Thứ bảy, 21/12/2024,


Bài ca dao Tát nước đầu đình (16/04/2010) 

TÁT NƯỚC ĐẦU ĐÌNH, MỘT BÀI CA TÌNH YÊU TRONG LAO ĐỘNG


Văn bản:

Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen.
Có được thì cho anh xin,
Hay là em để làm tin trong nhà ?
Áo anh sứt chỉ đường tà,
Vợ con chưa có, mẹ già chưa khâu,
Áo anh sứt chỉ đã lâu.
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng .
Khâu rồi anh sẽ trả công
Đến lúc lấy chồng, anh sẽ giúp cho,
Giúp cho một thúng xôi vò
Một con lợn béo, một vò rượu tăm,
Giúp cho đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn em đắp, đôi chằm em đeo,
Giúp cho quan tám tiền cheo,
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau...


       Mở đầu bài ca là một không gian nghệ thuật, vừa có cái không khí thiêng liêng của đình làng, lại vừa có vẻ đẹp dân dã mà rất đỗi thơ mộng, của đầm sen đưa hương sực nức. Chàng trai tát nước trong cảnh ấy, và vắt áo trên cành hoa sen nào đấy: 
         

Hôm qua tát nước đầu đình 
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen.


     Đây quả là điều phi lý! Bởi cành hoa sen (một cách gọi quen thuộc ở một số địa phương: lên chùa bẻ một cành sen...) mềm mại như vậy, làm sao có thể vắt áo lên được? Đây là nghệ thuật lấy cái không để nói cái có mà ta thường thấy trong văn học, nghệ thuật phương Đông. Cái có chính là chiếc áo vương hương sen thanh cao, để cho ai bắt được, cũng vương chút hương mơ mộng ấy. Nhưng cái có ấy (chiếc áo bỏ quên), chắc chi đã có, mà chỉ là cái cớ vờ vĩnh, được tạo ra như một lý do, để có dịp gặp gỡ ngừời con gái mà thổ lộ tâm tình.

Cái câu hỏi mà chàng trai nêu ra, cũng là câu hỏi bâng quơ, là cách nói ỡm ờ:

 

Có được thì cho anh xin,
Hay là em để làm tin trong nhà?


     Tuy rằng không khẳng định, chỉ là lời ướm hỏi thôi: ''có được'', nhưng lại cứ như thắt buộc ai đó. ''Hay là'', là lời đắn đo dò xét rất ý nhị về một điều khó nói, nhưng cũng là niềm hi vọng, được người con gái giữ làm kỷ vật, làm ''của tin'' cho mối tình. Cái thâm thúy mà mộc mạc của ca dao chính là ở đây.Nếu có chiếc áo thật, cô gái đem ra trả cho chàng trai, thì ôi thôi ! chẳng còn gì để nói nữa. Chính vì không có áo, nên cô gái biết thanh minh thế nào đây? Không trả được áo, là có chuyện rồi!Và đây chính là duyên cớ để chàng trai bám riết. Không cần đợi cô gái trả lời, chàng trai tiếp tục vịn vào chiếc áo để phô bày tình cảnh của mình:

 

Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ con chưa có mẹ già chưa khâu


     Ra thế! Chiếc áo mà anh ta bỏ quên không đẹp đẽ gì, mà chỉ là áo rách. Nhưng không phải là rách rứới. Rách mà vẫn lành. Vì chỉ là sứt chỉ ở nơi kín đáo, nếu không để ý thì không thấy được.Khoe áo rách không phải là mục đích, mà vẫn chỉ là cái cớ tiếp theo được đưa ra để bộc lộ là mình chưa có vợ. Trong nhà chỉ có một mẹ già cần được người chăm sóc thôi.

Quá thể hơn, là:


Áo anh sứt chỉ đã lâu


       Nói chuyện sứt chỉ đã lâu, là nhằm mục đích gì đây ? Sao không sợ cô gái chê là kẻ lười biếng?
      

       Qua đây, ta thấy chàng trai có trí tuệ sâu sắc. Nói điều này là anh ta vừa tự khoe mình, lại vừa đề cao người con gái.Anh không phải là người dễ dãi trong tình cảm đâu. Không phải bất kì ai cũng có thể vá được áo cho anh ta. Người mà anh ta đợi chờ giờ đây mới thấy, mới xứng đáng với tình anh.Đấy chính là người không mang trả áo. Cho nên anh ta buông ra một câu lấp lửng:


Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng

       Sao lại là ''cô ấy'', chứ không phải là em, là cô gái mà anh ta đang đòi trả áo ? Chàng trai này qủa là người sắc sảo đến dễ sợ. Nói lảng ra để tránh đòn, nếu như cô gái không có tình ý gì. Mặt khác, đây cũng là cách thử lòng ai đó. Nếu cô gái có tình ý, nghe nói đến ''cô ấy'' sẽ chạnh lòng, và không giấu được thái độ, thì khi đó ''cô ấy'', không phải là ai khác, ngoài cô em đang đối diện với chàng trai.Vịệc trao tình của chàng trai, đã là một ngệ thuật,và cũng là nghệ thuật tài tình của ca dao.

        Còn những thứ mà chàng trai muốn trao tặng cô gái, thực ra là một lễ cưới trọn vẹn, theo phong tục ngày xưa:

 

Khâu rồi anh sẽ trả công
Đến lúc lấy chồng, anh sẽ giúp cho
    Giúp cho một thúng xôi vò
Một con lợn béo, một vò rượu tăm...


     Như vậy chuyện tát nước đầu đình và chuyện bỏ quên áo, chẳng qua chỉ là sự việc làm nền cho việc bộc lộ tình cảm yêu thương mà thôi. Qua đây cho ta thấy được tâm hồn của cha ông ta vừa lãng mạn, vừa tinh tế, cùng với một trí tuệ vô cùng sắc sảo, mà con cháu hôm nay chưa chắc đã theo kịp.


Trần Thanh Xuân

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: