VỀ VỚI RUỘNG ĐỒNG
Mỏi mê với chốn đông người
Cái nhìn thì mỏng, cái cười thì nông
Thôi ta về với ruộng đồng
Lại gieo tục ngữ, lại trồng dân ca.
Thỏa thuê cùng với cỏ hoa
Thong dong rau mắm, nhẩn nha mùa màng
Tiếng chào mở lối dọn làng
Bát cơm gạo mới thơm sang láng giềng.
Cõi người là chốn thiêng liêng
Quê hương là chốn bình yên đời mình
Bao lời bia đá anh linh
Khói hương thơm suốt nghĩa tình thế gian.
Bến sông ngập ánh trăng vàng
Ta ra cởi bỏ nhọc nhằn,âu lo
Lợi danh một thực, mười hư
Trăm điều khao khát cũng phù sa trôi.
Nắng mưa vun xới tuổi đời
Tình quê bồi đắp vào nơi sâu đằm
Ta về hát khúc trăm năm
Gối lên tiếng ếch mà nằm chiêm bao!..
Trần văn Lợi
Mải bon chen giữa cuộc đời bận rộn, đầy rẫy lo toan, bộn bề ích kỷ, có khi nào, mỗi chúng ta chợt nhớ và thèm được trở về một vùng trời bình yên – một quê hương để thương để nhớ:
Mỏi mê với chốn đông người
Cái nhìn thì mỏng, cái cười thì nông
Cái sự “mỏng”, sự “nông” mà tác giả nói đến phải chăng là thước đo cái quan hệ người – người? Đáng buồn thay, ngay cả những cử chỉ đơn giản nhất để biểu hiện tình người kia lại “mỏng”, lại “nông” đến thế? Thì “thôi ta về với ruộng đồng, lại gieo tục ngữ, lại trồng dân ca”.
Đôi chân bôn ba trên đường đời giờ đã mỏi, đây là lúc trở về. Về với ruộng đồng bao la bát ngát, về với lũy tre làng dày mịt, về với giếng làng trong mát. Nơi đó ta cùng gieo trồng ca dao, tục ngữ. Ôi, vui sướng biết bao nhiêu! Hình ảnh của dòng sữa dân gian mát lành lại được gắn với những động từ “gieo”, “trồng” làm cho ý thơ thêm mộc mạc, quê mùa mà lại thanh bạch, sáng trong. Ở đó, tình quê luôn lai láng:
Thỏa thuê cùng với cỏ hoa,
Thong dong rau mắm, nhẩn nha mùa màng
Tiếng chào mở lối dọn làng
Bát cơm gạo mới thơm sang láng giềng
Thật là một chốn yên bình! Những từ láy “thỏa thuê”, “thong dong”, “nhẩn nha” đã lột tả khá đầy đủ hồn quê sảng khoái, rộng mở, bao dung và phóng khoáng. Điều mà ngày xưa những bậc tài danh đại ẩn đã từng tìm thấy ở những vùng quê đạm bạc nhưng lắm nghĩa tình, nơi “ao cạn vớt bèo cấy muống, đìa thanh phát cỏ ương sen”, nơi mà “thu ăn măng trúc đông ăn giá, xuân tắm hồ sen hạ tắm ao”…
Nói đến quê hương là nói đến những điều giản dị mà thân thương ấy, những cây nhà lá vườn, những “đặc sản” rau mắm, cơm gạo mới… Bình thường lắm nhưng đi xa thì da diết nhớ. Đó không chỉ là vật chất để ngắm nhìn, để hít thở, để nếm ngửi mà còn là những ý niệm thiêng liêng, là cội nguồn tinh thần ẩn náu nơi sâu kín ở mỗi tâm hồn. Hóa ra cái điều tưởng chừng vô cùng trừu tượng là tình yêu quê hương lại hết sức cụ thể, thân thiết và gắn bó với mỗi con người. Lại một định nghĩa mới về quê hương: “Quê hương là chốn bình yên đời mình…”. Đó là chùm khế ngọt, là con diều biếc, là dòng sông quê, là bến đò trăng… Đó là nguyên cớ của bao nỗi nhớ thương khi xa vắng, khao khát trở về khi lầm lạc, thèm được tựa nương khi mệt mỏi với dòng đời thị thành xuôi ngược. Ôi, sao thật thơ thới thảnh thơi. Giọng thơ càng lúc càng như một khúc hát đồng dao vô tư mà nhẹ nhõm:
Bến sông ngập ánh trăng vàng
Ta ra cởi bỏ nhọc nhằn âu lo
Lợi danh một thực mười hư
Trăm điều khao khát cũng phù sa trôi
Nơi dòng sông tuổi thơ đó, giờ đây, kỳ diệu thay lại một lần nữa tắm gội cho ta những nhọc nhằn, những âu lo, những tranh giành bon chen nhỏ nhen, ích kỷ tầm thường… Đưa ta về với tuổi thơ hồn nhiên mà trong sáng. Lợi danh, thắng thua rồi cũng như một giấc chiêm bao đầy hư ảo mà thôi. Cái còn lại trong lòng mỗi người rồi cũng chỉ là cái tình quê ấy - bình dị mà chung thủy lắm thay!
Đoạn thơ cuối cùng là một khúc hát đậm đà tình nghĩa mà tác giả đã dành trọn cho quê hương:
Nắng mưa vun xới tuổi thơ
Tình quê bồi đắp vào nơi sâu đằm
Ta về hát khúc trăm năm
Gối lên tiếng ếch mà nằm chiêm bao
Ôi, đẹp làm sao tình quê và cũng là tình người ấy. Những hình ảnh hết sức thôn dã cùng những động từ quen thuộc đã trở thành những lời có cánh lột tả chân thực nhất tình cảm quê hương. Đó cũng là sự gắn kết tự nhiên giữa con người với ruộng đồng làng xóm bởi một nền tảng vô cùng vững chắc “nắng mưa vun xới”, rồi “tình quê bồi đắp”. Khúc hát dân ca xưa từ đây lại ngân nga, rộn ràng. Vâng, đó chính là “khúc hát trăm năm” ru ta vào giấc ngủ mà ở đó, tiếng ếch bên tai văng vẳng như lời đồng vọng thiết tha đưa đến giấc chiêm bao kỳ diệu – một giấc mơ về một vùng trời bình yên của đời người. Giấc mơ ấy có tiếng gọi đò đầy nuối tiếc để kịp trở lại bến sông ngập ánh trăng vàng, là cánh đồng tuổi thơ ước ao với cánh diều căng gió…
Cảm ơn “Về với ruộng đồng” của Trần Văn Lợi. Cảm ơn tình cảm chân thành ấm áp của tác giả. Cảm ơn một tâm hồn rất đồng quê đã cho tôi một sự hòa điệu, đồng cảm. Bài thơ như một khúc ca dao lục bát ngọt ngào bình dị, thâm tình làm sống dậy trong tôi những hình ảnh quê nhà thân thiết có lúc tưởng chừng như đã phôi pha trong vòng xoáy đô thị hóa. Rồi thời gian sẽ trôi, mọi thứ sẽ đổi thay nhưng với bài thơ rất đẹp này, tôi tin có một thứ sẽ còn vẹn nguyên giá trị. Cuộc sống sẽ hiện đại hơn nhưng tâm hồn và tình cảm của con người xin đừng xơ cứng, những mối quan hệ giữa người với người xin đừng “mỏng”, đừng “nông”. Hãy đọc và yêu bài thơ như tôi đã yêu.
Và còn chờ gì nữa, bạn hãy cùng tôi về với quê xưa, về với ruộng đồng, về với chốn bình yên nhất của đời mình.
Hoàng Hôn ĐH4C1
(Đại học An Giang)
Nguyễn Khánh Thuận - nguyen.khanhthuan@yahoo.com.vn - - Nam Định
(Ngày 3/04/2010 05:32:36 PM)
Quê hương là máu thịt của đời ta, gắn bó với ta tha thiết mà ai cũng nhớ cũng thương với biết bao nét đẹp truyền thống vốn có, nhưng quê hương không nhất thiết chỉ bó hẹp trong phạm vi làng quê, đồng ruộng. Ngày nay, ký ức làng quê, đồng ruộng, bờ đê, giếng nước… đối với nhiều người chỉ còn là trong tâm tưởng và đó chính là nỗi khát khao, nuối tiếc của tác giả thơ đã từng gắn bó với làng quê (quê hương của tác giả theo nghĩa hẹp), trước thực tại cuộc sống hiện đại bây giờ có nhiều điều trăn trở quá.
Với cuộc sống mưu sinh hiện nay, khi đã ra đi khỏi làng quê thử hỏi có mấy ai muốn quay trở về với ruộng đồng, bến sông, giếng nước để « gối lên tiếng ếch » đây, có chăng chỉ là cuộc hành hương một phút, một chốc mà thôi, hoặc chỉ là lúc ta đã nghỉ ngơi dưỡng sức, hoặc khi ta đã chán chường bước thấp bước cao. Cái tình của bài thơ là ở đó, làng quê không ràng buộc con người phải quanh năm sốt tháng ở với làng quê, nhưng làng quê luôn nâng cánh dắt chúng ta đi và khi ta đã chồn chân , mỏi gối thì làng quê lại là nơi ấp ủ tâm hồn ta, nuôi dưỡng, che chở cho ta dù chỉ là trong trí tưởng. Không biết tác giả bài viết này có trở về với làng quê không, nhưng nghe lời kêu gọi cuối bài viết thấy còn khiên cưỡng lắm: "Và còn chờ gì nữa, bạn hãy cùng tôi về với quê xưa, về với ruộng đồng, về với chốn bình yên nhất của đời mình". |