Chủ nhật, 22/12/2024,


Câu thơ lục bát là gốc một số làn điệu chèo (Phạm Thanh Cải) (21/06/2010) 

 

Thơ lục bát là thể thơ độc đáo của Việt Nam. Hàng ngày, thơ Lục bát đi vào đời sống nhân dân quen thuộc như cơm ăn nước uống. Từ những câu ca dao tục ngữ, đến những lời ru con, đến câu ví von hay những chuyện vui hàng ngày, người ta thường sử dụng văn vần theo thể thơ Lục bát.  Có nhiều  làn điệu dân ca Việt Nam đã được phát triển từ một bài ca dao lục bát.

 Hát chèo là một loại hình hát phổ biến ở Đồng bằng Bắc Bộ, người ta sử dụng các bài thơ Lục bát ngắn, những bài ca dao làm lời gốc, sau đó phát triển thành các làn điệu khác nhau.
Thể thơ 6-8 được hát thành nhiều làn điệu, xin liệt kê một số làn điệu sau đây:

Sắp thường, Sắp cá rô, Sắp chờ, Sắp chênh, Sắp cổ phong, Sắp đan lồng, Sắp chợt, Sắp qua cầu, Hề bát môn, Du xuân, Trần tình,  Vãn theo, Vãn canh, Vãn cầm, Ba than, Làn thảm xuôi, Cấm giá, Bình thảo, Nhịp đuổi, Dậm chân, Có thành trị vì, Đào liễu một mình, Đường trường tiếng đàn, Đường trường phải chiều, Quá giang, Hề mồi đồn rằng, Đò đưa...

Lời gốc bài hát chèo là thể thơ Lục bát thuần tuý, nhưng khi hát, mỗi làn điệu khác nhau, nghệ nhân hát chèo lại thêm các từ luyến láy, đệm, đưa hơi vào khác nhau, nên nhịp điệu của mỗi làn điệu khác nhau.

Cũng thể thơ gốc là Thơ Lục bát nhưng khi hát vào các làn điệu nó mang sắc thái tình cảm khác nhau. Có là điệu thì vui tươi, có làn điệu thì buồn, có làn điệu trữ tình trong sáng...

Xin dẫn chi tiết hai làn điệu chèo cổ được phát triển từ các câu Lục bát, đặc trưng cho sự châm biếm, vui đùa...

Hề mồi đồn rằng

Thơ:
Đồn rằng ở tỉnh Hưng yên
Có cô con gái trái duyên nhờ chồng
Trống cơm khéo vỗ nên vông
Một đàn con nít lội sông đi tìm
Thương ai con mắt lim dim
Chân đi thất thểu như chim tha mồi
Ru con phải gẩy dàn môi
Sao mày chẳng ngủ cho rồi tay tao.


 Khi hát lên, nghệ nhân thêm các tiếng đệm và tiếng đưa hơi, và bài hát đầy đủ sẽ như sau:

   Vỉa: Đồn đồn rằng ở tỉnh phú lý mà Hưng yên, Hưng yên

    Trổ thân bài: Lúc bấy giờ mới có cô là  cô con gái có cô là cô con gái trái nhân duyên cô hay nhờ chồng ấy mấy chiếc trống cơm ai khéo vô tình nên vông bấp binh bấp binh bình binh bấp binh ấy mấy chiếc trống cơm ai khéo vô tình nên vông một đàn con nít phú lý lội lội lội lội sông cô mấy đi tìm cô bay nhớ thương ai đôi con mắt tình lim dim dấp dim dấp dim dấp dim dấp dim cô bay nhớ thương ai đôi con mắt tình lim dimchân đi là đi thất thểu thất thểu thất tha là thất thểunhư chim ấy tha mồi ấy ru con phải gẩy phú lý đàn môi tình ấy mấy ru con phải gẩy phú lý đàn môi,  mày mày chả ngủ cho rồi qua lới nọ mà tay tao

Đò đưa

Thơ: Phách nhất chèo mở lái ra
Phách nhì chưa vợ, phách ba chưa chồng
Mũi ơi thương lấy lái cùng
Có mũi có lái như rồng có mây
Thuyền tiên vui xuống sánh bày
Lênh đênh chèo quế sánh bày thuyền nan

Túi thơ bầu rượu cung đàn...

 

         Khi hát lên, nghệ nhân thêm các tiếng đệm và tiếng đưa hơi, và bài hát đầy đủ sẽ Trữ tình, trong sáng, có tiết tấu chèo thuyền, êm ái như sau:

            Trổ mở đầu: Chèo mở í lái i ra i này là chiếc phách nhất cô nàng ơi chèo mở lái i ì ra í i í i i i i .
          Trổ thân bài: Phách nhì là chưa có vợ i í i ớ i a ới a mà để phách ba thời phách ba chưa chồng ì này chú í i chú mũi ơi thương lấy ơ ơ thương lấy  lái cùng ì nàng rằng thời các cô nàng ơí i í i i í i này thương lấy lái í lái í cùng i í ì i chả có giậm i.

          Có mũi rồi ra có láíi i í i ới i a mà để như rồng thời như rồng thời như rồng thời i có mây i này là chiếc i chiếc thuyền i tiên í i lui xuống ơ ơ lui xuống sánh bày i nàng rằng thời các cô nàng ơi i ới i i i í i này lại lui xuống ở sánh i bày í í i i chả có i giậm i.

         Lênh đênh là con chèo quế í i i í i i a ới a mà để sánh bày thời sánh bàythuyền là í nay chiếc í i chiếc túi thơ í i i i hầu rượu i ì mấy cung i đàn í nàng rằng thời các cô nàng ơi i ới i i í i í ì i này này bầu bầu rượu mấy cung i đàn chả có giậm ì...

       
        Như vậy, người viết lời cho các bài hát chèo, cho hoạt cảnh chèo và một vở chèo rất cần phải thành thạo thể thơ lục bát. Khi viết, các soạn giả chỉ cần viết lời theo thể thơ đặc trưng của làn điệu cần sử dụng, người hát sẽ tự thêm tiếng luyến láy đưa hơi theo làn điệu đó và khi hát lên, câu hát chèo đã có nhịp, có phách như nó vốn có.

       Thơ lục bát là gốc của những làn điệu chèo trữ tình, đằm thắm, thiết tha, như những lời tâm sự của người dân lao động trong cuộc sống đấu tranh với thiên nhiên, trong giao tiếp xã hội, giao tiếp tình cảm trên xóm làng, đồng quê quen thuộc của mình.

 

                                                                      Tham khảo tài liệu của GS Hoàng Kiều

 Phạm Thanh Cải

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Phạm Minh Giắng - phamigia@gmail.com - 0987736365 - Trung tâm Bảo trợ xã hội Thái Bình  (Ngày 23/06/2010 06:01:21 PM)
          Tôi cũng có viết lời mới cho các làn điệu hát chèo và hát dân. Đã đôi bài tôi viết được Đài tiếng nói Việt Nam hát. Tôi cũng chưa hiểu biết nhiều về các làn điệu hát chèo. Cảm ơn Thanh Cải đã cung cấp kiến thức này

                  Mong Thanh Cải viết thêm nữa về các làn điệu hát chèo.

                                                   Phạm Minh Giắng
Các bài khác: