Bùi Giáng (1926-1998) là một nhà thơ có kiến thức uyên bác đã cho xuất bản trên 60 cuốn sách (14 tập thơ, 19 dịch phẩm, 6 sách giáo khoa và nhiều tập biên khảo triết học và thơ) và hiện còn 10 tập thơ và nhiều bản dịch chưa được công bố. Ông nổi tiếng trên văn đàn với lối thơ “xiêu đình đổ quán” mà ông có thể “nhẩm bút” cả chục bài liền trong quán rượu hay quán cà phê. Tên ông đã trở thành một huyền thoại văn chương; để hiểu thêm về ông, chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết (bằng miệng, có người chép lại) đầy cảm hứng riêng của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Trước mắt tôi là chân dung của một người đứng tuổi, tóc và râu cằm lưa thưa, gương mặt hốc hác, có một mắt mang kính đen khiến tôi nghĩ đến một câu nhạc của Trịnh Công Sơn “còn hai con mắt khóc người một con…”. Đó là chân dung Bùi Giáng do bé Ký vẽ để lại cho tôi trước khi xuất ngoại. Còn lại là, đầy ắp trong tôi, những điều tôi nghĩ về Bùi Giáng và đã kết luận từ lâu.
Điều tôi kết luận, thứ nhất, rằng tên tuổi Bùi Giáng thuộc lớp thi sĩ hàng đầu của hậu bán thế kỷ XX, có trước cả những tác giả của những câu thơ sang trọng kiểu này:
“Thướt tha hồn của bông hường,
nghe trong hơi gió còn vương máu hồng”.
Vậy cứ một nửa thế kỷ còn lại một người. Tôi nói như thế chắc sẽ làm nhiều người bực mình, và tôi cũng e rằng miền Bắc ít có người biết đến Bùi Giáng thuở ông nổi tiếng. Chế Lan Viên đã khẳng định trên báo TS như thế về Hàn Mạc Tử và thơ VN tiền bán thế kỷ XX.
Bùi Giáng có công rất lớn với thi ca VN, trước hết là về phương diện từ ngữ, chữ của Bùi Giáng là chữ bụi bặm thường ngày; hình như người ta vứt đi, và ông nhặt lên, phủi phủi, hà hơi vào, để tất cả hóa thành thơ. Trong thơ Bùi Giáng có cả “cánh chuồn chuồn và cánh bướm”. Đó chính là tập thơ Mưa nguồn mà gần đây NXB Văn học mới in lại của Bùi Giáng. Bên cạnh thơ siêu thực, thơ tự do của thời thượng bấy giờ, giọng thơ dân gian của Bùi Giáng đã khiến ông trở thành một hiện tượng không thể phủ nhận, cũng giống như Nguyễn Bính thời tiền chiến. Ví dụ, ai đã đọc những câu sau:
Làm con bé chạy đồi sim
Vấp chân hốc đá tiếng kèn nghiệt ma
Ngày mai bưng mặt khóc òa
Trời trên đất dưới hóa ra chung tình.
thì ắt không thể nghi ngờ về công của Bùi Giáng đối với thơ VN.
Thứ hai, nói đến thơ VN, là chắc chắn ta nghĩ đến thơ lục bát. Không hẳn vì chỉ có VN mới có thể thơ này (Chiêm Thành cũng có) mà bởi vì đó là thể thơ của nhịp hai, là nhịp của cái gàu tát nước, là tiếng đưa võng, là nhịp của tao nôi, và là nhịp của trái tim đập trong lồng ngực.
