Chủ nhật, 22/12/2024,


Một vụ gặt thơ lục bát (Nhà thơ Hữu Thỉnh) (03/07/2010) 

       Ngày 2-7-2010, tại Hội Nhà văn Việt Nam đã diễn ra Lễ Tổng kết và Trao thưởng cuộc thi sáng tác thơ Lục bát “Ngàn năm thương nhớ” do website lucbat.com khởi xướng và đồng tổ chức.
        Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo cuộc thi “Ngàn năm thương nhớ” đã tới dự và phát biểu ý kiến.

        Lucbat.com xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng này.

 

           Thể thơ lục bát đã trở thành khuôn vàng thước ngọc với dân ca, ca dao, và đạt đến đỉnh cao chói sáng với các nhà thơ cổ điển. Nay ta tổ chức cuộc thơ chuyên đề về thể thơ dân tộc này, có phải là câu chuyện bình cũ rượu mới hay không? Không. Cái gì cũng có luật giới của nó. Nếu xem cuộc thi này là một cuộc chơi thì chính luật chơi ấy nằm trong hình thức thể thơ, là cái thước đo tài đối với mỗi thí sinh. Đó là nói về mặt lý thuyết. Còn trong quá trình tạo ra một sảm phẩm thi ca, đến lượt mình, mỗi nhà thơ lại mới hoá, lạ hoá, cá nhân hoá cái hình thức bó buộc kia theo một cách riêng. Đó là câu chuyện hình thức của nội dung và nội dung của hình thức.

Bây giờ chúng ta xem xét về mặt giá trị.

Trong lúc làng thơ ta hiện nay không ít người say sưa tìm tòi hình thức, rút lui vào hình thức, rút lui cả vào cá nhân thì cái được nhất của cuộc thi này là lục bát đang mở ra với đời thường, phát hiện chất thơ của ngày thường, làm nên những gía trị thẩm mỹ ngày thường, sục vào mọi ngõ ngách của đời sống để đãi lấy thơ. Để làm việc đó, các tác giả phải tự thắng mình trong quan niệm, rằng, ở đời không có cái nên thơ hay không nên thơ, chỉ có tài hay không có tài. Và cái tài thể hiện đậm nhất trong cuộc thi này là cái tiếp cận với thế giới quanh ta, nghiền ngẫm, chuyển hoá nó thành chất liệu của tâm hồn. Một đám lục bình phương nam, một bà dì thân thuộc, một anh hát xẩm, một buổi chợ đêm, một ngôi chùa làng , cho đến cả một chiếc điếu cày... tất cả quen thuộc đến sờn mòn (chữ của Mai a) không có gì to tát và người ta đã viết về nó bao nhiêu rồi, khai thác nó bao nhiêu rồi, ấy thế mà nay trong cuộc thi này nó lại bật mầm lên, mới mẻ, nguyên sơ và thật là cảm động. Để soi sáng lên chất thơ ngày thường , nhà thơ phải luôn luôn chống lại sự vô tình , lãnh cảm , căn bệnh nguy hiểm nhất luôn đe doạ giết chết thơ. Qua đó mới thấy quý tình cảm sâu đậm này của Nguyễn Hữu Quý khi anh viết về lục bình phương Nam:

Thâm bào nước dưới mây trên
Trôi là động, đứng là yên phận mình
Chẳng ai đi cắm lục bình
Tím hoa nở giữa lặng thinh đêm dài

Trần Duy Thới nhớ về một kỷ niệm tuổi thơ:

Tờ rơi gấp một con diều
Trẻ con thả nốt mảnh nghèo lên không.

Nguyễn Trường Thọ thấm hết nỗi xa cách thời bình của một người yêu lính.

Nắng mưa run tiếng thở dài
Em buốn, anh biết ban mai cũng buồn

Minh Tâm nói về mẹ:

Đỡ bát cơm nóng thơm lừng
Run tay mẹ bới
Ngập ngừng tay con

Quang Chuyền gợi lại những hy sinh trong chiến tranh

Nhà chia nửa sáng nửa chiều
Mới qua được nửa kiếp nghèo ra rơm
Giá mà còn đủ mặt con
Mẹ đâu đến nỗi nửa buồn nửa lo

Nguyễn Thanh Mừng viết về Thánh Gióng:

Mây Phù Đổng, gió tuổi thơ
Lắng nghe lịch sử non tơ mỉm cười.

Bình Nguyên viết tiễn em lên máy bay:

Bàn tay vừa nắm bàn tay
Rồi ra mù mịt đám mây bầu trời

Trong quá trình xem xét các giá trị, Hội đồng Chung khảo rất quan tâm đến dấu ấn của sự sống ngày hôm nay và xem đó như một tiêu chí quan trọng hàng đầu.

Mỗi tác giả góp một ưu điểm vào cuộc thi. Hàm lượng của các ưu điểm đó cao hay thấp, tản mạn hay tập trung là căn cứ để phân biệt các thứ bậc. Sự cân nhắc tập thể của Hội đồng Chung khảo đi đến thống nhất rằng, khoảng cách các thứ bậc của cuộc thi này không xa. Điều đó cũng phản ánh trình độ chung của các thí sinh. Trong tình hình đó, nếu theo cách làm thông thường so bó đũa lấy cột cờ thì cuộc thi này có thể có giải nhất, vì thấy có sự trội nhỉnh khá rõ. Tuy vậy Hội đồng Chung khảo nhận thấy đây là cuộc thi của các cơ quan báo chí Trung ương có lượng bạn đọc đông đảo, nên đặt cuộc thi trong bình diện chung của đời sống văn học ngày hôm nay. Với hình thức rọc phách cho điểm, và chỉ điều chỉnh số điểm của từng người nếu sự chênh lệch của người cho điểm thấp nhất và cao nhất cách nhau từ hai điểm trở lên. Và chỉ đến khi việc cộng điểm đã xong, xếp thứ bậc đã xong, ban Tổ chức mới đối chiếu mã số để tìm tên tác giả. Các làm này hoàn toàn tránh được cảm tình quen biết nếu có, vừa phát huy sự xem xét độc lập cá nhân, vừa tôn trọng tính khách quan của cả một tập thể. Hơn nữa tất cả các bài hay vào chung khảo đều được đọc và bình xét trước Hội đồng Chung khảo, nhiều trường hợp hơn kém được tính đến từng nửa điểm. Chúng tôi đã dừng lại khá lâu ở những bài Chợ đêm Long Biên của Nguyễn Thị Mai, Dì tôi của Đoàn Nguyên, Làng trong phố của Hồ Phong Tư, Nửa vầng trăng khuyết của Quang Chuyền, Về Khương Thượng của Nguyễn Trọng Tuất, Lời hát xẩm mù của Hoàng Phan Hùng.

Nguyễn Thị Mai hay ở sự miêu tả đầy cảm thông với những người phụ nữ mưu sinh tại một chợ đêm mở ngay giữa lòng Hà Nội.

Nữ nhi cửu vạn đêm dài

Vác khiêng hùng hục, sụn vai vẹo người

Giữ lành quả ngọt, rau tươi

Chị tay đen đúa, em cười nhọ nhem

Nếu Nguyễn Thị Mai giỏi vẽ thân phận của một tập thể thì Đoàn Nguyên hay ở sự thể hiện thân phận của một cá nhân.

Dì tôi ở giữa phố đông

Quanh năm chợ búa mà không thấy giầu

Người ta mấy bậc nhà lầu

Dì tôi lưng áo vẫn mầu… nhà quê

 

Hoàng Phan Hùng thông cảm với nỗi bất hạnh của “anh hát xẩm mù”:

Ai nghe bùn đất thì nghe

Lời quê khoai củ…ai chê, thì đừng

Được mùa xẩm hát lời mừng

Thất bát lời xẩm ngập ngừng đắng cay

Quang Chuyền nói cái vĩnh cửu vô giá của những người đã ngã xuống trong chiến tranh. Hồ Phong Tư báo động về sự đứt gãy văn hoá khi làng chuyển dần sang phố. Nguyễn Trọng Tuất hoài cổ . Nguyễn Minh Khiêu sảng khoái với chiếc điếu cày. Câu thơ lục bát theo họ làm vổng lên nhưng cung bậc tình cảm khác nhau, giàu chất tự sự, mà không làm mờ yếu nội tâm của tác giả.

Biểu dương sự cố gắng của các thi hữu vì biết rõ tạo nên một giá trị của thơ, một sự chuyển động, một nhích lên, dù chỉ nhỏ cũng vô cùng khó. Trong sự trân trọng và kính yêu, chúng tôi vẫn thấy cần nhắc đến nhược điểm của cuộc thi này là nó mạnh về phong trào, chưa mạnh về chuyên nghiệp. Câu thơ lục bát quen thuộc rất dễ kéo người ta về những âm điệu cảnh trí quen thuộc, hết sức cảnh giác để khỏi sa vào sự mòn sáo.

Cuộc thi này tập hợp một đội ngũ đông đảo những người làm thơ, có người đã thành danh, có người theo đuổi thơ suốt cả cuộc đời, có người mới vào nghề, thay mặt Hội đồng Chung khảo nhiệt liệt chúc mừng các bạn trúng giả và chờ đợi những thành công mới.

Xin cám ơn.

 Phạm Thanh Cải ghi

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Phan Lê Giang - phanlegiang@gmail.com - 0906892357 - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam  (Ngày 15/08/2010 10:03:32 AM)

Rất nhiều bạn đọc thắc mắc không được thưởng thức những thi phẩm đạt giải cuộc thi thơ "Ngàn năm thương nhớ". Tôi sưu tầm, và gửi để các bạn đọc thưởng thức (Nếu BTV không quá mức khắt khe). Tiếc là các tác giả lucbat.com không có tên trong danh sách đạt giải. Các tác giả lục bát chuyên nghiệp còn chưa biết có một lucbat.com cho "nhà thơ bình dân". Đó là sự thật!
Chợ đêm Long Biên

Buôn đêm để bán sáng ngày

Một vùng không ngủ kề ngay phố phường

Ngợp trời rau quả muôn phương

Về đây từ khắp nẻo đường bán mua.



Chợ đêm dù bão dù mưa

Vẫn đông người vợ, vẫn thưa người chồng

Chuyển khuân, bốc dỡ, gánh gồng

Nón che kín mặt, kiếm đồng sinh nhai



Nữ nhi cửu vạn đêm dài

Vác khiêng hùng hục, sụn vai vẹo người

Giữ lành quả ngọt, rau tươi

Chị tay đen đúa, em cười nhọ nhem



Mồ hôi, sương muối ố hoen

Buốt lưng cửu vạn đã quen với nghề

Đồng công năm bảy xẻ chia

Nẻo cơm quán trọ, nẻo về nuôi con



Chợ trăng đêm khuyết đêm tròn

Khiêng sương, vác gió cũng mòn hai vai

Bữa ngon, hiểu được mấy ai?

Chỉ cây cầu biết, thở dài với sông.

(Nguyễn Thị Mai)


***

Dì tôi

Dì tôi vóc hạc tựa bà

Dì đong bán cám quanh nhà mình thôi

Chắt chiu như kiến tha mồi

Tết nào cũng đỏ một nồi bánh chưng



Dì tôi ở giữa phố đông

Quanh năm chợ búa mà không thấy giầu

Người ta mấy bậc nhà lầu

Dì tôi lưng áo vẫn mầu… nhà quê



Phố dài lắm kiểu người đi

Chợ đông thương buổi tóc dì tôi xanh

Lấy chồng chịu cảnh chiến tranh

Nuôi con đành phận dụm dành cho con



Dì tôi chắt cạn lòng son

Như trăng lọc sáng giữa vòm sao khuya

Tu chùa còn được ngắm bia

Còn hương khói với trời kia đất này



Dì tôi tu chợ ngày ngày

Bao nhiêu cay cực đoạ đày dì tôi

Cám thơm mùi gạo cám ơi!

Giấu trong vỏ trấu đầy vơi nỗi niềm…

(Đoàn Nguyên)

***

Làng trong phố



Mơ về thành phố thênh thang

Lạ chưa tôi gặp cổng làng ngày xưa

Rêu mờ dầu dãi nắng mưa

Có cây đa cỗi gió đưa lá cành



Tên làng có tự xa xanh

Làng Mọc, làng Cót, làng Canh, làng Vòng…

Bao mồ hôi của cha, ông

Qua thăng trầm chắt từ trong nỗi niềm



Từ ngày phố xá mọc lên

Thấp cao nhà ống dựng chen sân đình

Giữ sao cái nghĩa, cái tình

Tối đèn, tắt lửa gọi mình, gọi ta?



Thôi thì thế cũng phải mà

Cái “thời kinh tế” bung qua xóm làng

Đất đai tính đổi bằng vàng

Lấp từ rãnh nước, lấp sang ao chùa.



Chỉ thương cánh vạc, cánh cò

Cứ về chốn cũ ngẩn ngơ kiếm tìm

Hội làng tôi gặp lại em

Tóc nâu, váy cụt hồn nhiên dỗi hờn



Làng giờ lên phố lên phường

Trăng xưa nhòa ánh điện đường ngõ quê

Tôi theo bè bạn học nghề

Rồi xa, có mấy khi về được đâu



Bà tôi bỏm bẻm nhai trầu

Vẫn ngồi cái quán chẳng cầu bán, mua

Vuông đất nhỏ, gốc đa xưa

Cứ như cái thuở bà chưa lấy chồng.

(Hồ Phong Tư)


***


Nửa trời trăng khuyết

Từ ngày vắng bặt tin anh

Hình như một nửa trời xanh nhạt màu

Chiến trường khuất nửa xa sâu

Mây đêm vương nửa khuyết vào vầng trăng.



Nhà ta nửa lệch, nửa bằng

Nắng chênh nửa sáng, sương giăng nửa chiều

Cây nhang cháy nửa liêu xiêu

Tóc em nửa bạc vì nhiều buồn đau.



Mẹ ngừng nhai nửa miếng trầu

Lặng nhìn tấm ảnh nửa màu phôi phai

Thương con lòng mẹ chia hai

Nửa sau khung cửa, nửa ngoài mái hiên.



Ruộng nhà hai nửa mùa chiêm

Nửa phơi nắng hạn, nửa chìm lũ mưa

Thiếu người cày sáng, cuốc trưa

Khuyết, tròn hạt lúa nửa mùa trồng gieo.



Nhà chia nửa sáng, nửa chiều

Mới qua được nửa kiếp nghèo rạ rơm

Giá nhà còn đủ mặt con

Mẹ đâu nên nỗi nửa buồn, nửa lo.



Nửa đêm nghe gió trở mùa

Nhớ, thương hai nửa, lạnh lùa vào tim

Trăng mây nửa nổi, nửa chìm

Nửa đi xa khuất… nửa tìm bóng nhau…

(Quang Chuyền)

Về Khương Thượng

Trước thềm Hà Nội. Chiều mưa

Tôi về tìm lại tuổi thơ phố phường

Tầng cao nóc, nhà cao tường

Ngẩn ngơ dò lối bấm đường mà đi

Phố xưa tên gọi là gì

Cành me, gốc sấu rù rì tiếng ong

Ngày tôi nhỏ, mẹ tôi còng

Gậy tre mẹ chống chẳng bồng bế tay

Ngã tư Sở, Láng Hạ này!

Bát canh dấm ốc chua cay nhớ đời

Tôi lần Khương Thượng dạo chơi

Ao tôm. Vũng tép. Khoảng trời cỏ xanh

Trưa nghe tiếng đạp lanh canh

Xích lô ông Cống chở quanh tôi về

Tôi như đứa trẻ đê mê

Chân trần, ống ngắn, dây rê cánh diều



Giờ về Hà Nội mà yêu

Cơn mưa đầu hạ, quán chiều bạt che

Tiếng rao thưa nhặt vỉa hè

Cong cong đòn gánh quả me, trái xoài

Chợ Xanh xa những phố dài

Người đi sóng phủ nhạc tai... dặt dìu.

