Bình Định luôn gợi nhớ trong ta những ấn tượng sâu sắc về một vùng đất giàu truyền thống thượng võ, đã hun đúc nên khí chất anh hùng bất khuất. Không biết tự bao giờ con người nơi đây đã mượn ca dao để mời gọi bước chân bè bạn về với miền đất võ:
“Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định bỏ roi, đi quyền”
(Ca dao)
Xung quanh bài ca dao quen thuộc này còn khá nhiều ý kiến thú vị, xin được mạn phép nêu ra ở đây.
Ai là người Bình Định, ai đã từng sống, từng được đắm mình trong bầu không gian văn hóa Bình Định cũng đều thuộc nằm lòng câu ca dao này. Vậy câu ca này có xuất xứ từ đâu?
Làng An Vinh nằm trải dài theo bờ bắc sông Côn, xa xưa rất trù phú. An Vinh hiện nay thuộc xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn. An Vinh xuất hiện những võ sư rất tinh thông võ nghệ một mình có thể địch hàng trăm người. Ở đây, có một câu chuyện về cô gái liễu yếu đào tơ hạ hàng chục cao thủ đến xin tỉ thí võ nghệ cầu hôn. Đó là cô Tám Cảng, con gái ông Hương mục Ngạc. Cô Tám lặng thầm đi vào huyền thoại võ Tây Sơn. Có lẽ cũng từ đây xuất hiện những câu ca kiểu như : "Trai An Thái, gái An Vinh" và cả câu ca chúng ta đang bàn đến nữa chăng?
Ai về Bình Định mà coi miền Ðất Võ, miền đất “cưu mang” trong lòng bao cặp phạm trù đối cực: biển xanh - cát trắng,tươi đẹp - khổ nghèo, hào hùng - bình dị, thanh cao - dữ dội, truyền thống - hiện đại, thượng võ - nhân văn. Ba mặt núi non hiểm trở với “năm dòng sông chảy sáu dãy non cao” ôm lấy Bình Định. Bình Định dựa lưng vào dãy Trường Sơn trùng điệp, gối đầu lên dãy Thạch Tấn ở phía Bắc, muốn vào Nam phải vượt qua thử thách đèo Cù Mông. Bờ biển lại gập ghềnh, lồi lõm. Địa hình hiểm trở đã khiến cho con đường giao lưu giữa Bình Định với bên ngoài không thể có chỗ cho những dấu chân thiếu bản lĩnh. Vì vậy võ nghệ cần được phổ biến và phát huy.
Võ Bình Định không có sự khác biệt giữa võ dành cho con trai hay con gái. Con gái Bình Định thậm chí còn hơn hẳn con trai. Ẩn chứa bên trong vẻ đẹp dịu dàng của thiếu nữ Bình Định là một ý chí rắn rỏi, một nghị lực sống phi thường. Vì vậy theo cố võ sư Hoàng Tùng - Phó Ban sáng lập Học viện Võ thuật Tây Sơn, câu ca dao trên viết là “bỏ roi” thì rất dễ dẫn đến hiểu lầm là bỏ cây roi (côn) xuống để thể hiện bài quyền. Trong thuật ngữ võ thuật người ta thường hay nhắc đến cụm từ “múa roi, bỏ bộ”. “Bỏ” ở đây cần được hiểu là sự thực hiện chứ không thể hiểu là bỏ xuống hay bỏ đi. “Bỏ” cần phải được hiểu theo thuật ngữ của võ thuật trong từ “múa roi, bỏ bộ”. Ngược lại trong những dị bản khác viết là “múa roi” hay “cầm roi”. Cái tài của người con gái ở đây là ở chỗ vừa có thể sử dụng roi vừa kết hợp với đi quyền. Thậm chí họ còn nâng võ thuật lên một trình độ điêu luyện, tài hoa nghệ sỹ: “múa roi”.
Các lão võ sư ở Bình Định cho biết các chiêu thức của bài roi do biểu thị cả hình và ý của nhiều loài thú nên hết sức biến ảo, nhiều nhẹ nhàng, uyển chuyển như múa vậy.
Người Bình Định còn mãi kể cho nhau nghe bản anh hùng ca dân dã về cuộc đời chàng Lía với tài “múa” roi:
“Ðường côn toàn vẹn trăm bề
Múa lên giông tố tiếng nghe vù vù”
(Vè chàng Lía)
Múa trong hát bội có quan hệ mật thiết với võ cổ truyền Bình Định trong đó có roi. Các động tác vũ đạo không thể thiếu nền tảng võ học để cách điệu, trau chuốt đạt đến giá trị thẩm mỹ cao. Nếu diễn viên không hiểu biết võ thuật thì không thể lập bộ vững vàng, thêm nữa - trong khi đứng, còn phải diễn và hát. Chính vì vậy nên cụ Đào Tấn - Hậu Tổ Hát bội Việt
Đứng trên góc độ quy tắc của thơ lục bát thì “múa roi” và “bỏ roi” hợp vần hơn là “cầm roi”. Chính vì những lý do đó nên chăng chúng ta hãy sử dụng “múa roi”?
Người viết đưa ra nhận định còn có phần chủ quan như vậy nên khó lòng thuyết phục hoàn toàn bạn đọc. Dám mong các bạn đến thăm quê hương của người anh hùng áo vải để có dịp được tận mắt thưởng thức những động tác uyển chuyển, nhanh nhẹn, nhưng cũng đầy khí chất dũng mãnh, quật cường, tinh tế mà các cô gái nơi đây thể hiện. Khi ấy, bạn sẽ có nhận định riêng cho mình.
Phạm Văn Học
(nguồn http://phamvanhock28.blogspot.com)