Thí dụ thứ nhất thuộc về Nguyễn Du:
Trăm năm/trong cõi/người ta
Chữ tài/chữ mệnh/khéo là/ghét nhau
Bùi Giáng cũng đi nhịp hai như vậy. Hồi chúng tôi còn trẻ (cuối thập niên 50), tôi thường lui tới một căn nhà trọ thuộc hẻm Lê Văn Duyệt (nay là đường CMTT), và đi ngang qua nhà của Bùi Giáng. Đó là một căn nhà hầu như trống trải, nghe nói do một người bà con giàu có là bác sĩ Tín mua cho và gửi trước cả tiền cơm tháng dù ông Bùi Giáng có về ăn hay không. Tôi nhìn vào thấy lũ trẻ trong xóm đang ngồi đầy căn phòng, miệng hò la:
- Ông Bùi Giáng! ồng:
đờn (đàn) đi!
Bùi Giáng làm bộ cầm một cây đàn violon và kéo, vừa “hát” thơ của ông theo điệu bài chòi
Đem tôi đến giữa màu đêm
Giết tôi chết giữa người quên mặt người
Lũ trẻ vỗ tay ran ran. Chúng tiếp tục hò reo:
- Ông bùi Giáng đờn hay quá! Đờn nữa đi!
Bùi Giáng tiếp tục:
Hãy đem tôi tới ngoài xa
Giết tôi chết giữa màu hoa trên ngàn
Ông lại cười ha hả, vừa đàn với cây vĩ cầm ảo tưởng, vừa hát theo ý lũ trẻ: “Ông hát đi, ông hát nữa đi”
Hãy đem tôi tới ngoài xa
Giết tôi chết giữa dâu Tần cỏ Yên…
Ông Bùi Giáng giống như người Nghệ, ít thay đổi giọng nói. Giọng Quảng của ông phổ vào điệu bài chòi nghe gan ruột lạ lùng. Có người thấy việc kể lại rằng: Một ngày nọ, ông Bùi Giáng ra hóng mát đầu hẻm, thấy một người đàn ông từ lục tỉnh lên, vừa đi vừa dòm những số nhà. Bùi Giáng giữ ông già lại, mới biết ông đang di tìm thuê một căn nhà. Bùi Giáng đon đả:
- Mời ông vô ở với tui, khỏi phải thuê nhà, tui cho ông ở không lấy tiền.
Ông già lắc đầu:
- Cảm ơn thầy, nhưng tôi còn ở chung với cả gia đình.
Bùi Giáng ngập ngừng một lát , rồi gật đầu:
- Gia đình cũng được. Tui ở một mình buồn quá!
“Gia đình” của ông già gồm có vợ, hai cô gái mà ông gọi là “con Hai, con Ba”, và người chồng của cô Ba là một trung sĩ (chế độ cũ). Một hôm ông trung sĩ đi chiến trường Tây Nguyên về, gặp ông Bùi Giáng đang đưa cô Ba đi chơi công viên. Ông Bùi Giáng lịch sự xin phép ông trung sĩ đi chơi với cô Ba một quãng, tới cái máy nước gần đó rồi đi vào trở lại, “trả vợ” cho ông trung sĩ. Ông trung sĩ cười vui vẻ:
- Thầy cứ tự nhiên, có sao đâu!
Và Bùi giáng lam theo lời hứa.
Một hôm cả nhà làm một bữa cơm thịnh sọan đãi ông Bùi Giáng. Nửa chừng, ông già ngỏ ý gả cô Hai cho ông Bùi Giáng, “vì con Ba đã có chồng rồi”. Ông Bùi Giáng nói tỉnh bơ:
- Tui biết rồi. Hiềm vì cô Hai xấu quá, không hạp nhãn tui.
Sau này người ta biết rằng ông Bùi Giáng yêu cô Ba mê mệt. Thỉnh thoảng người ta đọc thấy một dòng chữ viết phấn trên cái bảng đen vẽ giữa nhà: “Vì BG làm cô Ba giận nên không dám về. BG xin phép cô Ba vắng mặt…ngày…”.
