HỒN NHIÊN GỬI LẠI QUÊ NHÀ
Hồn nhiên gửi lại quê nhà
Em lên phố, áo xẻ tà rõ sâu
Bóc đi cái vỏ áo nâu
Nõn nà em mắc lưỡi câu làm mồi
Nghìn vàng - cụ Nguyễn Du ơi!
Đấu nào đong hết đầy vơi nỗi niềm
Mỏng tang hai mặt đồng tiền
Làm em sấp ngửa, đảo điên tháng ngày
Vui vờ, khóc thật ai hay
Cánh diều quê đã đứt dây mất rồi
Em như bùn nát chân đồi
Chỉ còn lại một nụ cười búp-bê
Phút nông nổi, gái chân quê
Áo hai dây buộc bốn bề bão giông
Sa chân vào kiếp long đong
Sao còn toan tính uốn cong phố chiều?
Đặng Khánh Cường
Cô gái quê trong trắng bỏ lại cái hồn nhiên thơ mộng vô tư để ra phố kiếm tiền. Cô ăn vận theo “mốt”, hợp thời cốt cho bắt mắt, cho vừa lòng khách. Áo xẻ tà mà xẻ “rõ sâu”- rõ sâu nhưng không thiếu vải. Ngày trước tích chèo Thị Màu lên chùa lả lơi mớ bảy mớ ba múa quạt dang rộng tay không khép nách đã là quá đáng.
“Hồn nhiên gửi lại quê nhà
Em ra phố áo xẻ tà rõ sâu”
Bây giờ múa hát, hội thảo, thậm chí đi lễ chùa đầy rẫy cảnh hở hang “thiếu vải”! Cái xót xa đau lòng ở chỗ là phải “bóc” đi (bóc vỏ cây tất chảy nhựa, bóc da bóc thịt chắc chảy máu) cái giá trị thật của mình, cái nâu sồng chân chất chân quê để khoác lên, trang điểm vào cho được vẻ nõn nà để làm mồi câu khách!
“Bóc đi cái vỏ áo nâu
Nõn là em mắc lưỡi câu làm mồi”
Chao đảo vì đồng tiền, đồng tiền lật em “sấp ngửa”, phải nhắm mắt để đánh mất cái quý giá của chính mình. Tôi đã có dịp chuyện trò với tác giả (ĐKC), nghe anh đọc thơ và tâm sự: Một lần qua phố, trước nhà hàng đèn mầu xanh đỏ, một cô gái trang phục gái ba chăm chú nhìn anh rồi hỏi: chú C… Chú có nhớ ra cháu không? Anh ngơ ngác chưa kịp trả lời thì cô gái đã: Cháu là N. con mẹ K. xóm Chùa… quê ta. Chú không nhận ra cháu ư?... Mẹ chết, cháu ở với bà ngoại, bà cũng mất rồi, cháu còn phải nuôi em gái đang học…
“Nghìn vàng - cụ Nguyễn Du ơi
Đấu nào đong hết đầy vơi nỗi niềm”
Tác giả thốt lên tiếng kêu hay chính là tiếng kêu than thân trách phận của cô gái? Nỗi niềm cay đắng ấy lấy đấu nào đong được! “Sầu đong càng lắc càng đầy“ – Kiều…
Suy cho cùng thì thân phận cô gái cũng chỉ là một trong muôn ngàn nạn nhân xã hội trong cơn sóng thị trường. Không phải em không đau khổ, không hối tiếc, vui gượng, khóc thầm – (vui là vui gượng kẻo là - Kiều):
“Vui vờ khóc thật ai hay
cánh diều quê đã đứt dây mất rồi”
Tác giả thương cảm chia sẻ tâm trạng cùng cô gái: Cánh diều quê vi vút trong chiều bay bổng giờ đã đứt dây rồi “một liều ba bảy cũng liều/ cầm bằng con trẻ chơi diều đứt dây” (ca dao). Cánh diều đứt dây mặc cho gió thổi trôi dạt biết về nơi nao.
“Em như bùn nát chân đồi
Chỉ còn lại một nụ cười búp bê”
Ai đã làm cho em thành “bùn nát chân đồi”? Chân đồi nát thành bùn họa chỉ có voi giẫm hổ quần! Đau đớn biến em thành người vô cảm “chỉ còn lại một nụ cười búp bê”. Búp bê - một thứ đồ chơi với nụ cười của cái xác không hồn! Tác giả than phiền:
“Phút nông nổi, gái chân quê
Áo hai dây buộc bốn bề bão giông”
Áo hai dây, áo hai dây mỏng manh như cánh chuồn làm sao chống được bốn bề (những bốn bề) bão giông. Bão giông này chắc không phải ai khác là các đại gia nhiều tiền lắm của rửng mỡ chơi trò trống bỏi.
Mong cho mỗi gia đình là một tổ ấm trong xã hội. Với bài thơ “Hồn nhiên gửi lại quê nhà” ngọt ngào mà chua xót, tác giả đã gieo vào lòng người đọc nỗi ưu tư trăn trở, cảm thông, cảnh tỉnh, để xã hội lành mạnh vui tươi, công bằng, bác ái… Mọi người sống bằng trí tuệ, sức lực và lương tâm của chính mình.
Trần Quang Liên
Đan Phượng - Hà Nội
ĐT: 0976 752 601
Email: quanglien8119304@.vnn.vn
Đinh Xuân VInh - xuanvinh1601@gmail.com - 0944590078 - TT Ngô Đồng, Giao Thuỷ, Nam Định
(Ngày 22/09/2010 08:39:38 PM)
mấy lời cùng tg, kinh tế thị trường nên con gái " Hồn nhiên gửi lại quê nhà Em lên phố, áo xẻ tà rõ sâu" cũng là đương nhiên " Mỏng tang hai mặt đồng tiền . Làm em sấp ngửa, đảo điên tháng ngày nên có cô bạn gần nhà tôi đến thanh minh rằng Gái quê tjhời nay ra tỉnh làm kinh tế |