Thu yêu
Gió nâng tiếng sáo vang lừng
Tiếng ve chìm nghỉm lưng chừng heo may
Lá vàng xào xạc đâu đây
Hồ thu loãng bóng liễu gầy mảnh mai
Ngỡ ngàng chiếc lá thu phai
Nhởn nhơ đậu lén bờ vai một chiều
Bất ngờ tim dạo khúc yêu
Bầu hương sữa nghẹn giấu điều đắm say
Lối về xao xác me bay
Hồn buông neo giữa tháng ngày ngây thơ
Chạm môi e ấp dại khờ
Chập chờn ở cuối cơn mơ nồng nàn
Thơ tình viết chẳng đẫy trang
Mà ngân ngấn mắt lá vàng có hay?
Thềm xưa lá vẫn rơi đầy
Nào khô thương mến, chất dày nhớ nhung
Ai mang thu đến sánh cùng
Dìu em ra khỏi một vùng Thầm yêu!
Đặng Diệu Thoa
Tôi chưa hề gặp Đặng Diệu Thoa, nhưng nhìn nhận tốc độ và trình tự của "Thu yêu " tôi thầm nghĩ chị có dáng đi thong thả, uyển chuyển trong cái lối nhỏ, tận ngõ ngách... của riêng mình. Người phụ nữ như thế thường có "Số nhàn", chẳng rõ phỏng đoán ấy đúng hay sai?
Điều trên đã không cho phép thưởng thức vội vàng, chính Thi phẩm khuyên tôi chỉ nên bước lững thững qua cổng mùa thu trong thơ chị. Một mùa thu sao mà mượt mà, khao khát yêu và day dứt nhớ... đến vậy!
Chạm vào hai giác quan của tôi sớm nhất đó là "tiếng sáo vang lừng/ xào xạc lá vàng bay" và "Hồ thu loãng bóng liễu gầy mảnh mai". Đặc tả về mùa thu nếu chỉ kể tả, tôi nghĩ với một cô giáo dạy văn đâu có khó khăn. Nhưng tinh ý sẽ thấy "vang lừng" (âm thanh có cường độ cao, trên tận tầng không) được xuất hiện trước, còn "xào xạc" nghe thấy sau. Hay hồ thu lăn tăn gợn sóng đã làm hình ảnh trên mặt nước không còn rõ nét nữa: ''loãng bóng liễu gầy…" cho thấy chị thấu thị kỹ lưỡng và không hề dễ dãi khi sắp đặt từng con chữ sao cho đúng vị trí thích hợp của nó. Ở khổ đầu ta còn gặp tiếng ve, nhưng chỉ tồn tại trong tâm tưởng. Bởi nó đã "chìm nghỉm", lắng sâu rồi khi mùa đã trở heo may. Song, đây mới là động tác kéo "phông màn sân khấu kèm khúc nhạc dạo đầu "trước khi bước sang chương hồi chính của "Thu yêu ".
Và không để tôi phải đợi chờ, tấm màn nhung màu mận chín đã từ từ hé mở:
"Ngỡ ngàng chiếc lá thu phai
Nhởn nhơ đậu lén bờ vai một chiều"
Không gian hiện rõ ở khổ đầu, còn đây là thời gian. Theo tôi cũng chưa dừng ở đó. Bởi dại gì mà nữ sĩ này đã dùng "lá vàng" còn lặp lại "lá thu phai" làm gì? Thật vậy, "Nhởn nhơ đậu lén'' chứng minh cho thiển nghĩ của tôi có lý. "Nhởn nhơ" nghiêng vẻ trêu ngươi. Còn "đậu lén bờ vai”, có lẽ người phụ nữ mới phát hiện ra sự có mặt của nó sau này qua trạng từ "lén" mà thôi. Phải chăng chiếc lá thu phai làm ẩn dụ cho sợi tóc đã chuyển màu? Nếu đúng vậy, Đặng Diệu Thoa đã hóa thân vào một phụ nữ tuổi ngả sang thu để nuối tiếc một thời bắt đầu của nồng nàn hoa lửa…?
Sự chuyển màu của xê dịch thời gian ấy tác động trực tiếp làm cho con tim vốn xốn xang dạo khúc tình, rồi kích thích dữ dội vào cảm xúc:
"Bầu hương sữa nghẹn giấu điều đắm say"
Sao ngữ cảnh mùa thu mà tác giả không bận tâm tới hương hoa sữa nhỉ? Cũng sực nức nồng nàn loang toả một vùng chứ? Mà chị lại dùng "bầu "? Ngẫm ngợi về động từ “nghẹn " tiếp đó tôi mới vỡ ra. Thế đấy! Chỉ ở tác giả nữ mói viết được như thế, mà người ta vẫn thường khen là thơ "giàu nữ tính " là vậy. Ai chẳng hiểu "rỗng, lép" thì khó mà gây nghẹn. Mà chỉ có thể nghẹn khi đã "căng đầy"... Tới đây từ "bầu " dường như đã có đáp án thỏa đáng...
