Chủ nhật, 22/12/2024,


Một bài thơ rung động lòng người (12/07/2010) 

TÌM CHỒNG

 

Qua gần bốn chục mùa đông

Tay cào nát cỏ mà không thấy người

 

Ngước trông Thành Cổ nghẹn lời

Sông Thạch Hãn vẫn lở bồi phận sông.

Bao giờ mới điểm danh xong

Những mảnh xương vụn vùi trong đất này

 

Trải chăn trải chiếu ra đây

Nằm cùng với đá với cây một thời

Con đom đóm chớp ngang trời

Phải anh thì nói một lời đi anh

 

Từ trong rêu cỏ Cổ Thành

Vọng ra nhịp bước quân hành thực hư

Sương khuya rụng buốt tâm tư

Rì rầm tiếng lá nghe như tiếng người...

 

Đặng Khánh Cường

 

Thành cổ Quảng Trị hôm nay

 

            Thật cảm động khi đọc bài thơ “Tìm chồng”, nói về hình ảnh một người vợ đi tìm chồng ở chiến trường xưa, ngay tại nơi Thành cổ Quảng Trị oanh liệt, nơi bạn bè cùng nhập ngũ với tôi đã sống, chiến đấu suốt 81 ngày đêm ác liệt của mùa hè năm 1972 máu lửa, nơi cuộc sống cận kề với cái chết, nhưng các anh đã anh dũng bảo vệ Thành cổ đến giọt máu cuối cùng và đã ngã xuống như những người Anh hùng.

 

          Hòa bình rồi, chiến tranh đã qua gần bốn chục năm rồi. Vậy mà còn nhiều người lính đã ngã xuống vì Tổ quốc vẫn chưa được trở về với quê hương. Nắm xương của các anh còn đang gửi tạm vào lòng đất nơi các anh nằm xuống. Có biết bao người vợ mỏi mòn chờ đợi chồng, dù đã nhận giấy báo tử từ mấy chục năm nay, vẫn không thể nào tin chồng mình đã mất. Các chị tin rằng các anh vẫn còn nằm nghỉ ngơi đâu đó sau trận chiến ác liệt mà thôi. Dù các anh không về, nhưng người vợ vẫn tin rằng chồng mình còn sống, vẫn sống mãi trong tình yêu thương gia đình, tình đồng đội. Và nay các chị khăn gói đi tìm chồng. Đến nơi chiến địa ngày xưa, những dấu tích chiến tranh đã phai mờ, cỏ đã mọc xanh nơi các anh nằm và các chị đã ròng rã mấy chục năm trời bới dưới lớp cỏ kia để:

 

Qua gần bốn chục mùa đông

Tay cào nát cỏ mà không thấy người

 

          Đọc đến đây, tôi rưng rưng không cầm được nước mắt. Hồn các anh đã thành tên đất nước, đã hóa thành bài ca bất tử, xương thịt các anh đã hòa trong đất, thành cỏ cây hoa lá cho cuộc hồi sinh trên mảnh đất đầy bom đạn, chết chóc tang thương này.

 

Ngước trông Thành Cổ nghẹn lời

Sông Thạch Hãn vẫn lở bồi phận sông.

Bao giờ mới điểm danh xong

Những mảnh xương vụn vùi trong đất này

 

          Điểm danh làm sao hết những mảnh xương của người liệt sĩ đang nằm rải rác trong lòng đất. Nhưng với những người chiến sĩ đã ngã xuống vì dân tộc, vì cuộc sống của những người đang còn sống hôm nay, những mảnh xương của các anh như vẫn là những mầm sống, đang sống và sẽ còn sống mãi.

 

         Khi sống các anh được đơn vị điểm danh. Những ai đã trải qua cuộc đời bộ đội sẽ hiểu thấu điều này. Thường ngày và nhất là những ngày cuối tuần, đầu tuần, người chiến sĩ được gọi tên, trong hàng ngũ điệp trùng những tiểu đội, trung đội, tiểu đoàn, anh ta đứng nghiêm, dõng dạc hô to: “Có”. Đến khi chết, mộ các anh vẫn xếp ngay hàng thẳng lối như đứng trong hàng quân khi anh còn sống, và mảnh xương của các anh cũng muốn được gọi tên.

     

           Tìm không thấy các anh, nhưng chắc chắn hồn thiêng của các anh vẫn quyện với đất mẹ, vẫn muốn được cùng giãi bầu tâm sự với những người đang sống, để nhớ lại những tình nghĩa xa xưa, nhớ lại những kỷ niệm oai hùng của những ngày chiến trận, thôi thì:

 

Trải chăn trải chiếu ra đây

Nằm cùng với đá với cây một thời.

