Chủ nhật, 22/12/2024,


Thử bàn về các cặp đối trong thơ lục bát (23/04/2010) 

Thú chơi câu đối của người Việt đã có từ xa xưa, cổ lắm rồi. Những câu đối đơn giản, không được gọi là câu đối để treo, bởi nó xuất phát từ một câu nói cửa miệng, dân dã của người dân lao động, của quần chúng. Ví dụ: Tôi tôi vôi, bác bác trứng. đây chỉ là một câu, nhưng có hai nửa đối nhau. Tôi đối với bác theo cả chức năng danh từ (tôi - bác) và động từ (tôi – bác), trứng đối với vôi...

Trong một câu đối, dù đơn giản nhất cũng phải tuân theo luật đối. Đó là: bằng đối với trắc, danh từ đối với danh từ, tính từ đối với tính từ, động từ đối với động từ, số đếm đối với số đếm...

Thông thường, khi đối thanh, nếu đạt được thanh của từng chữ đối với thanh của từng chữ là tốt nhất. Nếu không, ít ra thì những chữ ở cuối nhịp cũng phải đối thanh với nhau.

Trong câu lục bát, thường có những tiểu đối trong những câu lục hoặc câu bát, khi những câu này được ngắt nhịp làm hai nửa. Truyện Kiều có rất nhiều câu như vậy:

Tiểu đối ở câu Lục:

- Người nách thước, kẻ tay dao
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi.

- Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn muời.
- Nhẹ như bấc, nặng như chì
Gỡ cho ra nữa còn gì là duyên.
- Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.

Hoặc ở câu Bát:

- Một đoàn đổ đến trước sau
Vuốt đâu xuống đất, cánh đâu lên trời.
- Sinh đà nát ruột như bào
Nói ra chẳng tiện, nuốt vào chẳng đang.

- Ở trong còn lắm điều hay
Nỗi đêm khép mở, nỗi ngày riêng chung.
Này con thuộc lấy làm lòng
Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề.

Hoặc ở cả hai câu Lục và Bát:

- Khi tựa gối, khi cúi đầu

Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày.
- Khi khoé hạnh, lúc nét ngài

Khi ngâm ngợi nguyệt, khi cười cợt hoa.

- Khi gió gác, khi trăng sân
Bầu tiên chuốc rưọu, câu thần nối thơ.

Đọc những câu thơ có tiếu đối này, ta dễ dàng nhận thấy, ở giữa câu bao giờ cũng có dấu phẩy để ngắt nhịp. Câu Lục được tách làm hai nhịp chính, câu Bát được tách thành hai nhịp chính và hai nhịp phụ. Khi đọc thơ, người đọc phải tuân theo ngắt nhịp này mới thấy hết cái hay, cái đep của bài thơ. Khi trình diễn thơ, người trình diễn cũng phải ngắt nhịp cho đúng thì mới thể hiện cái thần của câu thơ.

Bây giờ đông người làm thơ lục bát lắm. Điều đó đáng mừng cho Thơ Lục Bát, bởi vì vẫn còn đại đa số những người yêu thơ và không yêu thơ ưa  chuộng. Sở dĩ nói những người yêu thơ ưa chuộng thì là lẽ dễ hiểu. Nhưng nói những người không yêu thơ vẫn dùng lục bát là những người chẳng bao giờ yêu thơ nhưng vẫn đọc những câu đố theo thể lục bát, những câu Thơ Bút Tre theo thể lục bát, nhưng câu trào phúng theo thể lục bát...

Có nhiều người làm thơ lục bát, ngẫu nhiên cũng dùng thủ pháp tiểu đối trong câu thơ của mình. Nhưng có thể họ không hiểu về luật đối, cũng có thể họ sơ ý, mà câu thơ có tiểu đối này không được hoàn chỉnh lắm.

Nói xa gì cho viển vông. Ta hãy thử tìm trong vườn nhà xem, có gặp lỗi này không.