Chẳng phải chiết tự Y học, song luôn có một số nguyên nhân dẫn tới "bầu hương sữa nghẹn" mà bạn đọc nữ… dễ cảm nhận hơn. Nhưng ở đây chắc chắn xuất phát nguyên nhân "cảm xúc" giúp tác giả liên tưởng sáng tạo được một câu thơ thật thần tình, đáng ghi vào bộ nhớ!
Tôi vẫn ngất ngây, chậm rãi bước, có lúc choáng ngợp của tình thu trót chợp mắt quên lãng một vài chi tiết trong thơ. Sực tỉnh thì bắt gặp:
“Chạm môi e ấp dại khờ
Chập chờn ở cuối cơn mơ nồng nàn"
Thật là trong trẻo! Chưa dày dạn mà chỉ mới e ấp. Chính kỷ niệm thuở ban đầu thiêng liêng ấy thường hay lặp lại trong mơ. Bài thơ đến đây vẫn tuân thủ nếp tuần tự trong sự dàn dựng của chị. Và chính chị cũng âng ấng lệ qua khoé mắt đấy thôi… Tác giả có cảm động thật sự thì người đọc mới xúc động, quả không sai:
"Thơ tình viết chẳng đẫy trang
Mà ngân ngấn mắt lá vàng có hay"
Qua cổng “Thu yêu” lâu rồi, giờ đã chạm tới "thềm" kỷ niệm xưa, độc giả đột ngột gặp:
"Thềm xưa lá vẫn rơi đầy
Nào khô thương mến, chất dày nhớ nhung"
Nhịp 4/4 trong câu 8 quá đăng đối. Những lớp lá "thời gian" chất đầy thềm cũ chỉ làm dày lên nỗi nhớ nhung, và sự thương mến xưa vẫn tươi thắm nguyên xanh. Đọc đến đây người bình chẳng dám khen tác giả nữa. Sợ thừa!
Tôi đang lo lo, tiếc tiếc khi tấm màn nhung sắp sửa khép lại, thì:
“Ai mang thu đến sánh cùng
Dìu em ra khỏi một vùng Thầm yêu!"
“Thầm yêu”. Viết hoa? Độc giả của lucbat.com chắc không hề lạ, bởi đây chính là một tác phẩm từng gây dư luận của Đặng Diệu Thoa cách đây không lâu. Nhưng qua hai từ "sánh" và "dìu" tôi bất chợt liên tưởng ngồ ngộ, không biết có trúng ý tác giả không? Đó là sau “sánh lễ” sẽ tiến đến “hôn lễ”. Xin bạn đọc cùng tôi dừng lại chốc lát nghĩ về một bữa tiệc Vu qui. Ta sẽ tận mắt chứng kiến vòng tay của chú rể đặt vào vòng eo đang mang một bộ trang phục trắng muốt, sang trọng của cô dâu, thì mới thích thú hết cái động từ "Dìu". Phải chăng chỉ có kết cục tốt đẹp như thế mới đưa ra khỏi vùng Thầm yêu? Đó là một vùng công khai rộng lớn từng tháng ngày khao khát đợi chờ của Hạnh phúc lứa đôi.
Tiếc nuối và ao ước... xem ra chỉ vừa đủ se se và rất khiết thuần ấy… luôn gặp trong thơ trữ tình của Đặng Diệu Thoa. Tôi có đọc các bài như: Tơ lòng, Thầm yêu, Giã từ, và cả Giật mình... của chị, nhưng tôi yêu đến trân trọng "Thu yêu". Phải khẳng định chị đã có bước tiến dài trong thơ lục bát và những sáng tác chị đã đóng góp trên Lucbat.com thật sự cũng rất đáng kể bấy nay.
Thưởng thức bài thơ, cảm xúc trào ra, tôi đã viết một mạch, không nháp, chẳng ngăn nổi sự hào hứng song cũng bộc lộ những hạn hẹp về ngữ văn trái tay của mình. Chắc chắn không tránh khỏi nhiều thiếu sót. Điều gì chưa trúng với sự sáng tạo của tác giả, mong Đặng Diệu Thoa và các Thi hữu châm chước.
Hải Phòng, 23h30' 19/7/2010
Nguyễn Thanh Tuyên
ĐT: 0989094933
Email: bsnguyenthanhtuyen@gmail.com