BUỘC CHỈ CỔ TAY
Bạn Lào buộc chỉ cổ tay
Ý là son sắt từ nay em rồi
Ý là môi đã chạm môi
Tay cầm tay, ngực đập đôi nhịp tình
Cổ tay trắng, cổ tay xinh
Em về sợi nhớ vô hình quấn theo
Đường mây cao bổng cánh diều
Quý nhân là sợi chỉ điều nối dây
Mảnh mai một sợi chỉ gầy
Mà khâu nối núi sông này liền nhau
Mà vương víu mãi ngày sau
Hiển linh bút lực, nhiệm màu thi ca.
Nguyễn Thị Mai
Tôi vừa có chuyến đi thực tế qua nước bạn Lào, thật sự lý thú và bổ ích. Những ấn tượng tốt đẹp về người Lào, những dấu ấn văn hoá đặc sắc Lào còn rất đậm đặc trong trí tưởng của tôi, thì gặp được bài thơ Buộc chỉ cổ tay của nhà thơ Nguyễn Thi Mai trên báo Văn nghệ.
Thế là tôi đã đọc bài thơ nhiều lần, đọc một cách say sưa, cái hay của bài thơ chừng như được nhân lên bởi sự đồng điệu về ấn tượng và cảm xúc. Tôi viết được cái ký về chuyến đi, định bụng sẽ viết một bài thơ, nhưng loay hoay mãi vẫn chưa tìm được tứ. Cám ơn nhà thơ Nguyễn Thị Mai, đọc bài thơ tôi thật tâm đắc, nó đã gợi ý nhiều điều về bài thơ sẽ viết của mình.
Buộc chỉ cổ tay không chỉ đậm nét văn hoá tâm linh của người Lào, nó còn là những cơ hội giao tiếp giữa con người với con người, không phân biệt chủng tộc, màu da, biên giới, để dễ thân gần và gắn bó với nhau.
Nhà thơ Nguyễn Thị Mai thật sắc sảo, chọn tên một nghi lễ của người Lào làm tựa đề bài thơ, đó cũng là cái tứ độc đáo để khai thác thế giới nội tâm con người. Nhà thơ đã thi vị hoá hiệu lực nghi lễ buộc chỉ cổ tay, nâng nó lên một trạng huống cao hơn, đắc biệt hơn - trạng huống tình yêu: Bạn Lào buộc chỉ cổ tay/ Ý là son sắt từ nay em rồi/ Ý là môi đã chạm môi/ Tay cầm tay, ngực đập đôi nhịp tình. Phải là sự hoá thân, phân thân vi diệu, và cũng phải là con người đa cảm lắm mới thốt gọi được những câu chữ làm nên sự rung cảm chân thành mà có sức lay động mạnh mẽ đến vậy. Nghi lễ buộc chỉ cổ tay chỉ diễn ra trong chốc lát, sợi chỉ theo tập tục cũng chỉ giữ lại trên tay 3 ngày, thế mà nó đã trở thành sợi nhớ vô hình quấn quyện bền chặt suốt đời em. Gắn với hình ảnh "Cổ tay trắng, cổ tay xinh", sợi chỉ điều ấy như truyền cho em niềm phấn khích, sự may mắn, sức bay bổng diệu kỳ chắp cánh, nối dài được với muôn ngàn mơ ước, khát vọng cao xanh.
Cảm xúc thơ cứ thế dâng trào, để rồi bật ra những liên tưởng bất ngờ, độc đáo: Mảnh mai một sợi chỉ gầy - Mà khâu nối núi sông này liền nhau. Thật kỳ diệu khi một hình ảnh sợi chỉ gầy, mảnh mai đơn sơ lại đủ sức diễn tả tình hữu nghị đặc biêt Lào - Việt vốn đã dài rộng thẳm sâu “hơn nước Hồng Hà Cửu Long”, và qua cách cảm nhận của nhà thơ Nguyễn Thị Mai, tình cảm ấy dường như càng trở nên sâu sắc, thiêng liêng, bền chặt khi được được khâu nối bằng những sợi chỉ tâm linh.
Chỉ qua ba khổ thơ với cấu tứ, ngôn từ giản dị và mộc mạc, phải chăng nhà thơ muốn gửi gắm ẩn ý sâu xa rằng: Giá trị trường tồn của tỉnh hữu nghị giữa hai dân tộc đã và sẽ là sự gắn bó máu thịt giữa con người với con người được kiểm chứng qua thời gian với bao gian nan thử thách.
Là một nhà thơ, Nguyễn Thị Mai cũng không bỏ lỡ cơ hội, cầu mong sự linh nghiệm nhiệm màu độ trì cho mình, không phải vì danh lợi mà là vì tình yêu và lòng tin của con người. Lòng chân thành của nhà thơ đã kết đọng thành cảm xúc để chị tạo nên một bài thơ hay đến vậy.
Buộc chỉ cổ tay là một nét đẹp văn hoá, nhưng đã khơi nguồn cảm hứng, để rồi từ một câu chuyện tình giản dị, cảm động, nhà thơ đã khéo léo nâng lên thành tình cảm quốc tế cao cả. Thế mới biết, cái huyền bí của thi tứ chỉ có thể có được bằng năng lực sáng tạo và tình cảm chân thành, giản dị của người cầm bút.
Lâm Xuân Vi
(Hội viên Hội nhà văn Việt Nam)
Đ/c: Hội VHNT Ninh Bình
Email: xuanlamvi@yahoo.com