 

       Người xưa vẫn tin rằng, người đã chết hay nhập hồn vào con đom đóm. Vậy thì con đom đóm bay ngang đất này có phải là anh không?

 

Con đom đóm chớp ngang trời

Phải anh thì nói một lời đi anh

 

         Hình như đáp lại nhưng nguyện cầu, nhưng tình cảm thiết tha của người vợ,của tình đồng đội nhũng người lính đã hiện về trong câu kết của bài thơ:

 

Từ trong rêu cỏ Cổ Thành

Vọng ra nhịp bước quân hành thực hư

Sương khuya rụng buốt tâm tư

Rì rầm tiếng lá nghe như tiếng người

 

Hình ảnh ấy như thực mà như hư. Thực là chỉ có tiếng gió, tiếng sương khuya rụng, tiếng lá rì rầm trên mảnh đất Cổ Thành Quảng Trị, nhưng hư là tiếng nhịp quân hành của những nguời lính đang hừng hực sức trẻ xốc tới chiến trường. Những người lính hành quân ra trận trong khí thế hào hùng. Hư của đời, nhưng lại thực trong tâm hồn những người vợ. Các anh vẫn sống và vẫn tươi trẻ trong tình yêu thương chung thủy của họ.

 

            Đây là câu thơ của niềm lạc quan cách mạng. Các anh đã hy sinh nhưng vẫn luôn còn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam, các anh vẫn vững bước quân hành cùng dân tộc vào công cuộc xây dựng đời sống mới tươi đẹp trên mảnh đất này. Một bài thơ đã làm rung động tâm khảm của mỗi người.

 

 

Phạm Thanh Cải

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  ducnguyenvan -  - 0913525866 - a6tt8.dothi.vanquan.hadong hanoi  (Ngày 8/03/2011 10:48:25 AM)
tho.hay, binh tot.
  Đao Tuyết Thành (%3B Thạc Lưu )%3B - daotuyetthanh@gmail.com - 0123 228 2766 - Phan Long - Tân Hội Đan Phựng HN  (Ngày 8/08/2010 04:12:53 PM)
          Tôi bắt gặp Đặng Khánh Cường từ bài thơ tứ tuỵệt " Liễu Tây Hồ ' đến trang Lb mới " Tìm chồng " mới thấy tâm hồn anh dành nhiều góc cạnh cho thơ. Với " Liễu Tây Hồ " thì " giặc tan rồi Nhạc phi về yên nghỉ '' cái kết thúc chiến tranh như chẳng còn gì phải lo lắng, bận tâm nữa.
           Còn với " Tìm chồng " thì người vợ lính như vẫn đang còn những việc lớn lao phải làm, đang làm , hằng ngày vẫn tìm đến chỗ điểm danh để có thể nghe một tiếng " có tôi " của người thân yêu nhất của mình. Mà vẫn không nghe thấy, không nhìn thấy chồng mình. Người xưa nói đến người vợ bồng con hoá đá thành tượng " vọng phu ". Nay thấy trong thơ KC, người vợ chải chiếu ra đây, Nằm cùng với đá với cây một thời để rồi như kiểu " lên đồng ", gặp vong hồn chồng là đom đóm đang hiện về!
         Mọi hình ảnh từ quá khứ đã bốn chục năm, vẫn cứ như diễn ra ngay trước mắt. Nói một cách khác, cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng và hy sinh ấy, mãi mãi không bao giờ quên; Tất cả những nỗi niềm thương nhớ của những người đang sống với các liệt sĩ cũng không bao giờ vơi cạn. Tôi không viết được tốt, nhưng cũng xin chia sẻ cảm xúc với một bài thơ rất đáng trân trọng của Khánh Cường. Chúc bạn có thêm sáng tác mới !
  Đặng Khánh Cường - cuongdangkhanh@gmail.com - 04.3559.3149 - 45/109/358 B.X.T- Hà Nộ  (Ngày 14/07/2010 05:03:24 AM)

       Cảm ơn đại tá, anh đã đọc được những điều tôi muốn nói mà do hạn chế nhiều mặt của thể thơ LB và khả năng diễn đạt của mình chưa tới độ. Tôi vẫn áy náy rằng : Liệu mình đã chuyển tải được đến đâu những nung nấu trong tâm can?

Các bài khác: