Trên thi đàn miền Nam thập niên 1970, nhiều bạn yêu thơ đã biết đến nhà thơ Đặng Tấn Tới. Anh đã có những tập thơ xuất bản trước và sau năm 1975 như Mưa mắt tình, Tâm thu kinh, Huyết hoa... Hiện nay, anh là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định. Dưới đây là lời bình của nhà thơ Thanh Thảo về một bài thơ khá tiêu biểu cho phong cách thơ của Đặng Tấn Tới.
Hết lời chẳng tới vô ngôn
Thơ ca rất mực chân dồn bước chân
Kìa kìa rõ cái gần gần
Đuổi chơi chớ bắt cho thần thẩn thơ
Nghìn xưa soi đến bây giờ
Bóng trăng trăng bóng ai ngờ nước xanh
Nên em mới lại vin cành
Thấy gì trong vắt dưới mành mi cong?
ĐẶNG TẤN TỚI
Lời bình:
Người ta nói thơ Đặng Tấn Tới thuộc dòng thơ Thiền. Có thể vậy, mà cũng không hẳn vậy. Thiền hay không chẳng ở cái cách thể hiện bài thơ, mà ở tâm thế người làm thơ. Ở tâm thế ấy, thì Đặng Tấn Tới đúng là thiền.
Còn thơ anh, lại rất có duyên với chất ca dao, chất dân ca Bình Định thuần mộc và bình dị. Như bài lục bát này, thoạt đầu dễ khiến người ta nhớ tới Bùi Giáng, nhưng chỉ cần tới câu thơ thứ ba, thì cái "mập mời" kiểu Đặng Tấn Tới đã hiện rõ: "Kìa kìa rõ cái gần gần"- cái "gần gần" ấy là cái gì , nếu không phải là... thơ? "Đuổi chơi chớ bắt" là một cách đối đãi với thơ rất... thiền, và cũng rất Đặng Tấn Tới.
Người ta có thể bày tỏ sự kính trọng với thơ bằng nhiều cách. Nhưng Đặng thi sĩ bày tỏ một cách, cách riêng của mình. Nó nhẹ nhàng tiêu sái, nhưng cũng không kém phần... tuyệt vọng. Bởi thơ với anh là cái gì tuyệt đối, tuyệt đích, và luôn cách người làm thơ một khoảng nào đó, có thể "gần gần" thôi, nhưng quả là khó để chụp bắt, càng khó hơn để sở hữu.
Thơ Đặng Tấn Tới trong, và lặng, như chính đời anh.
THANH THẢO
(Nguồn: Tuổi Trẻ Online)