Hồi đó, tôi dạy Việt văn ở trường Tư thục Văn Lang còn Bùi giáng dạy lớp luyện thi ở gần đó. Tôi thấy Bùi Giáng ra đề: “Nếu cho anh chọn giữa Thúy Kiều và Thúy Vân làm vợ, thì anh sẽ chọn ai”. Tôi cười thầm trong bụng, vì tôi cũng dạy Kiều ở lớp đệ nhị. Lớp đông học trò, nên dạy nửa chừng, áo ông Bùi Giáng ướt dầm dề. Ông cứ tự nhiên đứng giữa lớp cởi áo ra, nhét vào túi quần và lôi từ túi quần kia một cái áo nhàu nhò và mặc thay vào cũng giữa lớp. Cách dạy đó, từ lối ra đề đến lối mặc áo đều bộc lộ tính tự do tuyệt đối của Bùi Giáng.
Ở Huế, có một người in thiệp, dòng trên tên mình thì dòng dưới ghi cả chức vụ của cha, ông nội và cố, toàn là quyền cao chức trọng. Bùi Giáng chẳng xem những điều đó quan trọng gì, dù ông thuộc về gia đình của Hoàng Diệu. Nhân một cuộc cãi vã, ông đứng trước nhà thờ họ Hoàng, kêu Hoàng Diệu bằng thằng, chửi vã một hồi rồi bỏ đi thẳng đến mấy chục năm.
Rồi chiến tranh làm chúng tôi xa nhau.
Sau giải phóng, tôi tìm thấy một tấm thiệp mốc meo ở trong sách nhà Đinh Cường, tấm thiệp chỉ ghi:
Hỏi tên, rằng: “Biển – Dâu- Ngàn”
Hỏi quê, rằng : “Xứ mơ màng”, đã quên
Quả nhiên đó là thiệp của Bùi Giáng. Ông chỉ nhớ như vậy và đã quên cả tên của mình. Tôi nhớ Đặng Quân “ở bên Pháp” có lần nói: Quê hương nhà thơ thuộc “bông lông xã, Ba la huyện”. Hỏi quê, rằng xứ mơ màng đã quên”.
****
Tôi có thói quen khi đi đường rừng một mình thường ngâm thơ, hoặc hát vang, để nghe giọng người trong hoang vắng cũng đỡ cô độc. Lần ấy, tôi đi lấy lá nón về lợp nhà, ngâm to bài thơ sau đây:
Người trở về trên năm ngón chân
Tôi buồn, người bảo có tay nâng
Bàn tay người có đầy năm ngón
Người đứng xa tôi tiến lại gần
Tôi gặp người mừng rỡ biết bao
Trời xanh như lá ở trên cao
Con chim nó nhảy trên cành lá
Người nắm tay tôi nhẹ dẫn vào
Ngôi nhà người dựng giữa trời xanh
Cửa ghép bằng cây với nhành cành
Để khép sơ sơ và cũng để
Mở mời anh chị bước vào nhanh
Hôm xưa đi đốn củi trong rừng
Lạc mất đường về chợt bỗng dưng
Sực nhớ nơi đây rừng núi thẳm
Là quê, thân thiết biết bao chừng
Vừa đọc đến đoạn cuối tôi chợt nghe một giọng sang sảng vang lên sau lưng:
- Chà, anh T đọc thơ hay quá . Thơ ai đó?
Nghe giọng nói tôi đoán là anh Th, đang đứng bên lề con đường mòn dẫn vào cơ quan tỉnh ủy, tôi lẹ miệng:
- Dạ, thơ Xuân Diệu
- Ông Xuân Diệu làm thơ hay quá nhỉ? Vậy mà hồi đi học tôi không biết.
- Ai mà đọc cho hết thơ của Xuân Diệu. Ông Xuân Diệu làm thơ nhiều lắm.
Tôi quay nhìn lại, thấy anh Th vội vã đi trên đường mòn. Thật ra đấy là một bài thơ của Bùi Giáng, không biết bao giờ đã lọt vào trí óc tôi. Tôi nhận thức đây là một bài tóm gọn hiện tượng luận của Heidegger trong quyển “Những con đường rừng”: Khách thể (ở đây là chân lý) có đặc điểm cởi mở (sẵn sàng để được nhận thức) và chủ thể thì hiểu bằng sự thông cảm. Hình như Bùi Giáng thích hiện tượng luận của Heidegger hơn thuyết hiện sinh của Jean P. Sartre. Chả thế mà trong một quyển sách viết về Heidegger, Bùi Giáng đòi dùng roi quất Jean P.Sartre, “để cho nó biết thế nào là triết học” và khi có người chê quyển sách ấy thì Bùi Giáng đến xóm gõ cửa đòi đánh nhau (lúc ấy Bùi Giáng còn trẻ nên rất hăng).
Tôi cho rằng cái tài năng làm thơ không cần phải đi thực tế. Một lần tôi đi ngang qua Rừng Thông, một xã Trường Sơn giáp giới giữa Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị. Những o du kích đi bật hầm sau Mậu Thân lên sống tạm ở hầm hố trên núi đến độ họ bị nạn cháy rận: Các o đi ra miền Bắc, ngồi giữa rừng thông bắt chấy cho nhau và khi họ vạch tóc ra, thấy tóc xanh trở thành bạc vì trứng chấy. Tôi nhớ lại:
Hai bên đường ngồi lại
Những người đếm tóc nhau
Kỷ niệm về kinh hãi
Tóc xưa đã phai màu
và thầm nghĩ: Quái lạ! ông Bùi Giáng đi thực tế lúc nào mà biết cảnh này? Có lẽ ông đã thấy nó khi ông còn là một thiên thần sống trong thế giới hoàn hảo mà Platon gọi là thế giới ý niệm; ở đó, ông đi dự đám rước những ý niệm, trong đó có ý niệm đếm tóc trên. Ông sa đọa xuống cõi trần và trở thành nhà tiên đoán, đời gọi là thi sĩ…
****
Năm ngoái, tôi và Ngô Văn Tao có đến nhà riêng ở Bình Thạnh tìm Bùi Giáng. Ông Văn Tao là giáo sư toán học ở
- Từ đây đến chết tao còn một vạn câu thơ. nhưng mày chỉ cần nhớ hai câu này là đủ. và ông đọc:
“Ngày mai cá sống phiêu bồng
Ngàn trăng ngậm bóng sương đồng ra đi”
Ông nói chuyện với tôi, ngồi xổm trên nền nhà và mặc chiếc quần lãnh ở trong, thò hai ống quần ra ngoài chiếc quần cộc. Nên có người nhận thấy ông choàng một tấm vải có treo lon tùm lum và rong chơi khắp phố phường. Ông tự xưng là “trung niên thi sĩ”. Còn tôi coi ông là người của nỗi cô đơn không thèm nói ra. Nghe nói chiếc quần lãnh kia cũng thuộc một người đàn bà mà ông ngưỡng mộ. Trong bài thơ Phụng hiến nổi tiếng, ông đã viết những câu thật là nhân ái:
Tôi gửi lại đây mấy dòng ảo não
Mấy vần thơ tuyệt vọng gửi cho em
Rồi gục đầu trên trang giấy hão
Em bảo rằng:
Đừng tuyệt vọng nghe không?
Còn mãi đây,
Trang thơ thắm lại với đời hồng
Hoá ra đỡ đầu cho nỗi cô đơn của ông cũng là một bàn tay con gái…
Hoàng Phủ Ngọc Tường
(số 8 kiệt 280 Phan Bội Châu, TP. Huế)
CHÙM ẢNH THI SĨ KỲ DỊ BÙI GIÁNG
Chân dung Bùi Giáng
Bìa tập thơ Bùi Giáng
Kỳ nữ Kim Cương và thi sĩ kỳ dị Bùi Giáng
Lão Từ Hải thất vọng (Bùi Giáng vẽ)
Mộ phần Thi sĩ Bùi Giáng tại nghĩa trang Gò Dưa - Thủ Đức
Bút tích Bùi Giáng
THÔNG BÁO VỀ LỄ HỘI LỤC BÁT CANH DẦN 2010