả. Nếu cái thuở xa “giận hờn” ấy mà người thơ giải quyết chững chạc được thế này thì làm gì đến nỗi? Song, khôn thì đã “Tri thiên mệnh” rồi. Và nếu “đạt tình” thì hẳn đâu đã có bài thơ “thất tình” hay để ta tâm đắc, cảm nhận hôm nay.
Chân dung tác giả lục bát Vũ Thiên Kiều (ảnh chỉ mang tính minh họa).
Chú ý thấy khổ thơ đầu tác giả đi tìm cái rất riêng của tình yêu tuổi trẻ, thì ở khổ cuối được quan tâm nới rộng ra. Đó là sự khao khát của một người từng trải, dầu dãi ở nơi xa xứ thèm không khí yên bình nơi quê hương bản quán:
“Tìm trong nắng gió tha phương
Một chiều bình lặng mảnh vườn chân quê”
Chắc chắn ai đã một lần tha phương thôi cũng luôn trùng với ý nghĩ nghĩa tình của tác giả, đó là hướng về gốc gác cội nguồn - Điểm khởi đầu mà ta sinh ra, lớn lên rồi xuất phát.
Tác giả đã kích thích trực giác của ta bằng chấm sáng trắng của cánh cò chạm vào bờ tre xanh rất sinh động, gợi lắm cho muôn nỗi nhớ:
“Cánh cò khẽ chạm bờ tre
Em ơi nỗi nhớ anh về bến xưa”
Hình ảnh trên cất tiếng gọi mọi người hãy hướng về quê hương. Thiêng liêng biết chừng nào khi nơi chôn rau chất chứa biết bao kỷ niệm cuộc đời. Nơi đó có những người thân thương, đặc biệt có tình yêu đôi lứa một thời dễ mấy ai quên. Nói sao hết trong thơ, nhưng người đọc cũng thầm hiểu chính tình cảm nhớ nhung, luyến tiếc sâu sắc ấy người xa quê sẽ tự xác định trách nhiệm lớn lao của bản thân mình với làng xóm quê hương.
“Về bến xưa” không dài, nhưng nhuần nhuyễn, đằm sâu, thuần chất lục bát truyền thống. Bài thơ trữ tình, thoáng buồn mênh mang, ấn tượng với những ai đang nằm trong nỗi niềm tương tự… cùng hướng về với bến xưa… dù chỉ trong ý nghĩ…
Nguyễn Thanh Tuyên
(Hội viên Hội nhà văn Hải Phòng)
Điện thoại: 0989094933
Email: bsnguyenthanhtuyen@gmail.com