CÁI ROI NGÀY ẤY
Đinh Phạm Thái
Ngày nào con nghịch con chơi
Bỏ nhà đi suốt một hơi tối ngày
Làn roi rơi xuống thân gầy
Làm đau lòng mẹ, làm cay mắt bà
Bây giờ con ở đâu xa
Nắm xương không cửa không nhà mãi đi
Trường Sơn một dải xanh rì
Đất đen, đất đỏ, đất gì chôn con?
Chân run quờ chiếc gậy mòn
Sợ cầm phải cái roi còn đâu đây.
Lời bình của Lê Xuân:
NỖI ĐAU CỦA MẸ
Tục ngữ ta có câu “Yêu cho đòn cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” là để nói sự giáo dục rất nghiêm khắc của cha ông ta trước đây đối với con cháu. Chúng ta không đồng ý với lối giáo dục bằng đòn roi, nhưng đôi khi nhờ cái roi ấy mà nhiều cậu tú, cô tú nên người. Cũng có những cậu bé “Trốn học đuổi bướm cầu ao/ Mẹ bắt được chưa đánh roi nào đã khóc” (Giang
Trong cuộc đời dạy học của Makarenco (người Nga), ông đã rất ân hận khi tát một học trò hư. Nhà khoa học, nhà giáo Đinh Phạm Thái đã cảm nhận sâu sắc điều đó qua mười câu lục bát trong bài Cái roi ngày ấy. Bài thơ đạt giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi thơ lục bát của báo Giáo dục - Thời đại (1996 - 1998).
Bài thơ là một khúc hồi tưởng của người mẹ về người con giờ đây không bao giờ được trở về mái nhà xưa nữa. Cái tứ của bài thơ không mới nhưng cái tình thì rất nặng. Truyện trẻ con nghịch chơi bỏ nhà đi suốt một ngày cũng là chuyện bình thường, đời nào chẳng có, và chuyện cha mẹ đánh con cũng vậy. Đánh con mà lòng mẹ xót xa, và bà thương cháu cũng đành để nước mắt chảy vào trong mà thôi. Vì cả bà và mẹ đều mong con nên người: Làm đau lòng mẹ, làm cay mắt bà. Làn roi ấy ai đau hơn ai?
Bốn câu đầu bài thơ là quá khứ xa và bốn câu tiếp theo là quá khứ gần. Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã lùi xa gần một phần ba thế kỷ rồi, nhưng những hậu quả của nó vẫn cứ cào xé mãi trái tim bao nguời. Nỗi đau, nỗi ân hận của người mẹ như được nhân lên gấp bội, khi người con giờ đây là một liệt sĩ vô danh nằm lại ở Trường Sơn đại ngàn xa ngút:
Trường Sơn một dải xanh rì
Đất đen, đất đỏ, đất gì chôn con?
Cái nắm xương không cửa không nhà ấy biết bao giờ mới trở về với mẹ và hồn con còn mãi đi tận nơi nao? Trong tâm tưởng sâu thẳm của người mẹ đau khổ này, vẫn ánh lên một tia hy vọng về một ngày nào đó con trai mẹ sẽ về, dù chỉ là một nắm xương.
Hai câu kết của bài thơ là hai câu tài hoa nhất, nó làm bừng tỉnh giấc hồi tưởng của mẹ, đưa người đọc trở về với thực tại trần trụi:
Chân run quờ chiếc gậy mòn
Sợ cầm phải cái roi còn đâu đây.
Mắt mẹ đã mờ, chân đã run, phải chống gậy. Ấy thế mà người con duy nhất của mẹ lại chẳng thấy đâu. Mẹ chỉ thấy Cái roi ngày ấy vẫn còn đó. Mẹ cố tránh nó vì sợ chạm vào kỷ niệm rỉ máu này. Rõ ràng đây là chuyện Lá vàng còn ở trên cây/ Lá xanh rụng xuống trời hay chăng là? đã làm nhức nhói con tim bao người mẹ, người bà.
Mười câu thơ lục bát như một truyện ngắn nhỏ, có hình ảnh của người bà, người mẹ, người con. Có chi tiết của cái roi độc đáo, có không gian thời gian trải ra từ kháng chiến chống Mỹ đến nay. Thời gian, không gian và địa danh, hình ảnh cũng mông lung, khi ẩn, khi hiện theo dòng hồi tưởng. Chỉ có cái roi vẫn còn đó như một nhân chứng cho một thời đã qua.
Trên đời cũng có những người con khi lớn khôn rồi vẫn cứ thèm được một lần nằm xuống, cho bà cho mẹ đánh đòn để mong chuộc lại lỗi lầm. Những làn roi ấy sẽ giúp ta thêm khôn, thêm lớn, làm ta bớt đi bao vấp ngã trước sóng gió cuộc đời.
Có bao người mẹ “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ/ Các anh không về lòng mẹ lặng im” (Tạ Hữu Yên). Bà mẹ trong bài thơ Cái roi ngày ấy của Đinh Phạm Thái là một bà mẹ như thế! Ý thơ cứ tràn ra ngoài lời từ hình ảnh cái roi ngày xưa dưới bàn tay mẹ. Và hôm nay mẹ lại sợ nó xiết bao! Kỷ niệm đã rỉ máu, vết thương lòng bao giờ lên da non?
LÊ XUÂN
____________________
- Tên thật: Lê Xuân Bột
- Địa chỉ: Nhà số 55/5 CMT8, TP Cần Thơ
- Điện thoại: NR. 0710.3828.363; DĐ: 0947.615.119
- Email: xuanbot@gmail.com
Nguyễn Quang Chính - trinhhoaizang@gmail.com - -
(Ngày 24/05/2010 10:55:05 PM)
Trường Sơn một dải xanh rì
Đất đen, đất đỏ, đất gì chôn con? Chỉ có mỗi câu này chưa ổn...Bài thơ rất hay! |