Quan họ là một làn điệu dân ca, một lối hát giao duyên nổi tiếng của vùng đồng bằng Bắc Bộ, mà tập trung chủ yếu ở vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Nội dung chính trong buổi hát quan họ thường là khi hai bên nam - nữ hát đối nhau. Bên nam gọi là liền anh, bên nữ gọi là liền chị. Các câu hát có thể được chuẩn bị sẵn, nhưng ra đến khi đối đáp nhau thì thường dựa trên khả năng ứng biến của hai bên
Các chàng trai, cô gái xứ sở quan họ hào hứng, hồi hộp đón chờ ngày hội làng, bởi trong những ngày hội đó, họ được thức thâu đêm, suốt sáng để được nghe, được hát và thi hát. Qua đó, họ học thêm ở nhau những câu ca, những làn điệu mới, họ tìm thấy ở nhau sự đồng cảm qua những ánh mắt, nụ cười.
Hầu hết lời ca của các bài ca Quan họ là thơ lục bát hoặc lục bát biến thể. Có tài liệu đã thống kê, phân loại thì thấy trong tổng số 285 bài lời ca Quan họ in trong cuốn sách ấy, có 237 bài theo thể lục bát hoặc lục bát biến thể, chiếm chừng 80%, 29 bài theo thể bốn từ hoặc bốn từ hỗn hợp, chiếm 12%, 19 bài theo các lối biến thể khác 8%.
Một số bài hát quan họ có lời gốc là thơ 6/8 và 4/8.
Thể thơ Lục bát 6/8:
Trống cơm
Trống cơm khéo vỗ nên bông
Một đàn con xít lội sông đi tìm
Thương ai con mắt lim dim
Khi hát lên sẽ thành:
Tình bằng có cái trống cơm
Khen ai khéo vỗ
Ố mấy bông mà nên bông
Ố mấy bông mà nên bông
Một bầy tang tình con xít
Một bầy tang tình con xít
Ố mấy lội, lội, lội sông
Ố mấy đi tìm, em nhớ thương ai
Đôi con mắt ố mấy lim dim
Đôi con mắt ố mấy lim dim
Một bầy tang tình con nhện
Ô ố ô ô mấy giăng tơ
Giăng tơ ô mấy đi tìm, em nhớ thương ai
Duyên nợ khách tang bồng
Duyên nợ khách tang bồng...
Trúc xinh
Trúc xinh trúc mọc bờ ao
Em xinh em đứng nơi nào cũng xinh
Trúc xinh trúc mọc sân đình
Em xinh em đứng một mình cũng xinh
Khi hát lên sẽ thành:
Cây i trúc xinh, tang tình là cây trúc mọc
Qua i lối nọ i như bờ ao
Chị Hai xinh tang tình là chị Hai đứng
đứng, đứng nơi nào qua lối như cũng xinh
đứng, đứng nơi nào qua lối như cũng xinh
Cây i trúc xinh, tang tình là cây trúc mọc
Qua i lối nọ i như bên đình
Chị Hai xinh tang tình là chị Hai đứng
đứng, đứng một mình qua lối như cũng xinh
đứng, đứng một mình qua lối như cũng xinh
Còn duyên
Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng
Còn duyên ngồi gốc cây thông
Hết duyên ngồi gốc cây hồng hái hoa
Yêu nhau chơi cửa chơi nhà
Cho thầy mẹ biết, đuốc hoa định ngày
Còn duyên buôn nụ bán hoa
Hết duyên ngồi gốc cây đa đợi chờ
Đừng thấy lắm bạn mà ngờ
Tuy rằng lắm bạn vẫn chờ người ngoan
Khi hát lên sẽ thành:
Còn duyên là duyên kẻ đón a đón người đưa
Hết i duyên là duyên đi sớm sớm về trưa í mặc lòng
Người còn không đây tôi vẫn ở không
Tôi mà còn không, đây em chửa có chồng
Đây tôi chửa có ai, tính a tinh tính tình tình tinh
A hội hà, hư hội hừ là hứ hội hừ
Còn duyên là duyên ngồi gốc gốc cây thông
Hết í duyên là duyên ngồi gốc gốc cây hồng là hồng hái hoa
Có yêu nhau sang chơi cửa chơi nhà
Cho thầy là thầy mẹ biết để đuốc hoa đuốc hoa định ngày
Tính a tinh tính tình tình tinh
A hội hà, hư hội hừ là hứ hội hừ
Còn duyên là duyên buôn nụ nụ bán hoa
Hết i duyên là duyên ngồi gốc cây đa chứ đa đợi chờ
Đừng thấy tôi lắm í bạn mà ngờ
Tuy rằng tôi lắm bạn nhưng vẫn chờ là chờ người ngoan
Tính a tinh tính tình tình tinh
A hội hà, hừ hội hừ là hứ hội hừ
Thế thơ 4/8
Ngồi tựa song đào
Ngồi tựa song đào
Hỏi người tri kỷ ra vào vấn vương
Gió lạnh đêm trường
Nửa chăn, nửa chiếu, nửa giường, đợi ai.
Khi hát lên sẽ thành
Ngồi rằng là ngồi tựa ối a song đào
ngồi tựa ối a song đào
Hỏi người là người tri kỷ ra vào có thấy vấn vương
Hự rằng hứ hối hư
Gió rằng là gió lạnh ối a đêm trường
Gió lạnh suốt đêm đông trường
Nửa chăn là chăn nửa chiếu ối a cũng có nửa giường là nửa giường để đấy đợi ai
Hự rằng hứ hối hư
Ca dao theo thể thơ lục bát là gốc của nhiều làn điệu dân ca. Những câu thơ lục bát mang đậm âm hưởng và hưng sắc tâm hồn Việt khi biến thành ca khúc nó càng đằm thắm và man mác tỉnh thơ của con người với tự nhiên và xã hôi. Ca dao dân ca truyền khẩu là kho tàng văn hoá dân tộc vô cùng quý báu, nó là di sản của cha ông ta từ ngàn đời nay để lại cho con cháu.
Sau Nhã Nhạc cung đình Huế và cồng chiêng Tây Nguyên, Việt Nam đã có thêm 2 di sản phi vật thể được UNESCO công nhận: Quan họ là di sản phi vật thể đại diện, và Ca trù là di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Giờ đây, Quan họ, Ca trù, Cồng chiêng, Nhã nhạc đã trở thành tài sản chung của toàn thế giới. Bảo tồn kho tàng di sản văn hóa vô giá này, từ nay đến mai sau không chỉ còn là nhiệm vụ riêng của dân tộc Việt Nam, mà còn là nghĩa vụ của chúng ta đối với toàn nhân loại.
Tham khảo http// e-cadao.com
Phạm Thanh Cải