Đọc bài thơ: “Lục bát có thể bán buôn” của tác giả Trương Thiếu Huyền, ta sẽ gặp rất nhiều câu đối và tiểu đối. Ngay cái đầu đề, tác giả cũng muốn đối ý với câu thơ của Đặng Vương Hưng. Câu thơ là: “Lục Bát không thể bán buôn”, và đối lại là: “Lục bát có thể bán buôn”. Trọng tâm của ý đối ở đây là có và không.

Trong các câu thơ cũng có nhiều câu tiểu đối:

Lục bát có thể bán buôn

Bán trời cho đất, bán buồn cho mây

Mang đêm cầm nợ ban ngày

Thế câu lục bát mà vay phận mình
Trúc xinh ai gán đầu đình

Em xinh chuộc lại tuổi mình mười lăm

 

Ở đây, câu tiểu đối: “Bán trời cho đất, bán buồn cho mây”, bị lỗi ở chữ trời là danh từ, chữ buồn là động từ. Nếu câu này thay bằng: “Bán vui cho đất, bán buồn cho mây” thì sẽ hợp lý hơn.

Tác giả dùng nhiều ý đối, tuy không thành các tiểu đối, nhưng nó là các cặp phạm trù, cặp sự vật thường đi với nhau: đêm-ngày, thế-vay, gán-chuộc.

Trong thơ của Đặng Vương Hưng cũng có nhiều bài sử dụng lối chơi chữ đối ý và đối nghĩa. Ví dụ trong bài 'Lục bát đôi câu', tác giả sử dụng khá tài tình các cặp đối ngược nghĩa, ở ngay đầu câu mỗi cặp 6/8: Không - Có; Gần - Xa; Trước - Sau; Giận - Thương; Nhớ - Quên; Được - Mất...

 

Không em cứ nghĩ ta thừa

Có em mới hiểu mình vừa mất chi

 

Gần em chẳng biết nói gì

Xa em ta lại tức thì huyên thuyên

 

Trước em ta hóa vô duyên

Sau em ai hiểu nỗi niềm ta đây?

 

Giận em cho tỉnh cơn say

Thương em cho bớt đắng cay nửa đời

 

Nhớ em ta hóa dở hơi

Quên em ta khóc và cười bằng thơ

 

Được em là chuyện... trong mơ

Mất em vĩnh viễn - Ta khờ quá thôi!

 

Trong bài '“Học quên để… nhớ cho nhiều”, Nhà phê bình văn học TS. Vũ Nho cũng nhận xét: “Mỗi câu thơ có hai mặt đối lập. Nhà thơ 'đi học' một mặt này là nhằm vào cái mặt đối lập kia của nó: Quên để nhớ, hờn giận để cưng chiều, lẻ loi để có đôi, ghen để thêm yêu... Và đặc biệt là: 'Học sắc sảo để dại khờ/ Học già dặn để ngây thơ thủơ nào'...

 

Đọc bài “Cái thời tôi viết” ta gặp câu :

Cái thời tôi viết cho ai

Ngày đi quên rộng, đêm dài quên sâu

Câu Bát có tiểu đối. Theo luật, ở đây cần các chữ “ngày đi” đối với “đêm dài”, “sâu” đối với “rộng”. Nhưng gặp lỗi là “đi-động từ” không thể đối với “dài-tính từ” được. Nếu ta viết lại là: 'Ngày xa quên rộng, đêm dài quên sâu” thì có lẽ hợp lý hơn, vì lúc này: 'xa, rộng, dài, sâu” đều là tính từ. Như vậy sử dụng tiểu đối trong câu lục bát thuộc về kỹ năng làm thơ lục bát. Những ai sử dụng khéo léo, đúng luật thì sẽ làm cho thơ mình hay hơn, uyển chuyển hơn.

 

Phạm Thanh Cải
Email: phamthanhcai@gmail.com

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Trần Lưu Phương - luuphuong.tran@yahoo.com.vn - 0935492635 - Long Khánh- Đồng Nai   (Ngày 19/05/2010 05:40:03 PM)

 Hôm nay Phương hữu duyên vào đây đọc bài của Bác và nảy ra 1 câu xin góp vui:

Bác Cải chữ, Anh Hưng thơ
Người âm thầm đọc, Phương ngờ nghệch comm.

Các bài khác: