Đọc lại Nguyễn Du
Nhất sinh từ phú tri vô ích
Mãn giá cầm thư đồ tự ngu
(Một đời chuyên về từ phú, biết là vô ích
Sách đàn đầy giá, chỉ tự mình làm ngu mình!)
Mạn hứng - Nguyễn Du
Quá khuya. Chợt thấy mình già
Nhìn ra cửa sổ, mưa sa kín trời
Một đời gọi mãi: Người ơi!
Một đời khát vọng, một đời bồng bênh
Mê say là chuyện đã đành
Biết đâu tỉnh lại, nhân tình trắng phau
Áo cơm se sắt mái đầu
Thương nhau mà giận, ngó nhau mà buồn!
Rạc dài chút phận văn chương
Cao sang nhòe lẫn tầm thường, ngẩn ngơ...
Bằng Việt
“Đọc lại Nguyễn Du”, là đọc lại những tổng kết về triết lý nhân sinh qua các tác phẩm văn học lớn của một Đại thi hào - danh nhân văn hóa thế giới.
Phải là những người như nhà thơ Bằng Việt, có hiểu biết sâu rộng, thấu lẽ đời, mới có được năng lực cảm thấu những ý tưởng trong tác phẩm bất hủ của Nguyễn Du. Ví như, cả một kiệt tác 3254 câu lục bát truyện Kiều mà ngay từ cặp câu mở “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” cũng đã đủ sức khái quát. Cặp câu thơ ấy sẽ còn là nỗi day trở muôn đời trong mối quan hệ tài, mệnh của con người không dễ lý giải.
Nhà thơ Bằng Việt đã suy ngẫm liên hệ đối chiếu, triết lý thâm hậu tiếp nhận từ tác phẩm của Đại thi hào Nguyễn Du, mà soi lại cuộc đời Cụ, soi vào nhân tình thế thái và hình như có cả soi vào chính bản thân mình.
Có một lần gặp và nghe anh tâm sự, đại ý: bài thơ này được viết sau đại hội Nhà văn 1993. Một đại hội đã để lại những dư âm buồn, nhiều nhà văn cướp diễn đàn, không tiếc lời bôi nhọ, thóa mạ nhau. Mình ngẫm câu thơ cụ Nguyễn Du thấy xót mà viết, chứ chả dám “to tát” gì. Nhà thơ Bằng Việt khiêm tốn nói vậy, còn tôi, vẫn có cách cảm của riêng mình.
“Quá khuya. Chợt thấy mình già”. Có thể nói ngay, đây là người đam mê tới chót cùng với sự nghiệp, với mục đích sống thiêng liêng, quên cả tuổi tác mình. Cũng phải vào thời điểm quá khuya, trằn trọc suy ngẫm về cuộc đời, về nhân tình thế thái, không sao ngủ được, chỉ còn mình đối diện với chính mình, mới hồi tưởng nhớ lại các mối liên hệ, quan hệ, những được, mất, thành, bại, có dấu ấn của thời gian, mới chợt nhớ ra tuổi tác, mới biết mình đã già. Cái già đến mà như bất chợt, bất ngờ thì cũng thật lạ, chỉ có thể là người quá tận tụy say mê việc đến quên mình, hay tới khi đọc Nguyễn, ngộ ra, mới thấm thía hiểu hết được mình. Nhưng rồi sự mải mốt bền bỉ ấy đến khi như sực tỉnh nhìn ra cửa sổ, mưa sa kín trời. trận mưa như điềm báo không hanh thông, chưa có thiên thời, địa lợi, hay nói đúng hơn vẫn gặp sự ngăn lối, cản đường, kìm hãm sức bay bổng, phát triển.
Đại thi hào Nguyễn Du - đỉnh cao thần tượng của thi nhân, thi sĩ muôn đời. Nhà thơ Bằng Việt, người có trí và thành tựu đầy ấn tượng về nghiệp văn, nguyện theo cụ cũng là tất yếu, là hợp đạo.
Một đời gọi mãi: Người ơi
Một đời khát vọng, một đời bồng bênh
Có thể nói, suốt đời trong lòng mình, nhà thơ Bằng Việt thờ phượng Nguyễn Du. Ông khao khát học cụ, “khăn gói” bồng bênh theo nghiệp cụ, ngoặt hướng khác con đường quyền lực, chính trị đã chọn ông. Dũng cảm quyết định rời khỏi cái ghế quyền lực mà nhiều người mơ ước, Để rồi: Mê say là chuyện đã đành/ ...Áo cơm se sắt mái đầu/ Thương nhau mà giận, ngó nhau mà buồn. Văn chương là thế, không đam mê hết mình sao được. Đam mê đến mộng mị cô đơn, may ra mới góp được cho đời câu thơ, trang viết. Đã đeo đuổi đam mê nghiệp văn sao giàu có được? Phải nghèo khó, lận đận với áo cơm, “Lập thân tối hạ thị văn chương”. Những “tín đồ” theo đạo văn, thường dễ mủi lòng, động lòng trắc ẩn, thương người, thương thân, và thương nhau. Thương nhau mà bất lực, không thể che chở, sẻ chia bớt nỗi cơ cực, nhường cơm sẻ áo cho nhau, thì hận, thì giận. Hết buồn cho bạn lại giận cho mình. Thi sĩ là những người nhạy cảm hơn ai hết, họ biết trước được nhiều điều. Vì chân thiện mỹ, họ đam mê, chấp nhận mọi thiệt thòi, thậm chí cả khổ đau. Nhưng, cũng chính lòng đam mê, tin yêu con người và cuộc sống, coi đó như những tín điều, nên họ không ngờ tới những phản trắc, ngang trái, những oan khuất… vẫn còn ngang nhiên diễn ra, thậm chí len lỏi vào cả “thánh địa” diễn đàn đại hội nhà văn. “Biết đâu tỉnh lại, nhân tình trắng phau”. Đó mới là nỗi đau mà thi sĩ không thể chịu đựng chấp nhận được, bởi “văn dĩ tải đạo”. Và có lẽ cũng vì thế mà những bậc hiền triết cao minh xưa như:
Ngay cả người dốc lòng, một đời với chút phận văn chương cũng chỉ là:
Rạc dài chút phận văn chương
Cao sang nhòe lẫn tầm thường, ngẩn ngơ…
Tôi không dám có lời bình nào về câu kết. Bởi nhà thơ Bằng Việt mượn lời cụ Nguyễn đề từ đã quá chi tiết rõ ràng. Và có lẽ mọi chuyện vẫn nằm trong vòng cương tỏa của chữ tài, chữ mệnh.
Thịnh Long, ngày 12 - 5 – 2010
Lâm Xuân Vi
(Hội viên Hội Nhà văn Việt
ĐC: Hội VHNT Ninh Bình
Email: xuanlamvi@yahoo.com
THÔNG BÁO VỀ LỄ HỘI LỤC BÁT CANH DẦN 2010
Ngô Xuân Thanh - binhthanh@gmail.com - 01238476960 - ánh10 t21 pThông Nhất TP NĐ
(Ngày 31/08/2010 10:56:15 PM)
Đọc bài thơ:Đọc lại Nguyễn Du của bác Bằng Việt,đọc đi đoc lại |