Chủ nhật, 22/12/2024,


“Hữu duyên”, bài thơ thật có duyên (25/04/2010) 

 

HỮU DUYÊN
 

Có mây, có gió mới thành

Trời thu trong mát thẳm xanh lòng người.

Dòng sông cứ lững lờ trôi,

Không buồm sao thể thành lời biệt ly.

Trăng khuya mờ ảo làm chi,

Cành tre không ngả, lấy gì treo nghiêng.

Bóng thu buồn đổ bên thềm,

Không ai tựa cửa, có thêm đợi chờ.

Hoa thơm ôm nhuỵ thờ ơ,

Bướm không vờn đậu, bao giờ dâng hương.

Thơ tình đậm nỗi yêu thương,

Không người tri kỷ cũng thường vậy thôi!

Hữu duyên đâu sẵn ở đời,

Trời cho mình có một người bạn thơ!

Lòng ta ai thấu bây giờ

Nỗi lòng trải mấy vần thơ dâng đời.

Trần Mạnh Tuân

 



Tôi thật “Hữu duyên” khi gặp PGS-TS Trần Mạnh Tuân ở Bảo tàng PK-KQ đúng vào ngày Kỷ niêm 65 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, ngày lễ của cánh lính chúng tôi. Hôm ấy, Bạn thơ Thuỷ Hướng Dương cho ra mắt tập sách “Chúng tôi và MiG-17” viết về Đại tá Anh hùng Không quân Lê Huy Chao và tập thơ đầu tay “Hãy yêu khi ta còn có thể”, anh Phạm Minh Giắng ra mắt tập thơ thứ hai “ Mười con mắt nhớ”.


        Trần Mạnh Tuân là người cực kỳ hoạt bát, sôi động và lúc nào cũng có thể hài hước và sôi nổi, nhiều người gọi anh là Cây hài Lục bát. Mỗi ý, mỗi câu chuyện qua anh, đều trở thành một bài Lục bát vần vò và sinh động. Bạn đọc lucbat.com rất quý mến anh và nhiều người đã tỏ lòng mến phục.
 Cứ nghĩ anh  chỉ làm những bài thơ cổ động, bề nổi, hoá ra anh cũng làm thơ tình, thơ về triết lý nhân sinh sâu sắc và ý nhị . Bài thơ Hữu duyên là một minh chứng cho điều ấy.

 

Chúng ta đều hiểu rằng, Hữu duyên âu cũng là cái tất yếu của đất trời, của tự nhiên. Chúng ta sinh ra nó đã có rồi. Chúng ta chỉ việc hưởng thụ và cảm nhận. Phát hiện ra sự việc đột biến, dị thường thì dễ quá. Ai mà chả cảm nhận được. Thế nhưng cảm nhận được những gì tự nhiên vốn có lâu rồi, đòi hỏi người ta  phải có tâm hồn nhạy cảm.  
      

Trong bài thơ “Hữu duyên”, Trần Mạnh Tuân cũng phát hiện ra những điều tưởng chừng như rất là đơn giản:

 

Có mây, có gió mới thành

Trời thu trong mát thẳm xanh lòng người.

Dòng sông cứ lững lờ trôi,

Không buồm sao thể thành lời biệt ly.

Trăng khuya mờ ảo làm chi,

Cành tre không ngả, lấy gì treo nghiêng.

Bóng thu buồn đổ bên thềm,

Không ai tựa cửa, có thêm đợi chờ.

Hoa thơm ôm nhuỵ thờ ơ,

Bướm không vờn đậu, bao giờ dâng hương.

 

Đúng là có mây, có gió mới thành mùa thu trong mát thẳm xanh lòng người. Dòng sông là nơi chia tay của những người xưa, đi làm ăn phương xa, đi buôn bán bằng thuyền... đều chia tay bên dòng sông, bến nước... Hình ảnh con thuyền, dòng sông tượng trưng cho sự chia tay đã đi vào thơ ca, nhạc hoạ.  Nó thông dụng đến nỗi, Nhà thơ Thâm Tâm trong bài thơ “Tống biệt hành” cũng phải thốt lên một cách ngạc nhiên:

 

Đưa người ta không đưa qua sông
         Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng?

 

Làng quê Việt Nam đã đi vào những câu ca dao, dân ca đầy trữ tình. Hình ảnh thơ mộng của những câu ca dao thông thường là những câu thơ lục bát thật là huyền ảo và đầy chất dân gian. Hình ảnh câu ca dao được tưọng trưng bằng cành tre mờ tỏ trong đêm rằm có bóng trăng treo. Thử tưởng tượng rằng, nếu chỉ có cành tre, không có bóng trăng thì có nên một khung cảnh nên thơ không nhỉ? Trần Mạnh Tuân còn đặt giả sử thêm rằng, có cành tre, có bóng trăng, mà cành tre không ngả ra thì hỏi rằng trăng treo ở đâu đây?

 

Hình ảnh mùa thu, người thương bên thềm tựa cửa mong đợi người đi xa trở về. Hình ảnh bông hoa đến độ sung mãn, nở hết cỡ để khoe hương sắc làm đẹp cho đời, nhưng cũng là cho sự sinh sôi nảy nở, cho sự giao hoà của sự sống với thiên nhiên.  

 

Sự ràng buộc tự sinh, rất là hữu cơ giữa các sự vật trong sự sống, được tác giả nêu ra như: con thuyền và dòng sông, mây và gió, trăng và cành tre, bóng thu và người tựa cửa bên thêm sớm mai , hoa và bướm... để có được hình ảnh buồn biệt ly, trời thu, niềm mong đợi, sự dâng hương và  thụ phấn... là những tất yếu. Điều đó đựơc nêu ra như những chân lý của cuộc sống. Đó là phản ánh hiện tực vào nhận thức của con người, đúng như chúng tồn tại trong thực tế khách quan. Đây là hình thức chứng mình bắc cầu, điều này đúng để dẫn đến khẳng định rằng điều sau cũng đúng.

 

Nếu ta đã công nhận những điều trên đã là chân lý rồi thì ta phải công nhận điều đúng dưới đây. Đó là hình ảnh bài thơ và người đọc, hay nói chính xác hơn là sự tương ngộ của những người bạn thơ ý hợp tâm đầu. Đó cũng là hình ảnh “tâm điểm” của bài thơ, và cũng là cái “gút” của bài thơ:

 

Thơ tình đậm nỗi yêu thương,

Không người tri kỷ cũng thường vậy thôi!

 

Điều này tác giả tâm sự thật chân thành. Bài thơ tình làm ra, tự mình rất là tâm đắc, tưởng chừng như mình đã trút hết tâm can, như viết bằng bầu máu nóng và thổi lên bằng hơi thở của mình... Thế nhưng, nếu không gặp được người hiểu mình, hiểu bài thơ của mình thì bài thơ ấy chẳng khác nào như bị chết và nó sẽ đi vào dĩ vãng theo năm tháng và tuổi tác già nua của ta.

 

Ngày xưa, Bá Nha gảy lên cung đàn huyền diệu, nhưng nếu không gặp được Chung Tử Kỳ thì cung đàn ấy người đời cũng chỉ bất quá cho là ngang với tiếng bật bông. Chính vì vậy, Nguyễn Du mới viết:

 

Rằng nghe nổi tiếng cầm đài

Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ. (Kiều)

 

Thơ hay phải có bạn hiền”. Điều này người xưa đã từng nói. Vì vậy, làm thơ phải có người thưởng thức thơ. Đọc phải có người nghe. Thơ phải có người cảm nhận. Dù cảm nhận ấy là khen hay chê, đều là đáng quý. Chỉ sợ rằng, thơ làm ra chỉ nằm trên bàn, nằm im trong trang sách, trên trang điện tử mà không ai ngó tới, mà có ngó thì cũng chỉ lướt qua chả thấy nói năng gì.

 

Trang thơ Lục bát mỗi ngày của trang website lucbat.com là một trang thơ có nhiều bạn đọc và cảm nhận. Cửa sổ phản hồi của nhiều bài của nhiều tác giả đã đầy ắp những cảm nhận, những tình cảm chân thành và nồng nhiệt của các bạn thơ. Đây là nơi giao lưu giữa người viết và người đọc, và cao hơn nó là nơi giao lưu của những người bạn chân thành cùng yêu thơ Lục bát với nhau. Nhiều người đã tìm thấy trang thơ lucbat.com một nơi gửi gắm nỗi niềm, một nơi giãi bày tâm sự, và chính nơi đây, họ đã gặp được những người bạn tốt.

 

Những ai đã tìm được những người bạn tốt trên trang lucbat.com là những người hữu duyên. Người xe duyên chính là người bạn lucbat.com chân tình nhưng khoáng đạt. Thày giáo Trần Mạnh Tuân trên giảng đường là một người thày có vốn kiến thức chuyên môn sâu rộng được sinh viên nể phục, ngồi ở chiếu thơ, anh cũng được thi hữu tin yêu. Mấy nữ thi sĩ bảo rằng: anh thật có duyên.

 

Nguyễn Đức Trường
Đ/c: 47/459, Bạch Mai, Hà Nội
Email: suthuthach@gmail.com

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Đức Tuỳ - ndtuy@yahoo.com.vn - 0974131428 - Việt Trì- Phú Thọ  (Ngày 28/04/2010 11:13:29 AM)
       Tôi rất tâm đắc với bài thơ "Hữu duyên" của thầy giáo Trần Mạnh Tuân và bây giờ đọc bài viết của bạn Nguyễn Đức Trường càng thấy thêm cái hay cái đẹp của bài thơ đó. Bạn Nguyễn Đức Trường đã phân tích rất sâu sắc những ý của bài thơ của nhà giáo, nhà thơ Trần Mạnh Tuân, chứng tỏ rằng giữa hai ngườibạn thơ đã có mối giao hoà đồng cảm và thật sự là "hữu duyên" đối với nhau.
       Tôi là người đến với lucbat.com hơi muộn nhưng rất may mắn được giao lưu với thầy giáo Trần Mạnh Tuân từ buổi mới làm quen với trang thơ lục bát. Thầy không những là người tràn đầy nhiệt huyết với lucbat.com mà còn là người có một tâm hồn thơ rất dạt dào khoáng đạt. Có thể nói không kể loại thơ nào, từ thơ trữ tình đến thơ trào phúng hay thơ thiếu nhi thầy đều làm được, làm rất nhanh và cũng rất hay. Đặc biệt là với mục phản hồi ta luôn thấy sự xuất hiện kịp thời của thầy Tuân và những lời bình rất dí dỏm .
Điều đó nói lên rằng thầy là một con ngươi rất chân tình và đầy lòng thương yêu đối với tất cả mọi người.
Xin kính chúc thầy luôn luôn vui khoẻ, thành công trong sự nghiệp trồng người và có nhiều thơ hay đóng góp nhiều cho lucbat.com. Xin cảm ơn bạn Nguyễn Đức Trường đã cho bạn đọc một bài bình thơ thật hay và đầy tình nhân ái!
Các bài khác: