Thứ bảy, 04/05/2024,


Một bức tranh thu (16/09/2008) 

 Thu rừng

Huy Cận

Bỗng dưng buồn bã không gian

Mây bay lũng thấp giăng màn âm u.

 

Nai cao gót lẫn trong mù

Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về.

 

Sắc trời trôi dạt dưới khe

Chim đi, lá rụng, cành nghe lạnh lùng.

 

Sầu thu lên vút, song song

Với cây hiu quạnh, với lòng quạnh hiu!

 

Non xanh ngây cả buồn chiều

Nhân gian e cũng tiêu điều dưới kia…

 

                                               (Lửa thiêng- 1940)

 

 

     Trong bốn mùa của đất trời thì có lẽ mùa thu là mùa được các nhà thơ “để mắt” tới nhiều nhất. Và chính vì lẽ đó cho nên bao giờ cũng vậy, họ là những người cảm nhận được mùa thu một cách sâu sắc và tinh tế nhất.

     Trong nền văn học của nhân loại cũng đã có những tác phẩm viết về mùa thu đạt tới trình độ tuyệt tác; như: “Bài hát thu về” của Verlaine nhà thơ lãng mạn người Pháp hay “Thu thanh phú” của nhà văn cổ điển Trung Quốc, Âu Dương Tu…

     Các nhà thơ Việt Nam như: Tản Đà, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư v.v… cũng đã rất thành công với những bài thơ về mùa thu. Ta có thể kể ra như: “Đây mùa thu tới”, “Cảm thu”, “Tiếng thu” và đặc biệt phải kể tới bộ ba “Thu Điếu”, “Thu Ẩm”, “Thu Vịnh” của cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến…

     Với bài thơ “Thu rừng” của Huy Cận, tuy chưa phải là một kiệt tác văn chương, song đó cũng là một tác phẩm có tầm cỡ. Ở bài thơ này, mùa thu được thể hiện bằng một cảnh sắc tĩnh lặng, huyền ảo nhưng cũng rất thanh tao, nhã đạm. Đọc bài thơ ta có cảm giác như đang được chiêm ngưỡng một bức tranh thủy mặc với những nét vẽ tinh xảo, phóng khoáng cùng một gam màu nhàn nhạt, mớ ảo.

Mở đầu bài thơ là hai câu khá ảm đạm, rất đặc trưng cho cái sự “sầu thu”:

 

Bỗng dưng buồn bã không gian

Mây bay lũng thấp giăng màn âm u.

 

     Trong một phút chốc, ta thấy thời gian như ngừng trôi, đất trời như thêm mênh mang hơn, còn lòng người trào lên một cảm xúc suy tư, man mác buồn nhưng cũng không rõ nét. Chỉ có điều khi thu về thì cảnh vật đã đổi thay:

 

Nai cao gót lẫn trong mù

Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về.

 

     Vẫn là con đường ấy, lối mòn ấy. Nhưng hôm nay thu về đã khoác lên cảnh vật một chiếc áo mới, một hương sắc mới. Nó làm cho cả đến một chú nai vẫn thường ngày qua lại con đường ấy, cũng thoáng giây ngỡ ngàng như không nhận ra những gì thân thuộc. Nhà thơ Lưu Trọng Lư trong bài “Tiếng thu” cũng đã có một “con nai vàng ngơ ngác / đạp trên lá vàng khô”, một chú nai ngộ nghĩnh, tinh nghịch chạy nhảy tung tăng trên những chiếc lá vàng khô xào xạc, nói lên cái không gian động của rừng thu. Còn ở đây là một không gian thu tĩnh lặng, với một chú nai lặng lẽ ẩn mình trong sương mờ, mà ngắm nhìn cái cảnh sắc huyền hoặc, diệu kỳ của mùa thu. Và trong cái không gian thu tĩnh lặng đến nao lòng ấy, tâm hồn nhà thơ dễ dàng cảm nhận được cái hồn của cảnh vật xung quanh đang thổn thức khi bất chợt thu về. Rồi còn nữa:

 

Sắc trời trôi dạt dưới khe

Chim đi, lá rụng, cành nghe lạnh lùng.

 

     Tất cả những hình ảnh này, nhà thơ chỉ muốn diễn tả lên được cái sự yên lặng, lạnh lùng, tê tái của thu. Dù rằng chim có bay đi, những chiếc lá có rơi rụng, song chúng lại chẳng đủ sức để làm nên một tiếng động nào. Tĩnh lặng, yên ả đến như thế là cùng!

     Rồi cứ thế, cái mạch “sầu thu” ấy vẫn được duy trì cho tới cuối bài:

 

Sầu thu lên vút, song song

Với cây hiu quạnh, với lòng quạnh hiu.

 

                                      Và:

 

Non xanh ngây cả buồn chiều

Nhân gian e cũng tiêu điều dưới kia.

 

     Hẳn là những lạnh lùng, hiu quạnh ấy đã khiến cho cái sự “sầu thu” kia dâng lên cao vút và bầu trời cũng theo đó mà như cao thêm lên, bỏ lại phía dưới cõi nhân gian tiêu điều, quạnh quẽ. Bỏ lại cả ngọn núi đứng ngây ra trong sắc chiều mờ nhạt. Có lẽ đến đây thì tâm hồn nhà thơ đã thực sự “thoát xác”, thực sự hòa nhập với thiên nhiên khi diễn tả lên tình cảm đích thực của mình với thu. Còn người đọc thì qua thơ cũng cảm nhận được cái sự lạnh lùng, tê tái… nhưng cũng đầy quyến rũ ấy!

 

                                                       TRẦN MINH TÂM

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: