BẺ SEN AO CHÙA
Cành sen ấy giục lên chùa
Khuấy cho ao đục mà đùa chốn nghiêm.
Khói hương ngất ngưởng bước thèm
Trăng dồn mõ cuốn lọt rèm xuống chơi.
Này này mười tám đôi mươi
Rướn khoe búp thắm thơm ngôi chùa làng.
Một cành sen một lượm vàng
Bẻ xin lộc đất dám màng chi ai!
Cúi đầu trước bóng phật đài
Níu giùm trăng bước khoan thai xuống đồng.
Đồng mùa ai kịp cấy xong
Sen chùa này cũng cưới chồng như ai…
Phạm Ngọc Cảnh
Cánh đồng làng yên ả sau vụ cấy. Một ao sen trổ búp khoe sắc và dậy hương thơm ngát. Một ngôi chùa làng thâm nghiêm khói hương nghi ngút. Một khung cảnh yên bình của làng quê… Đọc thoáng qua tưởng là vậy, thế nhưng lại không phải vậy! Có một chút gì đó mang vẻ khát thèm tới độ bức bối cần được giải tỏa:
Cành sen ấy giục lên chùa
Khuấy cho ao đục mà đùa chốn nghiêm.
Sen trong ao chùa dường như không chịu nằm yên trong cái khung cảnh yên bình ấy. Mà cũng không phải sen, đó chỉ là một ẩn dụ, tác giả chỉ muốn mượn sen để nói về cái nỗi khát khao được sống được yêu của những cô gái làng. “Này này mười tám đôi mươi/ Rướn khoe búp thắm thơm ngôi chùa làng.” Họ lên chùa cầu xin cho cái duyên phận của mình sớm được yên bề đó chăng? Đành rằng duyên phận là thứ mà trời đất đã phân định riêng sẵn cho mỗi người, nhưng đây cũng chỉ là khẩn cầu trong cái hạn lượng nhất định mà trời đất đã ban cho ấy mà thôi:
Một cành sen một lượm vàng
Bẻ xin lộc đất dám màng chi ai!
Không chỉ có vậy, lời khẩn cầu trước bóng phật đài của các cô gái làng còn là mong sao cho thời xuân sắc của mình đừng vội qua mau. Thời gian xin hãy cứ trôi chầm chậm từng bước khoan thai để cho trăng vẫn lọt qua rèm với cuộc chơi trong khói hương ngất ngưởng. Và cũng là để cho: “Đồng mùa ai kịp cấy xong/ Sen chùa này cũng cưới chồng như ai...”
Đọc bài thơ, thấy hiển hiện hình ảnh một cô Thị Màu đầy vẻ khát tình, đậm chất nổi loạn, cùng cái ước vọng chân chính rất con người trong chèo cổ. Tuy vậy, niềm khát vọng của các cô gái làng trong “Bẻ sen ao chùa” lại được thể hiện một cách kín đáo và ý nhị hơn, mặc dù vẫn còn đó cái vẻ bất cần với: “Sen chùa này cũng cưới chồng như ai...”, nhưng xem ra đó lại là một lời tự an ủi, tự khích lệ chính mình.
Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh vốn nổi tiếng với những bài thơ ở các thể loại khác, như: “Trăng lên”(được phổ nhạc thành bài hát ‘Vầng trăng Ba Đình’), “Lý ngựa ô ở hai vùng đất”, “Sư đoàn”... Nhưng với những câu lục bát tài hoa trong “Bẻ sen ao chùa”, ông xứng đáng được tôn vinh như là một trong những cây lục bát hàng đầu của nền thi ca Việt Nam hiện đại.
TRẦN MINH TÂM