Chủ nhật, 22/12/2024,


Thơ 20 năm đổi mới (Vân Long) (27/05/2010) 

'Còn đôi câu thơ xuất thần của nhà thơ Trúc Thông: Lá ngô lay ở bờ sông/ Bờ sông vẫn gió người không thấy về. Những người say mê thể thơ 6/8 và dị ứng với cách tân thường dẫn chứng: Đó! một nhà thơ “mô-đéc” như Trúc Thông mà khi nói lời tâm huyết nhất cũng phải nhờ thể 6/8, và thành công ở thể thơ này...

Còn chúng tôi, khi ngộ ra chân lý của cõi Người, của cõi Thơ thì thời gian còn lại quá hữu hạn, tuổi trẻ sung sức, tham vọng “vá trời” đã ở phía sau, Trăm điều mơ ước xin kỳ vọng ở các bạn, những nhà thơ trẻ…' (Vân Long)

 

 

 Lần đầu tiên trong lịch sử Thơ Lục Bát được dâng hương

 

Nhà thơ Bằng Việt và tôi khác nhau về thời điểm xuất hiện sớm muộn trong làng thơ, nhưng tình cờ cả hai đều mở đầu kỷ niệm Nghìn năm Thăng Long: ra mắt tập thơ tổng hợp cả quá trình làm thơ của đời mình. Một sự tình cờ thứ hai: không bàn trước gì với nhau mà cả hai đều có Đôi dòng tự bạchthay cho lời tựa đều xoáy vào điểm mấu chốt nhất của thế hệ văn học trưởng thành trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, đó là phạm trù Cái Tôi trong cái Ta, bản thể của cá nhân mình hòa nhập đến đâu với thế hệ mình, với cả cộng đồng trong cuộc chiến nói trên. Mối quan hệ đó không chỉ xuất hiện trong phạm vi thơ mà cho cả giới văn nghệ nói chung (vở kịch Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ). Về không gian, không chỉ với đất nước ta mà với cả thế giới mang lý tưởng nhân văn của một thời đại như cách nói của nhà thơ cộng sản Pháp Paul Éluard từ chân trời của một người đến với chân trời của tất cả, theo nhà thơ Bằng Việt.

Cùng suy nghĩ về một vấn đề, nhưng anh Bằng Việt khác tôi ở hướng quy chiếu. Anh Bằng Việt thì với tầm nhìn xa rộng qua tác phẩm những nhà thơ lớn thế giới anh từng tiếp cận khi dịch, giới thiệu thơ họ. Tôi thì chỉ soi vào trải nghiệm cá nhân mà cái tôi đã thực hiện trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam thời chiến. Hai hướng quan sát đã tình cờ bổ sung cho nhau về chiều rộng và chiều sâu của một vấn đề…    

 Đọc những bài thơ phần đầu hành trình thơ của tôi, hẳn nhiều độc giả không khỏi mỉm cười: À! Có một thời như vậy!..Có một niềm tin ở cuộc đời trong sáng  đến thơ ngây! Đó là giai đoạn bản năng, ấu trĩ của phần đông nếu không nói là hầu hết những cây bút trẻ thế hệ chúng tôi, xuất hiện sau cuộc kháng chiến lần thứ nhất. Chúng tôi đã dịch chuyển tư tưởng xã hội vào tư tưởng tác phẩm một cách thô sơ.

Chúng tôi nghĩ đơn giản: khi lý tưởng cộng sản đã là thiên đường của nhân loại, thì cơ chế ban đầu của nó hẳn cũng tốt đẹp, mọi biểu hiện tiêu cực chỉ là cá biệt. Phóng chiếu những cá biệt này lên trang chữ là một sự đánh mất lòng tin. Nhận thức này đã dẫn chúng tôi đến phản ánh hiện thực với định hướng có sẵn,  tô hồng hiện thực. Người sáng tác đã vậy, hệ thống tuyên huấn, lý luận phê bình cũng với quan niệm ấy nhuần thấm qua các bộ môn văn, triết các trường đại học, quán triệt đến từng cá thể làm công việc phê bình, biên tập ở các tòa báo, các nhà xuất bản. Từ quan điểm đó mà quyết định cách chọn in và đánh giá tác phẩm.

Nhà thơ chỉ viết cái tích cực mà bỏ qua cái tiêu cực, chỉ nói đến chiến thắng mà bỏ qua mất mát đau thương. Chỉ xây dựng những điển hình đẹp, ngỡ cái đẹp một chiều ấy đủ sức xua tan, đánh bại cái xấu cái ác lẩn quất quanh ta! Một rào cản vô hình dựng lên trước người viết, khiến anh muốn được công bố tác phẩm, anh phải né tránh những điều cấm kỵ bất thành văn. Những tai nạn nghề nghiệp của các đàn anh đi trước như cái gương nhỡn tiền. Một hình tượng mang tư tưởng nhân ái, nhân văn trong chiến tranh xuất hiện sớm sẽ thành một tổn thất không nhỏ cho tác giả của nó.

Chỉ sau Đổi mới với cách nhìn chiến tranh sâu sắc hơn, ta mới được đọc những câu thơ đau xót chân thực như trong trường ca Ngày đang mở sáng của Trần Anh Thái: Xác quân thù xác bạn gục vào nhau/ Kẻ thất trận dưới chân đồi lê bước…Kẻ thắng trận hai tay ôm mặt khóc/ Thương tích tạc vào gió thổi ngàn sau…những câu thơ thảng thốt chân thực, nhìn thẳng nhìn sâu vào những đau xót của chiến tranh, đọc gai người như lần đầu đọc Thân phận tình yêu (Nỗi buồn chiến tranh) của Bảo Ninh. Mùa xuân về trên mộ hai lính trận của Chử Văn Long chỉ được chọn in vào Tuyển tập thơ sau chiến tranh Thơ Việt Nam 1975-2000: Mùa xuân về trên mộ hai người lính/ Một phía bên kia một phía bên này /Những sợi cỏ gà bò lan chầm chậm/ Như bàn tay tìm gặp bàn tay…         

Cách nhìn chiến tranh này sẽ lâm nạn nếu xuất hiện trước Đổi mới!

Những bài thơ chỉ phác thảo bề ngoài của hiện thực với niềm tin yêu dễ dãi khi chọn lại, bằng cách nhìn hôm nay, tôi đã gỡ bỏ chúng một phần, kể cả nhiều bài ở những phần sau. Nhưng tôi không thể gỡ bỏ được số phận, cũng như không thể sống lại một cuộc đời khác! Và những gì thời cuộc đã nâng bước tôi, đã ám vào tôi, tôi đều phải chịu trách nhiệm về chúng, không thể đổ thừa cho ai! Chúng là những đứa con của tôi, chúng cũng là những đứa con của cộng đồng đã chấp nhận chúng, vào những thời điểm ấy…

 Thời điểm ấy, những vui buồn riêng tư của nhà thơ được cất giấu, người làm thơ xưng ta, nói thay cho cả cộng đồng mà không thấy cộng đồng ấy cũng là tập hợp những cá thể có buồn vui tâm trạng.

Không phải không có những lúc cái Ta vang lên chứa đựng rất nhiều “cái tôi” của bản thân. Như ở giai đoạn “Chào 61 đỉnh cao muôn trượng… Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu” (Tố Hữu). Năm ấy, tôi còn là một nghệ sĩ vĩ cầm non trẻ.

Dịp kỷ niệm Quốc Khánh năm 1961, tôi được tham gia Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và đoàn Hợp xướng vừa thành lập, xuống biểu diễn ở quảng trường Nhà hát lớn Hải Phòng. Xen giữa những bản nhạc Giao hưởng quốc tế, những hợp xướng trường ca Sông Lô, Điện Biên hoành tráng, nghệ sĩ Tường Vi đã ngâm bài thơ trên của nhà thơ Tố Hữu. Đúng đến câu thơ vừa dẫn, tôi cảm nhận một luồng ánh sáng kỳ lạ loáng trên biển người, như là sự cộng hưởng của hàng vạn ánh mắt khán giả trên quảng trường với những câu thơ Tường Vi đang trình bầy, đặc biệt là ở khu vực ngót nghìn kiều bào ta ở Thái Lan vừa cặp bến Hải Phòng, hồi cư để được sinh sống trong một đất nước độc lập mà khi họ ra đi còn lầm lũi trong hờn tủi. Lần đầu tiên tôi thấy được hiệu ứng một câu thơ quảng trường được sự đồng cảm của cộng đồng đến vậy!