(Nguyễn Trọng Tuất)

***

Lời hát xẩm mù



Xu rơi lộp bộp nón mê

Nào nghe hát xẩm chợ quê vãn rồi

Cây xanh xanh sắc đất trời

Hát mùa hoa trái là lời người quê



Ai nghe bùn đất thì nghe

Lời quê khoai củ…ai chê, thì đừng

Được mùa xẩm hát lời mừng

Thất bát lời xẩm ngập ngừng đắng cay



Đảm hỷ xẩm tấu cung say

Đám hiếu tụng khúc ăn mày cầu siêu

Thương người xẩm ghẹo lời yêu

Chán người câu hát lang thang cho người



Cõi nhân quý nhất con người

Mắt xẩm kém xẩm nhìn đời bằng tim

Xẩm buồn, ai nhốt tiếng chim

Xẩm đau thân vạt, ai dìm đứt hơi



Ăn mày cửa chợ một thời

Phận thảo dân- xẩm hát lời thảo dân

Chợ quê quan quân bất phân

Nghe hát xẩm nhớ chữ Nhân ở đời.

(Hoàng Phan Hùng)

***

Chùa làng



Chùa hiền như lúa tháng mười

Giếng thơi giấu một nụ cười đầu đông

Lá tre - xác trắng bến sông

Mõ khuya khô cả thinh không rộng dài



Chuông chiều như tiếng thở dài

Sư thầy thơ thẩn bên ngoài tam quan

Nâu sồng nặng nợ trần gian

Tóc xanh gửi lại mây ngàn Trường Sơn!



Đỏ cho ai thế mẫu đơn

Ngọc lan vườn vắng hương thơm một mình

Ông cao xanh khéo vô tình

Cửa tò vò - một bóng hình vào ra.



Cũng cấy lúa, cũng nuôi gà

Cũng chưng mắm tép, cũng cà muối chua

Thắt lòng, hai tiếng nhà chùa

Ai di đà phật, hết trưa sang chiều



Gà con liếp chiếp, liêu xiêu

Sư thầy rắc tấm…rắc chiều vào đêm!

(Đỗ Phú Nhuận)

***

Chiếc điếu cày



Đời cha một chiếc điếu cày

Đi qua trăm tuổi chẳng hay mình già

Vũ vần gió táp mưa sa

Sóng sâu vực thẳm quỷ ma tàng hình

Trước sau thú dữ rập rình

Rít xong điếu thuốc lại lành như không

Bao phen lũ quét trắng đồng

Mồ hôi ngập cả một vùng ca dao

Tóc làng phờ phạc lo âu

Cha ngồi với điếu thuốc lào trắng đêm

Lửa rít vào, khói phà lên

Thác ghềnh, sấm sét lại êm như thường

Đạn bom rung mấy chiến trường

Xe tăng, đại bác trăm đường bủa vây

Bên hông vẫn chiếc điếu cày

Vào Dinh Độc Lập ngồi say thuốc lào

Huân chương hạng thấp, hạng cao

Cha quên trên vách qua bao tháng ngày…

Khi đi xa thế gian này

Gia tài… một chiếc điếu cày theo cha!

(Nguyễn Minh Khiên)

***


Phù Đổng Thiên Vương


Khi tôi cưỡi ngựa về trời

tôi nghe tiếng mẹ gọi tôi trên đồng

lúa thơm đơm ruộng Lạc Hồng

hạt cơm xã tắc hưng vong trong nồi



Tôi nghe vua gọi tên tôi

rượu Văn Lang thấm trên môi yêu vì…

cúi xin núi Sóc nhu mì

uống giùm tôi nỗi an nguy công hầu



Bốn mươi thế kỷ tóc râu

gửi lòng tin cậy chỏm đầu bi bô

mây Phù Đổng, gió tuổi thơ

lắng nghe lịch sử non tơ mỉm cười.

(Nguyễn Thanh Mừng)

***



Tiễn em lên máy bay




Máy bay đưa em lên theo

Thế là ta bé tèo teo dưới này

Bàn tay vừa nắm bàn tay

Rồi ra mù mịt đám mây bầu trời



Em làm một cuộc rong chơi

Mà xem thiên hạ nói lời vàng son

Bây giờ ta bé con con

Em lên chút nữa không còn thấy ta



Rồi ta về với mẹ già

Với ao rau muống ruộng nhà mưa chan

Với bờ hoa lý hoa lan

Với hàng dương xỉ buồn tan vào chiều



Ta về ngõ nắng như rêu

Rêu như áo mẹ bạc nhiều năm phơi

Em đi một chuyến lên trời

Biết đâu, rồi lại một đời cách ta.

(Bình Nguyên)


***

Lục bình phương Nam



Nửa là sông, nửa là trời

lục bình cứ vậy muôn đời nổi nênh

thân bèo, nước dưới - mây trên

trôi là động, đứng là yên phận mình.



Chẳng ai đem cắm lục bình

tím hoa nở giữa lặng thinh đêm dài

người lai rai, mưa lai rai

xuống câu vọng cổ dắt lai tấm buồn.



Chống chèo mấy đận sẻ suôn

tha hương vẫn cứ cội nguồn vọng trông

lúc cạn hẹp, khi mênh mông

vẫn hoa tím biếc... phải lòng lá xanh.



Theo sông, khúc thẳng khúc quành

thuở binh đao, thời yên lành cù lao

về đâu áo vải cờ đào

quá giang hoa tím hồn trao lục bình!



Vời xa cái chốn cung đình

này cưng Nam bộ thiệt tình với ta

lục bình một nửa là hoa

nửa như châu thổ câu ca tím buồn…

(Nguyễn Hữu Quý)
Lá thư từ biên cương


Đêm Hà Nội ngắn quá chừng
Nụ hôn chưa khép đã bừng ban mai

Nắng sương run tiếng thở dài

Em buồn - anh biết ban mai cũng buồn



Lòng anh mở một cánh buồm

Em là bến nhớ, cuối nguồn bung neo

Sông Hồng chở nặng tình yêu

Thẳm sâu mắt nhớ, tím chiều chênh chao



Đêm Hà Nội vắng trăng sao

Mướt non bờ gió chạm vào bờ môi

Em nghiêng về phía bồi hồi

Anh nghiêng về phía cuộc đời yêu thương



Giờ đây chốt ở biên cương

Anh ngồi gói những nhớ thương dỗi hờn

Gửi…cho em một chút buồn

Mỏng như đôi cánh chuồn chuồn lượn bay



Gửi…cho em một làn mây

Mỏng như sợi gió heo may bên đèo

Gửi…cho em cả niềm yêu

Gửi…cho em cả những chiều nhớ mong…



Soi trong màu nước sông Hồng

Thư anh và cả nỗi lòng người xa.


(Nguyễn Trường Thọ)


***

Lang thang... quê



Người xưa hành khất xa quê

Còn tôi hành khất lại về cố hương



Xin quê một sớm đến trường

Và xin gói cả con đường ngập trăng

Xin quê một chút sương giăng

Vào chùa xin tiếng chuông đằm đằm vang

Cúi đầu trước bát cơm rang

đẫm mùi rơm rạ đồng làng… mẹ ơi!

Chắp tay lạy đất, lạy trời

Biết đâu cha mẹ mười mươi hiện về

Một mình một dải bờ đê

Gió hun hút gió bốn bề… heo may

Cúi xin trời thẳm đất dày

Quẩn quanh chân mẹ lần này… được chăng?





Tôi vừa sang chuyến đò ngang

Đã toan lần giở hành trang… một mình.

(Nguyễn Ngọc Trìu)


***


Một lần ru ngoại



Lâu lâu nhớ ngoại con về

Ba bên gió thổi bốn bề nắng vương

Mắt nhìn me dốp ổi ương

Nhìn cau mọc thẳng mà thương lưng còng…



Từ ông như nước xuôi dòng

Một mình ngoại phải lắng trong gạn ngoài

Chạy từng hạt muối củ khoai

Xuống Đông ngăn bão lên Đoài cản dông

Hết lo con gái ế chồng

Lại đàn cháu dại lông bông suốt ngày

Mỏi mòn như chiếc cối xay

Ngoại quay theo những vòng quay cuộc đời



Con về nhặt lá trầu rơi

Vàng lên nỗi nhớ bao lời hát ru

Rưng rưng từ phía xa mù

Như thầm vọng lại tiếng tu hú buồn



Còn không sợi tóc câu chuồn

Quả na cấp củm ngoại luồn tay con

Chùm mận chín trái xoài non

Để dành ai nữa héo hon sớm chiều?



Rộng dài tấm áo thương yêu

Dù khi tơi tả giữ điều thơm tho

Quẩn quanh đồng vạc bãi cò

Mà " xương thịt" ngoại gửi cho trăm miền

Vì yêu tổ quốc - mẹ hiền

Tuổi xuân các cậu hồn nhiên góp bồi

Ạ ời…ngoại ngủ đi thôi

Vườn cau nở trắng hoa rồi gió ru!

