HỌC QUÊN ĐỂ...
NHỚ CHO NHIỀU
Học quên để... nhớ cho nhiều
Học hờn giận để... cưng chiều đấy thôi!
Học lẻ loi để... có đôi
Học ghen là để... cho người thêm yêu.
Em thì xa vắng bao nhiêu
Tôi đành học cách nói điều vu vơ.
Học sắc sảo để... dại khờ
Học già dặn để... ngây thơ thuở nào...
Tôi giờ còn lại chiêm bao
Cố trần tục để... thanh tao kiếp người.
Mải mê học khóc cho... cười
Quên hờ hững để cùng người đam mê...
Tháng 1-2000
Đặng Vương Hưng
“Tục ngữ Anh có câu: “Biết tất cả nghĩa là không biết gì hết” (To know everything is to know nothing).
Đặng Vương Hưng đã diễn tả rất thơ một cách đa diện, nhiều chiều suy tư của con người vốn rất người, do luôn tồn tại trong mình những 'mặt đối lập'.
Mục đích “đi học” của nhà thơ là nhằm ở 'mặt đối lập' ấy: “Tôi giờ còn lại chiêm bao/ Cố trần tục để... thanh tao kiếp người”.
Có lẽ chỉ những người đã từng trải và chiêm nghiệm cuộc sống mới hiểu hết được ý nghĩa của cái sự dụng công “đi học” này!”
(Đắc Lê)
“Mỗi câu thơ có hai mặt đối lập. Nhà thơ 'đi học' một mặt này là nhằm vào cái mặt đối lập kia của nó: Quên để nhớ, hờn giận để cưng chiều, lẻ loi để có đôi, ghen để thêm yêu... Và đặc biệt là: 'Học sắc sảo để dại khờ/ Học già dặn để ngây thơ thủơ nào'...
Nghĩa là, người ta học là để sống cuộc sống thật sự của con người, chứ không phải để trở thành những vị thánh!
Triết lý giản dị ấy, trong đời ai cũng gặp, nhưng đâu phải ai cũng nhận ra!”
(Vũ Nho)
“Một bài thơ có tứ rất lạ: Học quên để nhớ! Tưởng như một nghịch lý, nhưng lại là nghịch lý đáng yêu, dại khờ và khôn ngoan của người làm thơ. Chả thế mà anh đã 'Quên hờ hững để cùng người đam mê'.
'Quên' như thế là 'khôn' lắm đấy Nhà thơ ơi!”
(Trần Nhật Thu)
“Có những bài học ngỡ như nghịch lý, đầy mâu thuẫn, không bao giờ có trong bài giảng của các thầy cô giáo với học trò, không được biên soạn vào sách giáo khoa... nhưng lại không thể thiếu với mỗi con người trong cuộc sống.
Bài học ấy chỉ có trong 'trường đời' và nó tuân theo quy luật của... tình yêu. Cái triết lý giản dị 'Học quên để... nhớ cho nhiều' là như thế chăng?”
(Lê Đình Thắng)
------------------------------------
Rút từ tập thơ “Học quên để nhớ”
MỘT TRIẾT LÝ NHÂN SINH BÌNH DỊ
Trước hết tôi xin dẫn lại lời bình của Đắc Lê về bài thơ lục bát trên của Nhà thơ Đặng Vương Hưng. “Tục ngữ Anh có câu: ‘Biết tất cả nghĩa là không biết gì hết’. Đặng Vương Hưng đã diễn tả rất thơ một cách đa diện, nhiều chiếu suy tư của con người vốn rất người, do luôn tồn tại trong mình những ‘mặt đối lập’. Mục đích “đi học” của nhà thơ là nhằm ở ‘mặt đối lập’ ấy. “Tôi giờ còn lại chiêm bao/ Cố trần tục để… thanh tao kiếp người”. Có lẽ chỉ những người đã từng trải và chiêm nghiệm cuộc sống mới hiểu hết được ý nghĩa của cái sự dụng công ‘đi học’ này !”
Từng cặp 6/8 trong bài thơ “Học quên để… nhớ cho nhiều” của nhà thơ Đặng Vương Hưng gieo vào tôi luồng suy tư về những triết lý ngược chiều. Tưởng chừng vô lý, nhưng đặt hai thái cực vô lý ấy bên nhau thì đem lại một điều có lý không thể chối cãi được.
Một sự học, một sự so sánh liền kề để mang lại cho người đọc một triết lý nhân sinh, bình dị, dễ nhận biết.
Một người đã học được nhiều sự sắc sảo thì cái dại khờ thể hiện thật tế nhị. Ví như không có trần tục thì hiểu sao nổi cái thanh tao kiếp người quả là một triết lý sâu sắc. Tình người… tình người chỉ khi nào quên hờ hững thì mới có sự đam mê thực sự… Từng cặp đi với nhau so sánh bổ trợ cho nhau để cuối cùng dạy khôn cho đời. Cũng như nếm cay đắng, để biết ngọt bùi…
Thơ của Đặng Vương Hưng sâu xa là vậy!
Đức Thọ
(Thạch Thất – Hà Nội)
ĐT: 04.33842811
Email: ducthotgm03@yahoo.com