LỜI RU TRÊN VAI EM
Ngược xuôi, xuôi ngược dòng đời
Mấy yêu thương đã cạn lời phù du
Trên đường đến chốn nghìn thu
Vai em điểm tựa. Buồn ru nỗi buồn!
Thôi quên đi những giận hờn
Thôi quên đi những dị thường thế nhân
Ta là của một tiền căn
Em từ trong một định phần. Thế thôi!
Lên cao xuống thấp chơi vơi…
Bờ vai em ngát hương người tình chung
Ôi! ta tỉnh mộng anh hùng
Bon chen một thuở nẻo dừng từ đây!
Đất trời trên một bờ vai
Và ta an phận đêm này cùng em
Ngỡ ngàng áo nhuộm sương đêm
Ngờ đâu nước mắt tận niềm ái ân.
Tây Ninh 11.2009
Tôi là người lính, gắn bó với con tàu và biển đảo gần bốn mươi năm. Cuộc đời như những con tàu ra khơi, đi khắp mọi miền mênh mông biển cả, gặp bao nhiêu giống tố cuộc đời, làm nên bao nhiêu kỳ tích, nhưng kết thúc mỗi chuyến đi đều quay trở về bến đỗ của mình. Hạnh phúc thay khi mỗi con tàu dù đi đâu vẫn nhớ về bến đậu - Đó là nơi ta nghỉ ngơi sau những ngày gian lao vất vả. Đó là nơi con tàu neo lại để tránh bão, là nơi tiếp dầu tiếp nước cho những chuyến đi về sau, tới hành trình dài hơn, khó khăn hơn. Bến là nơi tiếp thêm sức sống cho con tàu.
Tình nghĩa vợ chồng chẳng khác nào con tàu và bến cảng. Con tàu không có một bến đậu, không có hậu phương vững chắc thì không thể vào đi những chuyến tới những miền đất lạ, xa xôi. Những anh hùng, hào kiệt; những văn nhân, thi sĩ, nếu không có một chỗ dựa tinh thần là người vợ đảm đang với tình yêu nồng ấm thì sẽ khó làm nên sự nghiệp. Chỗ dựa ấy, điểm tựa ấy không phải là sức lực mà là tâm hồn yêu thương vĩ đại của người vợ với chồng. Đàn ông, ai mà được tâm hồn người đàn bà che chở, vỗ về, động viên an ủi lúc gặp giông tố của trường đời thì hạnh phúc lắm thay.
Tình thương yêu của người vợ đóng vai trò vô cùng to lớn trong thành bại sự nghiệp của chồng, của những người đàn ông. Không những thế, bờ vai yấu mềm của người vợ lại là chỗ dựa thật sự, theo nghĩa đen, của người đàn ông. Dù trước đây, anh ta là thi sĩ vĩ đại, anh hùng cái thế, tung hoàng ngang dọc trên trường đời, nhưng khi lúc anh ta đã sức tàn lực kiệt, trên đường đến cõi nghìn thu, đến điểm dừng của cuộc đời, anh ta cũng cần một bờ vai để dựa. Đọc khổ thơ đầu tiên ta thấy ngay điều ấy:
'Ngược xuôi, xuôi ngược dòng đời
Mấy yêu thương đã cạn lời phù du
Trên đường đến chốn nghìn thu
Vai em điểm tựa. Buồn ru nỗi buồn'
Năm ngoái, nhà thơ Tế Hanh vừa mới qua đời ở tuổi ngoại 80, hơn một chục năm trời ông sống được là phải tựa trên đôi và tảo tần và yêu thương của người vợ. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng vậy, bờ vai Lâm Thị Mỹ Dạ đã sưởi ấm và là chỗ dựa tinh thần.
Cho nên, nếu người đàn ông nào mà coi thường phụ nữ, coi thường người vợ yêu quý của mình thì thật là một sai lầm to lớn trong cuộc đời mình. Vợ mình phải là nhất, là nơi mình tin tưởng và là chỗ dựa tinh thần. Tác giả Nguyễn Văn Tài, xuôi ngược dòng đời đã lắm, đến cuối đời đã nhận ra rằng bờ vai người vợ đã là: “Đất trời trên một bờ vai/ Và ta an phận đêm này cùng em” và bờ vai ấy vẫn ấm nồng, dù trải qua bao nhiêu biến cải của thế gian, của cuộc đời, thì bờ vai vẫn:
Lên cao xuống thấp chơi vơi…
Bờ vai em ngát hương người tình chung.
Ở đây, tác giả Nguyễn Văn Tài đã cho là do định mệnh, căn duyên, nên khi tỉnh mộng anh hùng, người chồng mới nghĩ đây là điểm dừng, đây là bến đỗ cuối cùng của cuộc đời mình:
Ôi! ta tỉnh mộng anh hùng
Bon chen một thuở nẻo dừng từ đây.
Theo tôi, không phải thế, không phải căn duyên, định mệnh, mà chính là tình nghĩa vợ chồng. Người xưa có câu: “Một ngày nên duyên, một ngày nên nghĩa”. Đã là vợ chồng, vui buồn có nhau, hạnh phúc có nhau, hoạn nạn có nhau, ăn ở bên nhau, hiểu nhau thì cái nghĩa tình nó to lớn lắm, sâu sắc lắm. Cho nên dù đi lên rừng xuống biển, tình nghĩa vợ chồng vẫn là keo sơn gắn bó. Chính vì vậy, trên đường đến chốn nghìn thu, người chồng đã kiệt cùng rồi, được tựa bên bờ vai người vợ thì vẫn còn là diễm phúc. Một câu danh ngôn mà tôi cho là hay: “Hạnh phúc cuối cùng của cuộc đời là được chết trên tay người tình”.
Nếu ai có người tình suốt đời là người vợ của mình thì người ấy thật là hạnh phúc. Đến điểm dừng, trên đường đến chốn nghìn thu, lúc này những gì phù du, những giận hờn, những dị thường thế nhân đều là vô nghĩa. Chỉ còn một tình yêu muôn thưở, đó là tình nghĩa vợ chồng, với bao nhiêu điều ân ái. Nước mắt của người anh hùng đã thấm bờ vai người vợ trong đêm trường thanh vắng mà như trời đã làm sương ướt đẫm bờ vai.
Câu thơ cuối cùng đã viết:
Đất trời trên một bờ vai
Và ta an phận đêm này cùng em
Ngỡ ngàng áo nhuộm sương đêm
Ngờ đâu nước mắt tận niềm ái ân.
Cứ tưởng rằng, bờ vai ướt đẫm sương đêm, biết đâu là nước mắt của người đàn ông, nước mắt tận niềm ái ân. Chữ tận ở đây rất đắt. Tận là điểm cuối, là dốc hết tất cả. Lúc này, tình yêu thương ân ái của người chồng đã dốc ra tất cả, cũng như dốc bầu tâm sự. Ôi, trên đường đến bến nghìn thu như vậy thì cũng là thanh thản và hạnh phúc tuyệt vời.
Bài thơ của Nguyên Văn Tài thật mộc mạc, không dùng những ngôn từ sáo rỗng và đánh đu với dòng lục bát, mà nó chân chất như lời nói cửa miệng hàng ngày. Tôi không thích những câu thơ của một số tác giả khác, ví dụ như: “Câu thơ ướt đẫm trời mưa...” hay “bẻ đôi câu thơ làm mái chèo lướt sóng”... Nó giả tạo và sáo rỗng. Câu thơ là một thể hoàn chỉnh, để nguyên thì hay, chứ bẻ đôi ra rồi thì chẳng còn gì nữa.
Bài thơ phảng phất nỗi buồn của một người trên đường 'đến chốn nghìn thu', nhưng lại được ấm lên bằng những lời ru buồn: 'Buồn ru nỗi buồn'. Nhiều người cứ nghĩ rằng, muốn cho một người khác đỡ đau buồn, hãy mang niềm vui đến cho họ, đưa họ đến những nơi ồn ào, sôi động để tìm vui. Nhưng chưa hẳn thế, khi nỗi buồn đã quá sâu sắc thì chẳng niềm vui nào át nổi. Lúc đó, chỉ có một nỗi buồn khác cùng đồng cảm, chia sẻ, an ủi thì mới có tác dụng. Chia vui thì niềm vui nhân đôi, sẻ buồn thì nỗi buồn vơi đi nhiều lắm. Tôi thích mấy chữ 'Buồn ru nỗi buồn' bởi vì nó mang tính triết lý sâu xa.
Bài thơ “Lời ru trên vai em” là một bài thơ hay của Nguyễn Văn Tài. Chúc anh có nhiều bài thơ hay như thế.
Nguyên Vũ - nguyenvu@yahoo.com - - Nha Trang
(Ngày 7/06/2010 06:20:07 AM)
Bài viết có nhiều nghiền ngẫm, suy tư nhưng thiếu tính lý luận, thiếu phát hiện những dấu hiệu nghệ thuật trong bài thơ . Và tôi không bằng lòng với cách anh mỉa mai thơ của tác giả khác kiểu như: Tôi không thích những câu thơ của một số tác giả khác, ví dụ như: “Câu thơ ướt đẫm trời mưa...” hay “bẻ đôi câu thơ làm mái chèo lướt sóng”... Nó giả tạo và sáo rỗng. Câu thơ là một thể hoàn chỉnh, để nguyên thì hay, chứ bẻ đôi ra rồi thì chẳng còn gì nữa.
Thực ra anh cũng như rất nhiều người hiểu thơ theo kiểu phàm trần thế này thì vô cùng nguy hiểm. Nếu chưa thật hiểu thơ người thì hãy khoan phê văn "hũ nút"
Dung Thị Vân - dungthivan2910@gmail.com - 0903 372219 - TP.Hồ Chí Minh
(Ngày 5/06/2010 08:03:42 PM)
Bài thơ LỜI RU TRÊN VAI EM của NGUYỄN VĂN TÀI đã được tác giả PHẠM THANH CẢI viết lời bình.thật sâu sắc. Phạm Thanh Cải đã phân tích hết bài thơ với lời bình mà người đọc chỉ biết gật đầu tán thưởng cho bài thơ với tứ hay và lời bình hay. Vâng, bờ vai của người vợ mà hai tác giả đã phân tích và bằng những lời thơ diệu kỳ đã cho người đọc đi đến bến bờ hạnh phúc yêu thương mà có lẽ cả cuộc đời làm kiếp người ai cũng mong muốn sẽ được và sẽ có như vậy.
Nhưng không hẳn ai cũng sung sướng có được một bờ vai suốt cả cuộc đời cũng như cuối cuộc đời như thế. Có nghĩa là bờ vai ta có được, âu đó cũng là định mệnh, cho dù muốn cho dù không thì cứ trời cho ta thì ta sẽ có. Bờ vai là điểm tựa, vâng ! Làm gì thì làm ta cũng cần phải có một điểm tựa. Điểm tựa là chỗ đứng là sự thăng bằng trong cuộc sống mà ta cần phải có. Cứ có điểm tựa là ta thấy yên tâm. Điểm tựa có rất nhiều yếu tố..Không chỉ phải tựa vào “cõi tình” mà là chỗ dựa tinh thần mà ta rất cần trong những khổ đau, trong những vấp ngã, trong mọi sự lo toan, mọi khó khăn mà ta cần được chia sẻ. Cho dù đó là một bờ vai tạm nhưng người ta cũng đủ nghị lực để vượt qua bao điều khó khăn. Ai mà không mơ có được một bờ vai trăm năm. Nhưng không phải ai cũng có được. Nhưng suy cho cùng thì bờ vai nào cũng là bờ vai, là điểm tựa của cuộc đời. Bởi vậy, khi đọc bài thơ :”Lời ru trên vai em” của Nguyễn Văn Tài và lời bình của Phạm Thanh Cải, Hạnh phúc thật vô bờ trong thơ và lời bình tràn ngập yêu thương. Tôi cảm thấy thương định mệnh khắc nghiệt cho những ai không có bờ vai san sẻ, bởi bờ vai có đi mua được đâu. Đó là hạnh phúc do Thượng đế ban tặng cho loài người. Vậy thì, xin nhà thơ Nguyễn Văn Tài và người bình thơ Phạm Thanh Cải hãy trân trọng và trân quý trong yêu thương bờ vai của mình đi nhé. Và thương cho định mệnh của cõi tình tựa đầu mượn tạm bờ vai. Xin được chia sẻ cùng hai tác giả.. Ngỡ ngàng áo nhuộm sang đêm Dung Thị Vân
Nguyễn Văn Tài - taivan26@yahoo.com.vn - 0908349114 - Hội VHNT Tây Ninh
(Ngày 5/06/2010 02:38:38 PM)
Kính gửi anh Phạm Thanh Cải và các anh chị BQT lucbat.com !
Là một người làm thơ. Khi tác phẩm của mình được sử dụng, phổ biến là một hạnh phúc. Hạnh phúc càng lớn gấp nhiều lần khi tác phẩm được cảm nhận, sẽ chia, đồng cảm... Nói thế để biểu hiện rằng niềm hạnh phúc của tôi lớn rộng biết bao khi đọc được bài viết cảm nhận cho bài thơ" Lời Ru trên vai em "của nhà thơ Đại tá Phạm Thanh Cải. Các anh chị thân mến ! Giờ thì tất cả những người yêu thơ lục bát trong và ngoài nước có thể tự hào về trang W.lucbat.com của chúng ta. Mục đích vô cùng lớn lao là đã kết nối, quy tụ tất cả các nhà thơ khắp mọi miền để cùng chung một tâm nguyện : duy trì, phát triễn một thể thơ truyền thống của dân tộc. Quý trọng hơn nữa là còn có những bài viết động viên, cổ vũ như anh Phạm Thanh Cải đã thực hiện. Tiện đây cũng xin gửi lời cảm ơn trân trọng đến các anh chị : Đặng Vương Hưng, Đạt Ma, Thủy Hướng Dương, Vũ Thiên Kiều, Phan Thành Minh... Là những người đã từng có lời động viên, khuyến khích, khen tặng... cho bản thân tôi có niềm tin để lưu giữ nguồn thơ lục bát trong hơi thở mỗi ngày. Trân trọng
Nguyễn Thu Huyền - thuhuyen0911@yahoo.com - Không có - Trường PTTH Bắc Duyên Hà, Thái Bình
(Ngày 5/06/2010 01:10:20 PM)
Đọc bài thơ Lời ru trên vai em tôi thấy rất hay, song khi đọc bài bình tôi hiểu sâu sắc hơn về tứ thơ, hình ảnh thơ mà người bình đã phân tích kỹ.
Xin cảm ơn cả hai Tác giả. |