(Nguyễn Ngọc Hưng)


***

Tự bạch



Chiều quê tháng Tám dầm mưa

Nổi chìm hạt gạo cọng dưa đọa đày

Lởm chởm gốc rạ luống cày

Trượt bàn chân vấp những ngày chưa xa

Lưng còng, mẹ cuốc đồng ta

Sáng khoai, tối sắn không ra khỏi nghèo

Bát cơm còn lắm gieo neo

Mồ hôi trắng áo nợ treo trắng đầu

Đất bùn mấy đỗi ải nhàu

Đồng quê mấy đỗi bừa đau lòng người

Mồ hôi mẹ nhẫn nại rơi

Đất đai nhẫn nại ươm tươi xanh đồng

Giận mình dở ngộ dở ngông

Chiều trốn phố bụi hoang rông giữa làng

Giọt nước mắt kẻ lang thang

Nhỏ vào đất nỗi muộn màng lòng tôi

Thương quê thương giọt mồ hôi

Càng rẻ càng nặng tay nồi mẹ bưng

Đỡ bát cơm nóng thơm lừng

Run tay mẹ bới

Ngập ngừng tay con

Phải chi được mẹ đánh đòn

Cho con chừa thói véo von sang hèn.


(Minh Tân)


***


Mẹ


Vẫn đây phiên chợ Cầu Đông

chỉ không còn mẹ để… "mong mẹ về"

Áo nâu đôi vạt sớm khuya

đã phơ phất tận bên kia cuộc đời



Trông lên cuồn cuộn mây trôi

ước gì mẹ có khoảng trời thật trong



Cõi trần vẩn đục bão giông

mẹ như thuyền lá vít cong mái chèo

Sớm chiều bóng chiếc gieo neo

đêm đêm lại dỗ cái nghèo ngủ say



Gánh gồng khóc thật cười vay

bên con… bên những đắng cay phận mình

Ngược xuôi tất tả mưu sinh

gom từng mặn ngọt để dành cho con



Con từ trong mẹ lớn khôn

khó khăn đã vợi… có còn mẹ đâu

bấy nhiêu nắng dãi mưa dầu

thoắt cùng mẹ hoá hết vào hư không

Giật mình giữa chợ Cầu Đông

nhác trông bóng mẹ giữa mênh mông chiều.


(Nguyễn Ngọc Hà)

***

Xóm cũ - lòng xưa



Về làng lặn ngụp sông quê

Xa xa đê uốn cong về điệu ru

Chiều tà cuộn bóng nắng thu

Hàng tre sót tiếng chim gù đâu đây

Bếp xưa khói bảng lảng bay

Chuồn chuồn ớt đã đậu cay mép rào

Xa quê từ thuở năm nào

Hoàng hôn vẫn cũ như bao nhiêu chiều

Lỡ thèm mái rạ liêu xiêu

Lại mừng xóm mới có nhiều nhà cao

Xa quê mài bạc mái đầu

Hoa dâm bụt đỏ chấm vào dậu thưa



Dù trời nhạt nắng phai mưa

Chợt mừng người cũ còn chưa mới lòng.


(Phạm Ánh Sao)

***

Về quê



Về quê chiều ấy làng Son

Vẫn con sông cạn cõng con đê gầy.



Nắng tây táp lá bèo tây

Trâu già nhai mỏi bóng cây đa già.



Tuyềnh toàng lều ngõ ngã ba

Be sành chạm phải bánh đa vỡ chiều.



Tờ rơi gấp một con diều

Trẻ con thả nốt mảnh nghèo lên không.



Đường làng vãn buổi chợ đông

Nhẹ tênh cái bán, trĩu gồng cái mua



Áo the, gậy trúc lên chùa

Chuông chiều thả giọt hư vô vào chiều.



Vó bè thức, ngủ thiu thiu

Cất lên hy vọng trênh trao lòng bầu



Còi xe phóng vội qua mau

Mái cao đôi quả sang giàu tròn quay.



Sân trường lốm đốm lửa bay

Bao nhiêu cánh phượng thả đầy Cõi Mơ!

(Trần Duy Đới)

Các bài khác: