CHUYẾN TÀU ĐỜI
Chuyến tàu đã chuyển bánh rồi
Xe qua từng trạm kéo còi chia tay
Khói tàu vơ vẩn thành mây
Mối tình lưu khứ thoáng bay lên trời.
Em tôi đứng giữa ga đời
Lần đầu tiên khóc, tiễn người đi xa
Xe qua cổng, khuất nhà ga
Bánh nghiền gió bụi, nghiến qua cõi lòng.
Đôi con đường sắt song song
Chạy về một hướng mà không giao đầu
Sân ga nằm nhớ con tàu
Tàu theo bóng sắc để sầu sân ga.
Trường đời là bóng đường xa
Tình đời là chuyến tàu qua vội vàng
Đắng cay cát bụi dặm đàng
Lòng ta là một đám tang... không mồ!
Thân tằm gầy guộc xác xơ
Chợ đời, mấy kẻ bán thơ làm giàu?
Đời ta lỡ mấy chuyến tàu
Vì chưng vứt bỏ công hầu sau lưng!...
Kiên Giang
Cảm nhận nỗi chết của sự ly biệt mới là nuốt lấy nỗi đau vô cùng. Lời nào muốn nói không bật thoát ra được, mối tình có thật sự đã bay? 'Thôi em về nhé, anh đi!':
Chuyến tàu đã chuyển bánh rồi
Xe qua từng trạm kéo còi chia tay
Khói tàu vơ vẩn thành mây
Mối tình lưu khứ thoáng bay lên trời
Con tàu là sự cách chia mối tình giữa người đi và người ở lại, là sự khốc liệt của điều ly biệt. Chuyến tàu rong ruổi có phải như một cuộc an bài? Còn cô gái? Chấp nhận trong nước mắt, đứng giữa ga đời bước trở về em có mải mê? Khi người ra đi cũng mang hồn em đi rồi. Năm tháng trông người trở lại, nước mắt em có khi nào ngừng chảy?
Em tôi đứng giữa ga đời
Lần đầu tiên khóc, tiễn người đi xa
Xe qua cổng, khuất nhà ga
Bánh nghiền gió bụi, nghiến qua cõi lòng
Những chuyến xe vội đi, những chuyến xe vội về, qua bao nhiêu con đường mang theo những tâm hồn vui có, buồn có. Không có điểm giao đầu làm sao gặp nhau cho đặng. Nhưng vẫn hiện hữu sự tương quan lẫn nhau, cần nhau. Như đời người vẫn miệt mài đi tìm kiếm lẫn nhau. Như sân ga vẫn nằm chờ con tàu và những con tàu đi về trên nẻo đường quen, mây trên đầu, gió thổi lốc bụi đường, vẫn cần sân ga để đỗ bến:
Đôi con đường sắt song song
Chạy về một hướng mà không giao đầu
Sân ga nằm nhớ con tàu
Tàu theo bóng sắc để sầu sân ga
Trong dòng đời mênh mang, trên những chuyến tàu đời xuôi ngựơc, tình cờ gặp nhau, cho nhau nụ cười quen biết. Hoặc bắt đầu hoặc sự nối tiếp cho bao lần giã biệt, hẹn hò nhau ngày về. Hay chỉ là lần sau cuối đưa tiễn một cuộc chơi đã tới hồi kết thúc. Tàu đi, người vãng, sân ga vắng. Đó là những mảnh đời đích thực, thảng thốt nhận ra còn gì, mất gì. Ai đã đi xa? Ai sẽ trở về? Chờ mong hay đã muộn rồi? Chỉ cần một bước hụt chân thôi, chuyến tàu đời sẽ đưa người ta đi mãi không có ngày về. Khi gió bụi đời phủ lấp mệt nhoài, nghĩa gì ngoài một nấm mồ chôn thân theo ngày tháng sống đời ảo ảnh:
Trường đời là bóng đường xa
Tình đời là chuyến tàu qua vội vàng
Đắng cay cát bụi dặm đàng
Lòng ta là một đám tang... không mồ!
Chợ đời có giống như một sân ga không? Cũng có kẻ đón, người đưa? Mỗi người là mỗi một số phần riêng mang. Chợ đời có đủ loại người, có nam có nữ, có già có trẻ... Có những rạng rỡ môi cười, no đủ. Cũng có thân trơ gầy, xác xơ. Chợ đời (bình yên và phồn thực), công hầu, danh tước chớ bán chớ mua, trò chơi lừa bịp khiến người đời ngộ nhận. Chợ có đi thì phải có về.
Những chuyến tàu đời ngược xuôi đưa những thân phận khóc biết vì sao mình khóc, thua biết vì sao mình thua: 'Đời ta lỡ mấy chuyến tàu'. Rồi vẫn lại đi tiếp... thôi thế thì thôi... đành thôi:
Thân tằm gầy guộc xác xơ
Chợ đời, mấy kẻ bán thơ làm giàu
Đời ta lỡ mấy chuyến tàu
Vì chưng vứt bỏ công hầu sau lưng!..
Câu thơ 'Vì chưng vứt bỏ công hầu sau lưng' làm tôi chợt nhớ tới câu thơ của Nguyễn Du:
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu!
Áo xiêm buộc trói lấy nhau,
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi!
(Nguồn: vnthuquan.net)