Không thể phủ nhận những giờ phút thăng hoa của niềm tin đã cho ta tư thế ngẩng đầu mà bước tiếp!  Những khó khăn tiếp đó là chuyện bên lề…

Cái Ta của tôi cũng rất chân thực khi tôi được dự lễ đổ móng lò cao số một khu Gang thép Thái Nguyên, rồi thăm cô em gái lớn bồng lên ở khu Công nghiệp Việt Trì…Cái tôi cũng góp phần tận hiến đôi chút hạnh phúc riêng tư cho cái Ta trong chuỗi ngày bom đạn: Để lại người vợ trẻ ở Hà Nội mới cưới chưa đầy tháng, mang theo cây đàn, cùng với hồn thơ, hoà vào nhịp sống của một thành phố Cảng với những con người cần lao suốt cuộc chiến chống Mỹ với bom nổ chậm khu đông dân, thuỷ lôi vây phía biển…

Rồi những năm ghé vai cùng các bạn văn Trần Lê Văn, Phượng Vũ, Bế Kiến Quốc…chăm bón một vùng văn học xứ Đoài!

Tuổi trẻ của mình vậy là không trôi qua vô ích với cộng đồng!

Nhưng có điều mất mát không nhỏ vẫn day dứt tôi, phải chăng tôi đã không thể hiện được cái tôi với cả những trăn trở, băn khoăn, khi niềm tin bị thử thách…, những giây phút trĩu buồn, nỗi cô đơn cùng cực “một đầu đường không có ai trông ngóng, một buổi chiều không biết cất vào đâu”  như câu thơ của Thi Hoàng!

Quan niệm về phản ánh hiện thực đã bị hiểu hẹp lại tập trung vào những cái nhìn thấy bên ngoài, tạo một rào cản vô hình từ phạm vi đề tài đến hiện thực tâm trạng, tâm linh của cái tôi công dân. Lẽ nào, để vượt qua được những thử thách chung và riêng ấy, từ đạn bom thời chiến đến nỗi xa cách trong tình yêu, tôi không phải huy động đến nội lực của mình trong tiềm thức, trong vô thức? Đó là cái tôi đa diện, một nhân loại thu nhỏ, một con người thực sự có vui buồn với thăng trầm tâm trạng và thời cuộc.

Những câu thơ, bài thơ hay thời trận mạc thì có nhiều, vẫn là điều đáng tự hào không chỉ với giới thơ mà của cả một nền văn học, một dân tộc. Nhưng những câu thơ, bài thơ hay với chiều sâu tâm trạng, tâm linh gần đây chỉ được xuất hiện ở thời điểm đổi mới hoặc mấp mé đổi mới trong văn học, có nghĩa nhu cầu độc giả và người viết cấp thiết đòi hỏi vượt khỏi sự đơn điệu.

Thời điểm nhà thơ Thanh Tùng chép bài Thời hoa đỏ cho nhà biên tập Phạm Ngọc Cảnh, anh không tin rằng bài thơ sẽ được in, nhất là lại in trên Văn Nghệ quân đội. Vì tờ báo này trước đó (và những báo khác thời chiến cũng vậy) rất ít in thơ tình yêu đơn thuần, không kèm theo nhiệm vụ trong chiến đấu, nhất là bài thơ lại bộc lộ sự đau xót mất mát riêng tư như vậy. Ngay khi bài thơ in xong cũng gây một sự ngạc nhiên trong giới thơ, như sự đột phá báo hiệu một thời kỳ mới.

Còn đôi câu thơ xuất thần của nhà thơ Trúc Thông: 

 

Lá ngô lay ở bờ sông

Bờ sông vẫn gió người không thấy về

 

Những người say mê thể thơ 6/8 và dị ứng với cách tân thường dẫn chứng: Đó! một nhà thơ “mô-đéc” như Trúc Thông mà khi nói lời tâm huyết nhất cũng phải nhờ thể 6/8, và thành công ở thể thơ này. Tôi xin cải chính: Công của thể loại nhà thơ mượn để diiễn đạt là khá nhỏ bé bên cạnh tính chất tâm linh của câu thơ,  những bạn đã chứng kiến cảnh bà mẹ Trúc Thông giữa mưa rét gánh nước gạo ra chuồng lợn gửi ngoài bãi sông, chăn nuôi để nhà thơ của chúng ta có điều kiện ăn học thế nào, hẳn là những người đầu tiên xác nhận điều này: lá ngô lay, bờ sông hun hút gió là biểu tượng gợi nhớ có sức ám ảnh nhất về người mẹ của nhà thơ. Cũng như đôi câu thơ tâm linh của nhà thơ Trần Lê Văn: Có ai nghe thấy một tiếng vọng/ Thì thả con thuyền sang với tôi (Tiếng vọng). Tiếng gọi vắng lạnh thê thiết không dễ có sự giao cảm trên đời nên mới phải gọi vào vô định như vậy. Nhưng không ngờ, dường như nhà thơ Phùng Cung lại nghe được từ một văn cảnh khác: Đêm nghiêng gió chập chờn mưa gõ lá/ Không có sông sao có tiếng gọi đò! Những câu thơ tâm linh đó là hậu duệ của Không Lộ thiền sư, người đã Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư Kêu to một tiếng lạnh bên trời  mà tôi từng ca ngợi: Một tiếng tâm linh nghìn tiếng vọng/ Khoảng không hoá đá tạc thơ Người!                  

Trở lại thời điểm chiến tranh chống Mỹ, tôi cho rằng viết những buồn đau mất mát đó ra chẳng ích gì cho ai, khi mọi người đang bận những điều lớn lao hơn nhiều, như sự sống, cái chết, đứa trẻ khóc ngằn ngặt, thiếu sữa do bà mẹ thiếu ăn…Nhưng sao tôi phải mượn thơ bạn nói hộ lòng mình nỗi niềm chống chếnh như câu thơ trên của Thi Hoàng? Những câu thơ như vậy đâu phải là không có ích! Chưa nói đến sự cô đơn con người được thăng hoa thành Thơ, có thể thách thức cả sự huỷ diệt của một thời bom đạn!

Thi hào Nguyễn Du đã tô đậm chữ Tâm bên cạnh chữ Tài. Ta vẫn hiểu phần đậm nhất ấy là tâm đức, cái tâm nhân hậu, hướng thiện. Ngày nay, tôi nghĩ cần  tăng nghĩa chữ Tâm cho Thơ, không chỉ tâm đức, mà cần cả tâm trạng, tâm linh (tạm nói gọn về lẽ huyền nhiệm  ngôn ngữ tự tại của Thơ, nếu ta coi ngôn ngữ thơ như ngôn ngữ âm nhạc, ngôn ngữ hội họa, vũ điệu, theo Đỗ Lai Thúy (Bút pháp của ham muốn).   

Thơ của thời chống Pháp, chống Mỹ tuy nhiều sự hạn chế như trên, nhưng tính lý tưởng của nhà thơ khá rõ. Có người cho rằng thế hệ trẻ bây giờ thiếu cái đó, lại thừa điều kiện để phân tích nội tâm, thử nghiệm học thuật, nên dễ sa vào những tâm trạng vụn vặt hoặc tìm tòi nặng về hình thức, mà chưa nâng thơ lên tầm của những vẻ đẹp nhân văn. Những điều này đúng sai đến đâu, xin để dành cho một bài khác, nhất là dành cho những nhà nghiên cứu có tầm nhìn sâu rộng hơn vào thế hệ trẻ. Tôi chỉ xin lược lại những hạn chế của thời chúng tôi và nói điều thèm muốn có được những điều kiện sống và viết như các bạn trẻ hôm nay.

Còn chúng tôi, khi ngộ ra chân lý của cõi Người, của cõi Thơ thì thời gian còn lại quá hữu hạn, tuổi trẻ sung sức, tham vọng “vá trời” đã ở phía sau, Trăm điều mơ ước xin kỳ vọng ở các bạn, những nhà thơ trẻ…

 

VÂN LONG

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: